Cơ sở thực tiễn

Một phần của tài liệu Pháp luật hải quan Việt Nam trước yêu cầu thực hiện tự do hóa thương mại và nghĩa vụ thành viên WTO (Trang 25 - 30)

Ngành Hải quan Việt Nam ra đời từ khá sớm, ngay sau khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa được thành lập năm 1945. Là một nước có vị trí địa lý thuận lợi, nằm ở ngã tư của các mối quan hệ quốc tế năng động, đa dạng, vừa gắn liền với lục địa Á - Âu, vừa tiếp giáp với Thái Bình Dương, có đường biên giới quốc gia trên đất liền trải dài 4.610 km giáp với ba nước (Trung Quốc: 1.406 km, Lào: 2.067 km, Campuchia: 1.137 km) với 28/64 tỉnh, thành giáp biển trải trên 3.260 km chiều dài đường bờ biển, Việt Nam có đầy đủ cơ hội để giao lưu kinh tế mở rộng với các quốc gia láng giềng, trong khu vực và trên thế giới, hợp tác đa phương và song phương trên nhiều lĩnh vực.

Vị trí địa lý thuận lợi đem lại nhiều cơ hội giao lưu, phát triển, song cũng đem lại nhiều rủi ro tiềm ẩn, gây thách thức đối với các cơ quan quản lý, đối với hoạt động kiểm soát biên giới của cơ quan hải quan trên 179 cửa khẩu đường bộ, đường sắt trên đất liền và 35 cửa khẩu cảng biển với 145 cảng, cảng chuyên dùng, khu vực chuyển tải, bến neo đậu (do Bộ Giao thông Vận tải công bố) và 01 sân bay dịch vụ dầu khí [69]. Song hành với thương mại phát triển, là tình hình vi phạm pháp luật, buôn lậu, gian lận thương mại gia tăng, nguy cơ khủng bố đe dọa, với diễn biến phức tạp và các thủ đoạn ngày một tinh vi hơn theo sự phát triển ngày càng cao của khoa học kỹ thuật.

Cần phải bảo đảm an ninh hơn

Xuất phát từ chức năng của hoạt động quản lý nhà nước về Hải quan là bảo đảm an ninh quốc gia đối với hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, chống thất thu thuế cho ngân sách nhà nước;

Xuất phát từ thực tiễn của các vụ khủng bố đe dọa tới an ninh, an toàn quốc gia đang diễn ra ngày càng nhiều trên thế giới nhằm vào những điểm nóng chính trị, những thời điểm nhạy cảm, đặc biệt sau sự kiện xảy ra ngày 11/9/2001 tại Mỹ, đã nhắc nhở cộng đồng quốc tế lưu tâm nhiều hơn tới vấn đề bảo vệ an ninh thương mại; (thống kê của Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra con số tỷ lệ các vụ khủng bố xảy ra trên thế giới như sau: 80% các vụ khủng bố quốc tế xảy ra tại các nước ở Trung Đông và khu vực Nam Á: Indonesia, miền Nam Philippin) [89].

Xuất phát từ tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới diễn ra liên tục, hàng ngày, do lực lượng hải quan trực tiếp giải quyết thủ tục thông quan hàng hóa không thể đảm bảo xử lý 100% công việc một cách an toàn ngay tại thời điểm làm thủ tục cho hàng hóa và lực lượng kiểm soát các tuyến biên giới còn mỏng.

Nên: cơ quan hải quan các nước, trong đó có Việt Nam phải là cơ quan trong tuyến đầu thực hiện nhiệm vụ tăng cường bảo đảm an ninh cho thương mại toàn cầu.

Trong suốt thời kỳ hoạt động của mình, đặc biệt từ khi có giao lưu hợp tác kinh tế quốc tế, Hải quan Việt Nam đã phải không ngừng tăng cường hiệu quả của công tác đảm bảo an ninh thương mại trước các nguy cơ buôn lậu, gian lận và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VI (12/1986) đã đặt dấu mốc khởi đầu cho thời kỳ đổi mới toàn diện, mở cửa kinh tế của Việt Nam. Tính từ năm 1955 tới nay, Việt Nam đã ký kết 1082 Điều ước quốc tế về kinh tế - thương mại, trong đó có 700 Điều ước hiện còn hiệu lực [26]. Điều đó cho thấy, Việt Nam đã thúc đẩy mạnh mẽ các mối quan hệ hợp tác với thế giới, đón nhận các cơ hội mới đồng thời sẵn sàng chấp nhận những thách thức để phát triển.

Từ khi mở cửa, đặc biệt là từ đầu những năm 1990, khi quan hệ ngoại giao với Trung Quốc và một loạt nước Tây Âu được cải thiện, thì kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam tăng lên nhanh chóng, song hoạt động buôn lậu

cũng tăng lên một cách đột biến trên tất cả 3 tuyến đường không, đường bộ và đường biển. Số liệu thống kê thể hiện trong các bản báo cáo hàng năm của lực lượng chống buôn lậu ngành Hải quan cho thấy hoạt động buôn lậu và gian lận thương mại có diễn biến ngày càng phức tạp hơn và thủ đoạn bọn buôn lậu sử dụng cũng ngày càng tinh vi, khó phát hiện hơn.

Do lúng túng và còn nhiều lỏng lẻo trong cách thức quản lý của thời gian đầu mở cửa, cuối những năm 90, tình hình buôn lậu trở thành mối đe dọa nghiêm trọng đối với sự ổn định của kinh tế đất nước [78].

Hộp số 1.1

Năm 1995: phát hiện 11.412 vụ buôn lậu và vi phạm pháp luật hải quan, tổng trị giá hàng bị xử lý lên tới 189,1 tỷ đồng, thu giữ 1800 đồ cổ, hơn 2400 ấn phẩm phản động, gần 30kg thuốc phiện, 1,44 kg heroin, 122 kg thuốc nổ, một số loại vũ khí, 1811 bình xịt hơi độc, xử lý 3.8 triệu USD không khai báo của hành khách xuất nhập cảnh;

Năm 1996: phát hiện gần 12.500 vụ buôn lậu và gian lận thương mại; xử lý hàng hóa với giá trị gần 370 tỷ đồng; bắt 2 vụ vận chuyển heroin qua cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài, thu giữ 23,2 kg heroin; phát hiện và thu giữ trên 6600 kg cần sa nhập vào cảng Sài Gòn, nhiều vũ khí, chất nổ, tài liệu phản động, ngoại tệ và tiền giả, đồ cổ, …

Năm 1997: Riêng tháng 10, phát hiện 1180 vụ buôn lậu và gian lận thương mại, bắt giữ 13 cổ vật, 2 kg vàng 9999, trên 300.000m vải các loại 13.3kg thuốc phiện, 4 xe ô tô, 1200 đầu video, 1000 ti vi, 2555 tấn giấy nhám, 35 kg đá cẩm thạch…ấn phẩm văn hóa phản động, đồi trụy; xử phạt vụ án buôn lậu lớn vào bậc nhất nước ta - Tân Trường Sanh (do Trần Đàm cầm đầu).

Năm 1999: chiến dịch Tết Kỷ Mão trên tuyến biển Quảng Ninh tới An Giang: bắt giữ nhiều tàu chở hàng lậu buôn lậu từ Trung Quốc trên tuyến Quảng Ninh với tổng trị giá hàng lên tới 5.3 tỷ đồng.

Những vụ bắt giữ của cơ quan Hải quan trong lịch sử hoạt động của ngành đã tạo ra những tiếng vang nhất định song nếu như làm một phép so sánh với lưu lượng khổng lồ của hàng hóa xuất nhập khẩu đi qua biên giới, sang thị trường nước ngoài hoặc đưa vào tiêu thụ tại thị trường nội địa, những phát hiện của cơ quan quản lý thị trường tại nước ngoài cũng như nội địa, thì đây chỉ là một con số khám phá giống như phần nổi của tảng băng chìm.

Hàng hóa bị buôn lậu và gian lận thương mại thường tập trung vào các loại hàng cấm, hàng giả, hàng có thuế suất cao, trị giá lớn. An ninh kém bảo đảm sẽ dẫn tới sự thẩm lậu tràn lan vào nội địa của những loại hàng hóa này, gây đe dọa triệt tiêu sự phát triển của nền sản xuất hàng hóa chân chính vì lợi ích của người tiêu dùng ở mọi lứa tuổi, đặc biệt những lứa tuổi dễ bị tổn thương bởi những hàng hóa có ảnh hưởng không tốt tới sự phát triển nhân cách, đạo đức, lối sống theo chiều hướng tích cực, lành mạnh.

Do đó, bảo đảm an ninh, chống buôn lậu, gian lận thương mại và khủng bố quốc tế đã thực sự trở thành một yêu cầu khắt khe hơn xuất phát từ chính thực tiễn hoạt động thương mại đang diễn ra ngày càng sôi động trên phạm vi toàn cầu. Hoạt động tăng cường an ninh này cần phải có sự phối hợp đồng bộ diễn ra trên nhiều ngành nhiều cấp có trách nhiệm liên quan tới luồng lưu chuyển của hàng hóa, có biện pháp kiểm soát, ngăn chặn các nguy cơ gây mất an ninh quốc gia đến từ các yếu tố trên.

Cần phải vừa tạo nhiều thuận lợi hơn vừa bảo đảm an ninh tốt hơn

Nếu như an ninh trong hoạt động kiểm soát hàng hóa xuất nhập khẩu qua biên giới là một tiêu chí đòi hỏi phải được đặc biệt chú trọng để bảo đảm tốt hơn vấn đề mang nội dung chính trị là chủ quyền quốc gia, thì yêu cầu tạo ra nhiều thuận lợi hơn cho các đối tượng thuộc phạm vi quản lý, kiểm soát của hoạt động hải quan lại được xem như một trong những tiêu chí quan trọng hàng đầu góp phần vào việc thúc đẩy tốc độ phát triển nhanh chóng của luồng thương mại tự do hóa. Thuận lợi và an ninh là hai mặt của một quá trình dịch

chuyển chuỗi hàng hóa toàn cầu. Nhấn mạnh mặt này mà bỏ quên mặt kia ngay lập tức sẽ làm mất hiệu lực kiểm soát của cơ quan hải quan, đe dọa tới lợi ích của cả quốc gia.

Thế giới ngày nay đang chứng kiến tốc độ hội nhập, hợp tác về kinh tế - thương mại ngày càng sâu và rộng ở các cấp độ: đa phương toàn cầu, khu vực và lĩnh vực chuyên môn của rất nhiều các định chế khác nhau như WTO, WCO, APEC, ASEAN, AFTA, v.v... Điều kiện căn bản để các thành viên tham gia hợp tác và hội nhập là giữa họ phải đạt được những thỏa thuận có hiệu lực áp dụng chung, hình thành các chuẩn mực chung được công nhận lẫn nhau và giảm thiểu tối đa sự khác biệt. Các thỏa thuận, chuẩn mực như vậy sẽ gắn kết các giao dịch thương mại trên toàn cầu lại với nhau thông qua một "cửa" kiểm soát an ninh đầu mối được bố trí tại vị trí thích hợp trong chuỗi thương mại toàn cầu. Các "cửa" kiểm soát khác không phải là đầu mối đặt tại các quốc gia thành viên còn lại sẽ thừa nhận lẫn nhau kết quả tại "cửa" kiểm soát đầu mối. Thời gian và chi phí ước tính trên phạm vi toàn cầu sẽ được tiết kiệm rất nhiều, thương mại cũng được thúc đẩy thông suốt. Điều này cũng tạo ra cơ hội cho các doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu trên toàn cầu dễ dàng tiếp cận các chuẩn mực chung, đáp ứng đòi hỏi của các cơ quan Hải quan ở các quốc gia thành viên khác nhau một cách thống nhất, tránh được những đòi hỏi phức tạp và khác biệt, cần thiết ở nước này nhưng lại không cần thiết ở nước khác. Việc hợp nhất yêu cầu quản lý để hình thành nên chuẩn mực chung được chấp nhận rộng rãi ở các cơ quan Hải quan các nước thành viên là công việc khó do trình độ phát triển không đồng đều và mục tiêu phát triển không phải lúc nào cũng giống nhau, nhưng tất yếu phải hoàn thành khi hội nhập để loại bỏ những rào cản theo thông lệ quốc tế. Nếu không tạo ra ngày càng nhiều thuận lợi hơn cho thương mại quốc tế thì năng lực cạnh tranh của quốc gia thành viên trên thị trường quốc tế sẽ bị ảnh hưởng, từ đó lợi ích quốc gia có thể đạt được qua hội nhập sẽ bị giảm sút.

Một phần của tài liệu Pháp luật hải quan Việt Nam trước yêu cầu thực hiện tự do hóa thương mại và nghĩa vụ thành viên WTO (Trang 25 - 30)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(161 trang)