Chính sách cơ cấu trúc HTNH đã được Ireland, Thái Lan, Hàn Quốc và nhiều quốc gia trên thế giới triển khai với mục tiêu lành mạnh hóa tài chính, củng cố năng lực hoạt động, cải thiện mức độ an toàn của hệ thống NH trong giai đoạn KH. Tuy nhiên, nhiều quốc gia cũng thực hiện biện pháp này ngay trong giai đoạn bình thường của nền kinh tế. Và giải pháp này cũng được Chính phủ Việt Nam lựa chọn. Ngày 1/3/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Đề án “Cơ cấu lại các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 - 2015’’ và để triển khai thực hiện Đề án, ngày 18/4/2012, NHNN đã ban hành Quyết định số 734/QĐ-NHNN phê duyệt Kế hoạch hành động của ngành NH triển khai Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011 – 2015. Đến nay một số giải pháp đã được NHNN và các NH thực hiện:
- Đối với các NH TMCP yếu kém:
Từ cuối tháng 10/2011, NHNN đã tiến hành đánh giá và phân loại các TCTD theo mức độ lành mạnh, an toàn. Qua đó, NHNN xác định có 9 NH TMCP yếu kém cần phải cơ cấu lại và triển khai một số biện pháp xử lý đối với các NH này, gồm:
+ Tiến hành giám sát, thanh tra toàn diện nhằm đánh giá tình hình tài chính thực tế của từng NH để làm cơ sở áp dụng các biện pháp cơ cấu lại thích hợp;
+ Chỉ đạo các NH tự xây dựng phương án cơ cấu lại để trình NHNN phê duyệt và báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai (NHNN có thể can thiệp nếu các NH không thực hiện),...
Kết quả thực hiện:
+ Tháng 12/2011, 3 NH là NH TMCP Sài Gòn (SCB), NH TMCP Đệ Nhất (Ficombank), NH TMCP Việt Nam Tín Nghĩa (TinNghiaBank) đã được hợp nhất thành NH TMCP Sài Gòn (SCB);
+ Tháng 8/2012, NH TMCP nhà Hà Nội (Habubank) chính thức sáp nhập vào NH TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB).
+ Hiện nay, NH TMCP Phương Tây (Western Bank) và Tổng công ty Cổ phần Tài chính Dầu khí Việt Nam (PVFC) đang được NHNN yêu cầu chỉnh sửa, hoàn thiện Đề án hợp nhất.
+ 4 NH còn lại thực hiện phương án tự cơ cấu bao gồm: NH TMCP Nam Việt (Navibank), NH TMCP Đại Tín (TrustBank), NH TMCP Tiên Phong (TienPhongBank) và NH TMCP Dầu khí Toàn cầu (GP.Bank). Cuối năm 2012, TienPhongBank đã tăng mạnh vốn điều lệ do nhiều cổ đông góp thêm vốn, đây được cho là bước cuối của quá trình tự tái cơ cấu của NH này; Navibank đã có phương án tự cơ cấu lại; phương án cơ cấu lại GP.Bank đang được NHNN trình Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến. Còn phương án cơ cấu lại TrustBankcũngđang được NHNN khẩn trương xem xét.
Nhìn chung, những giải pháp trên của NHNN đã mang lại một số kết quả tích cực như việc chi trả tiền gửi của dân cư tại các NH đã diễn ra bình thường, không xảy ra hiện tượng rút tiền hàng loạt với quy mô lớn, thanh khoản của các NH được cải thiện, huy động vốn không bị giảm và có thêm các khoản tiền gửi mới, mặc dù vẫn còn một số NH khó khăn nhất định về thanh khoản, nhưng vấn đề này không trở thành một nguy cơ cho toàn hệ thống nữa. Cụ thể như TienPhongBank đã tăng trưởng tín dụng trên 15% trong năm 2012, khá cao so với mức tăng trưởng khoảng 5% của cả ngành NH. Tuy nhiên, tiến độ xử lý những NH yếu kém vẫn còn chậm. Hiện vẫn còn một số NH đang có khó khăn lớn về thanh khoản chưa được xử lý dứt điểm từ đó gây nên những khó khăn nhất định cho hệ thống, nhất là tính ổn định của
lãi suất. Bên cạnh đó, sự thiếu cơ chế can thiệp, xử lý của Nhà nước đối với các TCTD yếu kém đã dẫn đến xử lý chưa kịp thời, dứt điểm pháp nhân của các TCTD yếu kém, sự thiếu hợp tác hoặc chống đối từ phía cổ đông lớn của các NH TMCP yếu kém đối với các chính sách, biện pháp cơ cấu lại của NHNN cũng gây khó khăn cho quá trình cơ cấu lại đối với các NH này.
- Đối với NHTM Nhà nước:
+ Hoàn thành căn bản việc phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng của 4/5 NHTM Nhà nước, trong đó đã có 2/4 NH niêm yết cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán.
+ Hoàn thành, trình Thủ tướng Chính phủ Đề án tái cơ cấu NH Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), phương án xử lý đối với công ty cho thuê tài chính (ALCII) thuộc Agribank.
- Đối với các NH TMCP còn lại:
Một trong số các giải pháp mà Đề án đưa ra để tái cơ cấu hệ thống TCTD là khuyến khích các TCTD sáp nhập, hợp nhất, mua lại theo nguyên tắc tự nguyện, do đó ngoài những cuộc sáp nhập, hợp nhất có liên quan tới các NH yếu kém đã nêu ở trên thì kể từ cuối năm 2011 và trong năm 2012 đã chứng kiến những sự kiện sáp nhập, hợp nhất và mua lại khác như:
+ Tháng 1/2012, NH TMCP Gia Định (Giadinhbank) chính thức đổi tên thành NH TM cổ phần Bản Việt (Viet Capital Bank) sau khi được quỹ đầu tư Bản Việt mua lại toàn bộ.
+ Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam (VNPOST) góp vốn vào NH
TMCP Liên Việt (LienVietBank) với việc sáp nhập Công ty Dịch vụ tiết kiệm Bưu điện (VPSC) và LienVietBank. Sau sáp nhập, NH có tên gọi mới là NH TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank). Đây là mô hình NH bưu điện đầu tiên tại Việt Nam, kết hợp giữa NHTM truyền thống với dịch vụ tiết kiệm bưu điện.
+ NH TNHH Mizuho (MHCB), thành viên của Tập đoàn Tài chính Mizuho (Nhật Bản) mua 15% vốn tính trên số cổ phần đã phát hành của NH TMCP Ngoại thương (Vietcombank), NH Tokyo-Mitsubishi UFJ (Nhật Bản) mua 20% cổ phần của NH TMCP Công thương (Vietinbank).
Đánh giá: Giải pháp sáp nhập, mua bán, hợp nhất các NH (M&A) thực tế cũng đã được thực hiện ở nhiều quốc gia như Ireland, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia, Indonesia,... và được coi là một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu nhằm tái cấu trúc HTNH. Thực tế, khi triển khai giải pháp này, các NH đã thu được một số lợi ích như sau:
- Mở rộng được quy mô vốn và mạng lưới hoạt động. Cụ thể, sau khi sáp nhập với Habubank, SHB lại trở thành định chế tài chính có quy mô lớn, với số vốn điều lệ gần 9.000 tỷ đồng, mạng lưới kinh doanh gồm 240 chi nhánh, phòng giao dịch trên cả nước và 2 chi nhánh tại Campuchia, Lào; Với LienVietPostBank, sau khi thành lập, với số vốn điều lệ hiện nay là 6.460 tỷ đồng, NH này là 1 trong 10 NH TMCP lớn nhất tại Việt Nam. Bên cạnh đó, NH cũng mở rộng được mạng lưới giao dịch lên đến hơn 10.000 điểm từ hệ thống tiết kiệm bưu điện trên cả nước.
- Nhiều NH TMCP yếu kém được M&A đã cải thiện được khả năng thanh khoản, từ đó thoát khỏi nguy cơ phá sản, giải thể.
- Đối với các NH nước ngoài, thực hiện M&A với NH Việt Nam an toàn hơn so với mở NH 100% vốn nước ngoài vì chưa hiểu biết thị trường, khó khăn trong việc mở rộng mạng lưới, còn NH Việt Nam có thể tăng quy mô vốn, cải tiến công nghệ và nâng cao khả năng quản lý.
Tuy nhiên, việc thực hiện giải pháp này có thể dẫn đến một số hạn chế như sau:
- Thứ nhất, hợp nhất, sáp nhập có thể giúp các NH tận dụng được lợi thế của nhau từ đó tăng khả năng cạnh tranh nhưng nếu hợp nhất 2 NH yếu kém lại với nhau sẽ tạo ra một định chế mới thậm chí còn yếu kém hơn và gây ảnh hưởng tới các NH khác. Vì vậy, bên cạnh khuyến khích M&A các NH, Chính phủ cần đưa ra những quy định cụ thể liên quan đến chính sách này để tránh những sai lầm đáng tiếc.
- Thứ hai, vấn đề lợi ích nhóm, sở hữu chéo có thể xảy ra, gây ảnh hưởng tới cả hệ thống. Theo quy định về giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần trong Luật các TCTD, một cổ đông cá nhân không được sở hữu vượt quá 5% vốn điều lệ của một TCTD; một cổ đông là tổ chức không được sở hữu vượt quá 15% vốn điều lệ của một TCTD, cổ đông và những người liên quan của cổ đông đó không được sở hữu vượt quá 20% vốn điều lệ của một TCTD, nhưng trên thực tế việc giám sát thực hiện quy định này vẫn bị buông lỏng khiến nhiều kẻ lợi dụng để thâu tóm NH. Vì vậy, khi thực hiện tái cấu trúc, NHNN cần giám sát chặt chẽ để hạn chế vấn đề lợi ích nhóm, sở hữu chéo gây ảnh hưởng tới sự lành mạnh của HTNH, tạo sự bất công xã hội.
- Thứ ba, thực hiện M&A với các tổ chức nước ngoài thiếu thận trọng có thể gây ra hiện tượng thâu tóm, lũng đoạn thị trường tài chính trong nước.
Bên cạnh các giải pháp trên, NHNN cũng chỉ đạo các NH đẩy mạnh tái cơ cấu trong nội bộ như tái cơ cấu bộ máy hoạt động, bộ máy quản lý, cơ cấu nhân sự,... và hầu hết các NH cũng đã và đang thực hiện giải pháp này.
Hiện nay, có một số ý kiến cho rằng Chính phủ nên mua lại hoặc đầu tư vốn cổ phần vào các NH yếu kém nhưng không có khả năng sáp nhập, hợp nhất, trong đó, việc mua lại hoặc đầu tư của Chính phủ chỉ mang tính tạm thời, Chính phủ sẽ bán lại cổ phần cho các nhà đầu tư khác sau khi tiến hành các biện pháp nhằm khôi phục hoạt động của các NH này. Thực tế đã có rất nhiều quốc gia thực hiện giải pháp này như Ireland, Anh, Đức, Thụy Điển, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia,... Tuy nhiên, giải pháp này hoàn toàn không phù hợp với thực tế Việt Nam hiện nay vì thâm hụt NSNN và nợ công đang là vấn đề đáng lo ngại. KH Ireland là một bài học sáng giá mà chúng ta cần phải ghi nhớ về tác hại của chính sách quốc hữu hóa các NH. Trước khi thực hiện quốc hữu hóa NH, Ireland luôn duy trì được thặng dư NSNN và tỷ lệ nợ công năm 2007 chỉ là 24,9% GDP nhưng sau khi chính sách này được thực hiện, Ireland đã rơi vào KH nợ công và phải nhờ vào sự hỗ trợ của EU/IMF để tránh nguy cơ vỡ nợ.
Như vậy, các giải pháp Chính phủ thực hiện trong thời gian vừa qua đã thể hiện chủ trương đúng đắn của Chính phủ trong việc giải quyết những bất ổn hiện nay của HTNH từ đó lành mạnh hóa tình hình tài chính, nâng cao
hiệu quả hoạt động của hệ thống. Quay trở lại các chỉ tiêu phản ánh KH HTNH đã xảy ra của Luc Laeven và Fabián Valencia trong chương 1, so sánh với tình hình Việt Nam hiện ta có thể khẳng định: Việt Nam chưa xảy ra KH HTNH bởi các biện pháp Chính phủ đang thực hiện chưa thể coi là đáng kể theo quan điểm của hai nhà nghiên cứu trên (chưa quốc hữu hóa NH, chưa tuyên bố bảo lãnh nợ NH, chưa mua tài sản NH,...). Bên cạnh đó, những bất ổn trong HTNH là có thực như lợi nhuận giảm, nợ xấu,... nhưng đang từng bước được cải thiện. Thực tế cho thấy ở Việt Nam nếu xảy ra KH thì mới chỉ dừng lại ở từng NH đơn lẻ chứ chưa lan rộng ra cả hệ thống. Ví dụ như tháng 10/2003, NH TMCP Á Châu (ACB) đã rơi vào tình trạng căng thẳng thanh khoản do rất đông khách hàng đồng loạt đòi rút tiền sau khi tin đồn tổng giám đốc NH này bỏ trốn. Tháng 8/2012, cũng tại ACB, người dân đổ xô đi rút tiền sau sự kiện ông Nuyễn Đức Kiên, người đồng sáng lập NH bị bắt,.... Hai sự kiện trên cho ta thấy hiện tượng rút tiền hàng loạt của người dân Việt Nam đôi khi chỉ vì những tin đồn thất thiệt hay những vấn đề bên lề khác mà không phải do tình hình tài chính yếu kém của NH gây ra. Vì vậy, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cũng khẳng định chưa thể cho các NH yếu kém phá sản vì “dân trí, tập quán ở Việt Nam chưa cao như ở một số nước" và vì điều kiện kinh tế chưa cho phép. Tuy nhiên điều này lại gây tác dụng phụ là HTNH vẫn tiếp tục kinh doanh rủi ro bởi các NH đều hiểu Chính phủ sẽ không để mình chết còn các cơ quan chức năng thì “làm đẹp” số liệu để che mắt dân chúng.
Theo đánh giá của nhóm nghiên cứu, trong một khoảng thời gian ngắn nữa KH HTNH sẽ không xảy ra bởi những bất ổn trong hệ thống đã có dấu hiệu được cải thiện. Tuy nhiên, nếu những yếu kém của các NH không được giải quyết triệt để thì KH vẫn có thể xảy ra.