- Trong đời sống kinh tế - xã hội của bất kỳ một quốc gia nào, kể cả những nước phát triển, tiền mặt vẫn là phương tiện thanh toán không thể thiếu. Tuy nhiên, tùy theo mức độ phát triển về công nghệ, thị trường, đặc biệt là thị trường tài chính mà nhu cầu và mức độ sử dụng tiền mặt trong thanh toán ở các nước có sự khác nhau. Đối với Việt Nam thì việc sử dụng tiền mặt còn tồn tại khá phổ biến. Vì vậy, Chính phủ cần thiết phải tạo ra những điều kiện thuận lợi để khuyến khích người dân sử dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, đặc biệt là dịch vụ thẻ. Chính phủ và Nhà nước cần có những chính sách về cung tiền, tăng cường quản lý tiền mặt trong lưu thông. Có các quy định ưu đãi đối với thanh toán không dùng tiền mặt, nâng phí sử dụng tiền mặt.
- Bên cạnh đó, Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để người dân “thích chi trả” phi tiền mặt thông qua thẻ ngân hàng. Ở hầu hết các mặt hàng trong nền kinh tế, chính phủ thường xuyên khuyến khích tiêu dùng thông qua những chính sách ưu đãi nhất định. Chẳng hạn khuyến khích những ngân hàng đầu tư dịch vụ thẻ thông qua chính sách giảm thuế. Đối với thanh toán thẻ hiện nay Chính phủ đánh thuế GTGT 10%. Mức thuế này dường như không hợp lý, bởi đây là dịch vụ mới, chi phí cho hoạt động thanh toán thẻ rất tốn kém, vì thế giá thành dịch vụ này cũng đã rất cao. Nếu Chính phủ tiếp tục giữ mức thuế cao như vậy thì khó có thể khuyến khích được người dân trong nước sử dụng loại hình dịch vụ này. Vì thế, Chính phủ nên có chính sách thuế thỏa đáng hơn đối với mặt hàng thẻ, tốt nhất nên hạ xuống còn khoảng 5%, điều này tạo cơ hội cho các ngân hàng thực hiện việc giảm giá thành dịch vụ thẻ, đẩy nhanh tốc độ phát triển thẻ ngân hàng tại Việt Nam. Hoặc khuyến khích các doanh nghiệp, cửa hàng...có điều kiện đầu tư cho việc chi trả ít dùng tiền mặt như quy định người thanh toán thẻ được giảm 10-20% thuế GTGT. Như vậy, các doanh nghiệp, cửa hàng...có thể có thêm khả năng bán giảm giá, thu hút thêm khách hàng nếu làm tốt các dịch vụ cho việc thanh toán bằng thẻ.
- Hoàn thành chương trình trả lương qua tài khoản thẻ cho các cán bộ nhân viên, công nhân lao động.
- Chính phủ cần sớm ban hành và áp dụng các chính sách hỗ trợ tài chính như miễn, giảm thuế đối với phần doanh thu phát sinh từ hoạt động thanh toán thẻ, khấu trừ thuế thu nhập cá nhân đối với phần chi tiêu của cá nhân phát sinh từ hoạt động thanh toán bằng thẻ,… từ đó sẽ tạo điều kiện, thúc đẩy thị trường thẻ tại Việt Nam phát triển.