Ảnh hưởng đến các nước châu Âu và Eurozone

Một phần của tài liệu Ireland – khủng hoảng thực sự bắt nguồn từ nợ công (Trang 61)

KH HTNH kéo theo KH kinh tế tại Ireland đã ảnh hưởng không nhỏ tới các nước châu Âu đặc biệt là các nước trong Eurozone.

Trước hết, KH Ireland là một trong những nguyên nhân khiến cho sự phục hồi của kinh tế châu Âu chậm lại khi tỷ lệ tăng trưởng của nước này khá thấp, thậm chí âm trong một số năm gần đây. Tuy nhiên vấn đề mà các nhà hoạch định chính sách EU lo ngại là KH nợ công của Ireland có thể lan sang những mắt xích yêu trong Eurozone như Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và thậm chí ảnh hưởng lớn tới cả Italia, đe dọa gây ra một cuộc KH hệ thống. Chính Thống đốc NH Trung ương Tây Ban Nha cũng thừa nhận những tác động của cuộc KH tài chính Ireland đang đè nặng lên khoản nợ của của nước này.

Không chỉ ảnh hưởng tới những mắt xích yếu trong Eurozone, bóng đen nợ công cũng ám ảnh các nước lớn vì nguy cơ vỡ nợ của Ireland càng cao thì những người nắm giữ trái phiếu Chính phủ Ireland cũng như cho Ireland vay tiền sẽ bị thiệt hại nghiêm trọng, đặc biệt là Anh, Pháp, Đức, các chủ nợ lớn của Ireland. Thật là nghịch lý khi các quốc gia vốn được coi là chỗ dựa vững chắc của khu vực cũng đang run sợ trước cơn bão nợ công. Ngay lập tức các quốc gia có tỷ lệ nợ công lớn đã áp dụng các biện pháp thắt lưng buộc bụng nhằm cắt giảm thâm hụt NSNN và hạn chế vay nợ nhưng điều đó lại kéo theo suy thoái kinh tế, thất nghiệp tăng và làn sóng phản đối từ người dân, đẩy các nước này lún sâu vào suy thoái kinh tế và bất ổn chính trị - xã hội.

Bên cạnh đó, làn sóng bán tháo đồng euro đã diễn ra khi các chủ sở hữu của chúng lo ngại nguy cơ KH nợ công sẽ lan rộng ra toàn châu Âu khiến mâu thuẫn trong Eurozone sẽ trở nên trầm trọng khi các nước lớn như Đức sẽ không chấp nhận hỗ trợ còn các quốc gia đang diễn ra KH nợ có thể rút lui ra khỏi khối khiến Eurozone tan vỡ. Ngày 25/11/2010, vài ngày sau khi thông tin Chính phủ Ireland yêu cầu gói cứu trợ từ EU/IMF được công bố, giá trị

đồng euro đã giảm 1,9% so với USD, đạt mức thấp kỷ lục là 1,3325 EUR/USD. So với các ngoại tệ mạnh khác, euro cũng rớt giá thê thảm. Uy tín và sức ảnh hưởng của Eurozone đã giảm sút cùng với sự giảm giá của đồng euro trên thị trường.

Chưa hết, nguy cơ vỡ nợ của Ireland và một số nước châu Âu có thể kéo theo quá trình sụp đổ của một loạt các NH đang giữ nhiều trái phiếu Chính phủ các nước này khiến KH HTNH lan rộng ra khắp châu Âu. Làn sóng bán tháo cổ phiếu các NH châu Âu đã diễn ra khiến giá cổ phiếu của các NH giảm mạnh kéo theo sự sụt giảm chỉ số chứng khoán. Ngày 25/11/2010, chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 1,1%, chỉ số CAC của Pháp giảm 1,6%. Trong khi giá cổ phiếu giảm, lãi suất trái phiếu các NH châu Âu lại không ngừng tăng lên. Các NH đang trở nên khó khăn trong việc huy động vốn và phải thắt chắt tín dụng, do đó kinh tế các nước châu Âu khó có thể phục hồi, và những bất ổn chính trị - xã hội càng trở nên gay gắt.

Mới đây nhất, Cộng hóa Síp đã trở thành nước tiếp theo bước vào KH HTNH do ảnh hưởng của KH nợ công châu Âu và phải kêu gọi gói cứu trợ từ EU/IMF sau Hy Lạp, Ireland, Bồ Đào Nha. Mối lo ngại của nhà đầu tư về nguy cơ tan vỡ của Eurozone ngày càng trở thành hiện thực. Đồng euro ra đời nhằm mục đích thống nhất các quốc gia châu Âu thành một khối tiền tệ vững mạnh thế nhưng viễn cảnh “khối tiền tệ vững mạnh” càng trở nên xa vời.

Như vậy, qua những thông tin, phân tích của nhóm, ta đã thấy được nguyên nhân, diễn biến cũng như ảnh hưởng nghiêm trọng của cuộc KH HTNH tại Ireland. Vậy Việt Nam có khả năng xảy ra KH HTNH hay không? Từ câu chuyện của Ireland chúng ta nên thực hiện những giải pháp gì để tránh đi theo vết xe đổ của quốc gia Tây Âu này? Nhóm nghiên cứu sẽ làm rõ trong chương tiếp theo.

Một phần của tài liệu Ireland – khủng hoảng thực sự bắt nguồn từ nợ công (Trang 61)