5. Cấu trúc luận văn
3.2.1.2. Ngôn ngữ truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp
Trong văn xuôi, bước đổi thay của ngôn ngữ lúc đầu gắn với nhu cầu “được nói thật”. Sự cổ vũ của Đảng “nhìn thẳng và nói thật” cho phép nhiều tác phẩm chống tiêu cực ra đời. Ngôn ngữ văn xuôi bắt đầu bớt đi vẻ trang trọng, ít du dương, ít rào đón mà gần gũi với đời thường, chân thật trong giọng điệu, thô nhám trong từ ngữ. Sự xuất hiện của Nguyễn Huy Thiệp như một hiện tượng “lạ”. Ngoài khả năng biến ảo của một bút pháp đa dạng, đa tầng, tác giả này còn gây cú sốc thực sự cho ngôn ngữ văn học. Lối nói “cộc lốc”, sắc bén và hàm súc, câu văn ngắn gọn, dồn dập, hạn chế tối đa các liên từ,
nén năng lượng làm rung chuyển lối văn mực thước, trang trọng hoặc rào đón, đưa đẩy. Ngòi bút tác giả này như không hề biết đến những gửi thưa kiểu cách, những nghi thức nhiều khi rất nhiều khách sáo, mặc nhiên khẳng định tư thế bình đẳng, dân chủ giữa con người với con người. Lối văn đó phù hợp với cái hiện thực đời thường mà ông mô tả.
Nguyễn Huy Thiệp sử dụng các đối thoại giàu tính kịch, dung hợp những từ ngữ thông tục, gần với ngôn ngữ đời sống khác với ngôn ngữ truyện ngắn Đỗ Chu có mức độ cách điệu hóa ngôn ngữ ngoài đời cao hơn. Thu hẹp khoảng cách giữa truyện kể và những “chuyện” của hiện thực, ngôn ngữ trần thuật trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp nói riêng và truyện ngắn đương đại trở nên gần với ngôn ngữ đời sống hơn bao giờ hết. Để phê phán một mảng xã hội bộn bề, mọi chuẩn mực đạo đức bị đảo lộn, Nguyễn Huy Thiệp đã không ngại sử dụng thứ ngôn ngữ trần thuật “thiếu văn hóa”. Ưa chuộng tốc độ (tinh thần của lối sống hiện đại), ngôn ngữ trần thuật trong truyện ngắn sau Đổi mới thường ngắn gọn, đơn nghĩa nhưng chứa nhiều thông tin. Các câu văn này thường mang giọng “vô âm sắc” tức là thường ngắn gọn, những từ ngữ mang sắc thái biểu cảm bị triệt tiêu, giọng điệu bị “tẩy trắng”. Câu văn mang tính chất thông báo đơn thuần. Câu văn ngắn, câu sau gối lên câu trước, cấu trúc câu lặp lại. Cấu trúc câu văn phổ biến mà người đọc dễ dàng tìm được trong các truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp là các câu đơn có cấu trúc C- V, thậm chí có khi rút lại chỉ còn là những mệnh đề cụt ngủn, các mệnh đề nhiều khi tự mâu thuẫn ngay từ bên trong, mệnh đề sau phủ định mệnh đề trước. Ví dụ “Lửa thử vàng. Vàng thử đàn bà. Đàn bà thử đàn ông. Đàn ông thử
ma quỷ với thánh thần… Hoá ra ma quỷ hết! Thánh thần ít lắm…” (Đời thế mà
vui). Tác giả có khi còn sử dụng rất nhiều những câu đặc biệt, thiếu các thành
phần chủ ngữ hoặc vị ngữ, có khi còn được giản lược một cách tối đa. Hầu hết các câu văn đều nhất loạt cấu tạo theo cấu trúc: chủ ngữ + động từ chỉ hành vi nói như “vợ tôi bảo, cha tôi bảo, các vị hỏi”… Cách trình bày sự
kiện từ bên ngoài và mang tính hành vi thiếu vắng điểm nhìn bên trong và có cái nhìn tĩnh tại của máy quay phim. Câu chuyện giống như một cuốn phim quay nhanh những sự kiện, biến cố của đời sống. Suốt chiều dài câu chuyện là giọng điệu trống rỗng vô hồn, dửng dưng đến tàn nhẫn của nhân vật tôi. Cách hành văn này biểu hiện một giọng điệu sắc lạnh, khách quan. Lối viết phóng túng của nhà văn với những câu văn phá cách, rồi bao sự vênh lệch, trật khớp trong đối thoại, cả những ý nghĩ miên man, chắp nối vụn vặt, nhảy cóc của nhân vật… tạo nên một mê lộ ngôn từ, nhấn chìm nhân vật trong những dòng chảy cuồng nộ… Ngôn ngữ đối thoại tự nhiên đến mức như được xắn lên từ một cuộc đối thoại đâu đó ngoài đời. Theo đó, nhà văn lột mặt nạ tính cách nhân vật, các quan hệ tôn ty nhiễu loạn trong hiện thực nhiều khi thật quái dị: "Thằng bé không thích chú Hảo. Chú Hảo râu xồm. Chú nói:
- Đồ đĩ! Béo nứt bụng!
Mẹ nó cười. Chú Hảo lại bảo:
- Gái xề! Đồ mặt chó! Mẹ nó lại cười. (Đời thế mà vui).
Đoạn đối thoại cho thấy phong cách ngôn ngữ độc đáo của nhà văn. Nó không óng ả, êm mượt mà thô ráp, góc cạnh như đời sống thực ngoài đời. Có một điều đặc biệt là dù ngắn gọn, cộc lốc nhưng đối thoại trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp mang tính cá thể hoá cao độ, thể hiện rõ nét, góc cạnh tính cách của nhân vật. Với Thuỷ, một người toan tính thực dụng, nắm vai trò “nội tướng” trong gia đình, ngôn ngữ của cô bao giờ cũng tồn tại dưới dạng mệnh lệnh, khô khan, sắc sảo nhưng ráo hoảnh tình người: “Không để thế được”, “Cha nuôi vẹt xem”, “Sao không cho vào máy xát? Sao để ông biết?”, “Anh thôi hút thuốc lá Galăng đi”, “Việc gì?”, “Thế bao giờ đi?”, “Tôi không thích. Thế ông bảo sao?”, “Mẹ già rồi”, “Đừng đổ sâm, khổ cho mẹ”, “Đừng
khóc”… (Tướng về hưu). Là một người cha cay nghiệt suốt ngày cau có, lời nói của lão Kiền (Không có vua) với con cái thường là những lời chửi rủa,
thoá mạ hết sức độc địa: “Mày ấy à? Công chức gì mặt mày? Lười như hủi.
Chữ tác chữ tộ không biết , chỉ giỏi đục khoét”, “Đồ ruồi nhặng! Học với hành! Người ta dạy dỗ mày cũng phí cơm toi”… Là một gã trai đê tiện, bỉ ổi,
lời lẽ của Đoài cũng mang những dấu ấn riêng khó nhầm lẫn - nhất là khi lời nói ấy hướng về những người anh, em của mình. Sau lưng Khiêm, Đoài bảo:
“Trước sau cũng vào tù thôi. Cái thằng ấy tôi đã thấy trước tương lai của nó.
Ít ra cũng sáu năm tù. Kể cũng lạ. Một năm nó ăn cắp đến nửa tấn thịt mà người ta để yên cho nó”, “thật là giờ làm việc của quân dạo tặc” . Nhưng
trước mặt Khiêm, Đoài lại bảo: “Có chút đạm này là đủ hai nghìn calo để làm
việc cả ngày đây. Cũng là nhờ chú Khiêm nhà mình vừa khéo vừa nhanh”…
Với Sinh, mọi lời nói của Đoài trước sau gì cũng không đi chệch quỹ đạo của
sự sàm sỡ, chim chuột: “Người chị tôi sao cứ mềm như bún”, “Thiếu một tí
tình thôi. Sinh cho tôi xin một tí tình”, “Tôi nói trước, thế nào tôi cũng ngủ được với Sinh một lần”… Có thể nói, với ngôn ngữ được cá thể hóa cao độ,
Nguyễn Huy Thiệp đã đóng những dấu triện riêng cho từng nhân vật.
Văn Nguyễn Huy Thiệp còn hấp dẫn người đọc bởi sự đa nghĩa từ chi tiết đến tổng thể, nhiều sức gợi liên tưởng ra bên ngoài tác phẩm. Mỗi lần đọc lại Nguyễn Huy Thiệp là một lần ta như thấy cái khối vuông ru bích đang chuyển động. Gắn với sự chuyển động của nó là những độ mở mới, màu sắc mới và những trữ lượng ngữ nghĩa nghệ thuật mới được khai lộ. Cái “phức tạp”, “nhiều tầng lớp” có được, một phần là nhờ ngôn ngữ đầy tính ẩn dụ, nhiều nghĩa, cho phép người đọc phát huy cao độ sức liên tưởng và kinh nghiệm cá nhân vào việc lĩnh hội nghệ thuật. Xin nêu một số ví dụ: lời Đặng Phú Lân nói với Nguyễn Ánh về thanh bảo kiếm “Trước chúa công chỉ thấy đầu rơi dưới kiếm, bây giờ mới nhìn rõ kiếm, thế là sắp thanh bình thịnh trị rồi đó” (Kiếm sắc); “Trời rất xanh. Giữa trời có đám mây trắng trông hệt dáng điệu một nhà hiền triết. Thoắt cái, gió xua mây đi, nhà hiền triết biến thành
con chó xồm lớn” (Nguyễn Thị Lộ - Nguyễn Huy Thiệp). Hay một đoạn văn ngắn trong truyện ngắn Không có vua: “Ba ngày Tết trôi qua, lòng đường đầy
xác pháo. Ai cũng có cảm giác ngày Tết trôi nhanh! Ngày nào mà chẳng trôi nhanh, hở giời?”… Đoạn văn có ba câu ngắn gọn. Câu thứ nhất chỉ là lời mô tả, ghi nhận một hiện trạng tự nhiên mà ai cũng trông thấy, có thể đo đếm
được. Câu thứ hai biểu cảm một trạng thái tâm lý đúng với ngàn đời: Ngày vui
ngắn chẳng tày gang (Truyện Kiều - Nguyễn Du). Nhưng đến câu thứ ba thì
Nguyễn Huy Thiệp đã đặt con người trước sự mênh mang miên viễn của thời gian, trước ý thức khắc khoải về dòng chảy thời gian đang vùn vụt qua đi và trước cảm quan Phật giáo “Sinh ký tử quy” (Sống gửi thác về). Không phải chỉ ba ngày Tết trôi nhanh! Sự thật ngày nào cũng trôi nhanh, từng giây từng phút qua đi, từng giờ, từng sớm, từng chiều vùn vụt qua đi. Chỉ với ba câu văn, nhà văn đã đưa người đọc từ thực tại đời thường đến cảnh giới của cõi Phật, trước những suy tư chiêm nghiệm về thời gian, về đời người đang vùn vụt một đi không trở lại. Đó là cái thảm trạng hạnh ngộ của kiếp con người:
Thân như điện ảnh hữu hoàn vô (“Thân như bóng chớp có rồi không” - Nguyễn
Vạn Hạnh). Đến Nguyễn Huy Thiệp, nhà văn không hỏi con người mà hỏi giời, hỏi cõi hư không, vô thủy vô chung. Đáp lại câu hỏi ấy là tiếng vọng của sự tỉnh thức, là sự ý thức về thời gian, về nỗi khắc khoải in đậm sắc màu triết học và ý nghĩa kiếp người mang căn tính Phật. Trong quỹ thời gian vô cùng, vô tận
của dương thế có biết bao nhiêu ngày là “ngày thường”? Bản chất con người
có lẽ cũng dễ được biểu hiện trong những trạng thái cuộc sống bình thường như vậy. Cuộc sống của một gia đình với biết bao sự kiện lớn nhỏ đã xảy ra. Có người chết đi, có người được sinh ra, có người tiếp tục con đường học vấn nhọc nhằn, có người nhăm nhe lập gia đình riêng… Và rốt cục, cuộc sống của gia đình họ sẽ thế nào? Đoài có buông tha cho Sinh? Cấn có đối xử tử tế hơn với vợ không khi con gái họ ra đời? Cuộc đời Khảm, Khiêm và Tốn sẽ thế nào?
Không ai biết được, kể cả tác giả, và người đọc sẽ cứ băn khoăn, day dứt mãi với rất nhiều câu hỏi bỏ lửng như vậy của tác phẩm.
Người đọc có thể đặt câu hỏi: tại sao Nguyễn Huy Thiệp lại chọn cho mình một cách viết lạnh lùng, khách quan đến như vậy? Phải chăng bởi Nguyễn Huy Thiệp là người không thích “vẻ sạch sẽ gớm ghiếc của người đời” vì nó “trái lẽ tự nhiên”. Ông muốn bắt người đọc phải đối diện một cách trực diện với những gì “vừa tàn nhẫn, vừa phi lý”, bởi vì theo ông:
“Lẽ đời là thế” (Trương Chi). Với Nguyễn Huy Thiệp, cuộc sống không cần
bất cứ một sự tô vẽ nào. Nhà văn muốn gọi sự vật bằng đúng tên gọi của nó, không màu mè, không đạo đức giả. Đó dường như là triết lí văn chương mà ông luôn hướng đến khi cầm bút:
Tôi biết một thứ ngôn ngữ giản dị như đất Thứ ngôn ngữ mộc mạc, thẳng băng Tựa như tiếng tù và
Như tiếng kèn đồng Như tiếng chuông vọng
Có một thứ ngôn ngữ thức tỉnh con người Buộc họ soi vào lòng mình
như soi mặt xuống lòng hồ
(Mưa Nhã Nam)
Chính “ngôn ngữ giản dị như đất, mộc mạc, thẳng băng” này đã giúp
nhà văn Nguyễn Huy Thiệp thể hiện thành công những tư tưởng nhân văn của mình. Có thể nói, “giống như người nghệ sĩ ba lê tài năng, Nguyễn Huy Thiệp trình diễn một thế giới đa sắc trên đầu những đầu mũi ngón chân. Những ngón chân ấy bám trụ vào hiện thực một cách tinh diệu, xoay chuyển một cách nhịp nhàng với những vòng quay, những vũ điệu ngôn từ...”.
Cùng với Nguyễn Huy Thiệp và trong không khí dân chủ cởi mở của xã hội, xuất hiện hàng loạt cây bút trẻ. Họ ít bị ràng buộc bởi những tín điều đạo đức, luân lý. Họ vừa tự tin vào mình, vừa nhiều hoài nghi đối với cuộc đời. Bởi vậy họ sử dụng ngôn ngữ văn chương để bộc lộ “cái tôi” cá tính của mình. Những cái tên như Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Nguyễn Ngọc Tư, Phan Thị Vàng Anh… và những truyện ngắn của họ chính là những dấu hiệu sắc nét thể hiện sự vận động của truyện ngắn Việt Nam hiện đại nhìn từ góc độ ngôn ngữ trần thuật.