Ngôn ngữ truyện ngắn Đỗ Chu

Một phần của tài liệu Một số đặc điểm trong sự vận động của truyện ngắn Việt Nam hiện đại qua truyện ngắn Đỗ Chu và Nguyễn Huy Thiệp (Trang 85)

5. Cấu trúc luận văn

3.2.1.1.Ngôn ngữ truyện ngắn Đỗ Chu

a. Ngôn ngữ giàu chất thơ

Sự giao thoa của các thể loại văn học là một đặc điểm tự nhiên thuộc về quy luật vận động nội tại của nghệ thuật. Sự xâm nhập của thơ vào truyện ngắn hiện đại là một hiện tượng tiêu biểu. Truyện ngắn hiện đại với nỗ lực thể hiện những góc khuất cuộc sống dưới tảng băng ngôn ngữ càng vì thế mà gần với thơ hơn bởi đặc trưng chất thơ là “gợi cảm, hướng thượng và mở ra man mác một cõi đẹp còn ẩn khuất đâu đó nhưng chắc chắn là bao la, không cùng không tận” (Nguyễn Hưng Quốc). Trên thế giới cũng như ở Việt Nam có rất nhiều nhà văn mang phong cách văn xuôi đậm chất thơ như Pautopxki, Aimatốp, A. Đôđê, Thạch Lam, Thanh Tịnh, Hồ Dzếnh, Xuân Diệu… Đỗ Chu cũng là một nhà văn hiện đại mang phong cách ấy. Truyện ngắn của ông

từ ý tưởng nghệ thuật đến giọng điệu, hơi văn đặc biệt là ngôn ngữ đều hòa hợp và mang phẩm chất trữ tình gần với thơ.

Nhà phê bình Tô Hoàng đã nhận xét: “Người khó tính cũng phải thừa nhận, ở Đỗ Chu văn phong trang hoàng, có những đoạn đẹp đến chuẩn mực.” [32]. Ngôn ngữ của Đỗ Chu tươi đẹp, hiền hòa chứ không cốt phô diễn cá tính mạnh mẽ như nhà văn Nguyễn Tuân. Truyện ngắn Đỗ Chu vì thế mang đậm tính chất trữ tình, giàu chất thơ, thứ thơ thanh cao và bình dị. Người đọc cảm nhận được rằng tác phẩm của ông thể hiện sự quan sát tinh tế của nhà văn trước thiên nhiên và cuộc sống. “Đỗ Chu là nhà văn tài hoa, văn ông sáng và đẹp như cô gái dậy thì. Nhà nghiên cứu văn học Văn Chinh từng dành nhiều sự ưu ái cho phong cách văn xuôi lãng mạn trữ tình của Đỗ Chu và xem đó như “một đám mây lạ” làm thức dậy cái đẹp, cái thơm thảo trong hồn người: “Một chút lãng mạn Pháp, một chút cổ điển Nga và một chút lý tưởng hóa Nga Xôviết đã như những đám mây lạ được làn gió chuyển mùa làm nên mưa xuân trên vùng quê văn hóa màu mỡ là Kinh Bắc, khiến hạt mầm nghệ sĩ vẫn còn phong kín trong lòng đứa con rồi ra sẽ làm vinh dự cho quê hương, một đứa trẻ buồn nỗi con côi pha lẫn niềm bâng khuâng vị thành niên đã bật lên

truyện Hương phù sa, Mùa cá bột, Chiến sĩ quân bưu, Đường qua nhà, Thành

phố bên kia cầu… vẫn với những nhân vật đầy trìu mến, nhiều tài hoa nhưng

cũng lặng lẽ, quả cảm, chúng đều khiến thức dậy cái đẹp, cái thơm thảo trong

lòng người đọc để ta có thể yên tâm gọi đó là chùm Hương cỏ mật” [22]. Nhà

phê bình Phan Cự Đệ cũng trân trọng xếp Đỗ Chu vào danh sách các nhà văn có “phong cách trữ tình”: “Đỗ Chu là một nhà văn viết truyện ngắn có phong cách – phong cách trữ tình. Nếu được phép nhân hạng thì ông là học trò của Thạch Lam, Nguyễn Thành Long (các nhà văn Việt Nam) và C. Pautopxki (nhà văn Nga) và A. Đô-đê (nhà văn Pháp). Phong cách trữ tình của Đỗ Chu

Ráng đỏ, Cỏ mật... đọc cứ nhớ mãi” (Trần Nhương). Chính cách sử dụng từ

láy, các tính từ, các biện pháp tu từ kết hợp với cách cấu tạo câu dài, nhịp điệu luyến láy đã hòa quyện làm nên chất thơ trong truyện ngắn của Đỗ Chu. Qua ngòi bút đầy chất thơ của Đỗ Chu, thiên nhiên hiện lên như một nhân vật trữ

tình: “Ngoài ấy là biển. Biển đang thở. Những nhịp thở trầm quyện nồng nàn.

Mặt trời đang đỏ lên sưởi ấm tất cả. Tiếng chuông nhà thờ từ trong các làng

ngân nga nhè nhẹ. Lãng đứng ngẩn ngơ giữa một vùng trời nước vắng vẻ.

Mùi bùn mặn làm anh thấy ngất ngây say.”. Ai đã một lần lạc vào trang văn của ông, hẳn sẽ không thể quên được cảnh mùa xuân trong Tháng hai: “Năm ấy mưa xuân phủ khắp đồi. Con đường rải sỏi cứ tươi roi rói như tấm lụa điều của mấy bà thơ nhuộm treo phất phơ trước cửa hàng vào những phiên chợ

huyện. Con đường chạy vòng vèo qua xóm Trại, qua ngõ nhà Xiêm rồi chạy miên man lên vùng hồ cây giẻ. Những bụi giẻ gai mọc hai bên đường cũng

vậy, um tùm và xanh ngát, chúng rì rào cùng gió, thỉnh thoảng một con chim gì lông lốm đốm trắng lại từ trong lùm lá bay vụt lên, nó hót tính tang, tính

tang.” Hay những khoảnh khắc lắng đọng trong không khí làng quê rất đậm

đà: “Mình nghe thấy ở những chân ruộng trũng giữa đòng nước đang chảy

xuống róc rách. Đây đó, những chú ếch nằm mà ngái ngủ kêu lên ồm ộp. Phía

trong đầu, vịt giời đi trốn rét suốt mùa đông bây giờ ở đâu kéo về từng đàn,

bay lên rồi lại sà xuống lõm bõm. Tiếng những đàn cá gáy vật kình cắn đuôi nhau tùm tũm ven đầm”. Âm thanh, màu sắc, hương vị của cảnh sắc làng quê

luôn tràn ngập trong những trang văn của Đỗ Chu không thể lẫn. Tất cả đều thể hiện một sự quan sát tinh tế và nhạy cảm của một tâm hồn yêu quê hương xứ sở. Đó là những âm thanh ai cũng nghe nhưng không phải ai cũng cảm nhận và mô tả sống động như Đỗ Chu. Đó là tiếng sóng biển, tiếng của vô số các loài chim, tiếng mưa trên mái lá, tiếng vịt giời... Sắc màu trong văn Đỗ Chu cũng thật nhẹ nhàng, thanh thoát. Tất cả hiện lên chi tiết và sống động

bởi Đỗ Chu đã rất tài tình và tinh tế khi sử dụng một hệ thống từ láy đặc sắc. Đọc văn của Đỗ Chu, độc giả bắt gặp ở đó một phong vị rất riêng, giàu chất thơ, thanh cao mà bình dị.

Trang văn của Đỗ Chu giống như một thanh nam châm thu hút người đọc bởi câu chữ đều gợi những trường liên tưởng vô biên. Ngôn ngữ của Đỗ Chu rất giàu hình ảnh với những so sánh, nhân hóa sinh động làm khơi dậy được cả linh hồn của sự vật, hiện tượng: “Gió từ trên núi dịu dàng thổi xuống, những cây tre đực trên lũy cọ vào nhau kêu ken két như có ai cầm mảnh sành chém vào đấy… /Sau làng em có trái núi Voi, núi Voi đối với tụi nhỏ chúng em như người bạn lớn tuổi, hiền từ… /Cái đỉnh tháp chuông nhà thờ nom xa như một dấu than…”. Ông viết văn mà như vẽ ra trước mắt độc giả một thế giới mênh mông để họ có thể thỏa thích tưởng tượng ra cảnh sắc: “Đó là những buổi chiều mùa hạ có mây trắng xô đuổi nhau trên cao. Nền trời xanh vời vợi. Con chim sơn ca cất lên tiếng hót tự do, tha thiết đến nỗi khiến ta cũng phải ao ước giá mình có một đôi cánh. Trải khắp cánh đồng là nắng chiều vàng dịu và thơm hơi đất, là gió đưa thoang thoảng hương lúa đang ngậm đòng và hương sen. Một chú nhái bén nấp đâu đó nhảy tũm xuống đầm làm mặt nước nổi lên những vòng sóng, sóng sẽ bị phá tan rất nhanh khi lan tới những chiếc lá nổi bập bềnh trên mặt đầm. Làn nước trong veo chẳng khác nào một cái gương để khoảng trời tự ngắm vẻ đẹp và sự khoáng đạt của mình. Tôi đã thấy hiện ra ở dưới đáy nước những đám mây trắng mang hình dáng của làng tôi.”. Mênh mông đến choáng ngợp, mộc mạc đến chơi vơi, yên lành đến lặng lẽ. Cứ như thế, bằng lối văn giàu cảm xúc, lối sử dụng ngôn từ giàu nhạc tính, Đỗ Chu như dẫn người đọc lạc vào một thế giới khác, gần gũi đấy mà như chốn thần tiên.

Cũng giống như tác phẩm của Thạch Lam, có thể thấy mỗi truyện ngắn của Đỗ Chu là một dòng cảm giác. Cái khéo léo của nhà văn là tạo nên sự hòa

hợp tự nhiên sinh động giữa thiên nhiên, ngoại cảnh với tâm hồn người. Đỗ Chu đã dụng công miêu tả thiên nhiên như một môi trường tâm lý và đặc biệt hơn là một kiểu nhân vật trữ tình làm nảy sinh tâm trạng, đồng thời được cảm nhận theo các cung bậc, trạng thái tâm hồn của con người: “Ngoài ấy là biển. Biển đang thở. Bãi bờ đang thở. Những nhịp thở trầm quyện nồng nàn. Mặt

trời đang đỏ lên sưởi ấm tất cả. Tiếng chuông nhà thờ từ trong các làng ngân

nga nhè nhẹ. Lăng đứng ngẩn ngơ giữa một vùng trời nước vắng vẻ. Mùi bùn mặn làm anh thấy ngất ngây say”/ “từng con sóng đang đập vào bờ, từng đám lau dưới đê đang bị gió đánh lả lướt đều muốn nói với cô một điều gì xót xa

lắm” hay “Hoa trắng rụng lả tả, những cánh hoa mỏng manh như muôn ngàn

lá thư bí hiểm ném theo gió. Dòng sông nhận những cánh hoa của bờ, đưa về xuôi. Có lẽ khó lòng mà ra tới biển, nhưng chúng vẫn cứ rơi, vẫn cứ được thả mãi, suốt mùa xuân.”. Đọc văn Đỗ Chu, độc giả như được sống trong một bầu không khí bàng bạc chất thơ, chất thơ được toát lên từ vẻ đẹp tâm hồn người cứ thế giăng dệt trong lòng người! (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Nhìn chung, ngôn ngữ của Đỗ Chu vẫn là thứ ngôn ngữ trữ tình thơ mộng, nhiều chất lãng mạn và thi vị đặc biệt là các tác phẩm từ 1989 trở về trước. Do thiên về miêu tả, phản ánh cái đẹp, cái cao cả, chất lý tưởng nên nhìn chung câu văn giàu chất thơ, trang trọng, trau chuốt. Đỗ Chu nhìn cuộc đời bằng con mắt lý tưởng nên ngôn ngữ của ông luôn mực thước, đằm thắm. Tất cả được lọc qua tâm hồn của người nghệ sĩ nên giàu chất thơ, thanh thoát,

và nhẹ nhàng. Đọc truyện ngắn Đỗ Chu, độc giả không chỉ biết được cuộc sống mà còn cảm được nó nhờ vào lối viết nên thơ của nhà văn. Nhìn chung,

giai đoạn trước 1975, thứ văn xuôi giàu chất thơ của Đỗ Chu chảy tràn trên từng câu chữ đã mang lại cho lòng người một thứ tình cảm ấm áp, tin yêu. Ta thấy trong hơi văn ông phảng phất “nét cổ điển và lãng mạn của Môpatxăng, sự tinh tế tìm vào nội tâm và cảm giác của Thạch Lam, chút bâng khuâng,

xa vắng của Thanh Tịnh, và nét u hoài, sầu cảm của Hồ Dzếnh…”. Có thể thấy thứ văn xuôi giàu chất thơ của Đỗ Chu có cội nguồn tiếp nối từ những thế hệ nhà văn đi trước, cộng vào với tâm hồn nghệ sĩ đa sầu đa cảm của mình tạo nên một mạch nguồn riêng. Đó cũng là lời giải cho câu hỏi vì sao những trang văn giàu chất thơ của Đỗ Chu cứ “làm tổ” mãi trong lòng người đọc!

b. Ngôn ngữ giàu chất khẩu ngữ

Từ sau 1989, bên cạnh những trang văn giàu chất thơ, văn Đỗ Chu có khi cũng thô mộc, sù sì, đậm chất hiện thực. Ngôn ngữ trong truyện ngắn Đỗ Chu trở nên “đời” hơn do nhu cầu phản ánh đa dạng các góc cạnh phức tạp của đời sống. Ông định danh, định tính sự vật, hiện tượng bằng câu từ chính xác, không cầu kỳ, trau chuốt. Nhờ sự suồng sã, thân mật mà các đối tượng phản ánh trở nên chân thực hơn bao giờ hết, khắc họa được sinh động, sắc nét

cá tính, chân dung các nhân vật. Một số truyện ngắn qua hai tuyển tập Mảnh

vườn xưa hoang vắng và đặc biệt là Một loài chim trên sóng xuất hiện nhiều

tiếng chửi, lối nói trần trụi, bụi bặm, dân dã. Khảo sát các truyện ngắn trong

hai tập Mảnh vườn xưa hoang vắng và Một loài chim trên sóng, ta thấy Đỗ

Chu vận dụng khá nhiều thành ngữ, lối nói khẩu ngữ dân gian.

Ông mang lối diễn đạt địa phương vào ngôn ngữ nhân vật khiến câu

văn rất tự nhiên: ăn nói thì cấm ca cấm cảu như người hóa dở, mặt đang

trắng bỗng chốc xạm xanh như đít nhái, dở ngô dở ngọng, ngủ gà ngủ vịt, tập tọng, thế rồng chầu hổ phục, ngồi đâu ngủ đấy, cờ bạc lu bù tít, nhai tóp tép, ba lăng nhăng, đêm tối mịt mùng như vải thâm che kín mắt, ngã dúi ngã dụi, ăn sung mặt sướng… Chính lối ngôn ngữ này đã góp phần thu hẹp khoảng

cách giữa truyện kể và những “chuyện” của hiện thực, ngôn ngữ trần thuật trong truyện ngắn Đỗ Chu trở nên gần với ngôn ngữ đời sống hơn bao giờ hết.

Hệ thống các từ láy rất thô mộc, đời thường tạo nên sự chân thật và sinh động cho hiện thực nhà văn phản ánh: “Cái loa phóng thanh đằng cổng

làng đã thôi không còn cọ kẹ như cóc nghiến răng nữa…” / “nhả hơn phè phè như hổ mang phun, những ngón tay thì lóng nga lóng ngóng, tiếng kèn ậm è nghe chán bỏ sừ. Nghe cứ tức anh ách…” / Những cái miệng dẩu ra như mỏ kền kền, bàn chân đen đủi như chân cuốc đung đa đung đưa…những khuôn mặt ngây ra đầy vẻ vờ vịt, những đôi mắt đen lay láy…”. Các thành ngữ, tục ngữ dân gian cũng được Đỗ Chu sử dụng một cách thuần thục, linh

hoạt: mò kim đáy bể, vô công rồi nghề, say như điếu đổ, câm như hến, trâu

chậm uống nước đục, quáng quàng như gà mắc tóc, hỉ mũi chưa sạch…. góp

phần đưa truyện ngắn của Đỗ Chu bám sát hiện thực hơn và đến gần với bạn đọc hôm nay.

Đỗ Chu đã có lần tâm sự, truyện ngắn hấp dẫn một phần cũng “là nhờ ở ngôn ngữ, cái ma lực do ngôn ngữ tạo ra. Đây là một trong những cái thú của người viết truyện ngắn. Nhà văn phải chăm sóc tới từng chữ. Câu chữ phải trở nên như có nhung, có tuyết. Kể cả khi làm ra vẻ trần trụi, thì đó cũng là sự trần trụi được chọn lọc…”. Có lẽ chính vì xuất phát từ quan điểm nghệ thuật này mà Đỗ Chu luôn dụng công và làm mới ngôn ngữ truyện ngắn của mình qua từng giai đoạn để những tác phẩm của ông bắt kịp được với những biến động của lịch sử và sự thay đổi của thị hiếu độc giả.

Một phần của tài liệu Một số đặc điểm trong sự vận động của truyện ngắn Việt Nam hiện đại qua truyện ngắn Đỗ Chu và Nguyễn Huy Thiệp (Trang 85)