Luật bảo hiểm hàng hải Mỹ 1893, Luật bảo hiểm hàng hải Anh 1906, Luật bảo hiểm hàng hải Ấn Độ 1963 và Bộ luật hàng hải Phần Lan 2005 đều thống nhất quy định về phân
loại hợp đồng bảo hiểm thân tàu. Hợp đồng bảo hiểm thân tàu (hợp đồng bảo hiểm) có thể được ký kết theo hai loại: Hợp đồng bảo hiểm chuyến và hợp đồng bảo hiểm thời hạn.
Hợp đồng bảo hiểm chuyến: Khi một hợp đồng bảo hiểm thân tàu có bao gồm thuật ngữ “tại và từ” hoặc từ một địa điểm này đến địa điểm khác thì gọi là hợp đồng bảo hiểm chuyến. Hợp đồng bảo hiểm thời hạn: Nếu một hợp đồng bảo hiểm cho một con tàu trong một thời gian nhất định từ 3 tháng đến 1 năm và thường là một năm thì gọi là hợp đồng bảo hiểm thời hạn.
Đối tượng bảo hiểm là toàn bộ chiếc tàu bao gồm: vỏ tàu, máy móc trang thiết bị của tàu. Trong đăng ký hợp đồng, đối với hai loại hợp đồng bảo hiểm trên, chủ tàu phải nêu rõ tên tàu, cảng đăng ký, quốc tịch tàu năm và nơi đóng tàu, trọng tải... đồng thời chủ tàu phải đảm bảo 3 điều quy định:
+ Tàu đủ khả năng đi biển.
+ Quốc tịch của tàu không thay đổi suốt hành trình. + Hành trình con tàu phải hợp pháp.
Bảo hiểm theo thời hạn: thời hạn bảo hiểm tính theo dương lịch và thời gian dài nhất là 12 tháng, ngắn nhất không dưới 3 tháng hiệu lực hợp đồng bảo hiểm bắt đầu và kết thúc theo thời gian ghi trên giấy chứng nhận bảo hiểm, nhưng với điều kiện người được bảo hiểm đã nộp phí bảo hiểm đầy đủ và đúng hạn theo quy định.
Theo hợp đồng này, tàu được bảo hiểm trong một thời gian nhất định không kể số chuyến. Khi thời hạn bảo hiểm sắp kết thúc, nếu cần có thể thông báo bằng văn bản xin tiếp tục bảo hiểm theo các điều kiện như cũ và phải được xác báo bằng văn bản.
Bảo hiểm chuyến: Chuyến đi được bảo hiểm kể từ khi tàu thuyền tháo gỡ giây chằng cột hoặc nhổ neo để bắt đầu chuyến đi và chấm dứt hiệu lực sau 24 giờ kể từ khi thả neo hoặc được cột vào bờ ở nơi đến ghi trong giấy chứng nhận bảo hiểm hoặc giấy sửa đổi bổ sung theo giấy chứng nhận đó (nếu có).
Luật bảo hiểm hàng hải Singapore và Bộ luật thương mại hàng hải Canada cũng quy định hợp đồng bảo hiểm thân tàu có hai loại: hợp đồng bảo hiểm thời hạn và hợp đồng bảo hiểm chuyến nhưng 2 bộ luật này có giải thích chi tiết hợp đồng bảo hiểm cho đối tượng “Tại và từ” (at and from) hoặc “từ” địa điểm này đến địa điểm khác hay nhiều địa điểm khác.
Hợp đồng “Tại và từ”: Khi hợp đồng đã ký kết, con tàu có mặt tại cảng quy định thì hợp đồng bảo hiểm bắt đầu có hiệu lực với mọi rủi ro, tổn thất được bảo hiểm xảy ra từ cảng đó trở đi. Có trường hợp khi hợp đồng đã ký, không nhất thiết con tàu phải có mặt tại cảng “Tại và từ” đã quy định nhưng cuộc hành trình phải bắt đầu sau 1 thời gian hợp lý, nếu quá thời gian đó, người bảo hiểm có thể hủy bỏ hợp đồng. Hiệu lực của bảo hiểm bắt đầu ngay khi con tàu đến cảng “Tại và từ” để:
+ Thực hiện chuyến hành trình đã ký kết + Tàu trong trạng thái an toàn
Hợp đồng “Từ”: Một tàu được bảo hiểm “Từ” một địa điểm riêng. Khi tàu khởi hành rời địa điểm riêng đó, trách nhiệm bảo hiểm mới bắt đầu và tiếp tục có hiệu lực khi tàu đến cảng đến quy định.