Khái niệm thanh khoản và rủi ro thanh khoản trong kinh doanh NHTM

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ: Quản trị rủi ro thanh khoản tại Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt nam (Eximbank) (Trang 28)

Khái niệm thanh khoản:

Trong tài chính, thuật ngữ “thanh khoản” được sử dụng trong nhiều phạm vi khác nhau. Dưới góc độ tài sản, thanh khoản là khả năng chuyển đổi tài sản thành tiền mặt một cách dễ dàng và nhanh chóng với chi phí hợp lí. Dưới góc độ doanh nghiệp nói chung, thanh khoản là lượng tiền và tương đương tiền mà doanh nghiệp sở hữu. Nhưng thuật ngữ này khi được sử dụng dưới góc độ quản trị ngân hàng lại được hiểu là “khả năng của ngân hàng tìm kiếm, sử dụng các nguồn tiền để đáp ứng các nhu cầu thanh toán, chi trả hoặc cấp tín dụng cho khách hàng trong thời kì cụ thể.”

Khái niệm rủi ro thanh khoản:

Trong hoạt động kinh doanh ngân hàng, một ngân hàng được xem là có khả năng thanh khoản tốt nếu như nó có thể có được những khoản vốn khả dụng với chi phí thấp đúng tại thời điểm ngân hàng có nhu cầu. Điều này gợi ý rằng, ngân hàng có khả năng thanh khoản tốt khi ngân hàng có trong tay một lượng vốn khả dụng với quy mô hợp lý hoặc ngân hàng có thể nhanh chóng huy động vốn thông qua con đường vay nợ hay bán tài sản. Nếu một NHTM mất khả năng đáp ứng các nhu cầu tiền mặt thì có thể nói NHTM đã rơi vào tình trạng khó khăn thanh toán. Khả năng thanh toán không hợp lý là dấu hiệu đầu tiên cho thấy ngân hàng dang trong tình trạng có vấn đề về tài chính. Ngân hàng không dự trữ đủ tiền để đáp ứng nhu cầu rút tiền gửi của khách hàng là một loại rủi ro đặc trưng và phổ biến của các ngân hàng thương mại - loại rủi ro này được gọi là rủi ro thanh khoản (RRTK).

Đến nay khi nghiên cứu về thanh khoản, đã có nhiều quan điểm khác nhau về RRTK. Theo tác giả cuốn sách Commercial banking – the management of risk, Benton E.Gup thì: Rủi ro thanh khoản là rủi ro về tổn thất phát sinh từ trạng thái

thiếu hụt tiền mặt hoặc tài sản tương đương tiền, hay đặc biệt hơn là rủi ro về tổn thất phát sinh từ trạng thái thiếu khả năng thu xếp được nguồn tài trợ với mức độ hợp lý về chi phí, bán hay thu xếp một tài sản với mức giá hợp lý, nhằm trang trải một nghĩa vụ đã được dự định hoặc bất định.

Theo tác giả cuốn sách Quản trị rủi ro trong kinh doanh ngân hàng, Nguyễn Văn Tiến thì: “Rủi ro thanh khoản là khả năng ngân hàng không đáp ứng được các nghĩa vụ tài chính một cách tức thời hoặc phải huy động vốn bổ sung với chi phí cao hoặc phải bán tài sản với giá trị thấp”.

Như vậy rủi ro thanh khoản có các nội dung sau:

Thiếu ngân quỹ để đáp ứng nhu cầu chi trả cho người gửi tiền, thanh toán các khoản nợ đến hạn mà ngân hàng đã vay, như các trái phiếu và các khoản vay của các định chế tài chính khác mà đến hạn thanh toán. Ngoài ra, thiếu ngân quỹ để giải ngân cho các hợp đồng tín dụng đã thỏa thuận cũng là nội dung của rủi ro thanh khoản. Thiếu ngân quỹ ở đây có thể là thiếu dự trữ tại ngân hàng, hoặc không thể huy động nguồn ngan quỹ từ bên ngoài để đáp ứng nhu cầu thanh khoản ngay lập tức.

Sự thiếu hụt ngân quỹ để đáp ứng nhu cầu của các bên đối tác sẽ dẫn đến tổn thất cho ngân hàng, như giảm thu nhập, giảm giá thị trường của vốn. Khi thiếu khả năng chi trả sẽ làm cho ngân hàng mất uy tín trên thị trường, huy động vốn và cho vay của ngân hàng sẽ khó khăn và tất yếu sẽ dẫn đến giảm khả năng sinh lời.

Có nhiều ý kiến khác nhau về rủi ro thanh khoản, nhưng có thể tổng hợp lại và nhìn từ góc độ NHTM, có thể hiểu: Rủi ro thanh khoản là rủi ro phát sinh từ trạng thái mà NHTM không có được đủ vốn khả dụng – cung thanh khoản vào thời điểm mà NHTM cần để đáp ứng cầu thanh khoản, trạng thái này tác động xấu tới uy tín, thu nhập và khả năng thanh toán cuối cùng của NHTM.

RRTK không phải là rủi ro đơn lẻ (isolated risk) như rủi ro thị trường hay rủi ro tín dụng mà là loại rủi ro mang tính hệ quả (consequential risk) bởi lẽ ngoài các nguyên nhân mang tính đặc thù, RRTK còn có thể bắt nguồn và chuyển biến xấu dưới tác động của các rủi ro phi tài chính và rủi ro tài chính khác trong hoạt động của ngân hàng.

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ: Quản trị rủi ro thanh khoản tại Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt nam (Eximbank) (Trang 28)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(114 trang)
w