Giọng điệu trần thuật trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp

Một phần của tài liệu Một số đặc điểm trong sự vận động của truyện ngắn Việt Nam hiện đại qua truyện ngắn Đỗ Chu và Nguyễn Huy Thiệp (Trang 100)

5. Cấu trúc luận văn

3.2.2.2. Giọng điệu trần thuật trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp

Sau 1986, với sự chuyển đổi của xã hội, trong cuộc sống “hậu hiện đại” ngổn ngang, chồng chất nhiều mặt đối lập, bản hợp âm pha tạp của đời sống đã xâm nhập vào truyện ngắn, quyết định một giọng riêng của thời đại. Mỗi nhà văn trong sự đổi mới thể loại cũng làm mới giọng điệu, góp phần cách tân nghệ thuật tổ chức truyện kể.

Nếu giọng điệu chủ đạo của truyện ngắn Đỗ Chu là giọng trữ tình, thì giọng Nguyễn Huy Thiệp là sự giễu nhại, khách quan, sắc lạnh. Đây là chất giọng tiêu biểu của thể loại tự sự, nó phá vỡ khoảng cách sử thi, đưa văn học về gần với hiện thực cuộc sống. Giọng lu loa, sừng sộ, tiếng gầm gào cuộn réo trong văn học thời đổi mới không thể cất lên thành tiếng hát. Cái vô lí, phi

lí, chất văn xuôi và vẻ đẹp của đời sống phồn tạp chỉ có thể hoá thân vào tiếng

cười trào tiếu, giễu nhại để văn học thế sự biến thành tiếng nói nghệ thuật. Kể

từ sau Cách mạng tháng Tám, chưa bao giờ câu đối, thơ trào tiếu và truyện cười giễu nhại dân gian lại xuất hiện nhiều như những năm 80 của thế kỷ trước. Hình như giễu nhại đã trở thành kiểu quan hệ đời sống mang phong cách thời đại. Thông qua tiếng cười giễu nhại, chúng ta sẽ có thêm một cái nhìn mới về cuộc sống, từ đó nhận ra giá trị đích thực. Cái lối viết “thản nhiên và trung hòa” có thể ở phương Tây không còn mới, song khi xuất hiện

trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, đó thực lại là một sáng tạo mới lạ, hiệu quả. Chính cái lối viết này đã trao cho người đọc một tinh thần dân chủ để người đọc tìm ra ý nghĩa bên trong mỗi tác phẩm. Nguyễn Huy Thiệp kể chuyện một cách trầm tĩnh, khách quan như muốn “đóng cũi” cảm xúc của mình lại và “ém nhẹm” nỗi buồn nhân thế dưới cái nhìn “dân chủ hóa”.

“Nhại là sự bắt chước một cách hài hước đối với một hoặc một nhóm tác phẩm. Nhại thường được xây dựng trên sự không tương ứng rõ rệt giữa bình diện văn phong và bình diện đề tài của hình thức nghệ thuật” [2; 247].

Nghệ thuật giễu nhại là một trong những hướng đi mới được rất nhiều nhà văn Việt Nam đương đại thử nghiệm trong văn xuôi của mình như trong

Thiên sứ, giàn thiêu… Và đặc biệt, nhiều truyện ngắn của Nguyễn Huy

Thiệp là hình tượng giễu nhại của các thể loại ngôn từ đã bị biến thành lời nói phong cách hoá. Giễu nhại trong văn chương Nguyễn Huy Thiệp là kết quả của một thao tác tư duy nghệ thuật hướng đến việc xoá bỏ khoảng cách sử thi trong trần thuật. Nguyễn Huy Thiệp thường quan tâm đến một số phương diện thuộc về quá khứ, truyền thống như nhại anh hùng vua chúa, nhại lịch sử, nhại huyền thoại, truyền thuyết, cổ tích; nhại tôn giáo, phong tục... Mượn việc giễu nhại những vấn đề quá khứ, Nguyễn Huy Thiệp không có mục đích tạo ra tiếng cười hả hê cho bạn đọc như bậc tiền bối Vũ Trọng Phụng mà nhà văn muốn hướng về hiện tại và nhấn mạnh chức năng phản tỉnh của văn học. Không chỉ giễu nhại về nội dung, Nguyễn Huy Thiệp còn nhại đa dạng các thể loại như để tăng thêm sức hút với độc giả. Nguyễn Huy Thiệp đưa rất nhiều thơ vào truyện giống như để tạo ra các hình tượng nhại

thơ, Những ngọn gió Hua Tát là chùm truyện nhại cổ tích, Con gái thuỷ thần là hình tượng nhại huyền thoại, Kiếm sắc, Vàng lửa, Phẩm tiết nhại truyền thuyết, nhại truyện sử, cuối truyện Giọt máu giống như một thứ mật phả, giễu nhại gia phả là hình tượng thể loại của truyện Giọt máu, truyện Những

người thợ xẻ có đoạn giễu nhại thư tín… Sự giễu nhại này không phải nhằm

mục đích “ăn theo” mà dường như ẩn sau sự giễu nhại ấy là thái độ của nhà văn trước cuộc đời và con người. Sự nhại thể loại ấy thực chất là sự giễu nhại lại những hình tượng con người đã được định hình trong ý thức xã hội và ý thức nghệ thuật. Những ý thức cộng đồng ấy đã trở thành những định kiến khó thay đổi trong đời sống con người. Trong ý thức của con người, hình tượng con người thường bị đồng nhất với các vai trò xã hội của nó. Và chúng ta tin, mỗi vai xã hội của con người bao giờ cũng ứng với một loại phẩm hạnh nhất định: người anh hùng thì dứt khoát chỉ biết xả thân vì nước, người trí thức chỉ biết đọc sách thâu đêm, công nhân miệt mài trong nhà

máy… Trong truyện Những bài học nông thôn, Nguyễn Huy Thiệp nói về sự

nhẹ dạ của lòng người:

Sự nhẹ dạ của lòng người

Tôi nhẹ dạ, anh nhẹ dạ, chị nhẹ dạ Và em nữa, em thân yêu

Em nhẹ dạ quá chừng

Chúng ta đều nhẹ dạ trên cõi đời này…

Hình như để thức tỉnh lòng người, Nguyễn Huy Thiệp miêu tả cuộc đời giống như một kịch trường. Ở đó có tấn kịch của bản thân, có tấn kịch của gia đình, cũng có tấn kịch của xã hội. Ở đó tướng đã về hưu, bác sỹ không chữa bệnh ở bệnh viện, sinh viên không đến trường đi học, thằng lưu manh có lúc nói lời tử tế... Đôi khi tác giả không ngần ngại đặt vào miệng đứa trẻ những lời lẽ ngây ngô để nhại thói đời: “Sao lại cho tiền vào miệng bà?” Cái Vi bảo:

“Đấy có phải ngậm miệng ăn tiền không bố” (Tướng về hưu). Nhân vật hay

nhại nhất của Nguyễn Huy Thiệp có lẽ là tay Bường thợ xẻ. Con người ấy không chỉ nhại những hình thức dởm đời, giả tạo mà đôi khi anh ta còn không

ngần ngại nhại cả những chân lý, những lẽ sống: “Chị Thục bảo: “Nghĩa tình lại chuộc nghĩa tình. Vô sự với tạo hoá, trung thực đến đáy, dù có sống giữa bùn, chẳng sợ không xứng là người”. Anh Bường bảo: “Ngọc ơi, mày chép lấy câu này. Nó tù mù về hình thức nhưng hình như ẩn chứa nội dung gì đấy”. Cũng có thể hiểu qua nhân vật Bường tác giả muốn nhại lại những lời đánh giá thô mộc, giản đơn của nhiều người về vấn đề nội dung/ hình thức, cái tâm/ cái tài chăng? Mọi vai trò xã hội của con người chỉ còn là cái mặt nạ mà nhà văn đeo cho nhân vật để xem chúng diễn trò. Với phương thức giễu nhại, nhà văn đã miêu tả cuộc đời giống như một kịch trường như để muốn thức tỉnh lòng người trước những vấn đề về cuộc sống hiện đại. Ẩn giấu đằng sau sự giễu nhại của Nguyễn Huy Thiệp người đọc cảm nhận được một cảm giác tái tê, một nỗi đau âm thầm, lặng lẽ mà sâu sắc, một nỗi hoài nghi về trật tự xã hội và về chính con người. Đó chính là lớp trầm tích đằng sau một thế giới nhại có phần lạnh lùng của truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp. Tóm lại, giọng trào lộng đã thể hiện rõ chức năng chỉnh lý hình tượng bằng tiếng cười, là một trong những nỗ lực khám phá tích cực và toàn diện cuộc sống của người viết. Nó góp phần mang lại sự cởi mở, thoải mái, dân chủ của đời sống văn học đương đại. Một mặt nó giải thoát cho khả năng phán đoán, mở rộng trí tưởng tượng, mặt khác lại không ngừng duy trì mối liên hệ tỉnh táo với hiện thực. Đây cũng chính là một trong những nhân tố quan trọng tạo ra tính hiện đại của văn học giai đoạn này, bởi hài hước là “phát minh lớn nhất của tinh thần hiện đại”.

Trong mỗi tác phẩm, bên cạnh giọng điệu chủ đạo, bao giờ cũng tồn tại nhiều sắc thái giọng điệu khác nhau. Bởi cũng theo M. Khrapchencô, “giọng điệu chủ đạo không những không loại trừ mà còn cho phép tồn tại trong tác phẩm văn học những giọng điệu khác nhau”. Khi đọc truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, độc giả dễ dàng nhận ra giọng điệu chủ đạo trong các tác phẩm của

ông là giọng giễu nhại. Bên cạnh đó người đọc còn bắt gặp giọng điệu triết lí, suy tư và giọng điệu trữ tình thiết tha, sâu lắng trong một số sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp. Nhiều sắc thái giọng điệu trần thuật này giúp nhà văn tạo được sự đa thanh và góp phần quan trọng vào thành công của mỗi tác phẩm.

Một phần của tài liệu Một số đặc điểm trong sự vận động của truyện ngắn Việt Nam hiện đại qua truyện ngắn Đỗ Chu và Nguyễn Huy Thiệp (Trang 100)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(118 trang)