Giai đoạn 198 6 1990: Chuyển đổi từ cơ chế phân phối bao cấp sang cơ chế thị trường

Một phần của tài liệu Luận án tiến sỹ - Hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển dịch vụ phân phối bán lẻ hàng hóa ở Việt Nam trong thời kỳ hội nhập (Trang 90)

cơ chế thị trường

Tư tưởng về chuyển sang cơ chế thị trường đã manh nhà từ năm 1979 nhưng phải đến Đại hội VI của Đảng (1986) mới thực sự có bước ngoặt về tư duy và quan điểm kinh tế theo hướng kinh tế thị trường. Đại hội VI của Đảng đã đánh giá hệ thống quản lý kinh tế Việt Nam là: “Cơ chế quản lý tập trung quan liêu dựa trên bao cấp của Nhà nước được thực hiện nhiều năm nay đã không tạo được động lực phát triển, lại còn làm suy yếu nền kinh tế ... kìm hãm sản xuất, giảm sút năng suất, chất lượng và lưu thông vào tình trạng rối loạn, làm nảy sinh nhiều hiện tượng tiêu cực trong xã hội”. Vì thế, động lực chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 1986 - 1990 không phải là đẩy mạnh đầu tư như trước đây, mà là đổi mới cơ chế quản lý kinh tế để thay thế cơ chế quản lý cũ. Đảng ta cũng khẳng định: Quan hệ thị trường là đặc trưng của cơ chế quản lý mới, nó vừa thể hiện sự vận động của các qui luật sản xuất và lưu thông hàng hoá, và phải được vận động nhất quán trong cơ chế kế hoạch hoá và chính sách kinh tế; sản xuất phải gắn với thị trường, thị trường xã hội là thống nhất, là đối tượng của kế hoạch hoá; giảm nhẹ cho giá cả, tức là cho thương nghiệp gánh nặng về điều tiết thu nhập và bảo đảm chính sách xã hội; khẳng định cơ chế hai giá chỉ là bước quá độ để chuyển sang cơ chế một giá - giá thị trường.

Để thay thế cơ chế quản lý cũ, Đảng và Nhà nước đã ban hành một loạt Chỉ thị, Nghị quyết và văn bản pháp luật nhằm từng bước xác lập cơ chế quản lý mới, trong đó các văn bản trực tiếp liên quan đến tự do hoá lưu thông hàng

hoá, đến thương nghiệp bán lẻ như sau:

Từ sau năm 1986, với trọng tâm là đổi mới cơ chế quản lý nhằm để chuyển đổi từ cơ chế quản lý bao cấp sang cơ chế quản lý mới dựa trên các quan hệ thị trường, Nhà nước đã ban hành và thực thi nhiều văn bản pháp qui về cơ chế quản lý và chính sách đổi mới quan trọng liên quan đến thị trường nội địa, lưu thông hàng hoá nói chung, trong đó có hoạt động phân phối bán lẻ (Chi tiết xem Phụ lục 1).

Có thể nói, công cuộc đổi mới đất nước nói chung, đổi mới cơ chế quản lý kinh tế nói riêng được bắt đầu sớm nhất và sâu sắc nhất trong lĩnh vực lưu thông, phân phối bán lẻ hàng hoá, mà khâu đột phá đầu tiên có ý nghĩa nhất là xoá bỏ cơ chế hai giá, áp dụng cơ chế giá thị trường, thương mại hoá hàng hoá tiêu dùng và tư liệu sản xuất. Ngay từ năm 1987, Nhà nước đã tiến hành một số biện pháp để áp dụng giá thị trường cho những mặt hàng không thiết yếu, xoá bỏ phương thức Nhà nước bán lẻ một số loại hàng hoá tiêu dùng theo định lượng (bằng tem phiếu) với giá thấp, tự do hoá một phần nội thương, thông qua Luật Đầu tư nước ngoài, cho phép xí nghiệp quốc doanh có quyền tự chủ nhiều hơn và khuyến khích chế độ hạch toán lỗ lãi. Chấm dứt chế độ phân phối theo giá thấp đối với phần lớn các hàng hoá tư liệu sản xuất (trừ một vài loại vật tư chiến lược như: điện, sắt thép, xi măng, xăng dầu ...; nhưng giá của những mặt hàng này cũng được điều chỉnh từng bước, sát giá thị trường). Đến tháng 3/1989, trừ 3 mặt hàng là xăng dầu, điện và cước vận tải, giá cả mọi loại hàng hoá khác đều được thả nổi, các loại tư liệu sản xuất khác đều được buôn bán trên thị trường thay cho các kế hoạch cung cấp vật tư một cách hành chính. Việc quyết định thả nổi giá cả đối với tất cả các loại hàng hoá và vật tư, xoá bỏ bao cấp qua giá đã loại trừ sự phân biệt thị trường có tổ chức và thị trường tự do. Cuộc cải cách giá tác động sâu rộng đến đời sống kinh tế - xã hội. Cơ chế giá thị trường mở đường cho tự do lưu thông hàng hoá, bảo đảm quyền chủ động kinh doanh cho các doanh nghiệp, kích thích sản xuất và góp phần điều hoà cung cầu. Các doanh nghiệp Nhà nước không còn bao cấp qua giá, buộc phải chuyển sang kinh doanh theo cơ chế thị trường. Ngân sách Nhà nước giảm nhẹ được gánh nặng chi bù giá (thường

chiếm khoảng 20% tổng chi ngân sách khi còn chế độ hai giá).

Cũng trong giai đoạn 1986 - 1990, thực hiện Nghị quyết 22-NQ/TW của Bộ Chính trị (Khoá VI) và Quyết định 72/HĐBT về chỉ đạo và qui định chính sách thương mại trên địa bàn miền núi, vùng sâu, mạng lưới thương nghiệp Nhà nước đã được củng cố và mở rộng để mua sản phẩm và cung ứng các mặt hàng chính sách đến các cụm xã. [30]

Một phần của tài liệu Luận án tiến sỹ - Hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển dịch vụ phân phối bán lẻ hàng hóa ở Việt Nam trong thời kỳ hội nhập (Trang 90)