Về phía các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam

Một phần của tài liệu Pháp luật Việt Nam và một số nước trên thế giới về bảo hiểm thân tàu trong thương mại hàng hải (Trang 133)

c. Nhóm giải pháp về công tác cán bộ.

3.4.2.Về phía các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam

Sự quan tâm tạo điều kiện của Nhà nước cho hoạt động kinh doanh hàng hải phát triển, cũng như đảm bảo an toàn cho đội tàu của các doanh nghiệp bảo hiểm hoạt động thường xuyên, tăng khả năng tài chính đáp ứng nhu cầu tham gia bảo hiểm cũng tạo đà cho số lượng hợp đồng bảo hiển thân tàu các doanh nghiệp bảo hiểm ký kết tăng. Nhưng tuy nhiên, chỉ những chính sách của Nhà nước tác động đến hoạt động của các doanh nghiệp bảo hiểm cũng sẽ không có hiệu quả nếu như không có sự cố gắng của bản thân các doanh nghiệp bảo hiểm. Vì

vậy, bên cạnh những biện pháp về phía Nhà nước, về phía các doanh nghiệp bảo hiểm cần có một số biện pháp sau:

- Các doanh nghiệp bảo hiểm cần tập trung nghiên cứu đẩy mạnh việc sắp xếp lại tổ chức sản xuất theo hướng tập trung xây dựng các doanh nghiệp mạnh trong từng lĩnh vực đảm bảo cho các doanh nghiệp chủ động phát huy được tiềm năng và sức mạnh, nâng cao khả năng cạnh tranh ở cả trong và ngoài nước tăng khả năng tài chính của các doanh nghiệp bảo hiểm. - Về việc ký kết và thực hiện hợp đồng bảo hiển thân tàu tại các doanh nghiệp bảo hiểm: + Ký kết hợp đồng là bước đầu tiên của hợp đồng bảo hiểm thân tàu, nó mang tính quyết định. Việc ký kết hợp đồng ảnh hưởng đến lợi ích của cả hai bên. Trước khi ký kết hợp đồng chủ thể của hợp đồng cần nắm được trước hết là các quy định của pháp luật về điều kiện hiệu lực của hợp đồng để đưa ra các biện pháp giải quyết tranh chấp thích hợp khi có tranh chấp trong hợp đồng.

+ Thực hiện hợp đồng tức là cam kết thực hiện những gì đã quy định trong hợp đồng. Đây là khâu rất quan trọng và phức tạp đòi hỏi chủ thể phải có nghiệp vụ vững vàng, pháp luật phải tinh thông. Nếu không nắm vững các quy định pháp luật sẽ dễ bị mắc lừa các đối tác.

- Trong khi thực hiện hợp đồng bảo hiểm trường hợp xảy ra khiếu nại tranh chấp nghĩa vụ liên quan đến hợp đồng của các bên tốt nhất các doanh nghiệp bảo hiểm nên thương lượng trực tiếp với đối tác, không những tìm được phương hướng giải quyết vấn đề tiết kiệm thời gian và tiền cửa mà còn duy trì được mối quan hệ hợp tác lâu dài với đối tác.

- Các doanh nghiệp bảo hiểm nên thành lập công ty bảo hiểm hàng hải cho ngành trong cơ chế thị trường hiện nay.

+ Giảm chi ngoại tệ trong kinh doanh vận tải biển do các công ty bảo hiểm trong nước phần nào đó chưa đáp ứng được nhu cầu cho Tổng công ty.

+ Nếu có công ty bảo hiểm riêng không những tiết kiệm được ngoại tệ mà còn nâng cao hiệu quả kinh doanh (giảm giá) thu hút các doanh nghiệp khác tham gia bảo hiểm.

Kết luận

Nền kinh tế nước ta đang trong quá trình hội nhập với kinh tế trong khu vực cũng như nền kinh tế thế giới. Chính vì vậy, hoạt động thông thương buôn bán quốc tế đang diễn ra nhộn nhịp góp phần thúc đẩy tiến trình hội nhập của nền kinh tế nước ta.

Với vai trò là tấm lá chắn cho các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo hiểm hàng hải nói chung và bảo hiểm thân tài nói riêng đã không ngừng phát triển và góp phần vào sự phát triển chung của nền kinh tế.

Cũng như các doanh nghiệp bảo hiểm khác trên thị trường quốc tế, các công ty bảo hiểm Việt Nam cũng đã và đang triển khai nghiệp vụ bảo hiểm thân tàu giữ một thị phần không nhỏ đối với nghiệp vụ này, đóng góp chung vào kết quả của cả khu vực Châu Á. Vì vậy, vấn đề đặt ra cho các công ty bảo hiểm Việt Nam là phải tự hoàn thiện mình, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường, cải tiến các sản phẩm cho phù hợp hơn với các yêu cầu của khách hàng. Về phía Nhà nước cũng cần có những biện pháp hỗ trợ để tàu biển của Việt Nam được bảo hiểm tại thị trường trong nước nhằm thúc đẩy ngành bảo hiểm phát triển cũng như tiết kiệm ngoại tệ phục vụ cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

KẾT LUẬN

Việt Nam là một nước có tiềm năng về biển, và một trong những ngành mũi nhọn cần được phát triển trong thế kỷ 21 chính là vận tải biển. Để phát triển ngành vận tải biển, một trong những việc quan trọng đầu tiên là phải phát triển một đội tàu đủ lớn mạnh để có thể đảm đương được vận tải biển trong nước và vươn tới thị trường vận tải biển quốc tế. Bảo hiểm thân tàu chính là một trong những công cụ để bảo đảm tài chính, phòng ngừa rủi ro cho chủ tàu khi tham gia vận tải biển, đồng thời giúp đội tàu Việt Nam có thể hội nhập quốc tế.

Trong những năm qua, cùng với đà phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam, ngành vận tải biển đã có sự phát triển vượt bậc cả về đội tàu cũng như các chủ tàu mới tham gia khai thác. Bảo hiểm tàu biển với tư cách là ngành dịch vụ gắn bó lâu dài và mật thiết với lĩnh vực vận tải biển, đứng trước những cơ hội và thách thức không nhỏ. Cơ hội do tăng trưởng kinh tế kéo theo sự phát triển của ngành vận tải, thách thức do nguồn nhân lực không đủ đáp ứng nhu cầu khi ngành phát triển. Bảo hiểm thân tàu còn tương đối mới ở Việt Nam và đứng trên phương diện khoa học pháp lý còn chưa được nghiên cứu một cách đầy đủ và thích đáng. Do đó, việc lựa chọn đề tài “Pháp luật Việt Nam và một số nước trên thế giới về bảo hiểm thân tàu trong thương mại hàng hải” là đề tài luận văn thạc sĩ là một việc làm hết sức cần thiết.

Trong quá trình nghiên cứu, tác giả đã gặp không ít khó khăn do vấn đề bảo hiểm thân tàu chưa được nghiên cứu một cách có hệ thống, cụ thể. Mặc dù vậy, nhờ sự nỗ lực tìm tòi, nghiên cứu, cùng với sự giúp đỡ nhiệt tình qu‎ý báu của PGS. TS. Nguyễn Bá Diến, tác giả đã hoàn thành luận văn cao học này với hi vọng góp một phần nhỏ vào việc hoàn thiện nghiệp vụ bảo hiểm thân tàu, trong thời gian tới đáp ứng tốt hơn cho nhu cầu của chủ hàng khi tham gia bảo hiểm và góp phần vào sự phát triển chung của vận tải biển Việt Nam.

Luận văn về cơ bản đã giải quyết được những vấn đề lý luận đặt ra về bảo hiểm thân tàu và đưa ra những định hướng tháo gỡ vướng mắc tồn tại trong thực tiễn thực thi bảo hiểm thân tàu nhằm nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật bảo hiểm thân tàu.

Luận văn đã góp phần nghiên cứu sâu khái niệm bảo hiểm thân tàu, lịch sử hình thành và phát triển của bảo hiểm thân tàu trên thế giới và ở Việt Nam, tìm hiểu vai trò, ý nghĩa của bảo hiểm thân tàu, những đặc thù rủi ro và tổn thất trong bảo hiểm thân tàu. Luận văn đã phân tích những nội dung cơ bản của bảo hiểm thân tàu theo pháp luật của một số nước trên thế giới Anh, Mỹ, Canada, Ấn Độ, Phần Lan, Singapore; so sánh với các quy định của pháp luật bảo hiểm thân tàu Việt Nam, như khái niệm hợp đồng bảo hiểm thân tàu, đối tượng bảo hiểm thân tàu, ký kết hợp đồng bảo hiểm thân tàu. Đặc biệt, luận văn đi sâu phân tích phạm vi bảo hiểm thân tàu theo Điều kiện bảo hiểm thân tàu thời hạn – Institute Time Clause – Hull 1/11/1995 của Viện các nhà bảo hiểm Luân Đôn, thường được các hãng bảo hiểm thế giới áp dụng.

Qua phân tích các quy định của pháp luật Việt Nam về bảo hiểm thân tàu, trong tương quan so sánh với quy định của pháp luật một số nước, luận văn đã nêu ra một số định hướng và giải pháp nằm nâng cao hiệu quả thực thi của pháp luật bảo hiểm thân tàu ở Việt Nam, để bảo hiểm thân tàu thực sự phát huy tác dụng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, góp phần bảo đảm an toàn tài chính cho chủ tàu và ổn định kinh tế xã hội.

Một phần của tài liệu Pháp luật Việt Nam và một số nước trên thế giới về bảo hiểm thân tàu trong thương mại hàng hải (Trang 133)