Lý thuyết phân đoạn thực tại câu theo quan điểm của Ngữ pháp chức năng

Một phần của tài liệu Khảo sát định ngữ tỉnh thái trong câu Tiếng Việt trên ba bình diện Kết học, Nghĩa học, Dung học (Trang 28)

7. Bố cục của luận văn

1.3. Lý thuyết phân đoạn thực tại câu theo quan điểm của Ngữ pháp chức năng

pháp chức năng

Cùng với sự phân đoạn cấu trúc cú pháp, những năm gần đây các nhà nghiên cứu còn chú ý đến sự phân đoạn thực tại câu theo quan điểm thông tin thực tại hay quan điểm thông báo. Sự phân đoạn câu về mặt ngữ pháp là phân tích câu theo chức năng cấu trúc của các thành phần câu (Chủ ngữ, Trạng ngữ, Vị ngữ, Bổ ngữ….). Phân đoạn thực tại câu (thuật ngữ tiếng Anh là “actual division of the sentence”) là phân tích câu thành các bộ phận theo chức năng thông tin cũ- mới, phân tích cách tổ chức nội dung thông báo của nó nhằm đáp ứng nhiệm vụ giao tiếp trong những văn cảnh và tình huống giao tiếp cụ thể. Đây là cách phân tích câu theo quan điểm của Ngữ pháp chức năng bắt đầu bởi Mathesius của trường phái chức năng Praha. Có thể nói, sự phân đoạn thực tại là một “đặc sản” của Ngữ pháp chức năng với các phiên bản khác nhau.

Simon C.Dik đã khẳng định nền tảng cho Ngữ pháp chức năng bằng cách giới thiệu về hệ hình chức năng thông qua việc so sánh nó và ngữ pháp

hình thức về vai trò của ngôn ngữ tự nhiên. Theo Ngữ pháp hình thức, ngôn ngữ được xem là một đối tượng trừu tượng và ngữ pháp trước hết được hiểu như là “một nỗ lực đặc trưng hóa đối tượng này dưới dạng các quy tắc về hình thức của cú pháp được áp dụng độc lập với nghĩa và với cách sử dụng của cấu trúc được miêu tả” (Simon Dik, 2005, trang 13). Theo quan điểm này, cú pháp được ưu tiên về mặt phương pháp luận so với nghĩa học và dụng học (trong đó, dụng học được định nghĩa như là hệ thống quy tắc chi phối cách sử dụng các biểu thức ngôn ngữ học). Đại diện tiêu biểu cho hệ quan điểm này là N.Chomsky. Trái với xu hướng hình thức, những người theo quan điểm Ngữ pháp chức năng cho rằng, ngôn ngữ trước hết được hiểu là một công cụ tương tác xã hội giữa người với người, được dùng với mục đích chủ yếu là thiết lập quan hệ giao tiếp giữa người nói và người nghe. Với quan điểm này, các nhà nghiên cứu đã nhìn nhận ngôn ngữ từ góc độ là một công cụ giao tiếp của con người. Chức năng giao tiếp vốn là một chức năng quan trọng của ngôn ngữ. Giao tiếp có thể được xem như là một mô hình tương tác qua đó người sử dụng ngôn ngữ tác động đến, tạo nên một sự thay đổi nào đó trong thông tin dụng học của người cùng giao tiếp. Mối tương liên tâm lý của ngôn ngữ tự nhiên là “năng lực giao tiếp” của người sử dụng ngôn ngữ (bao gồm không chỉ khả năng tạo lập và giải thích của biểu thức ngôn ngữ mà còn là khả năng sử dụng những biểu thức này một cách thích hợp và hiệu quả theo các quy tắc giao tiếp bằng lời của một cộng đồng ngôn ngữ). Theo Ngữ pháp chức năng, dụng học được coi là một bộ khung bao trùm toàn bộ trong đó có kết học và nghĩa học. Nghĩa học được xem là một công cụ đối với dụng học. Kết học được xem là một công cụ đối với nghĩa học. Đồng thời Dik cũng đưa ra quan điểm về vai trò của ngữ pháp chức năng. Lý thuyết của Ngữ pháp chức năng nhằm cung cấp các phương tiện và nguyên tắc có thể giúp trình bày ngữ pháp chức năng của một ngôn ngữ cụ thể. Đồng thời, Ngữ pháp chức năng của một

ngôn ngữ cụ thể phải chỉ ra tất cả các biểu thức ngôn ngữ học của nó bằng một hệ thống quy tắc kết hợp chặt chẽ với những khái quát hóa có ý nghĩa nhất về ngôn ngữ.

Ở Việt Nam, Cao Xuân Hạo là một trong những nhà nghiên cứu đưa ra cách nhìn nhận khá tổng quát và đầy đủ về Ngữ pháp chức năng. Ông cho rằng “Ngữ pháp chức năng tự đặt cho mình cái nhiệm vụ nghiên cứu miêu tả và giải thích các quy tắc chi phối hoạt động của ngôn ngữ trên các bình diện của mặt hình thức và mặt nội dung trong mối liên hệ có tính chức năng thông qua việc quan sát cách sử dụng ngôn ngữ trong những tình huống giao tiếp hiện thực không phải chỉ để lập những danh sách đơn vị và xác định những hệ thống và tiểu hệ thống đơn vị ngôn ngữ, mà còn để theo dõi cách hành chức của ngôn ngữ qua những biểu hiện sinh động của nó khi sử dụng” (Cao Xuân Hạo, 2006, trang 15). Từ hai quan điểm trên có thể thấy ngữ pháp chức năng xem ngôn ngữ như một công cụ giao tiếp, hình thức của ngôn ngữ không tồn tại một cách võ đoán mà là tồn tại dưới sự chi phối của quá trình giao tiếp liên nhân. Ngữ pháp chức năng liên hệ khả năng sử dụng ngôn ngữ đúng, chính xác, phù hợp với hoàn cảnh giao tiếp của người sử dụng ngôn ngữ. Ngữ pháp chức năng cũng cho rằng người tiếp nhận ngôn ngữ chỉ có thể hiểu đúng được một biểu thức ngôn ngữ nhất định trong một bối cảnh nhất định. Như vậy Ngữ pháp chức năng đề cao tầm quan trọng của dụng học khi nó nghiên cứu mối quan hệ giữa ngôn ngữ, người sử dụng ngôn ngữ (bao gồm người nói và người nghe) và bối cảnh giao tiếp.

Cùng với việc đưa ra cách hiểu về Ngữ pháp chức năng, các nhà nghiên cứu cũng nêu ra vai trò của Ngữ pháp chức năng, là làm rõ 3 bình diện của lý thuyết ký hiệu học của Morris, bao gồm: Kết học (Syntatics), Nghĩa học (Semantics) và Dụng học (Pragmatics). Cao Xuân Hạo đã chỉ rõ: bình diện Nghĩa học là bình diện của sự tình được biểu thị và những “vai trò” tham gia

cái sự tình ấy, bình diện cú pháp là bình diện của những khái niệm được xác định bằng những tiêu chuẩn hình thức thuần túy và bình diện Dụng học là bình diện của việc sử dụng ngôn từ trong những tình huống cụ thể, trong những cuộc đối thoại cụ thể, trong những văn cảnh cụ thể, vào những mục đích cụ thể. Câu là đơn vị nhỏ nhất của ngôn từ mà trong đó cả 3 bình diện này đều được thể hiện, có mối quan hệ khăng khít với nhau, do đó, không thể nghiên cứu một bình diện nào đó mà tách rời hai bình diện còn lại. Một trong những nhiệm vụ của Ngữ pháp chức năng là xác minh mối quan hệ giữa ba bình diện này, theo đó, người nghiên cứu phải thấy được sự “thống hợp” của chúng (chữ dùng theo Đỗ Hữu Châu) nhưng không được lẫn lộn các sự kiện của bình diện này và bình diện khác.

Từ đây có thể nêu ra những nhận định khái quát về ngữ pháp chức năng như sau. Nếu Ngữ pháp cấu trúc nghiên cứu ngôn ngữ đi từ phương tiện (hình thức) đến mục đích (nghĩa) thì Ngữ pháp chức năng lại đi từ mục đích đến phương tiện. Theo Ngữ pháp chức năng, con người có thể sử dụng một cách linh hoạt các phương tiện sẵn có của ngôn ngữ để phục vụ cho những mục đích giao tiếp nhất định. Hai biểu thức ngôn ngữ khác nhau cho dù cùng diễn đạt một nội dung thông tin nội dung mệnh đề vẫn phục vụ hai mục đích khác nhau. Ý nghĩa khác nhau không chỉ thuộc phạm vi nghĩa học mà nằm trong tầm phạm vi của giao tiếp, tầm phạm vi của dụng học. Dik đã chỉ ra 3 thành tố chính của thông tin dụng học. Thông tin chung bao gồm thông tin dài hạn về thế giới, những đặc trưng văn hóa, tự nhiên của nó và những thông tin về bất kỳ một thế giới nào khác, dù thực hay tưởng tượng. Thứ hai là thông tin tình huống bao gồm những thông tin xuất phát từ người tham gia giao tiếp hay tình huống giao tiếp. Thứ ba là thông tin ngữ cảnh- thông tin từ các biểu thức ngôn ngữ đi trước và sau thời điểm giao tiếp được xét đến. Những quan điểm và phương pháp nghiên cứu của Ngữ pháp chức năng có thể được xem như là

cơ sở cho việc phân tích cấu trúc hình thức của câu (bình diện kết học) trong mối liên hệ với hai bình diện nghĩa học và dụng học. Mối liên hệ chức năng giữa 3 bình diện làm nên mối liên hệ của phương tiện biểu đạt với mục đích biểu đạt.

Một phần của tài liệu Khảo sát định ngữ tỉnh thái trong câu Tiếng Việt trên ba bình diện Kết học, Nghĩa học, Dung học (Trang 28)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(163 trang)