5. Cấu trúc luận văn
3.2.3.2. Nhịp điệu trần thuật trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên khi nghiên cứu về các nhà văn đương đại đã cho rằng: “Họ, những cây bút trẻ này còn đẩy nhanh tốc độ vận động của truyện bằng nhịp điệu câu, bằng sự lướt qua các chi tiết, bằng chăm chú về đích”. Truyện ngắn của họ thật sự đang chủ về nhịp điệu câu văn nên tốc độ nhanh, gấp, nhiều câu ngắn, nhiều điệp ngữ. Nhà phê bình Văn Giá còn cho rằng truyện ngắn của 8X “lắm khi ào ạt, xô đẩy, thậm chí giật cục, đập vỡ cấu trúc ngữ pháp thông thường. Nhưng họ lại không dụng công nhiều vào chữ. Ở cực này hoàn toàn là những từ ngữ trần sì, trắng trợn, mang tính khẩu ngữ, tính báo chí, nghĩa của chữ trắng phớ ra hết”. Đó là xu hướng nhịp điệu
chính trong truyện ngắn thời kì Đổi mới mà văn Nguyễn Huy Thiệp cũng không nằm ngoài trào lưu ấy. Nhịp điệu trần thuật của Nguyễn Huy Thiệp thường nhanh, ngắn, gấp gáp. Nhịp điệu này một chuỗi những câu văn ngắn, súc tích. Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy mô hình câu văn quen thuộc trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp là câu văn kể ngắn gọn, trần trụi, bảo đảm tính khách quan tối đa cho ngôn ngữ trần thuật. Lối trần thuật này dường như tuân thủ nguyên tắc “miễn bình luận” và “miễn bào chữa”. Nhà văn cố ý giới hạn ngôn ngữ ở mức mô tả sự vật, sự việc. Ông chú ý đến tính đối thoại "một chạm", tước bỏ màu sắc cảm xúc trong đối thoại, buộc các lời thoại ấy soi vào
nhau, bộc lộ nhau. Ví dụ trong truyện ngắn Tướng về hưu: “Đám cưới ngoại
ô lố lăng và khá dung tục. Ba ô tô. Thuốc lá đầu lọc nhưng gần cuối tiệc hết sạch, phải thay bằng thuốc lá cuốn. Năm mươi mâm cỗ nhưng ế mươi hai. Chàng rể mặc complê đen, cravat đỏ. Tôi phải cho mượn chiếc cravat đẹp nhất tủ ảo. Nói là mượn chắc gì đòi được…”. Không chỉ có vậy, lời thoại của nhân vật cũng rời rạc, vô âm sắc, trung hòa về cảm xúc theo kiểu: “Cha tôi hỏi: “Nghỉ rồi, cha làm gì”. Tôi bảo: “Viết hồi kí”. Cha tôi bảo: “Không”. Vợ tôi bảo: “Cha nuôi vẹt xem. Trên phố dạo này nhiều người nuôi chim họa mi, chim vẹt”. Cha tôi bảo: “Kiếm tiền à?” Vợ tôi không trả lời. Cha tôi bảo: “Để xem đã”… Hay một đoạn khác: "Hai bố con Lâm đi cày về. Bố Lâm hỏi: "Trưa rồi, mấy bà cháu chưa nấu cơm à?". Cái Khanh trong bếp bảo: "Con đang nấu". Bố Lâm lên nhà, ông rót nước ra bát mời tôi. Ông bảo: "Không đi đâu à? Cứ nghe bà lão nhà tôi chuyện trò rồi cậu phát điên có ngày". Bà Lâm bảo: "Phải tôi ngu ngốc". Bố Lâm bảo: "Không ngu nhưng ác". Bà Lâm bảo: "Ác tâm mới sợ chứ ác khẩu có gì mà sợ". Bố Lâm bảo: "Trẻ nhỏ như giếng nước trong, bà cứ thả toàn những ba ba với thuồng luồng vào, kinh cả người". Bà Lâm nói dỗi: "Thôi con ạ, mẹ mười đốt thì tám đốt là quỷ, đốt rưỡi là ma, có nửa đốt là người. Nghe được tí nào thì nghe, không cứ bỏ ngoài tai"
(Những bài học nông thôn). Nhịp điệu của lời đối thoại gọn, nhanh, không
cần bất cứ sự che chắn, trợ giúp ngoài ngôn ngữ nào. Lời dẫn truyện cũng bị gọt tỉa đến mức tối đa. Điều đó tạo nên hiệu quả thẩm mĩ tích cực. Sự dồn nén thông tin như vậy đem đến cho câu văn của Nguyễn Huy Thiệp những khoảng lặng, khoảng mở cần thiết để người đọc tự do suy tưởng và tưởng tượng. Những câu văn dài xuất hiện chẳng qua là sự chắp nối của những đoản ngữ cô đặc ngắn gọn, được ghép lại liền mạch với một nhịp điệu dồn đập như chính nhịp chảy sôi động, gấp gáp của cuộc sống hiện đại.
Tiểu kết
Trần thuật là một phương diện cơ bản của tự sự, bao gồm rất nhiều vấn đề liên quan đến tổ chức và cấu trúc một văn bản. Khảo sát truyện ngắn Đỗ Chu và Nguyễn Huy Thiệp, luận văn bước đầu ghi nhận một số xu hướng đổi mới nghệ thuật trần thuật như hiện tượng phân rã cốt truyện; ngôn ngữ trần thuật giàu chất hiện thực đời thường; nhịp điệu trần thuật nhanh, tính thông tin cao; truyện ngắn vận dụng nhiều hình thức trần thuật, trong đó tính chất phức điệu của giọng trần thuật biểu hiện ở sự pha trộn các lời nói khác nhau là một trong nguyên nhân dẫn đến tính đa thanh, phức điệu của các giọng trần thuật… Khám phá truyện ngắn Đỗ Chu và Nguyễn Huy Thiệp từ phương diện nghệ thuật, độc giả đã nhận diện được hai phong cách độc đáo, góp phần làm nên diện mạo của truyện ngắn Việt Nam đa dạng, nhiều vẻ. Các tác giả viết truyện ngắn trong thời kỳ Đổi mới đã thổi vào truyện ngắn một luồng gió mới, trần trụi hơn, thật hơn, đời hơn. Cấu trúc truyện ngắn của họ không chỉ là mặt phẳng, mà đã có cái gì như thể không gian đa chiều.
Sự đổi mới của nghệ thuật viết truyện ngắn ấy cũng xuất phát từ con đường mở cửa với các nền văn hóa trên thế giới của nước ta. Đây là một điều kiện thuận lợi để nền văn học dân tộc tiếp thu những tinh hoa thế giới, tiến lên nhịp bước với những nền văn học hiện đại của nhân loại. Những phương diện
nghệ thuật mới mẻ trong truyện ngắn Đỗ Chu sau năm 1975 và đặc biệt là của Nguyễn Huy Thiệp là kết quả của sự đổi mới tư duy nghệ thuật và quá trình tiếp thu chọn lọc ấy và đó cũng là công cụ độc đáo giúp mỗi nhà văn đem đến cho độc giả những thông điệp về cuộc sống và con người. Đây là những tín hiệu đáng mừng của một nền văn học đang hướng đến những tiêu chí mới hiện đại, giao lưu và hội nhập.
KẾT LUẬN
Mặc dù thuật ngữ truyện ngắn ra đời muộn (khoảng cuối thế kỷ XIX) nhưng bản thân truyện ngắn đã xuất hiện và tồn tại ngay từ khi con người biết sáng tác văn chương. Trải qua hàng ngàn năm với bao biến cố thăng trầm của thể loại, ngày nay truyện ngắn đã chiếm lĩnh được vị trí quan trọng trên văn đàn trong kỉ nguyên hiện đại, hậu hiện đại. Truyện ngắn đã hàm chứa cái thú vị của những điều sâu sắc trong một hình thức nhỏ, gọn và đầy truyền cảm, truyền dẫn cực nhanh những thông tin.
Lịch sử phát triển của nền văn học hiện đại và đương đại Việt Nam gắn liền với truyện ngắn. Ở Việt Nam, truyện ngắn gần như đã độc chiếm văn đàn, hằng ngày trên các báo và các tạp chí có trên dưới hai mươi truyện ngắn được in. Truyện ngắn đang là thể loại được các cây bút quan tâm, nỗ lực cách tân bậc nhất. Đã gần nữa thế kỷ trôi qua, văn học từ sau 1975 đã được đánh thức và thoát ra khỏi dần sự ám ảnh chiến tranh. Đây là thời kì mở cửa, cởi trói cho giới văn nghệ sỹ trong việc tìm tòi sáng tạo và tư duy. Đó chính là một “cú hích” mạnh mẽ tạo nên một phản ứng dây chuyền, có tác dụng “kích nổ” sự phát triển của thể loại truyện ngắn hiện đại.
Lại Nguyên Ân có viết: "Nghĩ ra được cả một chiến lược đổi mới tư duy (...) việc khó, hầu như quá sức chúng tôi. Thiết thực nhất xem đây là cả một quá trình..." [20]. Đổi mới là một quá trình trong đó mỗi người cầm bút đều phải vượt lên quá khứ của mình, nhìn lại những sai lầm, vấp váp và tích cực đi tìm con đường mới. Từ Đỗ Chu đến Nguyễn Huy Thiệp, người đọc đã phần nào thấy được quá trình đổi mới ấy của truyện ngắn Viết Nam. Sự vận động của truyện ngắn Việt Nam qua hai hiện tượng Đỗ Chu và Nguyễn Huy Thiệp là “hai cái mốc đánh dấu hai thời kỳ văn học nước ta, bằng hai tài năng trẻ cùng viết truyện ngắn: Đỗ Chu là người thể hiện chất thơ của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, còn
Nguyễn Huy Thiệp thì thể hiện chất văn xuôi phàm tục và chất bi hài của chủ nghĩa xã hội hiển lộ ra từ thời kỳ đổi mới” (Nguyễn Đăng Mạnh) [12].
Có người đã từng định nghĩa rằng: lịch sử văn học là lịch sử của sự tiếp nối của những phong cách nghệ thuật. Đúng vậy, bản chất của văn học nghệ thuật là sự sáng tạo, một sự sáng tạo miệt mài, không ngừng nghỉ. Nếu các nhà khoa học lấy mục đích cuối cùng của việc nghiên cứu là nhằm đạt đến chân lí khách quan được biểu thị một cách cụ thể qua những định lí, định luật mang tính khuôn mẫu, là nguyên tắc chung thì người nghệ sĩ phải tìm trong hiện thực cuộc sống bộn bề những vấn đề cá biệt mang tính bản chất, phản ánh vào trong tác phẩm thông qua những hình tượng nghệ thuật độc đáo. Đỗ Chu và Nguyễn Huy Thiệp với tư duy nghệ thuật và cá tính khác nhau đã mang hai phong cách nghệ thuật độc đáo riêng. Đỗ Chu và Nguyễn Huy Thiệp, một đằng là cái tinh tế, mượt mà, giàu chất thơ, lãng mạn, thậm chí có thể gọi là “đóa hoa hiền nõn nà của một mùa xuân non dại và ngây thơ”; một đằng là sự cô đặc của một kiếp người, một thời đại lịch sử với những bi kịch con người và lịch sử dữ dội ác liệt. Qua hai hiện tượng truyện ngắn này, độc giả đã phác thảo được biểu đồ lịch sử văn học Việt Nam nói chung và sự vận động của truyện ngắn Việt Nam hiện đại nói riêng. Nhìn tổng thể, sự vận động của truyện ngắn sau 1975 đã diễn ra giống như một cuộc nhận đường toàn diện và sâu sắc: từ ý thức nghệ thuật đến hành vi sáng tạo, từ tư tưởng đến thi pháp. Sự vận động ấy hướng mạnh mẽ đến những nỗ lực cách tân nhằm đổi mới thể loại truyện ngắn. Và việc nghiên cứu, giải mã sự vận động của truyện ngắn bằng cách đối chiếu, so sánh hai hiện tượng truyện ngắn tiêu biểu, điển hình ở hai thời kì khác nhau như Đỗ Chu và Nguyễn Huy Thiệp là một hướng nghiên cứu mới, phù hợp với xu hướng phê bình văn học hiện đại hiện nay. Nó góp phần tạo nên một góc nhìn mới về thể loại truyện ngắn, truyện ngắn Đỗ Chu, truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp đặt trong cách nhìn lịch đại và đồng đại.
Trước hết, sự thay đổi trong chiếm lĩnh hiện thực khách quan và quan niệm nghệ thuật về con người là một bước chuyển quan trọng cho truyện ngắn. Từ năm 1945 đến năm 1975, những nhiệm vụ lịch sử đặt văn học vào quỹ đạo hiện thực chủ nghĩa, vì vậy một mô hình văn học nói chung và truyện ngắn nói riêng đặc thù của giai đoạn này là những tác phẩm mang tinh thần sử thi, diễn đạt kinh nghiệm cộng đồng. Nhưng sau năm 1975, đất nước trở lại quỹ đạo hòa bình và đổi mới, hội nhập mở ra những tiền đề quan trọng cho truyện ngắn vận động. Giai đoạn này, truyện ngắn vừa mở rộng đề tài vừa cố cưỡng lại “từ trường” của khuynh hướng sử thi để gia tăng chất đời tư và thế sự. Con người trong truyện ngắn thời kì này không còn nhất phiến, đơn trị mà đa trị phân mảnh. Không phải sự kiện lịch sử mà chính con người với số phận cá nhân của nó đã đóng vai trò chi phối cấu trúc truyện ngắn. Truyện ngắn thời kì đổi mới đã nhanh nhạy trong cách tiếp cận và phản ánh cuộc sống con người dưới cái nhìn đa chiều kích. Để đi sâu, mở rộng sự chiếm lĩnh hiện thực và con người, nghệ thuật tự sự của truyện ngắn Đỗ Chu và Nguyễn Huy Thiệp đã chuyển từ ngôn ngữ đơn giọng sang ngôn ngữ đối thoại, đa thanh, có sự tác động, hòa trộn giữa ngôn ngữ tác giả, ngôn ngữ người kể, ngôn ngữ nhân vật. Đặc biệt do dung lượng ngắn nên ngôn ngữ truyện ngắn cô động, dồn nén, kiệm lời hơn. Hơn nữa, truyện ngắn thời kỳ đổi mới thường không kết thúc có hậu, nhà văn đã tạo ra các kiểu kết thúc mới như: cái kết để ngõ, cái kết đối nghịch, kết thúc có nhiều đoạn kết… làm cho truyện hấp dẫn hơn. Những yếu tố nghệ thuật trên xuất hiện với mật độ tăng dần từ trong sáng tác của Đỗ Chu sau năm 1975 đến các truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp để từ đó giúp các nhà văn có thêm những “kênh” mới để khám phá và tìm hiểu đời sống cũng như bản chất con người theo những cách thức của riêng mình.
Từ hai hiện tượng văn học Đỗ Chu và Nguyễn Huy Thiệp, độc giả có thể thấy được sự vận động của truyện ngắn Việt Nam trước và sau thời kỳ
đổi mới. Sự vận động ấy có thể coi là một tiến bộ văn học. Cần hiểu rằng tiến bộ văn học có sự độc đáo, khác biệt. Khác với các lĩnh vực khoa học tự nhiên, tiến bộ văn học không phải bao giờ cái có sau cũng hơn cái có trước và cái có trước còn có giá trị đến mai sau nữa. Chính bởi vậy mà C. Mác cho rằng: Thần thoại và sử thi Hy Lạp là những tác phẩm không thể bắt chước, một đi
không trở lại. Truyện Kiều mãi là “tâm sự của con người không chia lìa mà da
thời đại” và Nguyễn Du mãi là “bậc kỳ tài đời nay không sánh kịp”. Sự tiến bộ văn học có thể được hiểu là sự vận động, thay đổi theo hướng khác trước để phù hợp với yêu cầu, đòi hỏi và thực tiễn cuộc sống, thực tiễn văn học cũng như tư duy của nhà văn và tầm đón nhận của độc giả.
Tóm lại, có thể nói, với những tìm tòi, sáng tạo trong tác phẩm của mình, Đỗ Chu và Nguyễn Huy Thiệp đã dấn thân vào một cuộc thử nghiệm đầy sóng gió. Từ đó, các nhà văn đã thực sự mang đến cho người đọc những day dứt, trăn trở khôn nguôi trước những vấn đề thực tế của cuộc sống. Và với tất cả những biểu hiện về hình thức và nội dung của truyện ngắn sau 1986, văn học giai đoạn này đang hướng tới một cái nhìn trung thực và toàn diện hơn về hiện thực lịch sử, một quan niệm nhân văn về con người với những nỗ lực vượt thoát khỏi ràng buộc của các dạng thức tự sự truyền thống đưa nền văn học nước ta phát triển ở một tầm mới. Sự đổi mới trong truyện ngắn Việt Nam nói riêng và văn học Việt Nam nói chung đã thể hiện sự dân chủ trong cách nghĩ của nhà văn, sự đa dạng, nhiều chiều trong cách viết. Đó là sự tất yếu và hợp với quy luật phát triển trong dòng thác đổi mới nói chung của lịch sử và đất nước: đời sống văn học đã được dân chủ hóa và sự đổi mới tư duy. Đời sống văn học Việt Nam sau 1986 đã thực sự “sung túc” hơn trong bầu không khí dân chủ. Trên thực tế, văn học nước nhà đã thoát khỏi quán tính của những “khuôn vàng thước ngọc” cũ để hoà nhịp cùng văn học thế giới.
Truyện ngắn là một thể loại có khả năng biến hóa linh hoạt luôn biến đổi không ngừng. Ngày nay truyện ngắn vẫn đang vận động, vẫn đang định hình và luôn bám sát mọi biến chuyển của đời sống bằng các phương tiện của thời hiện đại. Vì vậy con đường khám phá, nghiên cứu sự vận động của thể loại này vẫn là một hành trình chưa có hồi kết và hứa hẹn nhiều điều thú vị cho các nhà nghiên cứu cũng như bạn đọc hôm nay và mai sau.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
TÁC PHẨM
1. Đỗ Chu (2010), Chuyện mùa hạ, Nxb Văn học, H.
2. Đỗ Chu (2010), Lão Mai, Nxb Văn học, H.
3. Nguyễn Huy Thiệp (2004), Nguyễn Huy Thiệp truyện ngắn, Nxb Hội
nhà văn, H. SÁCH THAM KHẢO
4. Lại Nguyên Ân (biên soạn) (1999), 150 từ điển thuật ngữ văn học,
Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, H.
5. Hà Minh Đức - Đỗ Văn Khang - Phạm Quang Long - Phạm Thành Hưng - Nguyễn Văn Nam – Đoàn Đức Phương - Trần Khánh Thành –
Lý Hoài Thu (2006), Lý luận văn học, Nxb Giáo dục, H.
6. Nguyễn Đăng Điệp (2002), Giọng điệu trong thơ trữ tình, Nxb Văn
học, Hà Nội.
7. Nguyễn Văn Kha (2006), Đổi mới quan niệm về con người trong truyện