Các quốc gia phát triển và Liên minh Hải quan

Một phần của tài liệu Pháp luật hải quan Việt Nam trước yêu cầu thực hiện tự do hóa thương mại và nghĩa vụ thành viên WTO (Trang 35 - 43)

Một là, Nhật Bản [71], [93], [97]

Nhật Bản gia nhập WTO ngày 01/01/1995. Hải quan Nhật Bản là một trong những cơ quan Hải quan tiên tiến bậc nhất trong Tổ chức Hải quan thế giới (WCO). Tại Nhật Bản, tỷ lệ làm thủ tục hải quan qua hệ thống hải quan điện tử chiếm 95%, chỉ có 5% là thực hiện thủ tục hải quan theo hình thức thủ

công (khai bằng tay, nộp và xuất trình hồ sơ hải quan trực tiếp cho công chức hải quan để làm thủ tục). Có được tỷ lệ làm thủ tục hải quan điện tử cao như vậy là do Hải quan Nhật Bản đã tiến hành đề án tin học hóa ngành Hải quan ngay từ năm 1978 với việc áp dụng Hệ thống tin học hải quan tự động (NACCS gồm 02 hệ thống: SEA-NACCS và AIR-NACCS để làm thủ tục hải quan cho hàng hóa xuất nhập khẩu qua đường biển và đường hàng không), xử lý các vấn đề liên quan đến thủ tục thương mại nhằm cải thiện và đẩy nhanh quá trình thông quan hàng hóa. Hệ thống NACCS của Hải quan Nhật Bản hiện nay được coi như mô hình giao diện chuẩn cho các cơ quan hữu trách có liên quan khác phát triển hệ thống tin học của mình.

Năm 1981, Hải quan Nhật Bản chuyển đổi hệ thống trị giá hải quan từ phương pháp định giá Brucxell sang áp dụng hiệp định trị giá GATT với nguyên tắc dựa vào giá giao dịch thực tế của hàng nhập khẩu. Hệ thống pháp luật trong nước của Nhật Bản quy định về trị giá hải quan cũng được thay đổi dựa trên các nội dung của Hiệp định GATT, thể hiện cụ thể trong Luật thuế quan và các quy định của Chính phủ. Quản lý trị giá hải quan của Nhật với sự góp sức của quy trình thủ tục và công nghệ hiện đại đã góp phần chống gian lận thương mại, làm cho số thu ngân sách của cơ quan hải quan ngày càng tăng. Các phương pháp được Hải quan Nhật Bản sử dụng để thực thi cụ thể hóa công việc xác định trị giá tính thuế theo tinh thần của GATT như sau:

(i) Tổ chức mô hình quản lý trị giá hải quan theo 3 cấp: trung ương; khu vực và cơ sở, trong đó cấp cao hơn có vai trò quyết định trong các trường hợp không thống nhất về phương pháp xác định trị giá giữa các cấp thấp hơn: Cấp trung ương: Cục thuế quan Nhật Bản (Customs and Tarrif Bureau) giải quyết những vấn đề chính sách và quốc tế; Trung tâm trị giá hải quan của quốc gia đặt tại Tokyo thực hiện một số chức năng quản lý trị giá hải quan.

Cấp khu vực (09 Hải quan vùng): Phòng trị giá và Phòng Kiểm tra sau thông quan thuộc Cục Kiểm tra sau thông quan và lãnh thổ hải quan.

Cấp cơ sở: Phòng thông quan (tại các Chi nhánh hải quan hoặc Hải quan vùng) có nhiệm vụ kiểm tra từng tờ khai nhập khẩu để kiểm tra khai báo về trị giá hải quan.

(ii) Thiết lập được hệ thống trị giá hải quan thống nhất và công bằng qua vai trò của Trung tâm quốc gia về trị giá hải quan được thành lập năm 2001 tại Tokyo trực thuộc Cục Thuế quan Nhật Bản, xác định các quyết định về trị giá trong trường hợp có sự xác định khác nhau của các Hải quan Vùng đối với những giao dịch phức tạp khó xác định trị giá (có 9 Hải quan Vùng).

(iii) phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu về trị giá: chức năng này cũng do Trung tâm quốc gia nêu trên thực hiện qua các hoạt động thu thập, cập nhật, tích lũy vào hệ thống cơ sở dữ liệu những phát hiện của bộ phận KTSTQ và những trường hợp gửi lấy ý kiến Trung tâm. Hải quan vùng có thể chia sẻ các quyết định giá trước đó đã có trong cơ sở dữ liệu để đảm sự thống nhất và hài hòa về trị giá hải quan. Hiện tại, Hải quan Nhật Bản đã tổng hợp cuốn tài liệu về 303 ví dụ điển hình về xác định trị giá hải quan.

(iv) Quy định về khai báo trị giá phổ biến (Blanket Valuation Declaration) và khai báo trị giá cá biệt (Individual Valuation Declaration) đã giảm bớt thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Điểm khác biệt của khai báo trị giá phổ biến với khai báo cá biệt là khai báo trị giá phổ biến thường được thực hiện khi có cùng loại hàng hóa, do cùng các đối tác thường xuyên xuất nhập khẩu với nhau, với cùng điều kiện và hoàn cảnh giao dịch. Tờ khai trị giá phổ biến có giá trị trong vòng 2 năm, được lập tại Phòng Trị giá trước khi nhập khẩu lô hàng cụ thể, thuộc phạm vi xem xét của Hải quan Vùng.

Nếu hội đủ điều kiện đối với khai báo trị giá phổ biến như đã nêu trên ở các lô hàng nhập khẩu tiếp sau, thì người nhập khẩu không cần phải lập tờ khai trị giá cá biệt cho từng lần nhập khẩu, mà chỉ cần thông báo cho Hải quan về số tờ khai đã đăng ký ở lần khai trị giá trước đó. Công chức Hải quan sẽ kiểm tra kỹ mẫu khai báo và các tài liệu liên quan (như hợp đồng, thỏa thuận…) và cuối cùng chấp nhận trị giá này mang tính phổ biến.

Hai là, Liên minh Hải quan Châu Âu [66], [98], [109], [112]

Với diện tích trên 4.000.000 km2, dân số khoảng 500 triệu người, được hình thành cách đây hơn 50 năm trên cơ sở của Hiệp ước Roma (1957), Liên minh Châu Âu (The European Union, sau đây gọi tắt là EU, trước 01/11/1993 gọi là Cộng đồng Kinh tế châu Âu, The European Economic Communities) là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam (chiếm 17% tổng giao dịch thương mại, sau đó là Mỹ 14%, Nhật Bản 13%, và Trung Quốc 11%) và hiện được đánh giá là mô hình liên kết kinh tế khu vực thành công nhất trên thế giới.

EU là thành viên của WTO từ 01/01/1995. Liên minh Hải quan EU được hình thành cách đây 40 năm (1968 - 2008), bao gồm 27 quốc gia thành viên, chiếm 30% GDP, 41% thương mại và 43% đầu tư toàn cầu (đến nay còn 22 quốc gia Châu Âu chưa gia nhập EU):

Tính đến 01/01/1995: 15 nước (Pháp, Đức, Italia, Bỉ, Hà Lan, Luxembourg, Anh, Ailen, Đan Mạch, Hy Lạp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Áo, Thụy Điển và Phần Lan);

Từ 01/5/2004: thêm 10 nước (Cộng hòa Czech, Hungaria, Ba Lan, Slovakia, Slovenia, Litva, Latvia, Estonia, Malta, Síp);

Từ 01/01/2007: thêm 2 nước Romania và Bulgaria .

Liên minh Hải quan EU (the EU Customs Union) được hoàn thiện vào 01/7/1968, thực sự trở thành một thị trường chung, trong đó biên giới thương mại được đặc trưng bởi các trạm kiểm soát Hải quan đặt tại biên giới các quốc gia thành viên được xóa bỏ vào năm 1993. Chính sách Hải quan là yếu tố nền tảng quan trọng vận hành thị trường này, theo đó: (i) thuế hải quan ở các biên giới nội khối được bãi bỏ; (ii) áp dụng một biểu thuế suất nhập khẩu chung đối với hàng hóa ngoài biên giới EU; (iii) áp dụng quy tắc xuất xứ chung đối với sản phẩm ngoài biên giới EU; và (iv) áp dụng quy tắc xác định trị giá hải quan chung. Tất cả các quy tắc chung nói trên được đưa vào một Bộ luật Hải

quan của Cộng đồng (the Community Customs Code, gọi tắt là CCC) được phê chuẩn vào năm 1992. Hiện nay, một số điều khoản sửa đổi của Bộ luật này đang được Nghị viện EU hoàn tất và dự kiến sẽ thông qua Bộ luật Hải quan hiện đại của Cộng đồng (The Modernised Community Customs Code - MCCC) vào cuối năm 2008 hoặc đầu năm 2009 [109].

Các thành tựu quản lý nổi bật của Hải quan EU được biết đến như:

- Thực thi bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tại biên giới: Hải quan EU luôn ở tuyến đầu trong cuộc chiến chống hàng giả như điện thoại di động, thuốc tân dược, các băng đĩa CD, các phần mềm vi phạm bản quyền, v.v... Hàng giả chiếm trên 5% doanh thu thương mại thế giới, trong đó 150.000 nhân viên hải quan EU đã thu giữ 70% lượng hàng giả bị tịch thu trên thế giới.

+ Áp dụng một khung quản lý rủi ro thống nhất của Châu Âu để xác định mục tiêu tốt hơn, ngăn chặn các loại hàng hóa gây rủi ro lớn ngay tại các cửa khẩu của khối. Đây là nội dung có trong Bộ luật Hải quan hiện đại sửa đổi của cộng đồng;

+ Xây dựng cơ chế chia sẻ thông tin với sự tham gia mật thiết của chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ: thiết lập một khuôn khổ trao đổi thông tin giữa Nhóm Làm việc Hải quan và Kinh doanh để chia sẻ những thông tin mật từ những chủ sở hữu sản phẩm tới các cảng biển và sân bay ở Châu Âu, bao gồm cả những thông tin về xu hướng mới nhất trong làm giả hàng hóa;

+ Tăng cường củng cố các hành động hợp tác với các bên thứ ba, đặc biệt là các quốc gia cũng bị vấn nạn hàng giả đe dọa như Trung Quốc, Mỹ thông qua các hoạt động trao đổi thông tin tình báo về các lô hàng nguy hiểm và xu hướng, cách thức mới nhất được sử dụng để làm giả hàng hóa.

- Tự động hóa và đơn giản hóa thủ tục hải quan theo các quy tắc quy định tại các Hiệp định của WCO và WTO. Trong giai đoạn 2003 - 2007, Liên minh Hải quan EU đã đầu tư hơn 100 triệu euro cho các dự án này, số Tờ khai hàng năm được xử lý lên tới hơn 20 triệu. Các giải pháp cụ thể được sử dụng:

+ Triển khai hệ thống NSTI (hệ thống tin học mới về quá cảnh) từ năm 2003 để xử lý các giao dịch thương mại.

+ Thay thế 150 loại tờ khai khác nhau trước năm 1988 bằng một tài liệu duy nhất.

- Hệ thống thuế quan EU:

+ Các nước thành viên áp dụng hệ thống thuế quan chung (Common Customs Tariff, gọi tắt là CCT) của EU. Biểu thuế quan được xây dựng trên cơ sở hệ thống hài hòa về mô tả và mã hàng hóa (HS - Harmonized sytem - Hệ thống hài hòa):

(i) Thuế nhập khẩu:

Áp dụng chính sách thuế để phát triển các mặt hàng: Thuế suất được thiết kế phụ thuộc vào loại hàng và xuất xứ của hàng hóa nhập khẩu, dựa trên nguyên tắc: những mặt hàng trong nước chưa sản xuất được, hoặc sản xuất không đủ, hoặc cần thiết để phát triển những ngành sản xuất trong nước thì sẽ được miễn thuế hoặc hưởng thuế suất thấp; ngược lại, những mặt hàng trong nước đã sản xuất đủ hay để khuyến khích trong nước tự sản xuất thì sẽ phải chịu thuế suất cao. Theo nguyên tắc này, hầu hết các nguyên liệu nhập vào EU được miễn thuế nhập khẩu hoặc chịu thuế suất thấp, còn các mặt hàng nông sản thực phẩm phải chịu mức thuế cao hoặc thuế đặc biệt. Cụ thể, các mặt hàng thịt, sản phẩm sữa, ngũ cốc, rau hoa quả chế biến và không chế biến chịu mức thuế cao nhất từ 0% đến 470,8%; Đối với hàng không phải nông sản, có mức thuế từ 0% đến 36,6%. Để tăng sức cạnh tranh của hàng hóa và đẩy mạnh xuất khẩu, bên cạnh việc miễn thuế hoặc đánh thuế thấp, đối với các nguyên, phụ liệu, bán thành phẩm nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu, EU còn cho phép được "treo thuế ", nghĩa là khi nhập nguyên liệu chỉ tính thuế chứ chưa phải đóng thuế. Khi xuất hàng trở ra, sẽ tính toán bù trừ và doanh nghiệp chỉ phải đóng thuế phần nguyên liệu không dùng để làm hàng xuất khẩu.

 Chính sách thuế ưu đãi để phát triển một số ngành: như ngành công nghệ thông tin, ngành dược.

 Về hàng hóa: Biểu thuế quan của EU có các mức thuế khác nhau: Nhóm thứ nhất áp dụng đối với nhập khẩu từ các nước có thực hiện quy chế tối huệ quốc (MFN); Nhóm thứ hai là thuế quan ưu đãi, áp dụng đối với hàng nhập khẩu từ các nước đang phát triển, được hưởng đơn thuần ưu đãi GSP của EU; Nhóm thứ ba, được gọi là thuế quan đặc biệt, thực hiện đối với hàng nhập khẩu từ các nước đang phát triển được hưởng ưu đãi GSP kèm với những ưu đãi theo các hiệp định song phương.

(ii) Thuế giá trị gia tăng (VAT)

VAT được áp dụng cho tất cả các loại hàng hóa được bán ở EU. Nhìn chung mức thuế VAT thấp đối với các mặt hàng thiết yếu và mức thuế cao được áp dụng cho các mặt hàng xa xỉ. VAT được xác định bằng tỉ lệ phần trăm trên giá CIF. Hiện nay, mức thuế VAT ở các nước khác nhau đều khác nhau.

(iii) Thuế tiêu thụ đặc biệt

Đối với hàng nhập khẩu, ngoài thuế quan và thuế giá trị gia tăng, còn có thuế tiêu thụ đặc biệt do nhà nhập khẩu trả. Loại thuế này áp dụng đối với một số loại sản phẩm phụ thuộc vào ảnh hưởng của nó đối với công dân EU như: nước giải khát có cồn và không có cồn, bia, rượu, rượu mạnh, thuốc lá và các sản phẩm thuốc lá. Ngoài ra, ở một số nước EU, loại thuế này còn đánh vào các hàng hóa như: đường, dầu thực vật và các sản phẩm dầu dưới hình thức như một loại "thuế xanh" để gây quỹ thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường. Cũng như VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với cùng một loại sản phẩm ở các nước EU khác nhau thì sẽ có mức thuế khác nhau.

EU thường xuyên điều chỉnh hệ thống thuế quan chung (CCT) như một công cụ hữu hiệu để quản lý hoạt động ngoại thương. Biểu thuế quan hưởng theo Tối huệ quốc (MFN) đối với tất cả danh mục hàng hóa nhập khẩu vào EU do Ủy ban Châu Âu soạn thảo hàng năm được đăng trên công báo của Liên minh. Những thay đổi trong hệ thống thuế quan chung của EU phù hợp với những quy định trong khuôn khổ WTO. EU đã tham gia 8 hiệp định thuế

quan của WTO. Theo Hiệp định chung về thuế quan và thương mại của WTO, EU đã có những bước cắt giảm thuế đáng kể.

- Các quy định về xuất xứ: EU quy định có hai loại xuất xứ từ nước được hưởng GSP:

Một là, sản phẩm hoàn toàn được sản xuất tại lãnh thổ nước được hưởng ưu đãi như: khoáng sản, động thực vật, thủy sản đánh bắt trong lãnh hải và hàng hóa sản xuất từ sản phẩm đó;

Hai là, các sản phẩm có thành phần nhập khẩu: hàm lượng trị giá sản phẩm sáng tạo tại nước hưởng GSP (tính theo giá xuất xưởng) phải đạt 60% tổng giá trị hàng liên quan; hàm lượng yêu cầu thấp hơn 60% đối với một số nhóm mặt hàng: không dưới 40% đối với điều hòa nhiệt độ, tủ lạnh; không dưới 30% đối với đồ trang trí làm từ kim loại. Giầy dép chỉ được hưởng GSP nếu các bộ phận như: mũi giầy, đế giầy... ở dạng rời có xuất xứ từ một nước thứ ba cũng được hưởng GSP hoặc nhập khẩu, v.v..

EU cũng quy định xuất xứ cộng gộp, theo đó hàng của một nước có thành phần xuất xứ từ một nước khác trong cùng một tổ chức khu vực cũng được hưởng GSP, thì các thành phần đó cũng được xem là có xuất xứ từ nước liên quan.

Giấy chứng nhận xuất xứ (Certificate of Origin, gọi tắt là C/O): EU yêu cầu hàng hóa muốn được hưởng GSP thì cần có C/O form A. Khi đạt đủ các tiêu chuẩn như trên thì hàng nhập khẩu vào EU sẽ được hưởng ưu đãi theo chế độ GSP, mức thuế suất được quy định khác nhau dựa vào tính cạnh tranh của từng loại sản phẩm. Cụ thể, chế độ GSP hiện hành chia thành 4 loại sản phẩm với 4 mức thuế ưu đãi khác nhau: (i) loại có độ nhạy cảm cao: mức thuế ưu đãi bằng 85% so với thuế quan chung (CCT); (ii) loại nhạy cảm: mức thuế ưu đãi bằng 70% mức thuế CCT; (iii) loại nhạy cảm: mức thuế bằng 30% mức thuế CCT; và (iv) loại không nhạy cảm: được miễn thuế hoàn toàn (0%).

Một phần của tài liệu Pháp luật hải quan Việt Nam trước yêu cầu thực hiện tự do hóa thương mại và nghĩa vụ thành viên WTO (Trang 35 - 43)