Quan niệm nghệ thuật về con người và những kiểu nhân vật

Một phần của tài liệu Một số đặc điểm trong sự vận động của truyện ngắn Việt Nam hiện đại qua truyện ngắn Đỗ Chu và Nguyễn Huy Thiệp (Trang 39)

5. Cấu trúc luận văn

2.2.1.Quan niệm nghệ thuật về con người và những kiểu nhân vật

trong truyện ngắn Đỗ Chu

Là một nhà văn trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ, được sống trong những năm tháng hào hùng của dân tộc, lại được sinh trưởng trên mảnh đất Kinh Bắc – một trong những cái nôi văn hóa của dân tộc, Đỗ Chu đã sớm định hình cho mình một quan niệm riêng về con người và cuộc sống. “Với tấm lòng nhân hậu, bao dung và gần như tuyệt đối tin vào tình người, tình đời, Đỗ Chu có một quan niệm về con người hết sức trong sáng, nhân ái và vị tha. Trong thế giới nhân vật của Đỗ Chu không có kẻ ác và rất ít cái xấu”, “hầu như chỉ có nhân vật chính diện”, nói như Giáo sư Nguyễn Văn Hạnh trong

một bài nghiên cứu về truyện ngắn của Đỗ Chu in trên Tác phẩm mới

(17/9/1971) đã nhận định: “Mặc dù hoàn cảnh khác, tâm lý khác nhưng nhân vật của Đỗ Chu đều có một cái lõi tính cách giống nhau”: “đều có những phẩm chất tốt đẹp và rất đáng yêu.”

Quan niệm về con người này của Đỗ Chu đã chi phối thế giới nhân vật trong truyện ngắn của ông. Các kiểu nhân vật quen thuộc là:

2.2.1.1. Nhân vật đời thường với những vẻ đẹp thời đại, hòa mình vào đời sống cộng đồng

Là bộ phận của nền văn học chiến tranh, truyện ngắn Đỗ Chu gắn với kiểu nhà văn - chiến sĩ, nhà văn - cách mạng. Họ phát ngôn cho tiếng nói thời đại, nhân danh kinh nghiệm cộng đồng. Giai đoạn này, nhân vật trung tâm của văn học nói chung và truyện ngắn Đỗ Chu nói riêng là những người có sự kết tinh các phẩm chất cao quý của cộng đồng, gắn bó số phận mình với số phận đất nước. Đó là những người anh hùng đại diện cho giai cấp, cho dân tộc và thời đại. Cuộc kháng chiến đã đem lại cho con người vẻ đẹp lý tưởng mà nói như A. Niculin, nhân vật được “tắm rửa sạch sẽ và bao bọc trong bầu không khí vô trùng” (nhân vật của Nguyễn Minh Châu). Nhân vật luôn trùng khít với địa vị xã hội của mình và luôn ở trạng thái đơn trị, nhất phiến, nhân vật không chịu tác động của hoàn cảnh, giữ vững bản chất tốt đẹp.

Thời đại mà Đỗ Chu đang sống là thời đại “ra ngõ gặp anh hùng”. Đó

là lý do ta bắt gặp trong sáng tác của Đỗ Chu những đặc tính của người anh hùng. Hình tượng nhân vật trung tâm trong sáng tác của ông là thế hệ trẻ tuổi, với khát khao và hoài bão cháy bỏng, những con người mang trong mình lý

tưởng sống cao đẹp như người thanh niên trong Đường qua nhà, Nghĩa trong

Một người lính trở về, Trọng trong Tâm sự người ở lại, Hàm – người lính lái

xe và Chuyên – cô thanh niên xung phong làm giao liên trong Ráng đỏ, Liệu trong Tiếng vang của rừng, Quế trong Nhành quế, Cung, An và Bích trong

Trung du. Dù làm các công việc khác nhau nhưng họ cùng chung một lý

tưởng sống: chiến đầu vì nền độc lập dân tộc. Vì tiếng gọi Tổ quốc mà họ lên đường. Vì những người thân yêu mà họ chiến đấu đến hơi thở cuối cùng.

Nổi bật trên những trang văn của Đỗ Chu là hình ảnh những thanh niên ưu tú, luôn mang trong mình nhiệt huyết cách mạng và lý tưởng cao đẹp. Họ sẵn sàng gác lại chuyện gia đình, những tình cảm riêng tư để lên đường vào tuyến lửa, theo tiếng gọi của non sông. Trong giai đoạn trước 1975, hình tượng nhân vật mà người đọc dễ dàng bắt gặp trong truyện ngắn Đỗ Chu

chính là những người sẵn sàng chiến đấu và hy sinh vì đất nước cả khi hoà bình hay chiến tranh. Viết trong chiến tranh, ông đã có lần nói: “ca ngợi những con người đang gánh lấy cuộc chiến tranh một cách tự giác và dũng cảm – khiêm tốn và bình tĩnh đến kỳ lạ”. Những con người đó là biểu tượng cho vẻ đẹp tâm hồn Việt qua thử thách và nguy nan vẫn ngời sáng. Đó là những người con gái, con trai ấy tự nguyện lên đường chấp nhận những hy sinh mất mát bởi họ luôn mang trong mình lý tưởng gắn bó cuộc đời mình với cuộc sống của nhân dân, với những thăng trầm của đất nước. Với hoài bão cao đẹp, họ muốn dâng hiến tuổi trẻ cho quê hương. Đọc truyện ngắn của Đỗ Chu, ta không thể quên được hình ảnh những cô thanh niên xung phong, những cô gái mở đường, những người chiến sỹ quân bưu, những cô văn công

phục vụ chiến trường. Đó là những Quế (Nhành quế), Chuyên (Ráng đỏ), Bích (Trung du), Vui, Thư, Hồng (Gió qua thung lũng)… Tất cả họ đều “tự

nguyện sống những ngày dữ dội nhất, nhìn vào mọi thử thách bằng con mắt can đảm nhất. Tình cảm của mỗi người đều gắn liền với những thăng trầm của đất nước. Niềm tin của họ như một ngọn lửa bùng cháy trước ngọn gió lớn

trong cuộc đời” (Gió qua thung lũng). Họ chấp nhận tất cả những khó khăn, hiểm nguy và mất mát bởi phải chăng cũng giống như Lưu (Trên một chặng

đường) trong lòng họ “nhận ra một tình cảm mới mẻ bấy lâu nay cô chỉ nhìn

thấy một cách mơ hồ ở mình, đó là lòng căm thù, đó là lòng yêu quê hương và rộng hơn đó là bắt đầu của lòng yêu nước. Cô muốn hành động, muốn có một công việc nào đó thật cụ thể, để trực tiếp đánh trả lại quân thù”. Lời tuyên thệ trong lễ kết nạp Đảng của Lưu cũng là lời thề của cả một thế hệ: “chúng tôi xin thề suốt đời phấn đấu cho chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản”. Những con người ấy sinh ra, lớn lên và chứng kiến đất nước phải chảy máu trước làn đạn của kẻ thù, làm sao họ không đau. Hơn ai hết họ hiểu rằng bằng mọi giá, dù ở vị trí nào cũng phải đứng dậy để bảo vệ mảnh đất quê hương.

Những cô văn công đem “tiếng hát át tiếng bom”, các cô thành niên xung phong gắn bó với những con đường huyết mạch như chính mạng sống của mình, những người lính ra chiến trường với “ngọn lửa của tình yêu, của cuộc chiến đấu chưa một phút nào ngừng”. Tất cả họ tuy “mỗi người mỗi vẻ” nhưng đều mang lý tưởng thời đại. Đặc biệt càng đáng trân trọng hơn cả là các thế hệ cha – con cùng nối tiếp nhau ra trận đã dệt nên một thời kỳ lịch sử oai hùng của dân tộc:

Lớp cha trước lớp con sau

Đã thành đồng chí chung câu quân hành

(Tố Hữu)

Với những con người đó, “hẳn không ai có thể nào quên những người con trai, con gái hôm này đang có mặt trên khắp nẻo đường đất nước, đang sống những ngày dữ dội nhất, dầu cực nhọc nhưng cũng phơi phới một niềm tin tưởng, đã biết gắn bó cuộc đời mình vào sự sống còn của Tổ quốc, với số

phận của nhân dân.” (Trên một chặng đường).

Bên cạnh những con người nhập cuộc trong thời chiến, nhà văn Đỗ Chu còn dành tình cảm và bút lực của mình để ca ngợi những con người hết lòng vì công cuộc xây dựng đất nước. Vẫn là những người lính năm nào, khi bước ra khỏi cuộc chiến tranh ác liệt, họ lại lao mình đến một trận địa khác, nơi ấy họ dùng bàn tay khối óc của mình góp phần kiến thiết đất nước. Đó là Nghĩa

(Một người lính trở về), khi vừa học xong lớp mười đã “hồn nhiên bước vào

cuộc đời lao động”. Anh làm việc trong một công trường xây dựng với “một lòng tin sôi nổi, một khát vọng sôi nổi”. Chính những thử thách ban đầu ở công trường đã tôi luyện ý chí cho anh, để anh “bước vào cuộc đời chiến sỹ một cách điềm tĩnh”. Ngay trong những năm tháng cầm súng đánh giặc, phải đối mặt với cái chết cận kề, nhưng chưa lúc nào ước mơ “sẽ có một ngày trở về để tiếp tục xây dựng những ngôi nhà cho thành phố” phai nhạt trong anh.

Có lẽ cũng chính ước mơ cháy bỏng ấy đã dẫn lối cho anh khi bước ra khỏi mặt trận, đưa anh trở lại làm việc tại một công trường xây dựng, để anh tiếp tục đóng góp một phần công sức của mình trong công cuộc xây dựng đất (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

nước. Cũng trở về sau chiến tranh, Thuyên (Mận trắng) đã hoà mình vào

không khí chung của cả nước và sớm tìm cho mình một công việc trong đoàn vận tải của công trường xây dựng Nhà máy nhiệt điện Phả Lại, anh du kích

Khang năm xưa (Mùa cá bột) cũng đã trở thành một ông chủ nhiệm đầy tinh

thần trách nhiệm… Từ mặt trận trở về, gánh vác lấy công việc chung của tập thể, những người lính trong truyện ngắn của Đỗ Chu vốn đã trở thành hình tượng đẹp trong cuộc chiến nay càng toả sáng hơn.

Trong truyện ngắn của Đỗ Chu, công cuộc xây dựng đất nước còn có sự ghi danh của thế hệ thanh niên trí thức - những con người luôn thấm nhuần tư tưởng “đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”. Với quan niệm “không có gì hạnh phúc hơn là mình được làm chủ cuộc đời mình”, với ý chí và nghị lực lớn lao, họ đã tìm đến những “chân trời” mới, đó có khi là vùng rừng núi đại ngàn, có khi là nơi đầu sóng ngọn gió. Những con người như Chi

(Chân trời), Hồng (Quanh một bàn tiệc), Lăng (Chuyến đi cuối năm)… có

công việc khác nhau, với những khó khăn và thử thách khác nhau nhưng họ có chung một lòng “nhiệt tình không phải ai cũng có”, “họ lao vào công việc

cũng hồn nhiên và say mê tựa như những lúc ngày thường” (Tháng hai).

Trong chông gai, gian khó, họ đã tìm được niềm vui, hạnh phúc và ý nghĩa của cuộc sống. Chính những người thanh niên trí thức ấy một lần nữa đã chứng minh niềm tin đúng đắn của Đỗ Chu về thế hệ trẻ, đúng như nhà phê binh Nguyễn Văn Hạnh đã nhận xét về ngòi bút của nhà văn Đỗ Chu: “nói có sức thuyết phục về thế hệ trẻ, nói được cái thế vững vàng của thế hệ mới và

đặc điểm mạnh của tâm hồn Việt Nam”.

Một phần của tài liệu Một số đặc điểm trong sự vận động của truyện ngắn Việt Nam hiện đại qua truyện ngắn Đỗ Chu và Nguyễn Huy Thiệp (Trang 39)