Cốt truyện trong truyện ngắn Đỗ Chu

Một phần của tài liệu Một số đặc điểm trong sự vận động của truyện ngắn Việt Nam hiện đại qua truyện ngắn Đỗ Chu và Nguyễn Huy Thiệp (Trang 69)

5. Cấu trúc luận văn

3.1.1.1. Cốt truyện trong truyện ngắn Đỗ Chu

Đọc truyện ngắn Đỗ Chu, độc giả có thể nhận ra sáng tác của ông chủ yếu được cấu tạo theo hai loại hình cốt truyện chính là: truyện không có

truyện và cốt truyện có những tình huống, chi tiết bất ngờ và thường đưa đến kết thúc có hậu.

a. Truyện không có cốt truyện

Từ những năm 60, với tác động của văn học dịch, nhất là truyện ngắn của Pauxtốpxki (K. Paustovski), truyện ngắn Việt Nam đã dần dần xuất hiện

loại truyện ngắn không có cốt truyện chặt chẽ: một số truyện trong tập Rẻo

cao của Nguyên Ngọc, trong hai tập Trăng sáng và Đôi bạn của Nguyễn

Ngọc Tấn, và nhất là các truyện ngắn của Đỗ Chu. Loại truyện “không có chuyện” này có lúc trở thành “mốt”. Truyện ngắn của Đỗ Chu thường viết về những điều rất đỗi giản dị, bình thường. Có lẽ cũng chính vì nhà văn luôn có ý thức “thường cốt truyện không thành vấn đề lắm” cho nên ông không chú trọng nhiều vào việc xây dựng những cốt truyện li kì, giật gân, những tình huống bất ngờ hay những yếu tố kì ảo. Trong truyện ngắn của Đỗ Chu, những chi tiết, biến cố, sự kiện không phải là chất kết dính duy nhất mạch chuyện kể. Có thể nói Đỗ Chu là nhà văn mạnh về trực giác. Tác giả thường đi theo con đường của cảm xúc nên những trang văn của ông dường như “không có chuyện” mà chủ yếu là “những ấn tượng trực tiếp từ cuộc sống mạch bảo”. Những ấn tượng trực tiếp này sẽ đem đến cho truyện ngắn của Đỗ Chu những cảm nhận đời sống rất tinh tế, nhiều khi chỉ về một cảnh, một việc. Nhưng một cảnh, một việc ấy lại là duyên cớ để nhà văn phơi bày nội tâm của nhân

vật một cách nhẹ nhàng và tinh tế. Đó là Hương cỏ mật, khép lại câu chuyện,

đọng lại nơi người đọc là “hương cỏ mật dịu ngọt của quê nhà” và tình cảm mộc mạc, chân thành nhưng thiêng liêng của cô giáo Nhâm dành cho Tuân.

Đó là Thung lũng cò với một thế giới tuổi thơ thật đẹp và một thung lũng cò

huyền bí mà gần gũi. Có thể nói chính mạch cảm xúc của nhân vật đã dẫn dắt, lôi kéo người đọc vào thế giới truyện ngắn Đỗ Chu.

Tác phẩm của Đỗ Chu còn hấp dẫn người đọc nhiều khi là bởi cách dẫn chuyện, kể và tả nội tâm nhân vật, “mỗi truyện là một mảnh của sự phân thân”. Vì thế môtip người đọc dễ bắt gặp trong truyện ngắn của Đỗ Chu là sự

hồi tưởng quá khứ. Mạch chuyện chạy theo dòng hồi ức của nhân vật chính hay đôi khi chỉ xoay quanh một nét tâm trạng, một cung bậc cảm xúc của

nhân vật. Những truyện ngắn như Hương cỏ mật, Mùa cá bột, Tiếng vang của

rừng… không phải không có một “biến cố” nào đó làm cơ sở cho cốt truyện,

có điều “biến cố” đó là những xung động hết sức nhỏ nhẹ, khẽ khàng trong tâm lý của một hoặc một tập thể nhân vật. Cốt truyện kiểu này phù hợp để nhà văn Đỗ Chu thể hiện chủ đề ân tình ân nghĩa, nó nhằm thể hiện những nhận thức và xúc cảm bên trong hơn là những tương quan và xung đột bên ngoài.

Nhìn chung, kiểu chuyện không có cốt truyện tập trung vào dòng cảm xúc và sự hồi tưởng của nhân vật nên dễ làm mạch truyện trở nên lan man. Để tác phẩm của mình không biến thành những mảnh vỡ tâm trạng được ghép cạnh nhau, Đỗ Chu đã khéo léo tạo ra những vi mạch cảm xúc sâu kín bên trong nhân vật và tập trung vào những chủ đề nhận định để bao quát hiện thực đời sống. Cũng giống như Thạch Lam, truyện ngắn không có cốt truyện của ông không rơi vào tình trạng vô vị hay chết yếu bởi ông đã tạo dựng được một môi trường sống chân thực cho các nhân vật của mình. Có thể nói luồng sinh khí từ chính hiện thực sinh động, chân thật đã giúp nhà văn Đỗ Chu gặt hái được nhiều thành công trong xây dựng kiểu truyện không có cốt truyện như trên.

b. Cốt truyện có những tình huống, chi tiết bất ngờ và thường đưa đến kết thúc có hậu.

Bên cạnh những truyện không có cốt truyện, cốt truyện trong truyện ngắn Đỗ Chu còn được xây dựng với những tình huống, chi tiết bất ngờ và thường đưa đến kết thúc có hậu. Cốt truyện kiểu này xuất hiện nhiều trong

các sáng tác của Đỗ Chu từ sau năm 1975 như Họa mi hót, Đất bãi, Mê lộ…

Thời kỳ này, ông đã có sự thay đổi trong tư duy nghệ thuật: “Tôi bây giờ không quan tâm đến hình thức khi viết. Ngay truyện ngắn tôi viết cũng đã thoát ra ngoài khuôn khổ.” [22]. Có lẽ chính hiện thực xã hội phức tạp, bộn bề sau năm 1975 đã kích thích nhà văn có những sáng tạo tình huống độc đáo “thoát ra ngoài khuôn khổ” như thế. Tình huống mà người đọc nhận

thấy khá nhiều trong kiểu cốt truyện này là tình huống trở về – bất ngờ gặp lại và cuối cùng nhân vật tìm thấy hạnh phúc. Nhân vật chính trong những truyện này thường là người lính trở về sau những năm tháng chiến tranh ác

liệt như Nhuần (Đất bãi), Trữ (Mê lộ), Thiêm (Hoạ mi hót), Nhưỡng (Cánh

đồng không có chân trời)... Nếu như ở chiến trường, họ phải đối mặt với bom

đạn, sinh tử, bệnh tật thì này trở về, họ lại phải sống trong sự mòn mỏi và đối diện với nỗi cô đơn. Chính sự gặp gỡ những người từng gắn bó với họ năm xưa (đồng chí, người yêu, đối thủ…) đã làm sống lại những năm tháng quá khứ. Các tình huống tâm lý kiểu này có tác dụng gợi mở cả một thế giới nội tâm bí ẩn của người lính và tô đậm chất bi kịch trong cuộc đời những người lính trở về. Họ và những người thân xung quanh từ những bất hạnh, nỗi đau đó mà ngẫm về số kiếp, thân phận của cá nhân mình, gia đình mình. Đặc biệt,

các truyện ngắn sau 1980 như Cánh đồng không có chân trời, Mảnh vườn xưa

hoang vắng, Một loài chim trên sóng, Mê lộ, Quanh một bàn tiệc… đều được

chú tâm xây dựng các biến cố. Chính từ những biến cố đó buộc nhân vật lựa chọn cách sống và hành động phù hợp với tính cách của mình. Biến cố thúc đẩy dòng chảy của truyện vận động, phát triển và mở ra một hướng đi, một cách giải quyết cho nhân vật. Truyện ngắn giai đoạn này thường có kết thúc có hậu. Trên hành trình trở về với đời thường, họ đã dần thoát ra khỏi mê lộ của sự bế tắc, cô đơn và tìm được hạnh phúc đời thường giản đơn nhưng cao cả. Xây dựng cốt truyện như vậy tác giả Đỗ Chu đã thể hiện tấm lòng nhân hậu và niềm tin của nhà văn trước cuộc đời và con người.

Một phần của tài liệu Một số đặc điểm trong sự vận động của truyện ngắn Việt Nam hiện đại qua truyện ngắn Đỗ Chu và Nguyễn Huy Thiệp (Trang 69)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(118 trang)