Khả năng chi trả và cơ cấu chi tiêu của khách Bắc Âu tại Việt Nam
Theo kết quả điều tra chi tiêu của khách du lịch năm 2005 do Tổng cục Thống kê thực hiện (Phụ lục 5), tổng số tiền chi tiêu bình quân một lượt khách quốc tế vào Việt Nam đối với khách FIT là 1.283,3 USD (bình quân một ngày khách là 76,4 USD), trong đó chi cho thuê phòng là 322,7 USD (chiếm 25,1%); chi cho ăn uống là 234,7 USD (chiếm 18,3%); chi cho đi lại tại Việt Nam là 240,2 USD (chiếm 18,7%) ... Chi tiêu của khách du lịch quốc tế đi theo tour bình quân một lượt khách là 354,2 USD và bình quân 1 ngày khách là 36,6 USD. Sở dĩ khách quốc tế đi du lịch theo tour trọn gói chi tiêu trung bình ít hơn khách FIT vì các khoản chi tiêu
chính nhưăn, ở, đi lại đã nộp cho các cơ sở lưu trú du lịch và lữ hành để chi hộ. Các khoản tiền khách tự chi tiêu tại Việt Nam chủ yếu là phục vụ mua sắm hàng hóa, quà tặng, lưu niệm, y tế, vui chơi giải trí ...
Biểu đồ 2.11. Chi tiêu của khách Bắc Âu tại Việt Nam đi du lịch FIT và Tour
Nguồn: Kết quả điều tra của Tổng cục Thống kê năm 2005
Kết quảđiều tra cho thấy khách du lịch Đan Mạch và đặc biệt là Na Uy có mức chi tiêu bình quân một lượt khách tại Việt Nam cao hơn so với mặt bằng chung của khách du lịch quốc tế. Tuy nhiên, do khách Na Uy ở dài ngày hơn nên thực chất
khách du lịch Đan Mạch có mức chi tiêu bình quân một ngày cao nhất. Mức này cao hơn mức trung bình của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam và tương đương với mức trung bình của khách du lịch châu Âu tại Việt Nam. Tuy vậy, nếu so sánh mức chi tiêu bình quân cho chuyến đi của khách du lịch từng nước Bắc Âu tại Việt Nam mức chi trung bình cho một chuyến du lịch trọn gói của người dân Bắc Âu ra nước ngoài (3.500 USD) thì có thể thấy mức độ chi tiêu của họ tại Việt Nam là rất thấp. Ngoài khả năng mặt bằng giá tại Việt Nam thấp hơn so với nhiều điểm du lịch khác thì cũng cần tính đến việc du khách ít có cơ hội chi tiêu cho các sản phẩm, dịch vụ tại Việt Nam. Điều đó phần nào lý giải tại sao chi tiêu ngoài tour của khách du lịch Bắc Âu tại Việt Nam chỉ đạt khoảng 45 USD trung bình 1 ngày khách. Mức này mặc dù cao hơn trung bình của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam nhưng các khoản chi chủ yếu là đi lại tại Việt Nam và mua sắm hàng hóa. Tỉ lệ chi tiêu cho các hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí tương đối thấp, ngoại trừ khách Phần Lan.
Các loại hình và sản phẩm du lịch ưa thích của thị trường khách Bắc Âu đến Việt Nam
Xét theo mục đích chuyến đi, kết quả điều tra của tác giả cho thấy đa số khách du lịch Bắc Âu đến Việt Nam với hai mục đích chính là khám phá một đất nước mới lạ và nghỉ dưỡng. Chỉ có khoảng 10% trong số họ đến Việt Nam để tìm hiểu cơ hội làm ăn hay kết hợp công việc. Điều này cho thấy đa phần khách Bắc Âu chưa từng đến hoặc có ít hiểu biết về Việt Nam và muốn khám phá nơi này vì mục đích du lịch thuần túy. Kết quả điều tra của tác giả cho thấy khách du lịch Bắc Âu nói chung không biết nhiều về Việt Nam, vì vậy họ muốn khám phá và tìm hiểu Việt Nam. Hình ảnh Việt Nam đối với khách du lịch Bắc Âu hiện nay là một sự pha trộn giữa nhiều yếu tố, trong đó nổi bật là:
- Đảm bảo an ninh, an toàn;
- Có biển và ánh nắng khác biệt so với những gì họđã trải nghiệm; - Có nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp, hấp dẫn;
- Có nhiều đồăn ngon; - Đặc sắc về văn hóa, lịch sử.
Biểu đồ 2.12. Mục đích chuyến đi của khách Bắc Âu đến Việt Nam
Nguồn: Kết quả điều tra của tác giả năm 2008
Nhìn chung, loại hình và sản phẩm du lịch ưa thích của khách du lịch Bắc Âu đến Việt Nam không có sự khác biệt so với những loại hình và sản phẩm du lịch họ ưa thích khi đi du lịch nước ngoài, đặc biệt là đến khu vực châu Á. Đó là loại hình du lịch tham quan, nghỉ dưỡng kết hợp với tìm hiểu văn hóa.
Đặc điểm về nhu cầu, sở thích của thị trường Bắc Âu đi du lịch Việt Nam
Về thời gian lưu trú, theo kết quả điều tra của tác giả, khoảng 70% lượng khách Bắc Âu đi du lịch Việt Nam trên 14 ngày và chỉ có chưa tới 10% đi du lịch ngắn ngày dưới 1 tuần. Kết quảđiều tra của Tổng cục Thống kê năm 2005 cũng cho kết quả khá trùng hợp. Theo đó, trung bình khách Bắc Âu đi du lịch Việt Nam 18- 19 ngày (Phụ lục 5, Bảng 5.1). Đây là mức cao hơn nhiều so với độ dài trung bình một chuyến du lịch nước ngoài đường dài của khách Bắc Âu. Nếu căn cứ vào những kết quả điều tra nêu trên, ta có thể kết luận là đa số khách Bắc Âu đi du lịch Việt
Nam dài ngày và có nhu cầu tham quan nhiều địa điểm trong chuyến đi của họ. Nhận định này là hoàn toàn có cơ sở nếu kết hợp với tiêu chí sở thích về phương thức tham quan của khách du lịch Bắc Âu tại Việt Nam. Theo đó, có đến 2/3 số khách du lịch Bắc Âu được phỏng vấn trả lời là họ thích đi du lịch theo tour từ Bắc vào Nam hoặc ngược lại và 27,4% sẽ lựa chọn các điểm nổi tiếng tại Việt Nam để tham quan.
Biểu đồ 2.13. Thời gian lưu trú của khách du lịch Bắc Âu tại Việt Nam
Nguồn: Kết quả điều tra của tác giả năm 2008
Biểu đồ 2.14. Sở thích về phương thức tham quan của khách Bắc Âu tại Việt Nam
Họ thích các cơ sở lưu trú quy mô nhỏ (từ 120 đến 150 phòng), thích các điểm du lịch có khung cảnh lãng mạn, không thích nhiều ánh sáng và đèn trang trí sặc sỡ. Họ thích sự ấm cúng, vì vậy họ thường tránh những khách sạn lớn. Đồng thời họ thích các khu du lịch có “gu” và có “hồn” chứ không thích sự sao chép, pha trộn. Bên cạnh đó họ thích các dịch vụ vui chơi giải trí trong chuyến du lịch.
Kết quảđiều tra khách du lịch Bắc Âu của tác giả cho thấy khi đi du lịch ở nước ngoài nói chung và đến Việt Nam nói riêng, khách Bắc Âu thường coi trọng tính hiếu khách của con người nơi họđến du lịch và mức độ hoang sơ của điểm đến. Các yếu tố khác như hướng dẫn viên phải nhiệt tình, thạo việc, giá rẻ, tính chuyên nghiệp cao trong phục vụ du khách, hệ thống dịch vụ đầy đủ hay sức hấp dẫn lớn của tài nguyên du lịch, theo đánh giá của họ có mức quan trọng vừa phải. Trong khi đó, đa phần họ không thích các điểm đến có hoạt động du lịch quá náo nhiệt.
Khách Bắc Âu đặc biệt quan tâm tới vấn đề tìm hiểu văn hóa, lối sống của người dân Việt Nam tại các điểm du lịch và thích tham quan các di tích, đền chùa, tham gia các hoạt động du lịch sinh thái, vui chơi giải trí và thể thao biển.
Biểu đồ 2.15. Các loại hình và sản phẩm du lịch ưu thích của khách du lịch Bắc Âu đến Việt
Nguồn: Kết quả điều tra của tác giả năm 2008
Họ thường đến các điểm di tích lịch sử, thắng cảnh biển (như Vịnh Hạ Long), các di sản thế giới (Huế, Hội An, Mỹ Sơn ...), các khu du lịch ven biển (Nha Trang ...), khu vực sông nước đồng bằng sông Cửu Long, các bản làng dân tộc miền núi, v.v... Ấn tượng chung của khách du lịch Bắc Âu về Việt Nam là một quốc gia có nền văn hóa dân tộc đặc sắc, ẩm thực phong phú, một đất nước có bề dày lịch sử với nhiều cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, người dân thân thiện, mến khách ...
Biểu đồ 2.16. Ấn tượng chung của khách du lịch Bắc Âu về Việt Nam
Nguồn: Kết quả điều tra của tác giả năm 2008
Nếu so sánh một số sản phẩm du lịch chính mà du khách Bắc Âu quan tâm giữa Việt Nam với các đối thủ cạnh tranh chính trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Malaysia, Indonesia và Trung Quốc thì loại hình sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng Việt Nam chỉ đứng sau Thái Lan trong khi các loại hình sản phẩm du lịch tham quan di sản, di tích lịch sử, tìm hiểu văn hóa và cuộc sống, du lịch thiên nhiên, sinh thái, Việt Nam đều là điểm đến hấp dẫn hàng đầu đối với khách du lịch Bắc Âu. Riêng loại hình sản phẩm du lịch hội nghị, mua sắm, thương mại thì Việt Nam
không được đánh giá cao và chỉ vượt hơn so với Indonesia và Malaysia theo đánh giá của khách du lịch Bắc Âu.
Cũng theo kết quả điều tra của tác giả thì tính cạnh tranh của du lịch Việt Nam theo đánh giá của khách du lịch Bắc Âu được dựa trên cơ sở nguồn tài nguyên du lịch nổi trội, giá dịch vụ tương đối rẻ và chất lượng dịch vụ khá tốt. Tuy nhiên, đa phần khách du lịch Bắc Âu cho rằng sản phẩm du lịch của Việt Nam là không mới mẻ, hầu như không có thương hiệu và ít người biết đến, tiếp cận và đi lại không thuận tiện trong khi đầu tư cho cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật không cao.
Các kênh tìm kiếm thông tin và tổ chức chuyến du lịch của khách Bắc Âu tới Việt Nam
Khách du lịch Bắc Âu nói chung cảm thấy rất gần gũi với Việt Nam. Tuy nhiên, hiểu biết của họ về Việt Nam chủ yếu từ thời gian còn chiến tranh. Hiện nay, có đến 30% số người đã từng chứng kiến cuộc chiến tranh tại Việt Nam muốn đến tham quan để tận mắt nhìn thấy sự phát triển của một đất nước anh hùng sau chiến tranh. Tuy nhiên, những người sinh sau năm 1975 thường không biết nhiều về Việt Nam, mặc dù cũng có nhiều bài báo ở Bắc Âu đưa tin về Việt Nam.
Khi lập kế hoạch hay quyết định đi du lịch Việt Nam, khách Bắc Âu thường tìm hiểu thông tin từ nhiều nguồn khác nhau như:
- Hỏi lời khuyên từ bạn bè; - Tìm hiểu trên mạng Internet; - Đọc sách hướng dẫn du lịch;
- Xem các chương trình về du lịch Việt Nam trên truyền hình hay radio; - Tham dự các hội chợ du lịch và tìm hiểu thông tin từ các ấn phẩm quảng
cáo (của Tổng cục Du lịch và các công ty du lịch Việt Nam tham dự hội chợ hoặc gửi tại Đại Sứ quán Việt Nam);
- Thông qua các công ty đại lý lữ hành nước sở tại (Các hãng điều hành tour bây giờ không còn ảnh hưởng tới việc ra quyết định đi du lịch nước ngoài nói chung và tới Việt Nam nói riêng của người dân Bắc Âu).
Kết quảđiều tra năm 2005 của Tổng cục Thống kê (Phụ lục 5, Bảng 5.1) cho thấy trên 78% khách du lịch Bắc Âu tới Việt Nam thường đi theo hình thức tự sắp xếp chuyến du lịch (FIT) hơn là đi theo các chương trình trọn gói của các hãng đại lý lữ hành. Tỉ lệ này phản ánh chính xác xu hướng đi du lịch và hình thức tổ chức chuyến đi hiện nay của thị trường khách Bắc Âu.
Bảng 2.10. Hình thức tổ chức chuyến du lịch và độ dài ngày lưu trú trung bình của khách du lịch Bắc Âu tại Việt Nam
Theo hình thức tổ chức đi Độ dài ngày bình quân Khách
Đi theo tour Tự sắp xếp Đi theo tour Tự sắp xếp
Đan Mạch 34,9% 65,1% 15,9 16,4
Phần Lan 15,8% 84,2% 21,7 17,8
Na Uy 26,7% 73,3% 13,8 18,4
Thụy Điển 9,5% 90,5% 19,8 22,2
Trung bình Bắc Âu 21,7% 78,3% 17,8 18,7 Nguồn: Kết quả điều tra của Tổng cục Thống kê năm 2005