Khái niệm hợp đồng bảo hiểm thân tàu

Một phần của tài liệu Pháp luật Việt Nam và một số nước trên thế giới về bảo hiểm thân tàu trong thương mại hàng hải (Trang 40 - 43)

Hợp đồng bảo hiểm thân tàu là hợp đồng được ký kết giữa người bảo hiểm và người được bảo hiểm mà theo đó, người bảo hiểm thu bảo hiểm phí do người được bảo hiểm trả và người được bảo hiểm được người bảo hiểm bồi thường tổn thất của đối tượng bảo hiểm do các hiểm họa hàng hải gây ra theo mức độ và điều kiện đã thoả thuận với người bảo hiểm. Luật bảo hiểm hàng hải Mỹ 1893 và Luật bảo hiểm hàng hải Canada 1993 đưa ra định nghĩa: “Hợp đồng bảo hiểm thân tàu là một văn bản trong đó người bảo hiểm cam kết cho người được bảo hiểm những mất mát, thiệt hại của đối tượng bảo hiểm do một rủi ro được bảo hiểm gây nên còn người được bảo hiểm cam kết trả phí bảo hiểm”. Đồng thời, hai bộ luật này cũng quy định rõ hợp đồng bảo hiểm thân tàu mang tính chất là hợp đồng bồi thường và là một hợp đồng tín nhiệm. Tính tín nhiệm thể hiện ở chỗ: Phải có lợi ích bảo hiểm mới ký kết hợp đồng bảo hiểm lợi ích bảo hiểm không nhất thiết phải có khi ký kết hợp đồng bảo hiểm nhưng phải có khi xảy ra tổn thất. Người được bảo hiểm phải thông báo mọi chi tiết về đối tượng bảo hiểm, mọi thay đổi hoặc tăng thêm rủi ro mà mình biết được cho người bảo hiểm biết. Khi ký kết hợp đồng bảo hiểm nếu đối tượng bảo hiểm đã được bảo đảm an toàn đến nơi (trước thời điểm) rồi mà người bảo hiểm đã biết thì hợp đồng bảo hiểm không có hiệu lực và phải hoàn lại phí bảo hiểm. Ngược lại, nếu người bảo hiểm chưa biết việc đó thì hợp đồng bảo hiểm vẫn có hiệu lực.

Khi ký kết hợp đồng bảo hiểm mà đối tượng đã bị tổn thất mà người được bảo hiểm đã biết thì hợp đồng bảo hiểm sẽ vô hiệu lực, ngược lại nếu người được bảo hiểm chưa biết thì hợp đồng bảo hiểm vẫn có hiệu lực và vẫn được bồi thường. Hợp đồng bảo hiểm coi như được ký kết khi người bảo hiểm chấp nhận bằng văn bản. Văn bản đó là đơn bảo hiểm hoặc giấy chứng nhận bảo hiểm. Đơn bảo hiểm hoặc giấy chứng nhận bảo hiểm là chứng từ có thể lưu thông được và có thể chuyển nhượng được cho người khác bằng cách ký hậu.

Qua điều 1 và điều 2, Luật bảo hiểm hàng hải Anh 1906, có thể định nghĩa hợp đồng bảo hiểm thân tàu như sau: hợp đồng bảo hiểm thân tàu là một hợp đồng mà trong đó người bảo hiểm cam kết bồi thường cho người được bảo hiểm những tổn thất hàng hải, nghĩa là những tổn thất xảy ra do những rủi ro hàng hải gây ra đối với đối tượng bảo hiểm thân tàu, theo cách thức và mức độ mà hai bên đã thỏa thuận trong hợp đồng.

Luật bảo hiểm hàng hải Anh 1906 đưa ra giải thích chi tiết thế nào là rủi ro hàng hải, theo đó, rủi ro hàng hải trong hợp đồng bảo hiểm thân tàu là “những rủi ro do hậu quả của

việc lái tàu hoặc xảy ra trong việc lái tàu ở biển gây ra, nghĩa là những rủi ro ở biển, cháy, rủi ro chiến tranh, cướp biển, trộm cắp, bắt giữ, câu lưu và câu thúc của vua chúa và nhân dân, vứt hàng xuống biển, hành vi phi pháp và bất kì những rủi ro khác, những rủi ro thuộc loại tương tự hay những rủi ro được quy định rõ trong hợp đồng bảo hiểm thân tàu” [ 6; đ3 ]. Chỉ những tổn thất liên quan đến một hành trình đường biển mới là tổn thất hàng hải và là đối tượng của bảo hiểm thân tàu. Tổn thất hàng hải không chỉ là những tổn thất trên biển mà còn bao gồm cả những tổn thất đường thủy nội địa hay trên bộ, tùy theo sự thỏa thuận giữa hai bên [ 6; đ2 ]. Điều này đảm bảo cho người được bảo hiểm tùy vào khả năng tài chính của mình để chọn điều kiện tham gia bảo hiểm.

Luật bảo hiểm hàng hải Singapore năm 1997 lại cho rằng: Hợp đồng bảo hiểm thân tàu là cam kết giữa người bảo hiểm và người được bảo hiểm về việc trả tiền hoặc giá trị tiền cho người được bảo hiểm để bồi thường thiệt hại khi sự kiện bảo hiểm xảy ra [ 8; đ4 ]. Hợp đồng bảo hiểm thân tàu theo Luật bảo hiểm hàng hải Ấn Độ năm 1963 được định nghĩa gần giống với Luật bảo hiểm hàng hải Anh năm 1906: Hợp đồng bảo hiểm thân tàu là một thỏa thuận, theo đó người bảo hiểm cam kết bồi thường cho người được bảo hiểm, theo cách thức và trong phạm vi thỏa thuận đối với tổn thất hàng hải, hay các thiệt hại do sự cố hàng hải gây ra [ 7; đ3 ].

Luật hợp đồng bảo hiểm của Phần Lan năm 1994 quy định: Hợp đồng bảo hiểm thân tàu là một hình thức của hợp đồng hàng hải trong đó người bảo hiểm cam kết bồi thường cho người được bảo hiểm tổn thất của tàu khi xảy ra sự kiện bảo hiểm [9; đ2].

Bộ Luật Hàng hải Việt Nam 2005 đã sửa đổi về căn bản khái niệm hợp đồng bảo hiểm thân tàu, dựa vào Luật bảo hiểm hàng hải Anh 1906 một cách tối đa, theo đó, “hợp đồng bảo hiểm thân tàu là hợp đồng bảo hiểm các rủi ro hàng hải mà theo đó người bảo hiểm cam kết bồi thường cho người được bảo hiểm những tổn thất hàng hải thuộc trách nhiệm bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng” (khoản 1, điểu 226). Về bản chất, quy định về hợp đồng bảo hiểm hàng hải theo Bộ luật hàng hải Việt Nam cũng tương tự như quy định chung về hợp đồng này theo các Điều ước quốc tế và pháp luật các nước khác.

Hợp đồng bảo hiểm là cơ sở xác định quan hệ pháp luật giữa người bảo hiểm và người được bảo hiểm. Trong quan hệ hợp đồng nếu người bảo hiểm và người được bảo hiểm là cá nhân, pháp nhân tổ chức của Việt Nam thì các quy định về hoạt động bảo hiểm của Bộ luật

hàng hải Việt Nam là nguồn luật bắt buộc áp dụng. Tuy nhiên, các bên có thể có những thoả thuận riêng nhưng không trái với các quy định của Bộ luật. Trong trường hợp này, bên người bảo hiểm có thể là doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp tập thể có đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật. Người được bảo hiểm có thể là doanh nghiệp hoặc cá nhân có nhu cầu bảo hiểm nhưng phải đủ tư cách là chủ thể của hợp đồng kinh tế.

Trường hợp có ít nhất một bên trong quan hệ hợp đồng bảo hiểm là tổ chức, cá nhân nước ngoài thì các quy định này không bắt buộc áp dụng, các bên có thể thoả thuận để áp dụng Bộ luật này vào trong quan hệ hợp đồng.

Bộ luật hàng hải Việt Nam 2005 cũng định nghĩa rủi ro hàng hải, theo đó, rủi ro hàng hải là “ những rủi ro xảy ra liên quan đến hành trình đường biển, bao gồm các rủi ro của biển, cháy nổ, chiến tranh, cướp biển, trộm cắp, kê biên, quản thúc, giam giữ, ném hàng xuống biển, trưng thu, trưng mua, hành vi bất hợp pháp và các rủi ro tương tự hoặc những rủi ro khác được thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm ” ( khoản 1, mục 2, điều 226 ). Tuy nhiên, Bộ luật hàng hải Việt Nam 2005 chỉ đưa ra khái niệm “hành trình đường biển” mà không định nghĩa khái niệm này.

Như vậy, qua phân tích ở trên, có thể định nghĩa hợp đồng bảo hiểm thân tàu như sau: Hợp đồng bảo hiểm thân tàu là hợp đồng bảo hiểm các rủi ro hàng hải mà theo đó người bảo hiểm cam kết bồi thường cho người được bảo hiểm những tổn thất hàng hải do các rủi ro được bảo hiểm xảy ra trong một hành trình đường biển gây ra cho đối tượng bảo hiểm, theo cách thức và điều kiện đã thỏa thuận trong hợp đồng.

Một phần của tài liệu Pháp luật Việt Nam và một số nước trên thế giới về bảo hiểm thân tàu trong thương mại hàng hải (Trang 40 - 43)