Được ca ngợi là phép lạ kinh tế châu Âu khiến Chính phủ Ireland ngủ quên trong chiến thắng mà lờ đi những lời cảnh báo về nguy cơ tăng trưởng không bền vững và thực hiện nhiều chính sách sai lầm trong quản lý kinh tế.
Để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, nguồn vốn kích thích nền kinh tế, Chính phủ đã nới lỏng quản lý, giám sát HTNH bao gồm cả việc tuân thủ các nguyên tắc cốt lõi Basel. Tờ New York Times năm 2005 đã mô tả Ireland là “Miền Tây hoang dã của tài chính châu Âu” bởi sự quản lý của Chính phủ với các tổ chức tài chính là hết sức lỏng lẻo. Dù phải giám sát chặt chẽ các các tổ chức tài chính nhưng các cơ quan quản lý không bao giờ trừng phạt nghiêm khắc với bất kỳ tổ chức nào. Điều này dẫn đến việc mở rộng ào ạt tín dụng và bong bóng BĐS. Bên cạnh đó, hệ thống quản lý tài chính công và chống tham nhũng cũng có nhiều bất cập. Từ năm 2000 đến năm 2003, Bộ trưởng tài chính Ireland là Charlie McCreevy đã tăng chi tiêu công 48% trong khi đang thực hiện cắt giảm thuế thu nhập, điều này là rất bất hợp lý.
Tuy nhiên, Chính phủ còn sai lầm nghiêm trọng hơn nhiều khi thực hiện chính sách cho phép, thậm chí khuyến khích bong bóng BĐS phát triển trên quy mô rộng lớn. Năm 2006, mặc dù tài chính công vẫn được công bố là lành mạnh nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại khi phần lớn nguồn thu của nhà nước đều có liên quan thị trường BĐS như thuế tem, thuế lợi tức đầu tư vốn vào BĐS và một lượng lớn thuế giá trị gia tăng được thu từ các nhà đầu tư xây dựng cùng với thuế thu nhập của người lao động trong ngành xây dựng, những khoản thuế dựa vào các lĩnh vực phát triển hiệu quả là rất thấp. Do đó, cũng dễ hiểu khi Chính phủ Ireland tích cực hỗ trợ ngành xây dựng và thị trường BĐS phát triển nhằm tạo động lực kéo nền kinh tế và tài chính công tăng trưởng sau giai đoạn suy thoái 2001 – 2003.