Xung đột môi trường giữa hoạt động làm nghề với mỹ quan,

Một phần của tài liệu Giải pháp chính sách hạn chế ô nhiễm môi trường trên cơ sở nhận diện xung đột môi trường tại làng nghề chế tác đá mỹ nghệ xã Ninh Vân, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình (Trang 66)

9. Kết cấu luận văn

2.3.2.Xung đột môi trường giữa hoạt động làm nghề với mỹ quan,

văn hoá làng nghề

Đây là dạng xung đột diễn ra theo đánh giá của người dân là khá cao (chiếm 32,7%), nó ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống thường nhật của người dân, làm mất mỹ quan văn hoá và hình ảnh của làng đá mỹ nghệ.

Đặc thù của nghề đá mỹ nghệ là cần bãi đất rộng để có thể sản xuất và cần có chỗ để nguyên vật liệu và sản phẩm vì vậy các cơ sở sản xuất có xu hướng lấn chiếm đất công. Chính điều này đã làm ảnh hưởng đến mỹ quan của làng và ảnh hưởng đến hoạt động lưu thông giao thông trên các đường làng ngõ xóm. Đặc biệt là trong khu quy hoạch làng nghề thì sự lấn chiếm, lộn xộn thể hiện rõ hơn vì ở đây ít dân cư sinh sống nên những hộ gia đình sản xuất đã chuyển ra có xu hướng lấn chiếm đất để nguyên vật liệu và các vật liệu thừa. Các tảng đá đã được xẻ gọn gàng được để bất cứ đâu dù là bên lề đường hoặc trong những lùm cây, trong sân nhà làm sao để tiện cho việc lấy để chế tác. Trong năm 2013, trong đợt kiểm tra về an toàn vệ sinh lao động của Sở Lao động – TBXH tỉnh tại 20 cơ sở sản xuất thì hầu hết các cơ sở đều trong tình trạng đường đi lối lại trong cơ sở rất lộn xộn, không bằng phẳng, ngổn ngang phôi liệu, sản phẩm gây đi lại khó khăn và đôi khi rất nguy hiểm cho công nhân cũng như cho người dân.

Theo một người dân sống ở thôn Dưỡng Thượng cho biết: Đường Đài Loan là đoạn đường có lưu lượng xe vận tải lớn nhất, thường xuyên cuốn khói bụi và cày đường làm cho con đường này lúc nào cũng trở nên lạo xạo. Tất cả các ngôi nhà hai bên đường đều được phủ một lớp bụi trắng.

“…Lâu lâu tôi mới về quê, đợt vừa rồi về tôi không nghĩ làng mình lại

thay đổi đến thế nhìn con đường bị cày nát, hai bên lề đường thì nhiều bụi và vỉa đá, nhìn đâu cũng thấy những viên đá từ viên to đến những tảng đá, từ lề đường đến bờ ruộng… phải chăng cả làng đến giờ đã trở thành một công trường sản xuất đá chứ không phải là của các cơ sở nữa..” [Nữ - 66 tuổi - ở xa].

Cũng theo đồng chí trong Ban quản lý làng nghề cho biết việc lấn chiếm lề đường và các mảnh đất công đang là tình trạng phổ biến trong làng đá, có nhiều ý kiến đã phản ánh và nhiều lần chính quyền xã, thôn, ban quản lý làng nghề đã trực tiếp đi giải toả yêu cầu các chủ cơ sở sản xuất tuân thủ quy định của xã, làng tuy nhiên việc chấp hành cũng chỉ mang tính chất đối phó của các chủ doanh nghiệp, nên kiểm tra được mấy hôm, sau đó đâu lại vào đó. Theo Báo cáo tình hình sản xuất của làng nghề đá trong đợt kiểm tra đo đạc đã lập biên bản ký cam kết xác nhận tại thực địa 102 hộ lấn chiếm đất công, lấn chiếm lòng lề đường giao thông để sản xuất chủ yếu ở 4 thôn Xuân Phúc, Xuân Thành, Đồng Quan và thôn Thượng. Chính quyền xã/ thôn đã giải toả và vận động nhân dân tự giác tháo dỡ vật liệu trả lại mặt bằng vị trí đất lấn chiếm cho Nhà nước.

Tuy nhiên theo quan sát và phỏng vấn sâu nhiều gia đình cho thấy hiện nay tình trạng lấn chiếm vẫn tồn tại và có xu hướng không giảm. Ngoài ra còn có nhiều trường hợp cơ sở sản xuất và một số hộ gia đình có ruộng sát cơ sở sản xuất đã hoán đổi về mặt nào đó để chủ cơ sở sản xuất lấn dần vào đất ruộng theo hình thức “lấn ruộng ngày một” nghĩa là sản xuất gần ruộng bụi và vỉa đá xuống ruộng thì không cấy được nên hộ lấn dần lấn dần. Do có sự thoả

hiệp giữa hai bên nên chính quyền đôi khi biết sự việc nhưng cũng không giải quyết.

Về đến làng nghề hình ảnh những tấm bạt đã bạc màu và rách nát căng lên ở mọi nơi mà người thợ đá làm sẽ khiến cho người quan sát “liên tưởng” đến sự nhếch nhác và coi thường sức khoẻ, an toàn cho người lao động, những hình ảnh này làm xấu đi hình ảnh một làng nghề. 14/20 cơ sở được kiểm tra năm 2013 không có nhà xưởng, bạt căng hoặc có bạt chỉ là những tấm bạt rách nát, diện tích quá nhỏ. Đó cũng chính là một trong những nguyên nhân tạo nên xung đột giữa hoạt động làm nghề với mỹ quan, văn hóa làng nghề.

Như vậy có thể thấy vẫn tồn tại xung đột môi trường do hoạt động sản xuất nghề với mỹ quan, văn hoá của làng nghề. Xung đột này xảy ra kéo theo mâu thuẫn giữa những người dân làng nghề với nhau hoặc giữa người dân với bộ máy quản lý môi trường của xã hoặc thôn.

Một phần của tài liệu Giải pháp chính sách hạn chế ô nhiễm môi trường trên cơ sở nhận diện xung đột môi trường tại làng nghề chế tác đá mỹ nghệ xã Ninh Vân, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình (Trang 66)