Xây dựng chính sách giá cả căn cứ vào các yếu tố :
Lợi nhuận: NHNo mới thâm nhập vào thị trường thẻ, do đó mục tiêu hàng đầu là thu hút khách hàng nên ban đầu cần đưa ra mức giá thấp để có thể cạnh tranh. Tuy nhiên không nên đặt mức giá quá thấp vì phải tính đến rủi ro tín dụng trong trường hợp khách hàng không thanh toán và phải phân bổ các quỹ đối với ngân hàng. Lợi nhuận từ thẻ bao gồm: các loại phí ( phí phát hành thẻ, các loại phí dịch vụ như đổi mã pin, phí rút tiền mặt, phí thanh toán trễ hạn, phí thường niên, …), lãi cho vay thẻ tín dụng.
Chi phí của kinh doanh thẻ gồm: Chi phí cho đầu tư máy móc, thiết bị và phần mềm ứng dụng, bảo hành bảo trì, vật tư ( thẻ trắng, giấy in…), Marketing, quảng cáo…Giá của sản phẩm tối thiểu phải bù đắp đủ các chi phí phát sinh. Vì vậy, việc định giá sản phẩm dịch vụ của ngân hàng thường hướng tới việc xác định tổng chi phí, tổng thu nhập hơn là xác định chi phí cho từng sản phẩm dịch vụ.
Rủi ro ngân hàng: Rủi ro thực chất là một loại chi phí tiềm ẩn. Khi rủi ro phát sinh, nó trở thành các khoản chi phí thực mà ngân hàng phải bù đắp trong quá trình hoạt động. Do vậy, định giá cho các loại sản phẩm dịch vụ phải tính đến yếu tố
rủi ro. Đối với sản phẩm có rủi ro cao, ngân hàng thường phải định một mức giá cao hơn và ngược lại. Một số rủi ro cần quan tâm gồm: Rủi ro về giả mạo, gian lận thẻ; Khách hàng không trả được nợ; Cán bộ không trung thành; Giao dịch qua mạng…
Giá cả của đối thủ cạnh tranh: Việc xác định giá dịch vụ là rất quan trọng, đây là nhân tố ảnh hưởng lớn tới năng lực cạnh tranh của ngân hàng. Nếu mức giá của NHNo thấp hơn so với các ngân hàng khác thì khả năng thu hút khách hàng cao hơn. Tuy nhiên, nếu giá của NHNo cao trong khi chất lượng không có gì nổi trội, sự hấp dẫn của sản phẩm dịch vụ lại thấp hơn thì chăc chắn sẽ có nhiều khách hàng chuyển sang sử dụng sản phẩm dịch vụ của ngân hàng khác có giá cạnh tranh hơn.