Ranh giới giữa các nhóm định ngữ tình thái rất mong manh

Một phần của tài liệu Khảo sát định ngữ tỉnh thái trong câu Tiếng Việt trên ba bình diện Kết học, Nghĩa học, Dung học (Trang 84)

7. Bố cục của luận văn

3.5.4.Ranh giới giữa các nhóm định ngữ tình thái rất mong manh

Đặc điểm ngữ nghĩa thứ hai mà chúng tôi thu được khi nghiên cứu về định ngữ tình thái là ranh giới phân loại giữa các định ngữ biểu thị tình thái nhận thức và tình thái đạo nghĩa chỉ mang tính chất tương đối, trong nhiều trường hợp không có sự rõ ràng. Dẫn đến kết quả, có một số trường hợp định ngữ câu mơ hồ về tình thái, ví dụ như : Giá, giá như, ước, ước gì, đáng lẽ,

cũng may, được cái, may mà, may ra. Ngay cả trong các định ngữ mơ hồ về tình thái như thế này, chúng tôi cũng chia thành hai nhóm:

- Nhóm thứ nhất gồm các trường hợp “Ước gì P, Giá P, Giá như P, Phải chi P”: cho thấy nội dung sự tình P là một điều mong ước, mong muốn của người nói không có thật ở hiện tại và quá khứ, thậm chí cả tương lai. Thêm vào đó, việc sử dụng các quán ngữ tình thái này tạo cho câu có sắc thái của sự tiếc nuối.

- Nhóm thứ hai là các trường hợp “Lẽ ra/ Đáng ra/ Đáng lí/ Đáng lẽ ra/ Đáng lí ra/ Biết thế này ..+ P”. Với sự xuất hiện của các tổ hợp tình thái trên đầu câu người nói thể hiện sắc thái đánh giá sự tình P là hợp lí, có lợi hơn sự tình tồn tại trong thực tế, thái độ của người nói là tiếc nuối, hối tiếc hoặc hối hận vì P đã không diễn ra, không có thực hoặc ccó khi người nói trách móc, phê phán vì P đã không có thực. Các tác tử của nhóm này cũng có thể xuất hiện trong các câu ghép điều kiện- kết quả kiểu như Lẽ ra P thì Q, Đáng lẽ P thì Q….

CHƯƠNG 4: KHẢO SÁT ĐỊNH NGỮ TÌNH THÁI TRÊN BÌNH DIỆN DỤNG HỌC

4.1. Dẫn nhập

Trong phạm vi của ngữ pháp học truyền thống, các nhà nghiên cứu tập trung nhiều đến việc mô tả và giải thích các hiện tượng bó hẹp trong khuôn khổ của những cấu trúc tương đối ổn định. Cái lợi của điều này là rõ ràng, khiến cho việc miêu tả trở nên rất thuận lợi và kết quả thu được thường là các mô hình rất đẹp, mang dáng dấp mô hình toán học. Các cấu trúc được đưa ra phân tích có được các quan hệ cú pháp khá chặt chẽ, thể hiện qua những mô hình trừu tượng thường cân đối. Tuy nhiên, việc bó hẹp các cấu trúc này trong một khuôn khổ trừu tượng, khô cứng như vậy cũng bộc lộ những mặt trái của nó. Đó là các cấu trúc này không thể phản ánh sâu sắc bản chất của ngôn ngữ như nó được thể hiện trong thực tế diễn ngôn với rất nhiều hiện dạng vô cùng phong phú và sự đa dạng của các kiểu câu, nhiều khi những hiện dạng này là không lường hết được. Nếu chỉ dừng lại ở một số mô hình câu mang tính chất cố định, tĩnh tại thì ta sẽ bỏ qua vô vàn các hiện tượng biến đổi hiện thực sinh động của các cấu trúc cú pháp.

Ngữ pháp chức năng ra đời nhấn mạnh đến một luận điểm quan trọng, đó là ngữ pháp ngày nay trên con đường phát triển của mình phải có sự liên kết với các phân môn khác của ngôn ngữ học, nhằm vươn đến năng lực giải thích cao hơn. Các nhà ngữ pháp chức năng như Halliday, Dik nhấn mạnh nhiều đến việc kết nối giữa ngữ pháp và dụng học theo tinh thần ngữ pháp không thể làm thay công việc của dụng học nhưng quyết phải tương thích với dụng học. Luận điểm này rất quan trọng vì nó phản ánh rõ nét xu hướng nghiên cứu mang tính tổng thể, có chiều sâu trong nghiên cứu ngôn ngữ học. Xu hướng này giúp người nghiên cứu có được một góc nhìn toàn diện về các sự kiện ngôn ngữ, để từ đó có cơ sở đi sâu vào tìm hiểu bản chất của các sự

kiện này. Theo quan điểm của ngữ pháp chức năng, câu trong ngôn ngữ học hiện đại được khảo sát trên 3 bình diện. Mô hình này có nguồn gốc từ sự phân biệt 3 bình diện khác nhau trong lí thuyết kí hiệu học của Ch. Morris và Pierce. Theo đó, cần phân biệt trong mọi hệ thống kí hiệu học 3 lĩnh vực: Kết học, Nghĩa học và Dụng học. Mỗi lĩnh vực này có một vai trò khác nhau. Nếu Kết học nghiên cứu các kí hiệu trong những mối quan hệ với các ký hiệu khác, Nghĩa học nghiên cứu các kí hiệu trong mối quan hệ với các sự vật ở bên trong hệ thống kí hiệu thì Dụng học lại có chức năng nghiên cứu các kí hiệu trong mối quan hệ với những người sử dụng nó. Quan điểm của Dik về Dụng học hoàn toàn phù hợp với quan điểm của ngữ pháp chức năng: ngữ pháp không làm thay công việc của dụng học nhưng phải tương thích với dụng học. Người nói tìm một cấu trúc thể hiện phù hợp để đạt được mục đích giao tiếp cao nhất. Hay nói cách khác, chính mục đích giao tiếp là nhân tố quyết định cấu trúc nào sẽ được sử dụng.

Trên bình diện dụng học, tìm hiểu câu có định ngữ tình thái đứng đầu là chúng tôi tìm hiểu vai trò của các yếu tố này trong mối quan hệ với văn bản chứa nó và trong mối quan hệ với người sử dụng. Chúng tôi đặt ra vấn đề hiệu quả mà định ngữ câu mang lại trong một văn bản hay một hoàn cảnh giao tiếp cụ thể. Theo chúng tôi, trong văn bản, chức năng dụng học của định ngữ tình thái thể hiện ở chỗ:

- Định ngữ tình thái tác động đến toàn bộ phần nội dung còn lại của câu. - Chỉ dẫn quan hệ lập luận

- Tạo sự mạch lạc, liên kết trong đoạn văn bản

Còn trong mối quan hệ với người sử dụng, định ngữ tình thái của câu góp phần thể hiện tình cảm và lập trường của người phát ngôn trong quan hệ tương tác liên nhân.

Một phần của tài liệu Khảo sát định ngữ tỉnh thái trong câu Tiếng Việt trên ba bình diện Kết học, Nghĩa học, Dung học (Trang 84)