Cốt truyện trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp

Một phần của tài liệu Một số đặc điểm trong sự vận động của truyện ngắn Việt Nam hiện đại qua truyện ngắn Đỗ Chu và Nguyễn Huy Thiệp (Trang 72)

5. Cấu trúc luận văn

3.1.1.2.Cốt truyện trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp

Khảo sát qua tập truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, có thể thấy phần lớn truyện ngắn của ông có cách tổ chức thành phần cốt truyện không theo lối truyền thống. Điều đặc biệt là cách sắp xếp cốt truyện của nhà văn rất linh hoạt, ở mỗi truyện đều không giống nhau. Nhưng tựu trung lại, có thể phân loại cách xây dựng cốt truyện của Nguyễn Huy Thiệp tập trung thành hai loại chính là: cốt truyện kết thúc không có hậu và cốt truyện phức tạp.

a. Cốt truyện kết thúc thường không có hậu:

Nếu như truyện ngắn Đỗ Chu với những cái kết có hậu luôn lấp lánh một niềm tin tưởng lạc quan của nhà văn về con người và cuộc sống, thì trogn thế giới truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, người đọc lại rất khó có thể tìm được một với kết thúc có hậu. Truyện ngắn truyền thống thường có mô hình cốt truyện “kết thúc có hậu”. Cách xây dựng cốt truyện như vậy khiến người đọc phải chịu một áp lực về một chân lý sẵn có, tất yếu, còn nhà văn cũng như phải gánh trên vai một nhiệm vụ nặng nề là “răn dạy” bạn đọc. Điều ấy đồng nghĩa với việc nhà văn không tạo được khoảng trống để người đọc cùng giải quyết vấn đề của tác phẩm. Truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp đã có sự biến đổi rõ nét về phương diện này. Nếu như đặc điểm thi pháp truyện cổ tích là phải có

kết thúc có hậu thì liên truyện giả cổ tích Những ngọn gió Hua Tát của Nguyễn

Huy Thiệp lại khác biệt rõ rệt. Người đọc cũng chỉ tìm thấy 4/10 truyện có kết

thúc có hậu. Trong cả tuyển tập Nguyễn Huy Thiệp truyện ngắn, độc giả thống

kê được 40/47 truyện có thể coi là kết thúc không có hậu. Con số ít ỏi này cho thấy dường như với ông, cách kết thúc không có hậu dễ tạo được ấn tượng mạnh hơn cho độc giả về một xã hội hiện đại đang bộc lộ những mặt trái. Kiểu truyện này cũng thể hiện cái nhìn và sự phản ánh hiện thực một cách chân thực và nhất quán của Nguyễn Huy Thiệp trước hiện thực cuộc sống.

b. Cốt truyện phức tạp

Với cảm hứng ngợi ca và một thế giới nhân vật thuần nhất, truyện ngắn Đỗ Chu thường có cốt truyện giản dị và đào sâu vào những cảm xúc bên trong thì truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp lại là bức tranh đậm nét từng mảng hiện thực, hiện thực xã hội giống như một mớ bòng bong, rốt loạn khiến cốt truyện mà nhà văn Nguyễn Huy Thiệp xây dựng cũng phức tạp, nhiều mối quan hệ chằng chịt, nhiều biến cố, tình tiết phức tạp hay có khi là những chùm truyện…

Ngược lại với kiểu truyện mi ni, dạng thức truyện trong truyện và truyện liên hoàn lại là hình thức kéo dài truyện, chuyện nọ kéo sang chuyện kia hoặc gối lên nhau thành các lớp truyện hoặc chuỗi truyện nhiều khi khá

phức tạp. Đại diện cho kiểu kết cấu cốt truyện này là Nguyễn Huy Thiệp. Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp rất nhiều chi tiết, tình tiết. Mỗi nhân vật trong tác phẩm có thể đều tạo ra một đường dây sự kiện riêng, một mạch truyện riêng. Tác giả giống như người ưa la cà, và cũng là người tinh thông mọi chuyện, vì vậy, hễ cần dừng lại để lý giải, cắt nghĩa thì dường như ngay

lập tức điều đó sẽ được làm sáng tỏ ngay. Thử lấy truyện Tướng về hưu làm

minh chứng. Trong truyện ngắn này người đọc thấy có một loạt mạch truyện về các nhân vật có tên trong tác phẩm: Chuyện về tướng Thuấn, liên quan đến nhân vật chính này là chuyện về vợ tướng, con trai của tướng, cô con dâu, hai bố con người giúp việc, ông em họ xa, cô cháu họ xa, thậm chí một kẻ tạt ngang câu chuyện như một vết nhơ như nhân vật Khổng ở xí nghiệp nước mắm - nhà thơ cũng được tác giả “trích ngang” mấy dòng đủ để hình dung về

loại thi sĩ nửa mùa kém cỏi về nhân cách. Truyện Con gái thuỷ thần là ba

truyện ghép lại theo cấu trúc rất rời rạc: truyện thứ nhất, truyện thứ hai, truyện

thứ ba. Đặc biệt hơn, truyện Những ngọn gió Hua Tát lại ghép từ 10

truyện, mỗi truyện đều có nội dung riêng, tình tiết riêng. Như vậy, khi “cài” các đường dây sự kiện xung quanh sự kiện, tình huống chính, tác giả đã mở rộng phạm vi tiếp cận và phản ánh hiện thực. Kiểu truyện lồng trong truyện thể hiện cách nhìn vừa bao quát song cũng thật cụ thể, một cái nhìn đa diện, đa chiều về cuộc sống và con người. Kiểu truyện này người đọc cũng từng bắt gặp trong những truyện ngắn của Đỗ Chu sau năm 1986, điều này phản ánh phần nào sự biến đổi, vận động của thể loại truyện ngắn.

Tóm lại, truyện ngắn trước và sau năm 1975 đã có sự đổi mới về cốt truyện. Các nhà văn đã chú trọng xây dựng những cốt truyện có tình huống độc đáo, nhiều biến cố và tình tiết hấp dẫn hơn, đặc biệt với những tác phẩm có hơi hướng tiểu thuyết, nhà văn đã thả lỏng cốt truyện, mở rộng không gian, thời gian, khiến tác phẩm có cấu trúc lỏng nhưng phản ánh được nhiều chiều

hiện thực. Có lẽ chính bức tranh hiện thực đời sống bộn bề, phức tạp đương đại đã thôi thúc các nhà văn như Đỗ Chu, Nguyễn Huy Thiệp phải đổi mới cốt truyện để những sáng tác của họ được mở rộng tối đa chiều kích phản ánh. Hiện thực cuộc sống và con người vì thế cũng được phản ánh có chiều sâu và tầm khái quát rộng lớn hơn.

Một phần của tài liệu Một số đặc điểm trong sự vận động của truyện ngắn Việt Nam hiện đại qua truyện ngắn Đỗ Chu và Nguyễn Huy Thiệp (Trang 72)