Bất ổn trong hoạt động của hệ thống ngân hàng

Một phần của tài liệu Ireland – khủng hoảng thực sự bắt nguồn từ nợ công (Trang 65)

Những bất ổn thời gian gần đây trong hoạt động của HTNH biểu hiện rõ nhất ở tình trạng nợ xấu liên tục tăng lên.

Biểu đồ 3.1: Tỷ lệ nợ xấu, tốc độ tăng nợ xấu giai đoạn 2008 – 2012.

Nguồn: NHNN, cafef.vn

Nợ xấu của HTNH Việt Nam liên tục tăng từ năm 2008 đến nay. Năm 2009, tốc độ tăng nhỏ nhất là 27,33% nhưng đến năm 2012, con số này đã lên đến 66%. Trong giai đoạn 2008 – 2011, tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng bình quân là 26,56% nhưng tốc độ tăng nợ xấu bình quân ở mức 51%. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ toàn hệ thống hiện nay là 6% tương đương với khoảng 185 nghìn tỷ đồng theo công bố của NHNN. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng con số này nhỏ hơn rất nhiều so với thực tế. Nếu cộng cả những khoản nợ xấu tiềm tàng gồm nợ khoanh, nợ được cơ cấu lại theo Quyết định 780/QĐ- NHNN và nợ được cơ cấu lại của Vinashin, Vinalines thì tổng nợ xấu NH theo nhận định của Ts. Trịnh Quang Anh đến từ Tập đoàn Đầu tư phát triển Việt Nam lên tới 18% tổng dư nợ tín dụng, gần 10% tổng tài sản toàn hệ thống và khoảng 17% GDP danh nghĩa 2012. Thực tế cũng cho thấy ở các nước thông tin không minh bạch con số thực của nợ xấu lớn hơn rất nhiều so với số liệu công bố như ở Thái Lan, năm 1996, con số công bố là 5% nhưng thực tế là 50%; ở Ireland, năm 2007, tỷ lệ nợ xấu được công bố là 8% nhưng đến năm 2010 thì tăng vọt lên 30%.

Dù không thể xác định chính xác tỷ lệ nợ xấu là bao nhiêu nhưng có thể khẳng định nợ xấu đang khiến hoạt động của HTNH Việt Nam trở nên kém

hiệu quả mà biểu hiện là lợi nhuận liên tục suy giảm do các NH không thu được lãi vay và phải trích lập dự phòng. Theo thông tin từ Thanh tra NHNN, 6 tháng đầu năm 2012 đã có hơn 20 TCTD kinh doanh thua lỗ, tính cả năm 2012, lợi nhuận của HTNH đã giảm tới gần 60%, các chỉ số sinh lời đều chỉ bằng khoảng 40% so với cùng kỳ năm 2011.

Năm 2012, các TCTD đã trích lập được khoảng 90 nghìn tỷ đồng dự phòng rủi ro tín dụng nhưng con số này vẫn còn rất nhỏ so với quy mô nợ xấu, vì vậy nếu các khoản nợ xấu không thể thu hồi được thì các NH sẽ đối mặt với tổn thất rất nghiêm trọng. Bên cạnh đó, Chính phủ và các DN cũng lo ngại tình trạng nợ xấu kéo dài sẽ khiến nguồn tín dụng NH bị tích tụ tại các DN làm ăn kém hiệu quả trong khi rất nhiều DN đang cần vốn lại không thể huy động kéo theo những bất ổn kinh tế càng thêm trầm trọng. Vì thế, xử lý nợ xấu đang là vấn đề thời sự, có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với HTNH nói riêng và cả nền kinh tế nói chung.

Tình trạng nợ xấu trong HTNH Việt Nam hiện nay do các nguyên nhân chủ yếu sau:

- Nguyên nhân từ phía HTNH:

+ Cho vay các dự án rủi ro vì lợi nhuận kỳ vọng lớn.

Cạnh tranh gay gắt giữa các NH với nhau và với các định chế tài chính khác cùng với tham vọng nâng cao lợi nhuận đã khiến các NH tạo ra các sản phẩm tín dụng kém chất lượng. Sai lầm do giải ngân những khoản tín dụng khổng lồ tại hai lĩnh vực đầu tư nóng là chứng khoán và BĐS đã khiến các NH phải gánh chịu thua lỗ. Hiện nay, nợ xấu có tài sản đảm bảo bằng BĐS và BĐS hình thành trong tương lai chiếm đến hơn 70% tổng nợ xấu của HTNH, như vậy, nếu trong giai đoạn tới thị trường BĐS không hồi phục thì nhiều khoản tín dụng của NH sẽ bị “bốc hơi”.

+ Công tác quản trị, điều hành hoạt động tín dụng của một số NH còn bất cập, như: Công tác thẩm định trước khi cho vay, kiểm tra sử dụng vốn vay, giám sát tình hình sản xuất kinh doanh của khách hàng chưa tuân thủ đúng quy định; Công tác phân tích, đánh giá, phân loại khách hàng, lĩnh vực kinh doanh chưa sát với thị trường để có biện pháp ứng xử kịp thời;

+ Công tác quản lý nội bộ còn nhiều bất cập khiến một số cán bộ lợi dụng cho vay vốn không theo quy trình, tiêu chí của NH.

- Nguyên nhân từ bên ngoài:

+ Sự giám sát, quản lý HTNH còn nhiều bất cập, không hiệu quả: Năng lực thanh tra, giám sát của NHNN trong một thời gian dài còn quá nhiều hạn chế nên đã không phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các vi phạm và rủi ro trong hoạt động tín dụng của các NH, nhất là các vi phạm quy định về hạn chế cấp tín dụng và việc đầu tư quá mức vào một số lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao từ đó khiến nợ xấu leo thang. Không chỉ vậy, sự giám sát lỏng lẻo của NHNN đã khiến vấn đề lợi ích nhóm, sở hữu chéo trở thành vấn đề nhức nhối trong HTNH. Tháng 11/2012, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, qua thanh tra 27 TCTD trên toàn quốc, đã phát hiện nhiều TCTD bị chi phối bởi 1 nhóm cổ đông giữ chức danh lãnh đạo trong TCTD, dư nợ cho vay nhóm cổ đông này chiếm tỷ lệ rất lớn trong tổng dư nợ, có lúc lên tới 90%, vi phạm nghiêm trọng quy định của Chính phủ và NHNN. Chính điều này đã khiến dòng vốn huy động của NH đổ vào các dự án BĐS, chứng khoán hay công ty, dự án của các cổ đông lớn trong ngành NH, trong khi các DN thực sự cần vốn cho sản xuất kinh doanh thì lại không tiếp cận được vốn. Đây cũng là nguyên nhân lớn dẫn tới nợ xấu.

+ Những chính sách bất hợp lý của Chính phủ:

Nợ xấu cũng có nguyên nhân đến từ phía Chính phủ trong quản lý nền kinh tế. Vì theo đuổi mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao, tính đến năm 2010, Chính phủ luôn thực thi chính sách tiền tệ nới lỏng, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng luôn ở mức trên 20%, do đó tín dụng được cấp ồ ạt. Chính sách chuyển đổi quá nhanh các NH nông thôn thành NH thành thị cũng khiến chất lượng tín dụng giảm sút.

+ Sự can thiệp quá mức của Chính phủ đối với hoạt động của các NH: Chỉ định các NHTM Nhà nước cung cấp tín dụng cho các DN Nhà nước và kể cả Chính phủ là một bằng chứng cho thấy sự can thiệp quá mức của Chính phủ đối với HTNH Việt Nam. Thực tế cho thấy các NH cho vay theo chỉ định thường khó thu hồi được vốn do các DN Nhà nước thường kinh

doanh kém hiệu quả và tình trạng tham ô, lãng phí vốn luôn xảy ra trong quá trình sử dụng khiến tỷ lệ nợ xấu tăng vọt. Năm 2012, nợ xấu của các NHTM Nhà nước chiếm hơn 45% tổng nợ xấu toàn hệ thống, lớn hơn tất cả các nhóm TCTD khác như NH TMCP (khoảng 35%), TCTD phi NH (khoảng 11%) và quỹ tín dụng nhân dân (khoảng 7%). Do đó sự can thiệp quá mức của Chính phủ tới HTNH rõ ràng đã mang lại hậu quả nặng nề cho các NH trong thời gian vửa qua.

+ Bất ổn kinh tế vĩ mô:

Là một trung gian tài chính trong nền kinh tế nên những bất ổn kinh tế trong nước luôn ảnh hưởng tới hoạt động của các NH. Đặc biệt, từ năm 2011 đến nay, tổng cầu của nền kinh tế giảm mạnh, tiêu thụ hàng hóa gặp nhiều khó khăn, hàng tồn kho lớn, thị trường BĐS đóng băng, nhiều DN phải phá sản, giải thể... khiến cho nợ xấu tăng lên.

+ Ảnh hưởng của những bất ổn kinh tế thế giới:

Kể từ cuối năm 2008, do tác động tiêu cực của cuộc KH tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu nên môi trường kinh doanh trong nước gặp rất nhiều khó khăn. Những khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh đã làm cho chất lượng tín dụng suy giảm và nợ xấu tăng lên.

Như vậy, những bất ổn trong hoạt động của HTNH thời gian vừa qua là dấu hiệu rõ ràng nhất cho ta thấy KH HTNH có thể xảy ra ở Việt Nam. Nhưng một câu hỏi được đặt ra là KH có đang xảy ra hay không? Để trả lời câu hỏi này thì phải phân tích các giải pháp Chính phủ đang thực hiện để giải quyết những khó khăn HTNH (vì nhóm dựa theo các chỉ tiêu Luc Laeven

Fabián Valencia đưa ra). Do đó, nhóm sẽ trình bày các giải pháp Chính phủ đang thực hiện trong phần sau. Bên cạnh đó, nhóm cũng sẽ phân tích, nhận xét và đưa ra một vài khuyến nghị đối với mỗi giải pháp.

Một phần của tài liệu Ireland – khủng hoảng thực sự bắt nguồn từ nợ công (Trang 65)