Đối với Tòa án nhân dân

Một phần của tài liệu Pháp luật Việt Nam và một số nước trên thế giới về bảo hiểm thân tàu trong thương mại hàng hải (Trang 117 - 118)

Những đặc thù riêng và sự phức tạp của tranh chấp bảo hiểm hàng hải cho thấy cần phải có một toà án riêng giải quyết các tranh chấp hàng hải, trong đó có bảo hiểm thân tàu. Tuy nhiên, trước mắt khi chưa có toà án hàng hải riêng, cần nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho các thẩm phán trong việc xét xử các vụ án tranh chấp bảo hiểm thân tàu. Thương mại hàng hải nói chung như bảo hiểm thân tàu nói riêng rất đặc thù, phức tạp và mang tính quốc tế cao. Do đó cần có chương trình tập huấn, đào tạo, cập nhật thông tin kiến thức kịp thời không những về pháp luật bảo hiểm hàng hải mà còn về lĩnh vực liên quan rất mật thiết và ảnh hưởng đến việc xét xử các vụ án tranh chấp bảo hiểm hàng hải như luật biển, kỹ thuật tàu biển, hàng hải… cho các cơ quan tiến hành tố tụng để nâng cao hiệu quả xét xử các vụ án loại này.

Với chức năng, nhiệm vụ của mình, thông qua hoạt động xét xử các vụ án dân sự, Toà án đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết các tranh chấp và thực thi các quy định pháp luật. Để góp phần nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về bảo hiểm thân tàu, khi tiến hành xét xử các vụ án dân sự về bảo hiểm thân tàu, Toà án cần đẩy mạnh các hoạt động sau:

- Thông qua xét xử làm rõ những thiếu sót, hạn chế là nguyên nhân và điều kiện vi phạm pháp luật về bảo hiểm thân tàu, trên cơ sở đó yêu cầu các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, cá nhân áp dụng các biện pháp nhằm khắc phục, loại trừ những nguyên nhân, điều kiện đó. - Thông qua hoạt động xét xử các vụ án bảo hiểm thân tàu, phối hợp tốt với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc, các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân tuyên truyền, phát huy tác dụng giáo dục của phiên toà nhằm nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của công dân trong đấu tranh phòng ngừa và chống các sai phạm về bảo hiểm thân tàu, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc thi hành những bản án, quyết định này của Toà án. - Cùng với các cơ quan hữu quan khác nghiên cứu, thực hiện các biện pháp phòng ngừa sai phạm về bảo hiểm thân tàu.

- Kiến nghị với Đảng và Nhà nước về phương hướng thực hiện các chính sách xã hội liên quan đến phòng ngừa sai phạm về bảo hiểm thân tàu.

Để thực hiện tốt các hoạt động trên, Toà án phải áp dụng pháp luật đúng đắn trong phiên toà xét xử vụ án dân sự về bảo hiểm thân tàu.

Bên cạnh việc đẩy mạnh các hoạt động thông qua chức năng, nhiệm vụ của mình nêu trên, Tòa án các cấp có thể áp dụng ngay một số biện pháp trước mắt để góp phần nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về bảo hiểm thân tàu như: Toà án nhân dân tối cao tổ chức các hội nghị chuyên đề, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong việc xét xử vụ án dân sự về bảo hiểm thân tàu, trong đó nêu những hạn chế, vướng mắc và hướng dẫn chỉ ra cách giải quyết các vấn đề liên quan như: thẩm quyền giải quyết tranh chấp về bảo hiểm thân tàu, luật áp dụng giải quyết tranh chấp đối với các hợp đồng bảo hiểm thân tàu có yếu tố nước ngoài... Để thực hiện tốt các giải pháp nói trên, ngành Toà án cần nhanh chóng triển khai thực hiện việc kiện toàn tổ chức, hoàn thiện bộ máy, nâng cao cả về số lượng lẫn chất lượng đội ngũ cán bộ, thẩm phán về xét xử các tranh chấp thương mại hàng hải, trong đó có tranh chấp bảo hiểm thân tàu. Đồng thời, Toà án phải phối hợp với các công ty bảo hiểm để có sự trao đổi thông tin về những thay đổi trong bảo hiểm thân tàu thế giới và trong nước, tổng hợp tình hình bảo hiểm, những vấn đề bức xúc, nổi cộm trong ký kết và thực hiện hợp đồng bảo hiểm thân tàu để lưu ý khi xét xử.

Một phần của tài liệu Pháp luật Việt Nam và một số nước trên thế giới về bảo hiểm thân tàu trong thương mại hàng hải (Trang 117 - 118)