Đối với các ngân hàng thương mại

Một phần của tài liệu Ireland – khủng hoảng thực sự bắt nguồn từ nợ công (Trang 82)

Nguyên nhân gây ra những bất ổn trong hoạt động của HTNH trong thời gian vừa qua chủ yếu xuất phát từ phía các NH, do đó, các NH cần phải chủ động khắc phục những yếu kém của mình. Cụ thể:

- Nâng cao chất lượng thẩm định trước khi cấp tín dụng.

Công tác thẩm định trước khi cấp tín dụng thật sự chất lượng sẽ giúp các NH lựa chọn được những dự án tốt, hiệu quả để cho vay vốn từ đó nâng cao lợi nhuận và giảm rủi ro tín dụng. Để thực hiện được mục tiêu này, các NH có thể học hỏi kinh nghiệm thẩm định từ các NH, các TCTD hoạt động hiệu quả trên thế giới, đào tạo cán bộ thẩm định thực sự có tay nghề, áp dụng phần mềm công nghệ hiện đại để dự báo kết quả thực hiện dự án trong tương lai,... Bên cạnh đó, sau khi giải ngân vốn phải tăng cường kiểm tra quá trình sử dụng vốn, giám sát tình hình sản xuất kinh doanh của khách hàng để tránh tình trạng khách hàng sử dụng vốn không đúng mục đích, nếu phát hiện những khó khăn bất khả kháng của DN trong quá trình sản xuất kinh doanh phải kịp thời tìm giải pháp hỗ trợ, từ đó đảm bảo khả năng thu hồi nợ trong tương lai, tạo mối quan hệ hợp tác lâu dài với DN.

- Nâng cao hiệu quả công tác quản trị rủi ro.

NH là một trong những lĩnh vực đối mặt với nhiều rủi ro nhất. Các loại rủi ro có mối quan hệ chặt chẽ và tác động qua lại với nhau và đều có thể gây tổn thất lớn cho HTNH. Trong bối cảnh đó, không một NH nào có thể tồn tại và phát triển lâu dài nếu công tác quản trị rủi ro không hiệu quả. Do đó, công tác quản trị rủi ro cần được đặt ra ngay từ khi xây dựng chiến lược, kế hoạch kinh doanh hay các mục tiêu tăng trưởng,… thì các NH mới có thể chủ động ứng phó với các biến cố từ thị trường. Cụ thể, các NH cần xây dựng hệ thống chỉ tiêu đánh giá dự án tốt hay xấu và chỉ chấp nhận giải ngân vốn cho những dự án đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn đưa ra nhằm giảm rủi ro tín dụng; xây dựng cơ cấu vốn trong đó tỷ lệ tín dung/tổng nguồn vốn, tỷ lệ ngân quỹ/tổng tài sản hợp lý, đặt ra mục tiêu huy động vốn, tăng trưởng tín dụng phù hợp tình hình thực tế của NH nhằm giảm rủi ro thanh khoản và rủi ro tín dụng; duy trì trạng thái ngoại tệ đóng nhằm hạn chế rủi ro tỷ giá bằng cách sử dụng các công cụ phái sinh,...

- Chủ động tái cơ cấu bộ máy tổ chức, cơ cấu nhân sự.

Đây là những giải pháp cơ cấu trong nội bộ nên được các NH, cũng như các đơn vị trực thuộc thực hiện thường xuyên nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng năng lực cạnh tranh. Trong bộ máy tổ chức, khi phát hiện những bộ phận hoạt động không hiệu quả thì phải cắt giảm nhằm tránh lãng phí, gây thiệt hại đến hoạt động chung, còn những bộ phận hoạt động hiệu quả cần hỗ trợ để bộ phận ấy thực hiện tốt nhiệm vụ và mở rộng hoạt động. Đối với cơ cấu nhân sự cần bố trí hợp lý cán bộ, phát triển đội ngũ cán bộ quản lý và kinh doanh NH có trình độ, ý thức trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp cao nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, tránh lãng phí và giảm rủi ro gian lận. Xử lý nghiêm khắc các hành vi vi phạm ảnh hưởng tới hoạt động của NH.

- Từng bước dịch chuyển mô hình kinh doanh theo hướng giảm bớt sự phụ thuộc vào hoạt động tín dụng và tăng nguồn thu từ hoạt động phi tín dụng như triển khai các sản phẩm thẻ, dịch vụ thu hộ tiền, dịch vụ chuyển tiền nước ngoài, dịch vụ NH tiện ích qua thiết bị điện tử,… từ đó giảm bớt tổn thất khi rủi ro tín dụng xảy ra.

- Lên kế hoạch chủ động huy động thêm vốn tự có để đến năm 2015, các NH sẽ đạt mức vốn tự có đủ để bù đắp rủi ro tín dụng, rủi ro thị trường và rủi ro tác nghiệp theo quy định của Basel II, tiến xa hơn nữa là Basel III theo kế hoạch của Chính phủ. Để thực hiện mục tiêu này, ngay trong thời điểm hiện tại, các NH phải cải thiện tình hình tài chính, nâng cao chất lượng hoạt động nhằm tăng thêm niềm tin của cổ đông, các nhà đầu tư trên thị trường thì mới có thể tăng vốn tự có trong tương lai.

Một phần của tài liệu Ireland – khủng hoảng thực sự bắt nguồn từ nợ công (Trang 82)