Diễn biến khủng hoảng (từ năm 2008 đến nay)

Một phần của tài liệu Ireland – khủng hoảng thực sự bắt nguồn từ nợ công (Trang 46)

2.3.1. Vỡ bong bóng bất động sản_ Khởi nguồn của khủng hoảng

Từ tháng 7/2007, giá BĐS đặc biệt là giá nhà ở gồm cả căn hộ, nhà đất, nhà cũ tại Ireland giảm liên tục, báo hiệu bong bóng BĐS chính thức đỗ vỡ. Đến tháng 1/2013, giá nhà chỉ bằng 65,4% so với tháng 1/2005. Những ngôi

nhà ở Dublin hay ở ngoài Dublin đều giảm giá liên tục cho dù trước đây đã có rất nhiều người chạy đua để sở hữu chúng.

Đơn vị: %

Biểu đồ 2.9: Chỉ số giá nhà từ tháng 1/2005 đến tháng 1/2013.

Biểu đồ 2.10: Số căn nhà hoàn thành giai đoạn 2005 – 2012.

Nguồn : CSO

Số căn nhà hoàn thành tại Ireland đã giảm rõ rệt. Năm 2012, số căn hoàn thành chỉ là 8.488 căn, chưa bằng một phần mười năm 2005. Thị trường BĐS co lại là điều tất yếu khi số lượng nhà ở sản xuất ra đã vượt quá mức so với cầu và cơn sốt đầu cơ đột ngột lắng xuống.

Biểu đồ 2.11: Tỷ trọng ngành xây dựng/GDP giai đoạn 2005 – 2011.

Nguồn: CSO

Ngành xây dựng từ vị thế là ngành đưa đất nước đi lên trong giai đoạn 2001 – 2007 nhưng quy mô đã bị thu hẹp rất lớn. Năm 2011, tỷ trọng ngành này trong GDP chỉ còn 1,19% quá thấp so với mức đỉnh là 9,36% năm 2006.

Bong bóng BĐS vỡ vụn khiến một loạt các khoản tín dụng từng mang lại lợi nhuận kếch xù trước đây của các NH Ireland bỗng chốc trở thành nợ xấu và không thể thu hồi trong khi nguồn vốn chủ yếu trước đây là vốn vay liên NH thế giới càng trở nên khó tiếp cận, lượng tiền gửi từ nước ngoài được rút ra ngày một nhiều. Vì mải chạy theo lợi nhuận, mở rộng tín dụng ồ ạt nhưng chứa đựng nhiều rủi ro nên các NH Ireland đã phải trả giá khi KH chính thức nổ ra vào năm 2008 mà khởi nguồn chính là sự sụp đổ của thị trường BĐS.

2.3.2. Khủng hoảng nổ ra và các giải pháp của Chính phủ Ireland

Tháng 9/2008, các NH lớn của Ireland bắt đầu có dấu hiệu thiếu tiền mặt nghiêm trọng và phải đi vay nợ để chi trả cho các chi phí hàng ngày. Các cơ quan quản lý ở Ireland ban đầu cho rằng vấn đề mà các NH gặp phải chỉ đơn thuần là tính thanh khoản thấp nhưng không ai có thể ngờ tỉ lệ nợ xấu đã đạt tới mức báo động đỏ sau nhiều năm cho vay mạo hiểm.

Hồi chuông báo động gióng lên mạnh mẽ vào ngày 29/9/2008 khi Bộ tài chính nhận được thông báo NH Anglo Irish phải vay 0,9 tỉ euro từ NH Trung ương và hiện không còn một đồng nào dự trữ. Để bảo vệ HTNH, ngay sáng hôm sau, Chính phủ Ireland đã ban hành quyết định bảo lãnh tất cả các khoản tiền gửi và nợ của 6 TCTD lớn nhất Ireland bao gồm Allied Irish (AIB), Bank of Ireland (BoI), Anglo Irish, Irish Life and Permanent (IL&P), Irish Nationwide Building Society (INBS) và Educational Building Society (EBS). Quyết định bảo lãnh này đã được Ủy ban châu Âu phê duyệt và sẽ kết thúc ngày 29/9/2010. Số nợ được Chính phủ bảo lãnh là 440 tỷ euro (237% GDP năm 2008). Tuy nhiên, con số này còn quá nhỏ bé so với số nợ của HTNH. Theo Davy, nếu tính toàn bộ số nợ của các NH tại Ireland kể cả các NH có vốn đầu tư nước ngoài thì số nợ các NH Ireland phải thanh toán lên tới 575 tỷ euro, tương đương với 309% GDP năm 2008, cao thứ ba Eurozone sau Hà Lan và Bỉ (tỷ lệ chung của Eurozone là 232%).

Biểu đồ 2.12: Tỷ lệ nợ NH của một số nước Eurozone năm 2008.

Nguồn: Davy

Tình hình càng trở nên tồi tệ hơn khi thông tin các NH cung cấp sai lệch rất nhiều so với thực tế. Công ty kiểm toán hàng đầu PwC sau khi kiểm tra sổ sách của Anglo Irish cho rằng nợ xấu của NH này có thể lên tới 3 tỷ euro.

Ngày 21/12/2008, Bộ trưởng Tài chính Ireland, Brian Lenihan thông báo kế hoạch tái cấp vốn 5,5 tỷ euro bao gồm 2 tỷ cho BoI, 2 tỷ cho AIB và 1,5 tỷ cho Anglo Irish thông qua hình thức mua cổ phần ưu đãi của 3 NH này. Tuy nhiên, ngày 21/1/2009, Chính phủ Ireland tuyên bố chi 3 tỷ euro để quốc hữu hóa Anglo Irish sau khi nhận thấy tái cấp vốn không đủ để cải thiện tình hình, nhất là khi danh tiếng NH này đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau vụ bê bối che dấu khoản tín dụng lên tới 87 triệu euro trong sổ sách được công bố ngày 18/12/2008. Trước khi được quốc hữu hóa, tổng cộng NH này đã cho vay 72 tỷ euro, gần một nửa GDP của Ireland.

Ngày 11/2/2009, Brian Lenihan thông báo tăng quy mô tái cấp vốn cho AIB và BoI lên 3,5 tỷ euro mỗi NH thay vì 2 tỷ như công bố tháng 12/2008. Sau đó, IL&P, EBS, INBS cũng được Chính phủ tái cấp vốn.

Kể từ khi tình hình tài chính bất ổn của các NH được công bố, giá cổ phiếu của các NH liên tục mất giá, kéo theo chỉ số chung của TTCK Ireland liên tục giảm xuống. Từ mức đỉnh là 10.000 điểm trong tháng 4/2007, ngày 24/2/2009, chỉ số chung TTCK của Ireland (ISEQ) tụt xuống chỉ còn 1.977 điểm, mức thấp nhất kể từ 14 năm trước. Giá tất cả cổ phiếu của các NH cũng giảm mạnh từ 8% đến 15%. Chính do sự giảm giá nghiêm trọng cổ phiếu của các NH mà Chính phủ Ireland đã liên tục phải bơm vốn vào các NH nhằm tăng tỷ lệ an toàn vốn, nâng cao niềm tin của khách hàng gửi tiền vào NH.

Ngày 21/12/2009, Chính phủ thành lập Cơ quan quản lý tài sản Quốc gia (NAMA) để tiếp nhận những khoản nợ xấu của các NH, từ đó tạo điều kiện để thanh khoản của các NH trở lại bình thường, hỗ trợ nền kinh tế phục hồi. Thực chất, có thể gọi đây là công ty mua bán nợ quốc gia. NAMA dự tính sẽ mua lại 77 tỷ euro nợ (theo giá trị sổ sách) từ các NH bằng nguồn vốn thu được từ phát hành trái phiếu Chính phủ. Theo báo cáo của NAMA, tính đến ngày 31/12/2009, nợ xấu của 6 TCTD lớn nhất Ireland chiếm khoảng 18% tổng dư nợ, nếu cộng thêm các khoản nợ chất lượng thấp (watch loan) và nợ quá hạn thì chiếm đến 31% tổng dư nợ.

Như vậy, chỉ tính riêng những giải pháp Chính phủ Ireland đã thực hiện năm 2009 do nhóm tổng kết bao gồm bảo lãnh các khoản nợ của 6 TCTD với quy mô lên đến 237% GDP; tái cấp vốn cho AIB và BoI với chi phí là 7 tỷ euro tương đương 3,77% GDP; quốc hữu hóa NH lớn thứ 3 Ireland là Anglo Irish cùng hiện tượng mất khả năng thanh khoản, nợ xấu trầm trọng của các NH thì có thể khẳng định năm 2009 là năm KH HTNH chính thức nổ ra tại Ireland theo quan điểm của Luc Laeven Fabián Valencia. Bên cạnh đó, theo Bảng 1.2, hai nhà nghiên cứu đã khẳng định KH chính thức xảy ra tại Ireland năm 2008 nhưng lan rộng ra cả hệ thống vào năm 2009 bởi Chính phủ đã thực hiện cả 5 giải pháp nêu trong bảng theo đúng chỉ tiêu đánh giá hai nhà nghiên cứu đưa ra.

Mặc dù Chính phủ Ireland đã thực hiện rất nhiều giải pháp nhưng những năm sau đó KH vẫn chưa chấm dứt mà còn có những diễn biến trầm trọng hơn. Ngày 29/9/2010, cam kết bảo lãnh cho 6 TCTD đã hết hạn nhưng các tổ chức này vẫn trong tình trạng mất khả năng thanh toán, do đó bảo lãnh được gia hạn thêm năm thứ ba. Bên cạnh đó, các NH còn phải thanh toán một lượng lớn trái phiếu đến thời hạn trả gốc vì phần lớn các chủ nợ chỉ cho các NH được bảo lãnh vay trong thời hạn của gói bảo lãnh ban đầu mà thôi. Do đó, các NH phải kêu gọi sự hỗ trợ lớn từ ECB. Tháng 10/2010, NH Ireland đã nhận khoảng 130 tỷ euro thanh khoản từ ECB, nhiều hơn bất kỳ NH nước nào khác tại châu Âu và cao hơn 45% so với 3 tháng trước. Cuối tháng 7/2011, tổng lượng vốn các NH vay từ ECB và NH trung ương Ireland đã lên đến 154,6 tỷ euro.

Ngày 30/9/2010, Chính phủ thông báo kế hoạch sử dụng 3,7 tỷ euro để “bơm” vào AIB, qua đó NH này sẽ trở thành đơn vị thứ 4 trong 6 TCTD lớn nhất Ireland được quốc hữu hóa sau Anglo Irish, INBS và EBS. (Anglo Irish và INBS sau đó đã được sáp nhập và đổi tên thành Irish Bank Resolution Corporation (IBRC)).

Mặc dù Chính phủ đã rất nhiều lần bơm vốn vào các NH (tổng cộng 50 tỷ euro, tương đương khoảng 32% GDP năm 2010), từ đó quốc hữu hóa phần lớn các TCTD lớn nhất, tuy nhiên các NH vẫn không thể cải thiện được tình hình tài chính của mình. Thâm hụt NSNN của Ireland năm 2010 đã lên đến 30,9% GDP, do đó Chính phủ Ireland buộc phải yêu cầu hỗ trợ từ ESFS và IMF mặc dù ban đầu học khẳng định có đủ khả năng tài trợ cho các NH đến năm 2011.

Ngày 24/11/2010, kế hoạch thắt lưng buộc bụng được Chính phủ Ireland công bố bao gồm một loạt các biện pháp như giảm 25.000 việc làm, giảm mức tiền công tối thiểu từ 8,65 euro xuống 7,65 euro mỗi giờ, cắt giảm 3,7 tỷ USD chi tiêu cho phúc lợi xã hội trong khi tăng thuế thêm 2,5 tỷ USD trong vòng 4 năm. Với kế hoạch này, Chính phủ Ireland hy vọng có thể tiết kiệm được 15 tỷ euro (6 tỷ được thực hiện trong năm 2011), từ đó thâm hụt NSNN chỉ còn 3% GDP vào năm 2014.

Ngày 28/11/2010, EU/IMF và Chính phủ Ireland đã đồng ý gói cứu trợ 85 tỷ euro, trong đó 22,5 tỷ euro đến từ EFSM; 22,5 tỷ euro đến từ IMF; 17,7 tỷ euro từ EFSF; 4,8 tỷ euro vay song phương từ Anh, Đan Mạch, Thụy Điển và 17,5 tỷ euro lấy từ Kho bạc và Quỹ dự trữ lương hưu quốc gia của Ireland. Gói cứu trợ sẽ được giải ngân trong vòng 3 năm với thời hạn đáo hạn tối đa trung bình là 12,5 năm, bao gồm 10 tỷ euro tái cấp vốn NH, 25 tỷ euro cho dự phòng NH và 50 tỷ euro để tài trợ cho NSNN. Lãi suất bình quân khoản cứu trợ từ các quỹ của EU ban đầu tương đương với điều kiện cho vay của IMF nhưng đến tháng 7/2011, các nhà lãnh đạo EU đã nhất trí giảm lãi suất và mở rộng các khoản vay cho Ireland theo chương trình hỗ trợ. Ireland trở thành quốc gia thứ hai tại châu Âu sau Hy Lạp nhận gói cứu trợ từ EU/IMF (gói cứu trợ của Hy Lạp được tung ra vào tháng 5/2010 trị giá 110 tỷ euro).

Sau khi nhận cứu trợ từ EU/IMF, Ireland tiếp tục đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc HTNH bằng cách yêu cầu các NH bán tài sản nhằm thu nhỏ bảng cân đối xuống chỉ khoảng 70 tỷ euro hoặc một phần tư quy mô nợ ròng; giảm tỷ lệ cho vay trên vốn huy động trung bình từ mức khoảng 150 đến 160% xuống 110 đến 120% vào cuối năm 2013.

Ngày 1/7/2011, EBS trở thành công ty con của AIB. Chính phủ cũng ngỏ ý mua lại phần lớn cổ phần trong IL&P, từ đó quốc hữu hóa TCTD này, còn trong BoI, Chính phủ đã sở hữu tới 36% vốn cổ phần.

Tháng 2/2013, Chính phủ Ireland thông báo cam kết bảo lãnh cho các NH sẽ kết thúc ngày 28/3/2013, báo hiệu tình hình tài chính của các NH Ireland không còn trong tình trạng báo động. Cũng trong tháng này, Dublin đã ký một thỏa thuận với ECB cho phép chuyển đổi cam kết trả nợ trị giá 31 tỷ euro thành trái phiếu Chính phủ dài hạn. Theo đó, ECB sẽ kéo dài thời gian thanh toán nợ để cứu HTNH thoát khỏi nguy cơ sụp đổ, đồng thời tạo cơ hội cho nước này thoát khỏi sự phụ thuộc vào chương trình cứu trợ của EU/IMF vào cuối năm 2013. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Như vậy, từ những diễn biến KH tại Ireland, có thể khẳng định KH Ireland không xuất phát từ nợ công mà từ KH HTNH.

2.3. Tác động của cuộc khủng hoảng hệ thống ngân hàng tại Ireland

2.3.1. Khủng hoảng kinh tế

Từ một siêu sao mới nổi của châu Âu, sau khi KH HTNH nổ ra, nền kinh tế Ireland phải gánh chịu rất nhiều hậu quả nghiêm trọng.

2.3.1.1. Khủng hoảng nợ công

Khác với nguyên nhân gây ra KH nợ công Hy Lạp năm 2010 là do khả năng quản trị tài chính công yếu kém của nước này, KH nợ công Ireland xuất phát từ KH HTNH. Một loạt các giải pháp Chính phủ thực hiện để giải cứu HTNH như bảo lãnh nợ NH, mua nợ thông qua NAMA bằng nguồn vốn phát hành trái phiếu Chính phủ, ngay cả thỏa thuận chuyển đổi cam kết trả nợ với ECB thành trái phiếu Chính phủ thực chất là biến nợ tư, nợ của các NH thành nợ công, do đó KH nợ công mới xảy ra. Sự can thiệp của EU/IMF năm 2010 đã khẳng định mức độ nghiêm trọng của KH nợ công ở quốc gia này.

Bảng 2.4: Cán cân NSNN Ireland và một số nước giai đoạn 2005 – 2011.

Đơn vị: % GDP Quốc gia/Năm 2005 2006 2007 2008 2009 2010 2011 EU (27 nước) -2,5 -1,6 -0,9 -2,4 -6,9 -6,5 -4,4 Đức -3,3 -1,6 0,2 -0,1 -3,1 -4,1 -0,8 Ireland 1,7 2,9 0,1 -7,4 -14,0 -30,9 -13,2 Hy Lạp -5,6 -6,1 -6,8 -9,9 -15,7 -10,9 -9,5

Tây Ban Nha 1,3 2,3 1,9 -4,5 -11,2 -9,7 -9,5

Italia -4,5 -3,5 -1,6 -2,7 -5,4 -4,4 -3,8

Bồ Đào Nha -6,5 -4,6 -3,3 -3,7 -10,2 -9,9 -4,4

Anh -3,4 -2,7 -2,8 -5,1 -11,4 -10,2 -7,8

Nguồn: Eurostat

Trong giai đoạn 2003 – 2007, cán cân NSNN của Ireland luôn thặng dư nhưng sang năm 2008 mọi chuyện đã bắt đầu thay đổi. Để cứu các NH khỏi nguy cơ vỡ nợ, Chính phủ đã phải chi một lượng tiền khổng lồ tái cấp vốn ngành NH trong khi các nguồn thu từ thuế, đặc biệt từ BĐS giảm mạnh khiến cho thâm hụt NSNN và nợ Chính phủ tăng lên nhanh chóng. Thâm hụt NSNN trở nên đáng báo động, đặc biệt là năm 2010, lên đến 30,9% GDP, gấp 10 lần mức cho phép của các nước trong Eurozone (theo quy định của Hiệp ước tăng trưởng và ổn định của Eurozone (SGP), thâm hụt NSNN hàng năm của một quốc gia thành viên không được vượt quá 3% GDP, nợ công tối đa là 60% GDP). Thậm chí Hy Lạp đang trong KH nợ công thì thâm hụt NSNN lớn nhất năm 2009 cũng chỉ là 15,7% GDP.

Để bù đắp thâm hụt NSNN, Chính phủ Ireland đã phải vay nợ chủ yếu thông qua phát hành trái phiếu dẫn đến nợ Chính phủ ngày càng trầm trọng.

Bảng 2.5: Nợ Chính phủ Ireland và một số nước giai đoạn 2005 – 2011.

Đơn vị: % GDP Quốc gia/Năm 2005 2006 2007 2008 2009 2010 2011 EU (27 nước) 62,8 61,6 59,0 62,2 74,6 80,0 82,5 EA (17 nước) 70,3 68,6 66,4 70,2 80,0 85,4 87,3 Ireland 27,3 24,6 25,1 44,5 64,9 92,2 106,4 Hy Lạp 100,0 106,1 107,4 112,9 129,7 148,3 170,6

Tây Ban Nha 43,2 39,7 36,3 40,2 53,9 61,5 69,3

Pháp 66,4 63,7 64,2 68,2 79,2 82,3 86,0

Italia 105,7 106,3 103,3 106,1 116,4 119,2 120,7

Bồ Đào Nha 67,7 69,4 68,4 71,7 83,2 93,5 108,1

Anh 42,2 43,3 44,2 52,3 67,8 79,4 85,0

Nguồn: Eurostat

Trước năm 2008, nợ Chính phủ/GDP của Ireland chỉ dưới 30% thì năm 2008 đã tăng vọt lên 44,5%. Trong các năm tiếp theo tỷ lệ này tiếp tục tăng nhanh chóng và lên tới 106,4% năm 2011, cao thứ 4 tại châu Âu sau Hy Lạp, Italia, Bồ Đào Nha. Bộ Tài chính Ireland dự báo nợ Chính phủ/GDP năm

2012 là 117,5%, năm 2013 là 120,3%, năm 2014 là 119,5% và năm 2015 là 117,4%.

Đơn vị: % GDP

Biểu đồ 2.13: Nợ quốc gia và nợ công của Ireland giai đoạn 2005 – 2011.

Nguồn: www.indexmundi.com, Bộ Tài chính Ireland

Một phần của tài liệu Ireland – khủng hoảng thực sự bắt nguồn từ nợ công (Trang 46)