Thể hiện trong nội dung của hệ thống các hiệp định WTO

Một phần của tài liệu Pháp luật hải quan Việt Nam trước yêu cầu thực hiện tự do hóa thương mại và nghĩa vụ thành viên WTO (Trang 54)

Các quy định của WTO liên quan đến Hải quan nhằm bảo đảm an ninh và tạo thuận lợi cho tự do hóa thương mại thể hiện tập trung ở hai trụ cột pháp luật: Thương mại hàng hóa: chiếm số lượng lớn các điều khoản trong hệ

thống luật WTO, thực hiện các nguyên tắc chính một cách hoàn chỉnh và đầy đủ; và Sở hữu trí tuệ: đối với các đối tượng như quyền tác giả và các quyền liên quan, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, v.v...

Như đã trình bày ở phần cơ sở pháp lý 1.3.2, nội dung tạo thuận lợi thương mại trong khuôn khổ WTO trực tiếp liên quan tới các điều khoản của Hiệp định chung về thuế quan và thương mại GATT 1994: Điều V (Quyền tự do quá cảnh), Điều VII (Trị giá tính thuế), Điều VIII (Các loại phí và thủ tục liên quan đến nhập khẩu và xuất khẩu), Điều IX (Quy tắc xuất xứ), và Điều X (Công bố và quản lý các quy định thương mại). Qua các thời kỳ phát triển của WTO, các điều khoản nêu trên được nâng cấp thành các văn kiện riêng biệt như: Hiệp định thực hiện Điều VII của GATT 1994 (Hiệp định Trị giá GATT); Hiệp định về Kiểm định hàng hóa trước khi xếp hàng; Hiệp định về thủ tục cấp phép nhập khẩu; Hiệp định về Quy tắc xuất xứ, Hiệp định về Hàng rào kỹ thuật trong thương mại. Kể từ 01/8/2004 đến nay, vấn đề thuận lợi hóa thương mại trong khuôn khổ WTO hiện vẫn đang được tiếp tục đàm phán nhằm làm rõ hơn, cụ thể hóa và định lượng hóa được những khía cạnh đã được đề cập tại các Điều VIII và X nói trên của GATT 1994.

(1) Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại GATT/WTO 1994 (General Agreement on Tariffs an Trade 1994, gọi tắt là GATT 1994)

Đây là hiệp định gắn liền với sự xuất hiện của một thực thể mới tham gia điều tiết nền thương mại toàn cầu là WTO, đánh dấu bước phát triển nhảy vọt về chất của các hiệp định thương mại đa phương. GATT 1994 gồm 16 điều, 4 phụ lục và bao trùm toàn bộ hệ thống các hiệp định của WTO. GATT 1994 được xây dựng dựa trên sự thống nhất, thay đổi, bổ sung một số nội dung của Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại năm 1947 (GATT 1947). GATT 1947 được xem là cột mốc đầu tiên cho việc hình thành Hiệp định thương mại đa phương. Mặc dù chỉ là một Điều ước mang tính chất tạm thời điều chỉnh hoạt động thương mại quốc tế nhưng GATT 1947 đã tồn tại suốt

47 năm, đóng góp cho khuôn khổ pháp lý của hệ thống thương mại quốc tế đa phương hiện đại WTO ngày nay những nguyên tắc pháp lý rất quan trọng.

GATT 1994 khắc phục được nhược điểm của GATT 1947 là đã dành cho các nước đang phát triển những ưu đãi đặc biệt hơn, công bằng hơn, vì thế nhận được sự quan tâm sâu rộng hơn từ nhiều quốc gia trên thế giới, với mong muốn được trở thành thành viên của WTO. GATT 1994 chỉ chủ yếu tập trung vào điều tiết các vấn đề của hoạt động thương mại hàng hóa.

Nội dung của các điều khoản có liên quan trực tiếp tới hoạt động hải quan như sau:

Điều V - Quyền tự do quá cảnh đối với hàng hóa (kể cả hành lý), tàu biển và các phương tiện vận tải khác:

Điều này bao gồm 7 khoản quy định về cơ chế quá cảnh tự do thể hiện ở các thủ tục quá cảnh và điều kiện được cấp phép quá cảnh dựa trên nguyên tắc MFN, và không phân biệt với hàng hóa làm thủ tục hải quan thông thường (không quá cảnh):

Một là, cho phép vận tải quá cảnh bao hàm cả việc chuyển tải, lưu kho, tách lô hàng rời hay thay đổi phương thức vận tải được thực hiện trong toàn bộ chặng vận tải diễn ra ở ngoài biên giới quốc gia quá cảnh.

Hai là, quyền tự do quá cảnh không phải xin phép và được thực hiện trên tuyến đường thuận tiện nhất dành cho loại hình này, không có bất kỳ sự phân biệt đối xử nào dựa trên các yếu tố có liên quan tới quá cảnh như: nước xuất xứ, cờ của phương tiện, hàng hóa do ai sở hữu, v.v...

Ba là, kiểm soát hải quan của quốc gia quá cảnh chỉ được diễn ra trong trường hợp việc quá cảnh vi phạm luật hải quan và các quy tắc thông thường. Hàng hóa quá cảnh được miễn thuế hải quan và chỉ phải chịu chi phí vận tải, hành chính phí tương xứng với dịch vụ nhận được. Chi phí cũng như quy tắc vận tải được quy định hợp lý phụ thuộc vào điều kiện vận chuyển.

Điều VII - Trị giá tính thuế: sẽ được nêu chi tiết tại phần trình bày độc lập về Hiệp định Trị giá GATT (CVA) tiếp nối ngay sau phần (1).

Điều VIII - Các loại phí và thủ tục liên quan đến nhập khẩu và xuất khẩu, quy định các quốc gia thành viên phải có các nghĩa vụ sau đây:

- Cấm đặt ra các loại phí hay các khoản thu (ngoài thuế xuất nhập khẩu và các khoản thuế quy định tại Điều III) quá mức khi tiến hành các thủ tục và cấp giấy tờ liên quan đến xuất nhập khẩu. Các khoản phí và thu, nếu có, chỉ được đủ bù đắp các chi phí dịch vụ hành chính (Đoạn 1.a). Các thủ tục và giấy tờ loại này có thể là: chứng nhận lãnh sự, cấp giấy phép, cấp quotas, kiểm soát ngoại hối, dịch vụ thống kê, lập chứng từ, cung cấp chứng từ, chứng nhận, công chứng, phân tích, giám định vệ sinh dịch tễ, côn trùng (Đoạn 4).

- Giảm thiểu mức độ phức tạp của các thủ tục xuất nhập khẩu, giảm bớt và đơn giản hóa yêu cầu về giấy tờ khi làm làm các thủ tục này (Đoạn 1.b).

- Cấm áp dụng chế tài nặng đối với các vi phạm nhỏ về quy tắc hải quan hay về thủ tục xuất nhập khẩu. Đối với các sơ suất nhỏ hoặc lỗi về thủ tục có thể đính chính dễ dàng và không cố ý, thì hình phạt không thể quá mức cảnh cáo (Đoạn 3).

Điều IX (Quy tắc xuất xứ): Sẽ được nêu chi tiết tại phần trình bày độc lập về Hiệp định về Quy tắc xuất xứ (ROO) tại phần (5) dưới đây.

Điều X (Công bố và quản lý các quy định thương mại): Điều này bảo đảm tính minh bạch trong việc ban hành và áp dụng các quy phạm pháp luật trong lĩnh vực thương mại. Cụ thể: Đoạn 1 yêu cầu các quốc gia công bố các quy phạm pháp luật (luật, văn bản dưới luật, bản án, các quy tắc hành chính) và các hiệp định liên quan đến thương mại để các doanh nghiệp và Chính phủ nước ngoài cùng biết; Đoạn 2 cấm áp dụng hồi tố các quy phạm quy định nghĩa vụ nặng hơn, thuế suất hay hạn chế cao hơn; Đoạn 3 yêu cầu các quốc gia thành viên thiết lập cơ quan Tòa án, trọng tài hoặc hành chính, độc lập với cơ quan hành chính để xem xét việc áp dụng các quy định pháp luật nói trên.

(2) Hiệp định thực thi Điều VII của Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại 1994 (Agreement on implementation of Article VII of the General on Tariffs and Trade 1994, gọi tắt là Hiệp định trị giá GATT - CVA)

CVA là kết quả của vòng đàm phán thương mại đa phương Tokyo, được các nước thành viên thông qua vào giữa những năm 1980, chính thức có hiệu lực vào 01/01/1981; được sửa đổi từng phần trong vòng đàm phán Urugoay, gắn liền với Hiệp định Marrakesh thành lập WTO, chính thức có hiệu lực vào 01/01/1995. Hiệp định này xác lập một hệ thống phương pháp xác định trị giá tính thuế đối với hàng nhập khẩu.

Mục tiêu của hiệp định là hướng tới việc thừa nhận trị giá giao dịch của hàng nhập khẩu là trị giá tính thuế, thừa nhận tính khách quan trong bản chất các giao dịch thương mại quốc tế. Theo quy định tại Điều 1 và Điều 8 của Hiệp định, trị giá tính thuế là trị giá giao dịch được xác định theo công thức: Giá thực tế đã thanh toán hay sẽ phải thanh toán cộng các khoản điều chỉnh.

Song để áp dụng phương pháp tính toán này trên thực tế thì còn phụ thuộc vào rất nhiều điều kiện khác nhau vì các chủ thể trong giao dịch thương mại không phải bao giờ cũng trung thực, hay giá cả của hàng hóa không phải luôn theo những chuẩn mực, logic chung nhất trong điều kiện bình thường. Vì vậy, để đưa việc xác định trị giá tính thuế hải quan đến gần hơn với trị giá giao dịch thực tế, CVA đã đưa ra 06 phương pháp xác định trị giá, trật tự áp dụng có tính đến các điều chỉnh chi tiết áp dụng cho từng phương pháp (xem chi tiết tại Hộp số 2.1 - trang 53).

Tính tới tháng 7/2008, WTO có 153 thành viên thì trong đó có khoảng 90 thành viên đã áp dụng CVA.

(3) Hiệp định về Kiểm định hàng hóa trước khi xếp hàng (Agreement on Preshipment inspection, gọi tắt là Hiệp định PSI) [61, tr. 154]

Hộp số 2.1:

(i) Trị giá giao dịch;

Phương pháp (PP) này sẽ được đổi chỗ cho các phương pháp tiếp sau trong trường hợp không thể xác định được trị giá hải quan trên cơ sở trị giá giao dịch. (ii) Trị giá giao dịch của hàng hóa giống hệt;

(iii) Trị giá giao dịch của hàng hóa tương tự; (iv) Phương pháp trị giá khấu trừ;

(v) Phương pháp trị giá tính toán; (vi) Phương pháp tổng hợp

Nguyên tắc, trật tự áp dụng bắt buộc: chỉ được áp dụng PP sau, khi xét thấy không thể áp dụng được PP trước đó, ngoại trừ trường hợp PP (iv) và (v) có thể đổi chỗ cho nhau theo yêu cầu của người nhập khẩu.

Giám định hàng hóa trước khi xếp hàng: là việc kiểm định hàng hóa trước khi giao hàng xuống tàu, được thực hiện tại nước xuất khẩu. Cơ sở thực hiện giám định hàng hóa như trên có thể xuất phát từ các trường hợp sau:

- Yêu cầu của người mua nhằm đảm bảo hàng hóa mình định mua là đúng quy cách, phẩm chất, đủ số lượng, cũng như có thể phục vụ cho việc khai báo hải quan đúng, tránh được việc phải gánh chịu chế tài của các vi phạm pháp luật do lỗi của người bán. Đây là trường hợp phổ biến.

- Yêu cầu của Chính phủ một số nước đang phát triển nhằm chống thất thoát vốn ra nước ngoài, chống thất thu thuế, hoặc ngăn ngừa việc thẩm lậu vào thị trường nước mình những hàng hóa thuộc diện cấm nhập khẩu.

Giám định bao gồm các hoạt động xác định sự phù hợp giữa hàng hóa trên thực tế với các điều khoản trong hợp đồng ở các yếu tố: số lượng, chất lượng, giá cả. Để đảm bảo kết quả giám định được trung thực, khách quan, Hiệp định PSI yêu cầu đơn vị thực hiện phải độc lập với người bán (người xuất khẩu) và người mua (người nhập khẩu).

(4) Hiệp định về thủ tục cấp phép nhập khẩu (Agreement on Import Licensing Procedures, gọi tắt là Hiệp định ILP)

Thủ tục cấp phép nhập khẩu là những thủ tục hành chính đòi hỏi doanh nghiệp phải nộp đơn hoặc các tài liệu khác (ngoài các tài liệu do hải quan yêu cầu) cho một cơ quan hành chính để được phép nhập khẩu hàng hóa [61, tr. 152].

Mục tiêu mà Hiệp định ILP hướng tới là giảm tối đa những công đoạn hành chính không thực sự cần thiết, gây cản trở đến thương mại; tạo thuận lợi cho thương mại và bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp. Các thành viên phải tuân thủ những thủ tục cấp phép được quy định tại Hiệp định ILP (gồm biểu mẫu và thủ tục đơn giản đến mức tối đa có thể), không được từ chối cấp giấy phép chỉ vì những sai sót nhỏ không làm thay đổi cơ bản nội dung chứng từ.

Theo Hiệp định ILP, Giấy phép được hiểu theo nghĩa của hiệp định này bao gồm 2 loại: Giấy phép tự động và Giấy phép không tự động, cụ thể:

- Giấy phép tự động: là giấy phép được cấp ngay khi nhận đơn hoặc chậm nhất trong vòng 10 ngày làm việc sau khi nhận đơn, không kèm theo điều kiện nào đối với doanh nghiệp, thường phục vụ mục đích thống kê. Về bản chất, đây có thể coi như việc doanh nghiệp chỉ có nghĩa vụ thông báo với cơ quan quản lý nhà nước về hợp đồng nhập khẩu của mình.

- Giấy phép không tự động: là giấy phép được cấp với một số điều kiện, tiêu chí nhất định, nếu không đáp ứng đủ những yếu tố này thì cơ quan quản lý nhà nước có thể từ chối cấp giấy phép cho doanh nghiệp. Thời hạn doanh nghiệp được cấp Giấy phép là 30 ngày theo nguyên tắc "nộp hồ sơ trước - cấp giấy phép trước", tức là ưu tiên thứ tự nộp hồ sơ của doanh nghiệp để trả kết quả xử lý; hoặc 60 ngày trong trường hợp các đơn xin cấp phép được xử lý đồng thời (trường hợp công bố một thời hạn nhất định để ngừng tiếp nhận đơn).

Để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh nhập khẩu có thể dễ dàng tiếp cận và thực hiện thống nhất các quy định về thủ tục cấp phép,

cơ quan quản lý nhà nước phải công bố minh bạch mọi thông tin như: số lượng hạn ngạch/chỉ tiêu, sản phẩm, điều kiện doanh nghiệp nộp đơn xin cấp phép, v.v... (5) Hiệp định về Quy tắc xuất xứ (Agreement on Rules of Origin, gọi tắt là Hiệp định ROO, có hiệu lực năm 1995)

Theo Hiệp định ROO: quy tắc xuất xứ được định nghĩa là những luật, quy định, quyết định hành chính chung do các thành viên áp dụng để xác định nước xuất xứ của hàng hóa với điều kiện là quy tắc xuất xứ này không liên quan đến thỏa thuận thương mại hoặc chế độ thương mại tự chủ có áp dụng ưu đãi thuế quan ngoài phạm vi điều chỉnh của khoản 1 Điều I của GATT 1994 (Điều I.1).

Hiệp định quy định những nội dung cơ bản như sau: những nguyên tắc về xuất xứ, những quy định chung về thủ tục thông báo, tham vấn, kiểm tra và giải quyết các tranh chấp liên quan tới xuất xứ hàng hóa.

Hiệp định ROO đòi hỏi các thành viên phải tuân thủ những nghĩa vụ: (i) quy tắc xuất xứ đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu không được chặt chẽ, ngặt nghèo hơn quy tắc xuất xứ đối với hàng nội địa; (ii) xác định xuất xứ hàng hóa phải được các nước thành viên công nhận vào bất cứ thời điểm nào của việc mua bán hàng hóa;

Cũng hướng tới tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động thương mại, Ủy ban về quy tắc xuất xứ của WTO (CRO) đã triển khai Chương trình làm hài hòa quy tắc xuất xứ (HWP) tại Vòng đàm phán Uruquay. Quy tắc xuất xứ hài hòa là những quy tắc chặt chẽ liên quan tới việc xác định xuất xứ đang được các nước thành viên WTO thỏa thuận để áp dụng cho chính sách thương mại không ưu đãi.

(6) Hiệp định về Hàng rào kỹ thuật trong thương mại (Agreement on Technical barriers to trade, gọi tắt là TBT) [61, tr. 115-116]

Hàng rào kỹ thuật trong thương mại được hiểu là các quy định kỹ thuật về tiêu chuẩn sản phẩm gây cản trở đối với thương mại quốc tế. Các rào cản này rất đa dạng, đi cùng với sự đa dạng hóa của các quan hệ thương mại quốc tế. Rào cản này thường tồn tại dưới dạng các biện pháp áp đặt thường

xuyên đối với tất cả các hàng hóa nhập khẩu từ tất cả các thành viên WTO (nhãn mác, chất lượng, đóng gói) và các biện pháp mang tính trừng phạt theo vụ việc (chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ).

Hiệp định TBT có 15 Điều và 3 Phụ lục, quy định về đối tượng áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn và quy trình đánh giá sự phù hợp. Phạm vi áp dụng của TBT là thương mại hàng hóa. Theo Hiệp định TBT, "tiêu chuẩn" chỉ được áp dụng trên cơ sở tự nguyện, còn "quy định kỹ thuật" là những tiêu chuẩn mà Nhà nước bắt buộc phải tuân thủ. Đối tượng áp dụng của Hiệp định TBT: các sản phẩm hàng hóa, phương pháp chế biến và sản xuất ra sản phẩm (trong trường hợp phương pháp đó có ảnh hưởng đến các đặc tính của sản phẩm). Đối với các sản phẩm hàng hóa, thì tiêu chuẩn và quy định kỹ thuật bao gồm các yêu cầu về chất lượng, hàm lượng, kích thước, điện trở, từ trường, độ bức xạ, độ đàn hồi, độ chịu nén, đóng gói, nhãn mác, v.v...

Tuy nhiên, Hiệp định TBT không áp đặt một bộ tiêu chuẩn chung đối với tất cả các thành viên WTO, mà yêu cầu các thành viên thực hiện các nghĩa vụ sau: (i) không soạn thảo, thông qua hoặc áp dụng các quy định kỹ thuật

Một phần của tài liệu Pháp luật hải quan Việt Nam trước yêu cầu thực hiện tự do hóa thương mại và nghĩa vụ thành viên WTO (Trang 54)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(161 trang)