Những sửa đổi cụ thể của pháp luật Hải quan Việt Nam, các pháp luật khác có liên quan về bảo đảm an ninh, tạo thuận lợi cho tự do

Một phần của tài liệu Pháp luật hải quan Việt Nam trước yêu cầu thực hiện tự do hóa thương mại và nghĩa vụ thành viên WTO (Trang 73 - 91)

pháp luật khác có liên quan về bảo đảm an ninh, tạo thuận lợi cho tự do hóa thƣơng mại trongWTO

Không phải đến khi chính thức trở thành thành viên của WTO, Việt Nam mới bắt đầu thực hiện các hoạt động thực thi cam kết tạo thuận lợi cho thương mại quốc tế về: đơn giản hóa và thống nhất hóa thủ tục hải quan, áp dụng phương pháp xác định trị giá theo Hiệp định Trị giá GATT, thi hành Hiệp định TRIPs về các khía cạnh liên quan tới thương mại của quyền sở hữu trí tuệ, Công ước HS,... Nhiều hoạt động làm tiền đề cho việc thực thi các cam kết này đã được triển khai trước đó khá lâu để làm cơ sở giải trình về những thành tựu tự do hóa thương mại mà Việt Nam đã đạt được trước Đại hội đồng WTO cũng như trước các đối tác.

a. Đã thừa nhận các nguyên tắc chung của thương mại toàn cầu quy định tại Khung pháp luật WTO

a.1. Ban hành Pháp lệnh về đối xử quốc gia và đối xử Tối huệ quốc (đối xử quốc gia gọi tắt là NT, đối xử Tối huệ quốc gọi tắt là đối xử MFN)

Từ khi thực hiện chính sách đổi mới toàn diện, mở cửa hợp tác hội nhập kinh tế - quốc tế, Việt Nam đã ký kết, tham gia ngày càng nhiều những Điều ước quốc tế, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế - thương mại. Tuy nhiên, trong khi các điều ước quốc tế về kinh tế - thương mại thường quy định rất rõ nguyên tắc nền tảng "không phân biệt đối xử" thể hiện qua hai chế độ: đối xử tối huệ quốc và đối xử quốc gia, thì tại pháp luật quốc gia, hai chế độ đối xử này lại được quy định không tập trung, rải rác ở nhiều văn bản khác nhau. Nhằm thống nhất cách hiểu và áp dụng các chuẩn mực đối xử MFN và NT, phục vụ cho lợi ích quốc gia mà không đi ngược lại với nghĩa vụ quốc tế Việt Nam đã cam kết, ngày 22/5/2002, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh số 41/2002/PL-UBTVQH10.

Pháp lệnh quy định Việt Nam phải tuân thủ các điều khoản về các chuẩn mực đối xử MFN và NT theo cam kết trong các điều ước quốc tế về thương mại. Theo đó, đối tượng áp dụng là hàng hóa nhập khẩu vào và xuất khẩu từ Việt Nam; dịch vụ và nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài; đầu tư và nhà đầu tư nước ngoài; chủ thể quyền sở hữu trí tuệ là tổ chức, cá nhân nước ngoài.

- Đối xử MFN trong thương mại hàng hóa được áp dụng đối với thuế, các loại phí và các khoản thu khác đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu hoặc liên quan đến hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; phương thức thanh toán và việc chuyển tiền thanh toán cho hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; những quy định và thủ tục liên quan đến xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa; thuế và các loại phí thu trực tiếp hoặc gián tiếp trong nước đối với hàng hóa nhập khẩu; hạn chế định lượng và cấp phép xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa; các quy định khác của pháp luật có ảnh hưởng đến việc bán, chào báo, mua, vận tải, phân phối, lưu kho và sử dụng hàng hóa tại thị trường trong nước.

- Pháp lệnh quy định rõ phạm vi áp dụng đối xử MFN trong thương mại dịch vụ, đầu tư và quyền sở hữu trí tuệ; phạm vi áp dụng NT; ngoại lệ về đối xử MFN trong các lĩnh vực trên và ngoại lệ về NT.

a.2. Thừa nhận nguyên tắc Minh bạch hóa pháp luật: Quốc hội khóa XII đã thông qua Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật số 17/2008/QH12 ngày 03/6/2008 thay thế Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 1996 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2002, bắt đầu có hiệu lực kể từ 01/01/2009.

Những điểm mới của Luật này: các dự thảo luật, nghị định, thông tư… đều được đăng tải trên website, gửi trực tiếp cho các bộ, ngành, cơ quan có liên quan để lấy ý kiến góp ý rộng rãi từ dân chúng cũng như các cơ quan chuyên môn, khắc phục tình trạng văn bản khi đưa vào ban hành thiếu tính khả thi hoặc không bao quát hết các vấn đề nảy sinh từ chính thực tiễn áp dụng pháp luật của các đối tượng thuộc diện điều chỉnh của văn bản.

Ngành Hải quan thực hiện minh bạch hóa pháp luật Hải quan thông qua việc đăng tải rộng rãi các chính sách pháp luật mới, các văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới trên website Tổng cục Hải quan, báo Hải quan, phân tích, giới thiệu trên Tạp chí Nghiên cứu Hải quan, v.v...

b. Sơ lược những sửa đổi, bổ sung quan trọng của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hải quan số 42/2005/QH11 ngày 14/6/2005 (Luật Hải quan 2005)

Năm 2005 được ngành Hải quan Việt Nam xem là năm bản lề về cải cách thủ tục hải quan, đẩy mạnh hiện đại hóa làm thay đổi căn bản phương thức quản lý của cơ quan hải quan. Đây là năm nhiều văn bản pháp luật quan trọng điều chỉnh hoạt động hải quan theo hướng hiện đại hóa, tiếp cận gần hơn với thông lệ, thực tiễn thương mại quốc tế được ban hành, mở đầu là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hải quan 2005:

b.1. Thêm mới một số khái niệm

"Lãnh thổ hải quan" (Điều 2, Điều 4.18): Đây là một khái niệm rất quan trọng quy định về không gian có hiệu lực pháp lý của Luật Hải quan, trước đó bị thiếu vắng tại Luật Hải quan năm 2001. Lãnh thổ hải quan là một lãnh thổ được quyền duy trì biểu thuế quan và những quy định thương mại một cách độc lập. Mỗi quốc gia là một lãnh thổ hải quan, song cũng có những lãnh thổ hải quan không phải là một quốc gia, ví dụ như Hong Kong, Macao. Nếu thành viên của Liên hợp quốc là các quốc gia thì thành viên của WTO - xuất phát từ hoạt động mà tổ chức này điều chỉnh liên quan tới thương mại quốc tế của các thành viên, là hoạt động thương mại vượt quá biên giới lãnh thổ của mỗi quốc gia, lại là các lãnh thổ hải quan.

Luật Hải quan của hầu hết các nước trên thế giới và khu vực đều quy định về "lãnh thổ hải quan" để khẳng định chủ quyền và quyền chủ quyền của Nhà nước về hải quan, với nội dung không chỉ giới hạn trong phạm vi lãnh thổ quốc gia mà còn vươn ra đến các khu vực thuộc quyền tài phán nằm ngoài lãnh thổ quốc gia (vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa...).

Để phù hợp với thông lệ quốc tế và củng cố hiệu lực pháp lý của các quy phạm pháp luật điều chỉnh hoạt động hải quan, Luật Hải quan 2005 đã bổ sung khái niệm "Lãnh thổ hải quan" vào Điều 2 và Điều 4.18: "Lãnh thổ hải quan gồm những khu vực trong lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, nơi Luật hải quan được áp dụng". Việc bổ sung một khái niệm tối quan trọng với nội hàm như trên đã phù hợp với thực tiễn áp dụng của thế giới, bảo đảm tốt hơn quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia tại những khu vực nhạy cảm thường có tranh chấp liên quan tới đường biên giới quốc gia trên biển (xem thêm định nghĩa về "đường biên giới quốc gia trên biển" tại Điều 5 Luật Biên giới quốc gia số 06/2003/QH11 ngày 17/6/2003).

Quản lý "rủi ro" (khoản 1.a Điều 15: Nguyên tắc tiến hành thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan và Điều 30: Các hình thức kiểm tra thực tế hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu để thông quan).

Khái niệm này bao gồm những nội dung liên quan tới kỹ thuật quản lý hải quan theo phương pháp hiện đại mà Hải quan các nước trên thế giới đã sử dụng từ rất lâu. Quản lý rủi ro gắn với các hình thức kiểm tra thực tế hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu để xem xét, quyết định thông quan. Theo kỹ thuật mới này, hàng hóa sẽ được quyết định mức độ kiểm tra thực tế dựa trên kết quả phân tích, xử lý của hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý rủi ro đối với những thông tin đã được cập nhật vào hệ thống (mức độ tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp, các nguồn thông tin tin cậy khác đã được thẩm định, kiểm duyệt từ trong nước hoặc/và nước ngoài, v.v..). Kỹ thuật quản lý rủi ro bắt đầu được đưa vào áp dụng ở Việt Nam từ 01/01/2006, từ thời điểm Luật Hải quan 2005 có hiệu lực pháp luật, được hướng dẫn cụ thể tại Quyết định số 2148/QĐ-TCHQ ngày 31/12/2005 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan về việc áp dụng hệ thống quản lý rủi ro trong làm thủ tục hải quan đối với lô hàng xuất khấu, nhập khẩu (sau đây gọi là Quyết định 2148/QĐ-TCHQ).

Phương thức quản lý hải quan được thay đổi căn bản trong đó hạn chế tối đa sự can thiệp của yếu tố chủ quan đến từ con người sẽ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp được hoàn thành các thủ tục thông quan theo luật định với thời gian nhanh hơn.

b.2. Sửa đổi, bổ sung một số nội dung tạo tiền đề thực hiện tốt hơn các cam kết với WTO cũng như các khuôn khổ hợp tác quốc tế khác

- Hợp tác quốc tế về hải quan (Điều 5a), trị giá hải quan (Điều 71); - Hiện đại hóa quản lý hải quan (Điều 8): bước đột phá căn bản để thực hiện công cuộc hiện đại hóa quy trình quản lý là sử dụng thủ tục hải quan điện tử bên cạnh thủ tục hải quan hồ sơ giấy tờ (hải quan truyền thống) đã và đang áp dụng từ trước tới nay.

- Các nội dung liên quan đến tạo thuận lợi cho quy trình, thủ tục hải quan: địa điểm làm thủ tục hải quan, hồ sơ hải quan, khai hải quan, tiếp nhận và xử lý hồ sơ, về quyền và nghĩa vụ của người khai hải quan, về trách nhiệm của cơ quan Hải quan các cấp trong việc quyết định thông quan hàng hóa,

quyền và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan đến thủ tục hải quan điện tử (Điều 25);

- Kiểm tra sau thông quan (Điều 32): cam kết tăng cường tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu trong khuôn khổ WTO đã buộc Hải quan Việt Nam phải thay đổi cơ chế quản lý hải quan từ tiền kiểm (nặng về kiểm soát) sang hậu kiểm (ưu tiên thông quan nhanh và thông quan trước cho doanh nghiệp chấp hành tốt pháp luật). Công tác kiểm tra sau thông quan vì thế cũng được thay đổi nhận thức từ việc kiểm tra được tiến hành trên cơ sở doanh nghiệp có vi phạm về pháp luật Hải quan sang việc kiểm tra được tiến hành như một công việc thường xuyên, đánh giá kép đối với mức độ tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu và mức độ chính xác trong xử lý công việc của công chức hải quan.

Thực tế, sau khi Luật Hải quan năm 2005 có hiệu lực pháp luật, khối lượng công việc của lực lượng kiểm tra sau thông quan tăng rất mạnh: đảm đương khoảng 70% khối lượng công việc của lực lượng trực tiếp giải quyết thủ tục thông quan cho hàng hóa. Để quá trình thông quan hàng hóa được xử lý nhanh chóng, tạo thuận lợi cho thương mại quốc tế, thì lực lượng ở khâu nghiệp vụ đầu tiên chỉ có thể đảm bảo tính chính xác của 30% khối lượng công việc. Năm 2006, toàn ngành hải quan (bao gồm 33 Cục Hải quan địa phương) đã phải làm thủ tục xuất nhập khẩu cho khoảng 2.5 triệu lô hàng; với tốc độ tăng mỗi năm từ 20 đến 30%, dự tính đến năm 2010, sẽ có khoảng 3,5 - 3,7 triệu lô hàng xuất nhập khẩu [95].

c. Quy định của pháp luật Hải quan Việt Nam về những vấn đề liên quan tới tạo thuận lợi và bảo đảm an ninh cho tự do hóa thương mại theo cam kết với WTO

c.1. Thủ tục kiểm tra, giám sát, thông quan, sau thông quan

* Đơn giản hóa và hài hòa hóa thủ tục hải quan gắn liền với việc nội luật hóa Công ước Kyoto của WCO

Thủ tục hải quan là những việc phải làm của người có hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, có phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh hoặc của người được ủy quyền (gọi tắt là người khai hải quan) theo quy định của Luật Hải quan và các luật khác có liên quan [103].

Phần lớn các cam kết cơ bản về thủ tục hải quan đều đã được đưa vào trong các văn bản pháp luật liên quan tới Hải quan kể từ khi Việt Nam tham gia ASEAN ngày 28/7/1995 (thực hiện cam kết tại Điều 6 Hiệp định Hải quan ASEAN về thủ tục hải quan). Việc thay đổi phương pháp kiểm tra hàng hóa tại Luật Hải quan 2005 từ "tiền kiểm" sang "hậu kiểm" dựa trên nền tảng kỹ thuật quản lý rủi ro, phân tích, xử lý các thông tin từ nhiều nguồn, trong và ngoài ngành, trong nước và nước ngoài đã làm cho pháp luật Hải quan của Việt Nam đạt tới sự phù hợp hơn với các yêu cầu tại Công ước Kyoto do WCO soạn thảo, điều mà Luật Hải quan năm 2001 chưa làm được. Phương pháp quản lý hải quan trước đây là phương pháp nặng về cơ chế kiểm soát chặt chẽ, kiểm tra thủ công, và kiểm tra bị chi phối bởi ý chí chủ quan của cán bộ công chức thừa hành tại cửa khẩu.

Gia nhập WTO, Hải quan Việt Nam phải thực hiện đầy đủ và nghiêm chỉnh các cam kết tạo thuận lợi cho thương mại quốc tế, thể hiện qua các nội dung hiện đại hóa hải quan. Công ước Kyoto về đơn giản hóa và hài hóa thủ tục hải quan trên toàn cầu là một Điều ước trực tiếp tạo thuận lợi cho thương mại quốc tế mà Việt Nam đã tham gia để có thể thực hiện tốt các cam kết về hải quan với WTO. Quá trình nội luật hóa các cam kết khi tham gia Công ước Kyoto (tham gia Công ước Kyoto 1973 vào năm 1997, gia nhập Nghị định thư sửa đổi Công ước năm 1999 đối với Thân Công ước và Phụ lục tổng quát ngày 04/12/2007, Công ước sửa đổi bắt đầu có hiệu lực đối với Việt Nam vào ngày 08/4/2008) cũng nhằm vào mục đích thực hiện các cam kết với WTO. Do đó, nội dung của pháp luật hải quan được xem xét trong phần này phục vụ mục đích của mối quan hệ giữa WTO và WCO nêu trên.

Công ước Kyoto sửa đổi (Thân Công ước và Phụ lục tổng quát) mới chỉ bắt đầu có hiệu lực đối với Việt Nam từ đầu tháng 4/2008. Theo quy định của Công ước, Việt Nam có từ 3 - 5 năm để nội luật hóa các quy định của Công ước bao gồm 148 chuẩn mực, cụ thể là 3 năm để thực hiện đầy đủ các Chuẩn mực của Công ước và 5 năm để thực hiện các Chuẩn mực chuyển tiếp [94].

Phương châm hành động của ngành Hải quan Việt Nam theo tinh thần thuận lợi hóa thương mại được ghi nhận ở 6 chữ: Thuận lợi - Tận tụy - Chính xác. Thủ tục hải quan đơn giản hóa, phù hợp với các cam kết trong WTO được pháp luật Hải quan ghi nhận dựa trên nguyên tắc: tạo thuận lợi nhưng vẫn bảo đảm được yếu tố tuân thủ pháp luật của các đối tượng quản lý, bao gồm những quy định cơ bản tại Luật Hải quan 2001 và Luật sửa đổi, bổ sung năm 2005 như sau:

- Khai và nộp tờ khai hải quan (Điều 18.1, 18.2 Luật Hải quan 2001 đã được sửa đổi, bổ sung tại Điều 1.11 Luật sửa đổi, bổ sung năm 2005): cho phép người khai hải quan nộp tờ khai trước khi hàng hóa đến lãnh thổ hải quan;

- Được sử dụng Lược khai hàng hóa (Tờ khai tạm) để giải phóng hàng trong trường hợp hàng hóa xuất nhập khẩu phục vụ các yêu cầu khẩn cấp (Điều 35 Luật Hải quan);

- Thực hiện đăng ký Tờ khai một lần cho tất cả các loại hình hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu trong trường hợp thường xuyên xuất khẩu, nhập khẩu một mặt hàng nhất định, trong một thời gian nhất định của cùng một hợp đồng mua

Một phần của tài liệu Pháp luật hải quan Việt Nam trước yêu cầu thực hiện tự do hóa thương mại và nghĩa vụ thành viên WTO (Trang 73 - 91)