Kiểu nhân vật có biểu hiện tiêu cực

Một phần của tài liệu Một số đặc điểm trong sự vận động của truyện ngắn Việt Nam hiện đại qua truyện ngắn Đỗ Chu và Nguyễn Huy Thiệp (Trang 43)

5. Cấu trúc luận văn

2.2.1.2. Kiểu nhân vật có biểu hiện tiêu cực

Trước 1975, cảm hứng lãng mạn cách mạng là nguồn mạch chính trong các truyện ngắn của Đỗ Chu. Nguồn mạch này chi phối đến hệ đề tài, khiến Đỗ Chu thiên về khai thác cái đẹp, chất thơ trong đời sống. Nó biểu hiện ở vẻ đẹp tâm hồn, thế giới tinh thần phong phú của nhân vật, cách nhìn về thiên nhiên và cách phản ánh hiện thực đời sống. Tuy nhiên từ sau năm 1975, cảm hứng bi kịch trở nên đậm đặc. Nhân vật của ông trở nên đời hơn, và cũng có phần nghiệt ngã hơn. Nhiều mảng tối của đời sống được lật xới lên. Con người trong xã hội hiện đại có những dấu hiệu thoái hóa, sống ích kỷ. Đây là kiểu nhân vật mà người đọc có thể bắt gặp trong những truyện ngắn của Đỗ Chu sau Đổi mới.

Thực tế, không phải đợi đến năm 1975 trong sáng tác của Đỗ Chu mới

xuất hiện những nhân vật tiêu cực mà ngay trong Chân trời – truyện ngắn

được viết năm 1964, Đỗ Chu đã phác thảo mẫu nhân vật này. Qua lời kể của Chi, Triều hiện lên ở hai thời điểm khác nhau với sự thay đổi của suy nghĩ, tính cách. Chỉ sau hai năm đi “rèn luyện” ở một đội công nhân giao thông, từ một thanh niên đầy nhiệt huyết, từng có những hoài bão đẹp, từng ý thức được “ý nghĩa của đời sống chính là ở chỗ phục vụ cách mạng”, Triều đã trở thành một con người có lối sống vị kỉ cá nhân với suy nghĩ hạn hẹp: “Mỗi người có một chân trời… và mỗi người đều phải biết tìm cho mình một con đường thẳng nhất để đi đến đó”. Những suy nghĩ ích kỉ này của Triều đã đi ngược lại với trách nhiệm của công dân trong thời đại cách mạng.

Sau 1975, đứng trước những biến động của xã hội, cũng giống như những nhà văn cùng thời, Đỗ Chu đã phóng ngòi bút của mình đến những miền hiện thực phức tap, bộn bề, nơi xuất hiện những mặt trái xã hội, nơi bản

chất Người của con người đang bị bào mòn. Đọc tập truyện tuyển Lão Mai,

độc giả thấy được một bức tranh đa chiều về xã hội Việt Nam trong vòng xoáy của thời buổi cơ chế thị trường. Ngòi bút của nhà văn đã chạm đến

những ngõ ngách của xã hội như sự tha hóa, xuống cấp của nhân phẩm con người, sự lên ngôi của đồng tiền, sự bát nháo của văn hóa nghệ thuật… Các truyện ngắn của Đỗ Chu giai đoạn 1980 trở về sau có khuynh hướng thể nghiệm nhiều dạng người khác nhau trong xã hội. Không chỉ là kiểu người số phận hay kiểu người đại diện cho lý tưởng sống cao đẹp. Tác phẩm Đỗ Chu còn khai thác hình tượng con người bị tham vọng, quyền lực và đồng tiền chi phốí, sẵn sàng chà đạp lên đạo lý và nhân tình. Tất cả đều được Đỗ Chu phản

ảnh chân thực trong Mê lộ, Người của muôn năm trước, Họa mi hót, Ngày

đang trôi…

Một trong những mảng hiện thực mà Đỗ Chu dành nhiều sự quan tâm và bút lực là vấn đề suy thoái đạo đức của con người, đặc biệt là những cán bộ nhà nước, những người có địa vị trong xã hội. Họ là những đảng viên đáng lẽ phải là những tấm gương sáng cho nhân dân thì hành động và việc làm của họ lại luôn mờ ám, đáng lên án và vi phạm những giá trị truyền thống tốt đẹp của

dân tộc. Đó là Quang (Mận trắng) mặc dù đã có vợ và hai con, là một “tiểu

đoàn trưởng thực tài có cách đánh giặc gan góc rất lì” của một trung đoàn “vang bóng một thời” nhưng vì xa vợ lâu ngày, không kìm chế được dục vọng bản thân nên đã có quan hệ bất chính với Lân - một cô thanh niên xung phong, khiến cô có thai hai tháng rồi lại bỏ rơi mẹ con Lân, khiến họ phải khổ

sở chèo chồng nuôi nhau. Đó là viên chính ủy trong Mê lộ, vốn “nổi tiếng là

một người có học” nhưng lại là một người nham hiểm, thủ đoạn với nhiều hành động đồi bại, vô đạo đức. Trong một buổi trưa cả nhà đi vắng hết, viên chính ủy đã mò vào phòng Cài – con gái của gia đình mà anh đang lưu trú để tán tỉnh và sàm sỡ. “Nói năng chưa nghe ra chuyện nào vào chuyện nào, còn đang mỗ mốt mỗ hai”, Cài đã thấy “vị đặt tay vào mạng sườn mình, kéo mình vào lòng vị”. Cài “gạt tay vị ra, ngồi ra xa”, thì “vị lại xấn đến, cười bả lả và bồng bột ôm chồm lấy cô”. Không chỉ có vậy, viên chính ủy còn có “cả một

kế hoạch trả thù, là những dự định đen tối” khi hay tin Trữ và Cài yêu nhau. Có thể nói những người không chiến thắng nổi dục vọng của bản thân, không giữ vững được những phẩm chất tốt đẹp của người cán bộ đảng viên như Quang, viên chính ủy… đã ít nhiều làm xói lở niềm tin của nhân dân vào người cán bộ cách mạng.

Truyện ngắn Đỗ Chu sau 1975 còn ghi nhận hiện thực về sự băng hoại của đồng tiền, lối sống thực dụng làm phá vỡ những mối quan hệ tốt đẹp giữa con người và con người. Cơ chế thị trường với sức mạnh của đồng tiền đã biến Hinh trở thành một kẻ hám danh, hám lợi, hám tiền, sẵn sàng làm giàu bằng mọi cách với triết lý “thời mở cửa này chỉ có lũ ngu mới không nghĩ sách đi lên từ đất… biến một khu đất hoang đầy mồ mả thành nơi liên doanh, liên kết”. Cũng vì đam mê danh lợi, tiền bạc mà Hinh không thèm quan tâm đến nhu cầu chính đáng của vợ “muốn có một đứa con bồng trên tay mà không thể”, “cái nhà này ai cũng nồng nhiệt trước đám đông, còn đối với nhau thì nhạt thếch, ruột thịt mà quá người dưng”. Cùng vì đồng tiền mà những đứa con của chị Tâm sẵn sàng quên đi trách nhiệm bổn phận làm con mà bỏ mặc chị nơi đất khách quê người “năm thỉnh mười thoảng mới gọi điện về xem mẹ còn sống không”. Cùng như thế, lối sống thực dụng đã khiến cho

đứa con định cư ở Đức trong Họa mi hót bạc đãi với người cha cô độc. Có thể

nói, với chất thời sự nóng hổi của hiện thực đời thường lấp lánh qua từng trang sách, truyện ngắn của Đỗ Chu thời kỳ đổi mới đã có sự lột xác để đến gần hơn với bạn đọc.

Nhìn chung, nhân vật trong tác phẩm Đỗ Chu từ sau 1975 rõ ràng ít tính lý tưởng, không hoàn hảo nhưng vẫn có nhân vật đẹp. Dù phê phán hay ngợi ca về con người thì trong mỗi tác phẩm của Đỗ Chu vẫn chứa chan niềm tin về con người và lạc quan trước cuộc sống như lời tâm sự của ông: “Con người phải luôn được kính trọng và yêu mến, phải nhìn thấy ở họ mặt tốt,

những phẩm chất cao đẹp. Mặc dù trong thời buổi ngày nay đã xuất hiện những suy thoái ở một số bộ phận người”. Các nhân vật trong tác phẩm của ông dù có bị rơi vào vòng xoáy điên đảo của cơ chế thị trường thì người đọc vẫn tìm thấy đâu đó những con người nghĩa tình, những tình cảm chân thành,

như tình yêu của ông Thiêm và bà Lương (Họa mi hót), những nhà khoa học chân chính như Lãng (Chuyến đi cuối năm), những con người dù phải sống

trong hoàn cảnh khốn khổ như thế nào đi nữa thì vẫn vươn tới ánh sáng của

ngày mới như Thuyên trong Mận trắng, Trữ trong Mê Lộ, Đống trong Mảnh

vườn xưa hoang vắng, Thuần trong Cánh đồng không có chân trời… Có thể

nói nhà văn đã tìm được những “hạt ngọc” đáng quý giữa đời thường bộn bề. Với Đỗ Chu, “một truyện ngắn hay có thể làm cho người ta cười lớn hoặc ứa nước mắt” bởi vì “sức chứa trong truyện có thể rất nhiều, sức nổ rất lớn”. Có lẽ những truyện ngắn của Đỗ Chu đã có được “sức chứa” như thế!

2.2.2. Quan niệm nghệ thuật về con người và những kiểu nhân vật trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp

Với nguyên tắc “tôn trọng sự thật”, Nguyễn Huy Thiệp xem sự thật như linh hồn của nghệ thuật chân chính, hướng đến phanh phui các mặt trái của xã hội, của lòng người. Nếu như nhân vật của Đỗ Chu dường như đẹp một cách hoàn mỹ, có thể gọi họ là những con người sử thi thì nhân vật của Nguyễn Huy Thiệp lại hiện lên với hai cực đối lập: bản chất thấp hèn và tinh thần cao cả, thú tính và nhân tính. Với giọng văn sắc lạnh, gai góc, xương xẩu đến tàn nhẫn, truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp đã đào bới, xới tung lên những mảng tối, những góc khuất của mỗi thời, của cuộc đời và của xã hội. Nguyễn Huy Thiệp trăn trở nhiều về đời tư và thế sự, tình yêu và thù hận, sự sống và cái chết, nhưng bao giờ cũng để ngỏ kết thúc. Đó là cái nhìn độc đáo về con người trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp.

Truyện của Nguyễn Huy Thiệp từ Tướng về hưu, Muối của rừng,

Huyền thoại phố phường, Những bài học nông thôn, Những người thợ xẻ, Không có vua đến Kiếm sắc, Vàng lửa, Phẩm tiết… “đều là những tín hiệu

thức tỉnh sự chú ý của người đọc”. Những tín hiệu đó chỉ có được từ một tư duy văn học mà hạt nhân của nó là quan tâm số phận con người, trăn trở kiếm tìm chân lý sống, khắc khoải với nỗi khắc khoải của con người trong xã hội đầy biến động dữ dội. Trong quan niệm của Nguyễn Huy Thiệp, “đối tượng của văn học là con người. Văn học là khoa học về con người”. Nguyễn Huy Thiệp không tin: “Những nhà văn không có lý lẽ xác đáng về con người có thể viết hay được”. Nhân tính là vấn đề Nguyễn Huy Thiệp quan tâm hàng đầu: “Văn học giá trị bao giờ cũng đề cao nhân tính”. Làm được như vậy là góp phần khắc phục tình trạng “tráng một lớp men trữ tình hơi dầy” (Nguyễn Minh Châu) của văn học trước đó và đáp ứng được nhu cầu cấp thiết của thời đại, của công chúng “đang cần những cuốn sách tự vấn, những cuốn sách giúp họ tự vấn, những cuốn sách giúp họ nhận thức lại mình”. Chính điều đó đã tạo nên chất “muối” trong những trang văn của Nguyễn Huy Thiệp. Bởi thế, không phải ngẫu nhiên mà đọc văn Nguyễn Huy Thiệp, sau cái thô tháp, “nhếch nhác” nhiều khi đến đốn mạt, hèn kém của con người là cảm nhận về một sự tê tái, một nỗi đau và lắng lại là một dư vị buồn – cái dư vị khá đặc trưng của văn học đổi mới.

Quan niệm về con người này của Nguyễn Huy Thiệp đã chi phối thế giới nhân vật trong truyện ngắn của ông. GS Trần Đình Sử đã từng định nghĩa: “Quan niệm nghệ thuật về con người là sự lý giải, cắt nghĩa, sự cảm thấy con người đã được hóa thân thành các nguyên tắc, phương tiện, biện pháp thể hiện con người trong văn học, tạo nên giá trị nghệ thuật và thẩm mỹ cho các hình tượng nhân vật trong đó” [18]. Bắt nguồn từ khái niệm quan niệm nghệ thuật về con người của GS Trần Đình Sử, chúng tôi soi chiếu vào

truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp và nhận thấy, thế giới con người trong truyện khá phong phú và đa dạng. Các kiểu nhân vật quen thuộc là:

Một phần của tài liệu Một số đặc điểm trong sự vận động của truyện ngắn Việt Nam hiện đại qua truyện ngắn Đỗ Chu và Nguyễn Huy Thiệp (Trang 43)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(118 trang)