Quần đảo Cát Bà là nơi hội tụ của nhiều HST khác nhau, nơi có 6 HST tiêu biểu cho loại hình đảo đá vôi và ven biển nhiệt đới.
3.1.1.1. Hệ sinh thái rừng nhiệt đới
Hệ sinh thái rừng nhiệt đới chiếm phần chính của Vườn Quốc gia (VQG) Cát Bà, chiếm diện tích lớn (khoảng 15.067 ha). Ở đây có khu vực rừng nguyên sinh duy nhất còn sót lại ở Cát Bà với diện tích khoảng 1.045,2 ha và còn giữ được trạng thái tự nhiên. Tại đây có hồ Ao Ếch diện tích 3 ha với rừng bao quanh, là nơi có nhiều loài thú quý hiếm sinh sống như Sơn dương, Khỉ vàng, Vọoc Đầu trắng. Rừng cây gỗ quý Kim Giao bao bọc xung quanh đỉnh Ngự Lâm cao nhất thuộc VQG Cát Bà.
Đa dạng sinh học của HST này cao với 1.561 loài thực vật bậc cao thuộc 842 chi và 186 họ, trên 200 loài động vật trên cạn trong đó lớp thú có 53 loài, lớp chim có 155 loài, lớp bò sát có 45 loài và lớp ếch nhái có 21 loài. Sự phân bố của chúng không đồng đều chủ yếu tập trung ở các thung, áng nằm xa dân cư như Re Bờ Đá, Nước Lụt, Man Đớp,…
3.1.1.2. Hệ sinh thái rừng ngập mặn
Vùng cửa sông ven biển là môi trường thuận lợi cho thực vật ngập mặn phát triển, tạo thành HST rừng ngập mặn (RNM). Hệ sinh thái RNM là nguồn tài nguyên quý giá của vùng ven biển nhiệt đới nói chung và vùng ven biển Cát Bà của Hải Phòng nói riêng.
Rừng ngập mặn có giá trị đa dạng sinh học cao và do địa hình của Cát Bà rất đa dạng, phức tạp đã quyết định đến sự phân bố của thực vật ngập mặn và đã tạo nên những cảnh quan rất đặc thù và hấp dẫn của vùng biển Cát Bà.
38
Hình 3.1. Rừng ngập mặn ven biển xã Xuân Đám, Cát Bà
Trong HST rừng ngập mặn có 31 loài thực vật ngập mặn, khoảng 90 loài cá, trong đó cá đối chiếm tỷ lệ cao, ngoài ra còn có cá bống, cá sơn, cá căng, cá hói. HST RNM là nơi cư trú, làm tổ hoặc là nơi kiếm mồi của các loài chim, đặc biệt nhóm chim biển: Hải âu, Cốc biển, Mòng biển, Vịt biển, Nhạn,… thường theo thuỷ triều đến kiếm ăn ở thảm thực vật ngập mặn. Nhóm chim trên đảo có Cò đen ẩn náu ở các bụi cây ngập mặn để săn bắt các loài sinh vật vùng triều. Nhóm chim ven bờ: Choi choi biển, Chắt bụng vàng, Cà kheo. Nhóm chim di cư: Cò trắng, Mòng biển,… Ngoài ra còn có các loài rong, cỏ biển sống bám trên các mảnh vỏ sinh vật, bám trên các gốc cây ngập mặn và trên nền đáy cứng hoặc cát bùn.
3.1.1.3. Hệ sinh thái vùng triều
Bao gồm môi trường sống và các loài sinh vật sống trong khu vực từ cao triều đến vùng thấp triều (vùng gian triều – intertidal zone). Có 3 dạng sinh cảnh chính ở đây là: các bãi cát, vùng triều rạn đá, vùng triều hỗn hợp. Trên vùng triều có hai dạng sinh vật chiếm ưu thế là động vật đáy và rong, cỏ biển. Ngoài ra còn có các nhóm động vật khác gồm: Rắn biển, Đồi mồi, Rùa da …
3.1.1.4. Hệ sinh thái rạn san hô
Tổng diện tích phân bố các rạn san hô (RSH) khu vực Cát Bà chiếm diện tích khoảng 1.500 ha, thường phân bố trong khoảng độ sâu 0,7m - 10,0m. Trong các nhóm san hô, san hô cứng đóng vai trò quan trọng tạo nên RSH, các nhóm khác ít có vai trò tạo rạn hơn hoặc không có, phần lớn chỉ tham gia với tư cách là thành viên quần xã sinh vật RSH.
San hô được chia thành 2 nhóm: nhóm san hô tạo rạn và nhóm san hô không tạo rạn. Sự khác biệt chủ yếu là nhóm san hô tạo rạn có tảo cộng sinh nằm trong mô mềm của san hô với mật độ cao, khoảng 1 triệu tế bào/cm2. Do có tảo cộng sinh nên
39
san hô tạo rạn chỉ phân bố ở vùng biển nông để bảo đảm ánh sáng cho tảo cộng sinh hoạt động. Các san hô thuộc nhóm không tạo rạn có thể phân bố ở biển sâu không cần ánh sáng.
Cấu trúc thành phần nhóm san hô: ở vùng biển Cát Bà – Long Châu có khoảng 177 loài thuộc lớp san hô. Trong đó bộ san hô cứng Scleractinia 166 loài, thuộc 15 họ và 11 loài san hô khác thuộc các bộ san hô bò Stolonifera, san hô mềm Alcyonaria, san hô sừng Gorgonacea. Ở Cát Bà – Long Châu, nhóm san hô dạng khối phong phú hơn, họ Faviidae có thành phần giống loài nhiều hơn họ Acroporidae.
Phân bố RSH: Rạn san hô là các thực thể tự nhiên dưới đáy biển có nguồn gốc sinh vật, trong đó quan trọng nhất là san hô tạo rạn và rong san hô. Hai nhóm sinh vật này tạo nên phần nền của RSH. Các loài san hô tạo rạn luôn luôn đòi hỏi môi trường sống ổn định với điều kiện nhiệt độ thích ứng là 16 - 360C (tối ưu là 25 - 300C), nước trong sạch, đáy cứng. Vì thế, các RSH chỉ phân bố ở vùng nước nông nhiệt đới, xa các vùng cửa sông có nước đục và độ muối thấp.
Sự phân bố mặt rộng của san hô phụ thuộc vào độ muối của nước biển. Giới hạn gần đất liền nhất còn có thể tìm thấy có san hô phân bố là Hòn Cát Ông ở phía nam đảo Cát Bà, một số vùng có RSH tốt là Áng Thảm, Cát Dứa, Mũi Hồng, Ba Trái Đào (đông nam Cát Bà).
Sự phân bố theo độ sâu của san hô phụ thuộc chủ yếu vào độ trong của nước biển, địa hình và chất đáy. Khu vực Cát Bà thuộc vùng nước nông ven bờ, chịu ảnh hưởng rất lớn của chế độ lục địa nên độ trong của nước kém, nhất là về mùa mưa, đáy có nhiều bùn, hạn chế khả năng vươn xuống sâu của các loài san hô tạo rạn. Độ sâu phổ biến rạn đạt tới là 5-6m, tối đa không quá 10m. Các rạn có chiều rộng phổ biến là 30-50m, rộng nhất không quá 100m từ mép đảo. Về cấu trúc, rạn tồn tại ở 2 dạng: rạn viền bờ điển hình có ở các cung lõm các đảo và rạn không điển hình có ở ven lạch triều hẹp, ven mũi nhô nơi có dòng chảy mạnh.
3.1.1.5. Hệ sinh thái đáy mềm
Bao gồm phần đáy biển rộng lớn cùng với các thuỷ vực “nước bao quanh phần đáy biển”. Bốn nhóm sinh vật điển hình cho HST này là động vật đáy mềm, thực vật phù du, động vật phù du, cá biển.
3.1.1.6. Hệ sinh thái hồ nước mặn
Là các dạng sinh cảnh rất đặc thù cho vùng đá vôi kaster ở Cát Bà mà các nơi khác không thể có được. Hiện nay, trên toàn thế giới còn tồn tại 200 hồ nước mặn
40
và được coi là HST quý hiếm và đặc hữu. Riêng Việt Nam, đã xác định được 26 hồ tại Cát Bà gồm: Mê Cung, Bù Xám, Áng Dù I, Áng Dù II, Hồ Ba Hầm, Áng Vẹm, Áng Thảm, Áng Luồn,... Trong đó Áng Dù I, Mê Cung, Bù Xám là áng hoàn toàn khép kín không thông ra ngoài, các áng khác ít nhiều đều có cửa mở thông ra vùng biển xung quanh.
Hình 3.2: Hồ nước mặn Áng Vẹm, Cát Bà