Hoạt động quản lý nhà nước về Hải quan nhằm thực hiện tự do hóa thương mại trong WTO sẽ không thể thu được hiệu quả kép: vừa tạo thuận lợi nhiều hơn vừa bảo đảm an ninh tốt hơn, nếu như thiếu đi khung pháp lý đủ hoàn chỉnh điều chỉnh các hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua biên giới.
Trong phần cơ sở pháp lý tại chương này, tác giả sẽ trình bày hệ thống các văn bản quốc tế và quốc gia mang tính xương sống, cơ bản, chủ chốt nhất, nhưng không phải là toàn bộ các văn bản sẽ được dẫn chiếu xuyên suốt nội dung của luận văn này. Hệ thống văn bản đầy đủ sẽ được nêu tại phần danhmục tài liệu tham khảo ở cuối luận văn.
a/ Hệ thống các Điều ước quốc tế liên quan tới hải quan của khung pháp luật WTO
Việc Việt Nam tham gia WTO - Tổ chức thương mại với hệ thống hiệp định thương mại đồ sộ, rộng lớn nhất thế giới đã chứng tỏ quyết tâm tự do hóa nền kinh tế của Việt Nam. Luận văn này giới hạn phạm vi nghiên cứu các vấn đề liên quan tới tạo thuận lợi và bảo đảm an ninh cho hoạt động quản lý nhà nước về hải quan trong mối tương quan giữa pháp luật Việt Nam và hệ thống pháp luật của WTO về tự do hóa thương mại. Bên cạnh đó, tham khảo ở mức độ thỏa đáng tới các quy định mật thiết của WCO, ASEAN, APEC, v.v.. Hệ thống các Hiệp định có nội dung tạo thuận lợi và bảo đảm an ninh cho tự do hóa thương mại trực tiếp liên quan tới cơ quan Hải quan của WTO được trình bày theo sơ đồ 1.1 (trang 25).
Trong WTO, các vấn đề thuận lợi hóa thương mại được đề cập tại Điều V (Tự do quá cảnh), Điều VIII (Các loại phí và thủ tục liên quan đến nhập khẩu và xuất khẩu), Điều X (Xuất bản và quản lý các quy định thương mại) của Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại năm 1994; Hiệp định thực hiện Điều VII của GATT 1994; Hiệp định về Kiểm định hàng hóa trước khi xếp hàng; Hiệp định về thủ tục cấp phép nhập khẩu; Hiệp định về Quy tắc xuất xứ, Hiệp định về Hàng rào kỹ thuật trong thương mại.
Đây là những quy định nền tảng nhằm bảo đảm mục tiêu kép của các biện pháp thuận lợi hóa thương mại là: i) quản lý được luồng thương mại và ii) không trở thành rào cản phi thuế quan đối với các luồng hàng xuất nhập khẩu [61, tr. 307],
Tham gia WTO, Việt Nam phải cam kết chấp nhận thực thi "cả gói" các quy định thuộc hệ thống các hiệp định đồ sộ nêu trên. Trong khuôn khổ có hạn của luận văn này, tác giả không thể đi sâu phân tích từng hiệp định riêng lẻ, mà sẽ cung cấp một cái nhìn bao quát với những cố gắng phác thảo nên bức tranh tổng thể nhất về quá trình và kết quả rà soát, sửa đổi, nỗ lực hiệu lực hóa các cam kết "cả gói" trong WTO vào hệ thống pháp luật về Hải quan của Việt Nam.
* Trong các khuôn khổ hợp tác quốc tế khác - các tài liệu có tính bổ trợ cho quá trình nghiên cứu:
- Công ước Kyoto về đơn giản và hài hòa hóa thủ tục hải quan của WCO năm 1973, sửa đổi năm 1999: Trong quá trình chuẩn hóa và hiện đại hóa thủ tục hải quan, quá trình cải cách có thể dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế. Công ước Kyoto được các thành viên xây dựng chủ yếu dựa vào các nghĩa vụ và Hiệp định đa phương, hội tụ đầy đủ nhất các sáng kiến thuận lợi hóa thương mại. - Khung các tiêu chuẩn về an ninh và tạo thuận lợi cho thương mại toàn cầu của WCO (hay còn gọi là SAFE): Việt Nam đã tuyên bố ý định tham gia SAFE vào tháng 8/2005 như một trong những cách thức để thực hiện cam kết với WTO về bảo đảm an ninh chống khủng bố quốc tế, chống buôn lậu và gian lận thương mại.
- Các điều ước quốc tế trong các hiệp định thương mại khu vực ASEAN, APEC (Reference Trade Agreements, gọi tắt là RTAs) được Việt Nam ký kết trước khi gia nhập WTO, chủ yếu đề cập tới các ngoại lệ ưu đãi hơn, với những lý do chính đáng cho phép không coi là vi phạm nguyên tắc căn bản MFN của WTO. Sở dĩ những nội dung của điều ước quốc tế khu vực
được đưa vào nội dung của nghiên cứu này vì để thực hiện những cam kết tại điều ước quốc tế đó thì Việt Nam cũng đã phải chuyển hóa một phần hoặc toàn bộ, hay nói cách khác là nội luật hóa vào pháp luật trong nước.
Một trường hợp điển hình có thể nhắc tới như một ví dụ ở đây là trường hợp chuyển hóa một phần hiệp định về thực thi Điều VII của GATT/WTO 1994 về xác định trị giá tính thuế vào pháp luật trong nước khi Việt Nam còn chưa gia nhập WTO để thực thi cam kết tại Hiệp định Hải quan ASEAN.
b/ Pháp luật quốc gia:
Trong khuôn khổ các tài liệu tham chiếu để phục vụ cho việc nghiên cứu làm sáng rõ các quan điểm của đề tài luận văn này, tác giả xin được trình bày theo hệ thống các văn bản pháp luật được xem như khung pháp lý chính thức hiệu lực hóa các cam kết về hoạt động Hải quan của Việt Nam với WTO. - Nghị định thư về việc gia nhập của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
- Biểu cam kết về thương mại hàng hóa (bao gồm các cam kết về thuế nhập khẩu, hạn ngạch thuế quan và trợ cấp nông nghiệp)
- Nghị quyết 71/2006/NQ-QH11 ngày 29/11/2006 của Quốc hội về việc phê chuẩn Nghị định thư gia nhập Hiệp định thành lập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
- Luật Hải quan năm 2001 và Luật số 42/2005/QH11 ngày 14/6/2005 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hải quan; các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành;
- Nghị định số 40/2007/NĐ-CP ngày 16/3/2007 của Chính phủ quy định về việc xác định trị giá hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu;
- Luật số 78/2006/QH11 ngày 29/11/2006 của Quốc hội về quản lý thuế; các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành;
- Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu sửa đổi, bổ sung năm 2005; các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành;
- Luật Thuế giá trị gia tăng và Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi, bổ sung năm 2005; các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành;
- Luật Thương mại 2005; Nghị định số 12/2006/NĐ-CP ngày 23/01/2003 quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài; Nghị định số 19/2006/NĐ-CP ngày 20/2/2006 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về xuất xứ hàng hóa;
- Pháp lệnh số 41/2002/PL-UBTVQH10 ngày 25/5/2002 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đối xử Tối huệ quốc và đối xử quốc gia trong thương mại quốc tế;