Phát triển nghề cá bền vững

Một phần của tài liệu Nghiên cứu, đánh giá nguồn vốn thiên nhiên ở quần đảo cát bà, huyện cát hải, thành phố hải phòng phục vụ phát triển kinh tế xanh, tăng trưởng xanh (Trang 81)

Hải Phòng là một trong những địa phương có nhiều lợi thế trong phát triển kinh tế biển so với các tỉnh, thành phố trong vùng duyên hải Bắc Bộ. Để quản lý, khai thác có hiệu quả nguồn lợi hải sản đảm bảo phát triển bền vững, thành phố Hải Phòng đã có những định hướng phát triển, những quy hoạch điều chỉnh cho phù hợp. Định hướng chung phát triển thủy sản đến năm 2020 là phát triển Hải Phòng thành một trung tâm nghề cá thương mại, trọng tâm là quần đảo Cát Bà phục vụ cho nhu cầu thủy hải sản của các tỉnh Bắc Bộ. Khai thác thủy hải sản gắn liền với bảo vệ nguồn lợi, môi trường sinh thái đảm bảo phát triển bền vững. Các giải pháp nhằm ổn định và phát triển nghề cá như sau:

- Giảm bớt số lượng tàu thuyền đánh cá nhỏ, thuyền thủ công để giảm bớt áp lực khai thác ở vùng lộng. Cấm sử dụng chất nổ, hóa chất để đánh bắt hải sản. Tuyên truyền rộng rãi, thường xuyên, liên tục để người dân nhận thức từ đó tự giác chấp hành các quy định của Nhà nước về bảo vệ và phát triển nguồn lợi.

77

- Xây dựng nghề khai thác hải sản có tổ chức: phối hợp chặt chẽ với các cơ quan nghiên cứu khoa học để có đánh giá đầy đủ về nguồn lợi hải sản của địa phương, trên cơ sở đó xác định cơ cấu nghề nghiệp và số lượng tàu thuyền khai thác phù hợp đảm bảo phát triển bền vững nguồn lợi hải sản.

- Giải pháp quản lý và tổ chức sản xuất: khai thác phải đi đôi với bảo vệ nguồn lợi, đặc biệt là nguồn lợi hải sản ở vùng biển ven bờ. Triển khai và áp dụng mô hình đồng quản lý dựa trên sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý với cộng đồng ngư dân.

- Khuyến ngư: Tổ chức tập huấn cho ngư dân về các phương pháp tổ chức, quản lý theo mô mình quản lý cộng đồng. Chuyển giao công nghệ mới khai thác hải sản, đặc biệt là trong khai thác hải sản xa bờ, trao đổi kinh nghiệm để đạt hiệu quả cao trong sản xuất.

- Giải pháp khoa học công nghệ: Phối hợp với cơ quan nghiên cứu tiến hành điều tra đánh giá nguồn lợi hải sản, xác định các bãi đẻ, mùa vụ sinh sản làm căn cứ cho việc quản lý và sử dụng nguồn lợi có hiệu quả mà không ảnh hưởng đến nguồn lợi.

- Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản: Đẩy mạnh quá trình xã hội hóa công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản. Tăng cường công tác giáo dục ngư dân về bảo vệ và phát triển nguồn lợi. Xây dựng các khu bảo tồn biển ở Cát Bà nhằm bảo tồn tính đa dạng sinh học đồng thời bảo vệ các loài hải sản có nguy cơ tuyệt chúng. Tăng cường nâng cao năng lực cán bộ nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý và bảo vệ nguồn lợi.

- Phát triển nghề cá giải trí và thị trường du lịch lặn ở Cát Bà,… trên cơ sở một phân vùng dựa trên cơ sở khoa học [9,23].

Một phần của tài liệu Nghiên cứu, đánh giá nguồn vốn thiên nhiên ở quần đảo cát bà, huyện cát hải, thành phố hải phòng phục vụ phát triển kinh tế xanh, tăng trưởng xanh (Trang 81)