Bộ luật dân sự

Một phần của tài liệu Pháp luật Việt Nam và một số nước trên thế giới về bảo hiểm thân tàu trong thương mại hàng hải (Trang 110 - 112)

Cần mở rộng phạm vi áp dụng của chế định hợp đồng trong BLDS theo hướng: Mọi quan hệ hợp đồng, bất luận được ký kết giữa những ai, trong lĩnh vực gì, hướng tới mục đích nào đều chịu sự điều chỉnh chung của các quy định trong BLDS. Bên cạnh các quy định mang tính nguyên tắc chung về hợp đồng trong BLDS, nếu thấy cần thiết, Nhà nước có thể ban hành các quy định riêng trong các đạo luật chuyên ngành để điều chỉnh hiệu quả hơn các quan hệ hợp đồng phát sinh trong từng lĩnh vực cụ thể như: sản xuất, mua bán, vận chuyển, bảo hiểm, tín dụng, xây dựng… Để đơn giản hoá việc áp dụng pháp luật trong thực tế, các nhà làm luật cần bổ sung điều khoản quy định về nguyên tắc áp dụng phối hợp BLDS với các văn bản pháp luật chuyên ngành khác có liên quan đến hợp đồng.

1. Các quy định của Bộ luật này được áp dụng cho việc ký kết và thực hiện mọi loại hợp đồng mà không phân biệt lĩnh vực phát sinh quan hệ.

2. Trường hợp có sự khác nhau giữa quy định của BLDS và luật chuyên ngành thì áp dụng quy định của luật chuyên ngành.

3. Trường hợp luật chuyên ngành không quy định thì áp dụng quy định của BLDS”.

Các nhà làm luật nên thay thế thuật ngữ hợp đồng dân sự đang sử dụng bằng thuật ngữ hợp đồng. Đây không phải thuần tuý là vấn đề học thuật mà là tiền đề để mở rộng phạm vi điều chỉnh cho chế định hợp đồng trong BLDS. Việc BLDS tiếp tục sử dụng thuật ngữ hợp đồng dân sự, vô hình trung, sẽ tạo ra tư duy phân biệt các loại hợp đồng kinh tế, hợp đồng dân sự, hợp đồng lao động.

Cần quy định lại Khoản 2 Điều 390 BLDS như sau: “Trong thời hạn hiệu lực của đề nghị giao kết hợp đồng, bên đề nghị giao kết hợp đồng phải chịu trách nhiệm về lời đề nghị của mình”.

Để tránh sự trùng lặp và mâu thuẫn giữa hai điều luật 401 và 126 cùng quy định về một vấn đề thì BLDS cần loại bỏ Điều 401.

Điều 426 BLDS nên được quy định lại như sau: “Một bên có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng trong các trường hợp sau:

1. Khi bên kia vi phạm nghiêm trọng hợp đồng làm bên bị vi phạm không đạt được mục đích đề ra khi ký hợp đồng;

2. Các trường hợp khác theo thoả thuận trong hợp đồng hoặc theo quy định của pháp luật. Bên vi phạm hợp đồng phải bồi thường thiệt hại”.

Để tránh sự phức tạp trong thực tiễn áp dụng, nên bỏ quy định về thời hiệu khởi kiện tranh chấp hợp đồng tại Điều 427 BLDS. Nếu cần quy định về thời hiệu thì để cho các văn bản pháp luật chuyên ngành, căn cứ vào tính chất của quan hệ hợp đồng trong từng lĩnh vực riêng mà quy định thời hiệu khởi kiện cho phù hợp.

Các nhà làm luật cần nghiên cứu, bổ sung một số loại hợp đồng thông dụng để tạo cơ sở cho việc xây dựng các quy định về một số loại hợp đồng cụ thể trong các văn bản pháp luật chuyên ngành. Tuy nhiên, để tạo tính thống nhất trong pháp luật về hợp đồng, cần tiến hành rà soát để hoàn thiện các quy định liên quan đến hợp đồng trong các văn bản pháp luật

chuyên ngành trên cơ sở các quy định mang tính nguyên tắc chung của BLDS. Các quy định liên quan đến hợp đồng trong các văn bản pháp luật chuyên ngành cần được hoàn thiện theo các hướng sau:

Thứ nhất, các quy định liên quan đến hợp đồng trong văn bản pháp luật chuyên ngành không nhắc lại một cách thuần tuý các quy định vốn đã rõ ràng trong BLDS.

Thứ hai, các văn bản pháp luật chuyên ngành chỉ quy định những gì mang tính đặc thù của các quan hệ hợp đồng trong lĩnh vực cụ thể, hạn chế việc đưa quá nhiều quy định riêng vào luật chuyên ngành.

Thứ ba, những quy định trong pháp luật chuyên ngành phải được xây dựng trên cơ sở các quy định mang tính nguyên tắc chung của BLDS để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật về hợp đồng. Nói như vậy không có nghĩa là luật chuyên ngành không được quy định khác so với BLDS. Khi xây dựng các quy định về hợp đồng trong văn bản pháp luật chuyên ngành cần lưu ý tới những sự khác biệt cho phép và sự khác biệt không cho phép (mâu thuẫn).

Thứ tư, bản thân các văn bản pháp luật chuyên ngành cũng cần quy định rõ nguyên tắc áp dụng phối hợp các quy định về hợp đồng trong BLDS và trong các văn bản pháp luật chuyên ngành để thống nhất trong nhận thức và thực tiễn vận dụng pháp luật.

3.3.1.3. Tiếp thu kinh nghiệm phát triển ngành bảo hiểm ở một số nước trên thế giới

Nền kinh tế Việt Nam mới bắt đầu phát triển từ sau khi Đảng và Nhà nước đề ra chính sách đổi mới cách đây chưa đầy 25 năm. Đi lên từ một nước nông nghiệp lạc hậu, nhiều lĩnh vực kinh tế vẫn còn rất mới mẻ với nước ta, do vậy, việc học hỏi kiến thức, kinh nghiệm từ các nước đi trước là hết sức quan trọng. Bảo hiểm là một ngành kinh tế mới mẻ, đang trong quá trình định hình, lại đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế quốc dân, do vậy, chúng ta cũng cần thận trọng nghiên cứu quá trình phát triển của ngành bảo hiểm ở các nước có nền bảo hiểm phát triển để từ đó có những áp dụng thích hợp vào điều kiện cụ thể ở Việt Nam.

Một phần của tài liệu Pháp luật Việt Nam và một số nước trên thế giới về bảo hiểm thân tàu trong thương mại hàng hải (Trang 110 - 112)