Cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp

Một phần của tài liệu Pháp luật Việt Nam và một số nước trên thế giới về bảo hiểm thân tàu trong thương mại hàng hải (Trang 81 - 86)

Quá trình giải quyết tranh chấp được thực hiện theo các thủ tục: hoà giải, trọng tài, toà án do các bên tự thoả thuận trong hợp đồng hoặc sau khi xảy ra tranh chấp. Thông thường biện pháp hoà giải và trọng tài được sử dụng nhiều hơn vì đỡ tốn kém về lợi ích kinh tế, nhanh chóng về thời gian đồng thời giữ được bí mật kinh doanh. Biện pháp giải quyết tại toà án là biện pháp giải quyết cuối cùng, được áp dụng khi các bên tranh chấp không thể có sự nhất trí với nhau mặc dù đã qua hoà giải, trọng tài bởi lẽ kết quả của hai phương pháp trên không mang tính cưỡng chế nên không bảo đảm tính thi hành của các bên tranh chấp.

Thẩm quyền của trọng tài

Thẩm quyền của trọng tài phụ thuộc vào thỏa thuận trọng tài của các bên chủ thể. Điều đó có nghĩa là các chủ thể của hợp đồng dân sự có yếu tố nước ngoài có quyền thỏa thuận lựa chọn trọng tài để giải quyết tranh chấp giữa họ. Pháp luật của các nước, các điều ước quốc tế đều không ngăn cản quyền tự do đó của các bên chủ thể. Lẽ dĩ nhiên, trọng tài chỉ có thẩm quyền trong lĩnh vực tranh chấp thương mại chứ không phải là dân sự nói chung. Như vậy, trọng tài một nước sẽ có thẩm quyền giải quyết tranh chấp về hợp đồng dân sự có yếu tố nước ngoài nếu như các bên chủ thể nêu rõ trong thỏa thuận trọng tài và thỏa thuận đó có hiệu lực. Cũng giống như các vụ việc trong nước, khi tranh chấp về hợp đồng dân sự có yếu tố nước ngoài

đã thuộc về thẩm quyền giải quyết của trọng tài thì tòa án phải "để lại" vụ việc đó cho trọng tài xử lý.

Thẩm quyền của tòa án

Trong trường hợp các bên chủ thể không lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, hợp đồng dân sự có yếu tố nước ngoài có thể được giải quyết bằng con đường tòa án. Thẩm quyền xét xử hợp đồng dân sự có yếu tố nước ngoài của tòa án một nước phụ thuộc vào quy định của điều ước quốc tế mà quốc gia đó là thành viên về vấn đề này và pháp luật tố tụng dân sự của quốc gia đó. Nhưng nhìn chung, thẩm quyền xét xử vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài của tòa án các nước có hai dạng: thẩm quyền xét xử chung và thẩm quyền xét xử riêng biệt.

Thẩm quyền xét xử chung là thẩm quyền đối với những vụ việc mà tòa án nước đó có quyền xét xử nhưng tòa án nước khác cũng có thể xét xử (điều này tùy thuộc vào tư pháp quốc tế của các nước khác có quy định là tòa án nước họ có thẩm quyền với những vụ việc như vậy hay không). Khi mà tòa án nhiều nước đều có thẩm quyền xét xử với một vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài, thì quyền xét xử thuộc về tòa án nước nào phụ thuộc vào việc nộp đơn của các bên chủ thể.

Thẩm quyền xét xử riêng biệt là trường hợp quốc gia sở tại tuyên bố chỉ có tòa án nước họ mới có thẩm quyền xét xử đối với những vụ việc nhất định. Nếu tòa án nước khác vẫn tiến hành xét xử đối với những vụ việc thuộc thẩm quyền xét xử riêng biệt, hậu quả là bản án, quyết định được tuyên bởi tòa án nước khác sẽ không được công nhận, cho thi hành tại quốc gia sở tại. Trong trường hợp này, kể cả các bên chủ thể thỏa thuận tòa án nước khác thì về nguyên tắc, tòa án nước đó cũng cần phải từ chối thụ lý vụ việc để tôn trọng thẩm quyền xét xử riêng biệt của quốc gia sở tại.

Câu hỏi đặt ra là: làm sao biết được tranh chấp về hợp đồng dân sự có yếu tố nước ngoài giữa các bên chủ thể có thuộc về thẩm quyền xét xử riêng biệt của tòa án nước nào đó trên thế giới hay không? Trước hết, phải thấy rằng, các quốc gia khi xác định thẩm quyền xét xử của tòa án nước mình về một vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài nào đó thường dựa trên cơ sở tính hợp lý của nó mà không quy định một cách chung chung, tùy tiện. Tính hợp lý nằm ở chỗ vụ việc có liên quan gì tới quốc gia đó hay không (như quốc tịch, nơi cư trú của các bên chủ thể; sự kiện xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ; đối tượng của quan hệ đang phát sinh tranh

chấp). Thông thường, quốc gia ấn định thẩm quyền xét xử riêng biệt của mình đối với những vụ việc có tính chất hết sức quan trọng tới an ninh, trật tự của quốc gia (ví dụ: Việt Nam xác định thẩm quyền xét xử riêng biệt đối với các vụ án dân sự có liên quan đến quyền đối với tài sản là bất động sản có trên lãnh thổ Việt Nam) hay nhằm mục đích bảo vệ cho các cá nhân, pháp nhân, một lĩnh vực ngành nghề nào đó trong nước (ví dụ: Việt Nam xác định thẩm quyền xét xử riêng biệt đối với tranh chấp phát sinh từ hợp đồng vận chuyển mà người vận chuyển có trụ sở chính hoặc chi nhánh tại Việt Nam). Vì thế, để chắc chắn rằng vụ việc có thuộc thẩm quyền xét xử riêng biệt của quốc gia nào đó hay không, chỉ cần xem xét pháp luật của các quốc gia có mối liên hệ mật thiết tới hợp đồng.

Trở lại với những lập luận trên, về lý thuyết có thể rút ra là: trừ những trường hợp thuộc thẩm quyền xét xử riêng biệt của tòa án một nước nào đó, các bên chủ thể hoàn toàn có quyền thỏa thuận lựa chọn tòa án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp về hợp đồng giữa họ. Nhưng xét dưới khía cạnh pháp lý, khác với thẩm quyền giải quyết tranh chấp của trọng tài phát sinh trên cơ sở thỏa thuận của các bên chủ thể, về nguyên tắc, thẩm quyền xét xử của tòa án là do pháp luật quy định. Thỏa thuận chọn tòa án nước nào có thẩm quyền giải quyết tranh chấp mới chỉ là sự thống nhất giữa các bên chủ thể, chứ nó không có giá trị mang tính chất "bắt buộc" hay đương nhiên "tạo nên thẩm quyền" cho tòa án được lựa chọn. Tòa án có thẩm quyền hay không sẽ phụ thuộc vào tư pháp quốc tế của nước đó (phần quy định về thẩm quyền xét xử của tòa án). Vì thế, các bên cần nghiên cứu kỹ tư pháp quốc tế nước có tòa án được thỏa thuận lựa chọn. Cần có một cái nhìn tổng quan rằng, không phải pháp luật nước nào cũng quy định về việc cho phép các bên chủ thể hợp đồng dân sự có yếu tố nước ngoài thỏa thuận chọn tòa án xét xử.

Nước ta hiện nay đã quy định về một số trường hợp được phép chọn tòa án để giải quyết tranh chấp, chẳng hạn, theo Khoản 2 Điều 4 của Bộ luật Hàng hải năm 2005: "Các bên tham gia trong hợp đồng liên quan đến hoạt động hàng hải mà trong đó có ít nhất một bên là tổ chức hoặc cá nhân nước ngoài thì có quyền thỏa thuận áp dụng luật nước ngoài hoặc tập quán hàng hải quốc tế trong các quan hệ hợp đồng và chọn Trọng tài, Tòa án ở một trong hai nước, hoặc ở một nước thứ ba để giải quyết tranh chấp". Nhưng đây cũng chỉ là một vài quy định đơn lẻ, còn đối với hợp đồng dân sự có yếu tố nước ngoài nói chung, pháp luật Việt Nam không chỉ rõ liệu các bên chủ thể có quyền thỏa thuận chọn tòa án nước nào đó giải

quyết hay không. Với tư duy "người dân được làm những gì mà pháp luật không cấm, còn công chức, cơ quan nhà nước chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép", rõ ràng, tòa án Việt Nam có thẩm quyền giải quyết đối với tranh chấp về một hợp đồng dân sự có yếu tố nước ngoài nào đó hay không sẽ không phụ thuộc vào việc các bên chủ thể đó thỏa thuận chọn tòa án Việt Nam, mà quan trọng là vụ việc đó phải thuộc các trường hợp thuộc thẩm quyền xét xử của tòa án Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế liên quan. Tuy nhiên, xu thế phổ biến hiện nay là các nước cho phép chủ thể hợp đồng lựa chọn tòa án của một nước nào đó để giải quyết tranh chấp. Vì thế, điều khoản giải quyết tranh chấp với sự lựa chọn tòa án của một nước trong hợp đồng dân sự có yếu tố nước ngoài trở nên khá quen thuộc trên thực tế.

Nghiên cứu về những vấn đề trên một cách độc lập trong khuôn khổ tư pháp quốc tế Việt Nam sẽ trở nên đơn giản hơn nhiều. Tuy thế, với các tranh chấp về hợp đồng dân sự có yếu tố nước ngoài nói riêng, các quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài nói chung, thì không phải khi nào cũng đương nhiên áp dụng tư pháp quốc tế Việt Nam. Vì lẽ đó, nghiên cứu cách thức xác định cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp cũng như tính hợp pháp của việc chọn luật áp dụng dứt khoát phải được đặt trong một bình diện tổng thể - với sự đan xen của tư pháp quốc tế nhiều nước trên thế giới. Những phân tích trên đây cũng cho thấy một điều rõ ràng rằng, xác định cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp và tính hợp pháp của việc chọn luật áp dụng cần phải được tìm hiểu một cách song hành và gắn bó với nhau.

Kết luận

Như đã phân tích ở trên, hợp đồng bảo hiểm thân tàu có đầy đủ những đặc điểm của một hợp đồng bảo hiểm, bên cạnh đó, do đây là một loại hình bảo hiểm hàng hải đặc biệt nên hợp đồng bảo hiểm thân tàu có nhiều đặc thù riêng, đòi hỏi phải được phân tích, xem xét để việc kí kết và thực hiện hợp đồng thuận lợi cho cả người bảo hiểm cũng như người được bảo hiểm. Vấn đề quyền lợi bảo hiểm, giá trị bảo hiểm và số tiền bảo hiểm rất cần được lưu ý và cân nhắc khi ký kết hợp đồng, để bảo đảm quyền lợi của các bên khi xảy ra tổn thất. Mục đích của hợp đồng bảo hiểm thân tàu là được bồi thường khi có tổn thất xảy ra với đối tượng bảo hiểm, do đó quyền và nghĩa vụ của các bên, đặc biệt là nghĩa vụ của người được bảo hiểm khi sảy ra tổn thất phải được quy định một cách cụ thể và chặt chẽ. Phạm vi bảo hiểm thường được các công ty bảo hiểm Việt nam áp dụng theo điều kiện bảo hiểm ITC 280 của

Viện bảo hiểm Anh, là điều kiện bảo hiểm chuẩn đối với thị trường bảo hiểm Châu Âu và Châu Á, thường chỉ được người bảo hiểm dẫn chiếu trong hợp đồng. Do đó việc phân tích, tìm hiểu điều kiện bảo hiểm ITC 280 là một việc rất cần thiết do sự khác biệt về ngôn ngữ cũng như tính xúc tích, phức tạp của các điều khoản gây ra rất nhiều khó khăn cho người được bảo hiểm và họ thường chỉ nhận thức được vấn đề khi xảy ra tranh chấp đòi bồi thường theo hợp đồng bảo hiểm.

Các rủi ro được bảo hiểm và các rủi ro loại trừ quy định trong ITC 1995 và ITC 1993 rất cụ thể. Việc giải thích từ ngữ cũng không gặp nhiều phức tạp, do Luật Anh dựa vào án lệ. Nhưng để hiểu và áp dụng ITC 1995 hay ITC 1983 vào Việt Nam lại gặp rất nhiều khó khăn do ngôn ngữ khác nhau, dẫn đến cách hiểu các thuật ngữ cũng khác nhau, hơn nữa Việt nam cũng chưa có truyền thống tập hợp các án lệ để phục vụ công tác xét xử. Luận văn sẽ đề cập cụ thể hơn vấn đề này ở chương 3.

CHƢƠNG 3

Một phần của tài liệu Pháp luật Việt Nam và một số nước trên thế giới về bảo hiểm thân tàu trong thương mại hàng hải (Trang 81 - 86)