TRƯỜNG THẺ THANH TOÁN TẠI VIỆT NAM
1.4.1 Thuận lợi của hoạt động triển khai thẻ thanh toán
Ở nước ta hiện nay, dịch vụ thẻ thanh toán nói riêng cũng như dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) nói chung đang có rất nhiều điểm thuận lợi để phát triển mạnh mẽ:
- Thực tế cho thấy đối tượng phát hành thẻ của các ngân hàng chủ yếu là trong độ tuổi lao động và cư dân đô thị. Trong khi đó, đất nước ta lại có dân số rất trẻ, số người trong độ tuổi lao động chiếm gần 50 triệu người và thu nhập bình quân ngày càng. Cùng với quá trình đô thị hoá nền kinh tế thì tầng lớp trung lưu, đặc biệt là cư dân đô thị tăng lên đáng kể. Đây là đối tượng rất tiềm năng cho việc triển khai các dịch vụ ngân hàng hiện đại như thẻ tín dụng, thẻ thông minh…
- Trong thời gian gần đây, Chính phủ và NHNN cũng có những chính sách tác động tích cực đến việc mở rộng và triển khai hoạt động TTKDTM, đặc biệt là hoạt động thẻ thanh toán. Cụ thể có hai chính sách được đánh giá cao như Quyết định số 291/2006/QĐ-TTg ngày 29/12/2006 của Thủ tưởng Chính phủ về việc phê duyệt đề án “Thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2006-2010 và định hướng đến năm 2020” và Chỉ thị số 20/2007/CT-TTg ngày 24/8/2007 về việc trả lương qua tài khoản cho các đối tượng hưởng lương NSNN, chỉ thị 20/2007/CT-TTg này được hướng dẫn thực hiện bằng chỉ thị số 05/2007/CT-NHNN ngày 11/10/2007 của Ngân hàng Nhà nước đã góp phần hỗ trợ đáng kể cho các ngân hàng trong việc đẩy mạnh hoạt động trả lương qua tài khoản tại các NHTM.
- Hiện nay, sản phẩm thẻ thanh toán và dịch vụ đại lý thanh toán thẻ được hầu hết các ngân hàng quan tâm phát triển. Hầu hết các ngân hàng, kể cả nội địa và 100% vốn nước ngoài, đều coi thị trường thẻ là sản phẩm chủ lực, cốt lõi trong dịch vụ ngân hàng bán lẻ.
- Sự quan tâm, hưởng ứng của các đơn vị, cơ quan và người dân đối với dịch vụ thẻ đã có sự gia tăng và cải thiện rất đáng kể. Sản phẩm thẻ ngày càng được bình dân hoá và đang dần trở thành công cụ thanh toán quen thuộc của nhiều người dân.