Giải pháp của NHNN áp dụng với các ngân hàng

Một phần của tài liệu Ireland – khủng hoảng thực sự bắt nguồn từ nợ công (Trang 69)

NHNN đã chỉ đạo các NH thực hiện một số các giải pháp để xử lý nợ xấu như sau:

- Chủ động phối hợp với khách hàng vay để cơ cấu lại nợ, giãn thời gian trả nợ và xem xét giảm lãi suất một cách hợp lý cho khách hàng có khó khăn tài chính tạm thời, có chiều hướng cải thiện sản xuất kinh doanh tích cực, được đánh giá có khả năng trả nợ theo thời gian cơ cấu lại nợ. Việc cơ cấu lại nợ có thể được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, bao gồm việc thay đổi kỳ hạn trả nợ, thời gian trả nợ, số lần trả nợ, số tiền trả nợ từng lần,...

Đây là giải pháp mang ý nghĩa tích cực nhằm hỗ trợ DN vượt qua khó khăn và từ đó các NH có thể tối đa hóa số nợ thu hồi trong tương lai. Tuy nhiên việc cơ cấu lại nợ nếu không gắn liền với những thay đổi trong DN thì cũng chỉ là “bình mới, rượu cũ”, không làm tăng được khả năng trả nợ của DN, từ đó nợ xấu cũng chỉ giảm trên sổ sách. Theo thông tin của Văn phòng Chính phủ, tỷ lệ nợ xấu của HTNH đã giảm từ 8,6% vào quý 1/2012 xuống mức 6% vào cuối tháng 2/2013, tức là giảm 2% chỉ trong vòng 2 tháng mà nguyên nhân chủ yếu được đưa ra là do các NH đã tiến hành cơ cấu lại nợ. Để giải pháp này không chỉ nhằm mục đích “làm đẹp” số liệu nợ xấu thì Chính phủ phải thực hiện kết hợp nhiều biện pháp nhằm kích thích kinh tế phát triển, giúp đỡ các DN vượt qua khó khăn, qua đó nợ xấu mới giảm thực sự.

- Tăng cường trích lập, sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu.

Đây không phải là giải pháp mới lạ nhưng nhờ đó các NH cũng đã giảm được quy mô nợ xấu, đồng thời tăng cường trích lập dự phòng cũng khiến tính an toàn của các NH tăng lên, tránh nguy cơ sụp đổ khi tổn thất do nợ xấu gây ra quá lớn.

Thực tế, nhiều NHTM đã chấp nhận hi sinh lợi nhuận ngắn hạn để tăng trích lập dự phòng rủi ro. Cụ thể như ACB trong quý 4/2012 đã trích lập dự phòng rủi ro nợ xấu tăng 100% so với cùng kỳ năm 2011, từ đó lỗ sau thuế 158,6 tỷ đồng trong quý này; năm 2012, Sacombank lãi trước thuế 1.366 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận trước trích lập dự phòng đạt 2.800 tỷ đồng,... Trong năm 2012, tổng số nợ xấu được xử lý bằng dự phòng rủi ro ước tính đạt khoảng 40 ngàn tỷ đồng.

- Đẩy nhanh tiến độ bán, xử lý các tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu để thu hồi vốn.

Giải pháp này đã được nhiều NH sử dụng và từ đó thu hồi được vốn. Tuy nhiên, thực tế khi triển khai giải pháp này, các NH đã gặp không ít khó khăn do giá tài sản thế chấp liên tục giảm, thủ tục phát mại tài sản rất phức tạp như khởi kiện ra tòa, tố tụng, xét xử,… làm tốn chi phí, thời gian, sự mâu thuẫn với người đi vay về giá bán,... Do đó, để giải pháp này có thể triển khai hiệu quả đòi hỏi NHNN phải chủ động phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Công an đẩy nhanh tiến độ xây dựng văn bản hướng dẫn các quy định về xử lý tài sản bảo đảm, chỉ đạo xử lý dứt điểm các vụ việc, vụ án có liên quan đến hoạt động NH để tạo điều kiện cho các NH xử lý tài sản bảo đảm, thu hồi nợ, giảm nợ xấu và có cơ sở để mở rộng tín dụng cho nền kinh tế.

- Bán nợ cho các công ty mua bán nợ.

NHNN cũng khuyến khích các NH bán nợ xấu có tài sản bảo đảm cho Công ty Mua bán nợ và Tài sản tồn đọng DN (DATC) của Bộ Tài chính nhưng tới nay vẫn chưa NH nào thực hiện. Cụ thể như Maritimebank đã từ chối bán nợ cho DATC theo đề nghị trong phương án tái cơ cấu tài chính và tăng vốn điều lệ của bên đi vay là Công ty Cổ phần Container Phía Nam (VSG). NH không mặn mà với biện pháp này là do tỷ lệ chiết khấu các khoản nợ của DATC thường rất lớn. Theo Báo cáo Tổng kết nhiệm vụ công tác năm 2011 của DATC, tổng giá trị sổ sách các khoản nợ công ty đã mua là 7.088,43 tỷ đồng trong khi giá vốn mua nợ chỉ là 1.926,38 tỷ, tức là đã chiết khấu 72,82%. Trước đây, các NH cũng từng bán nợ cho các công ty mua bán nợ nước ngoài nhưng tỷ lệ chiết khấu của tất cả các công ty mua bán nợ thường rất cao, chẳng hạn như tỷ lệ chiết khấu trung bình của NAMA là 58% cho tất cả các khoản nợ. Do đó, biện pháp bán lại nợ từ lâu đã đc coi là phương án cuối cùng khi không còn lối thoát nào khác.

Như vậy, các giải pháp NHNN thực hiện đối với các NH hiện nay còn nhiều hạn chế vì khả năng giải quyết nợ xấu chưa cao, do đó NHNN cần đề ra nhiều giải pháp hiệu quả hơn nữa để giải quyết vấn đề này.

Một phần của tài liệu Ireland – khủng hoảng thực sự bắt nguồn từ nợ công (Trang 69)