Các giải pháp về sản phẩm

Một phần của tài liệu Nghiên cứu thị trường khách du lịch Bắc Âu đến Việt Nam (Trang 94 - 98)

Cho đến nay, rõ ràng Việt Nam chưa phải là một thương hiệu du lịch để lại những ấn tượng mạnh đối với du khách trên thế giới. Chính vì vậy, Việt Nam mới là sự lựa chọn thứ hai khi khách du lịch đến khu vực châu Á và Đông Nam Á. Nói cách khác, việc đi du lịch Việt Nam chỉ là sự kết hợp trong chuyến đi của du khách tới khu vực này sau khi đã kết thúc chương trình du lịch với sự lựa chọn thứ nhất. Khách du lịch Bắc Âu lại thường xuyên đi du lịch theo hình thức độc lập và tự tổ chức chuyến đi nên họ hoàn toàn có thể thay đổi quyết định có tiếp tục đi du lịch Việt Nam hay chấm dứt kỳ nghỉ của họ sau khi đã hoàn thành chuyến du lịch tới các điểm của lựa chọn ưu tiên số một như Thái Lan, Úc hay Singapore ...

Đưa Việt Nam trở thành một trung tâm du lịch tầm cỡ trong khu vực chính là mục tiêu mà Đảng và Chính phủ đặt ra cho ngành du lịch. Đó cũng chính là nhiệm vụ phải xây dựng được một thương hiệu du lịch nổi tiếng trong khu vực trên cơ sở các sản phẩm, dịch vụ du lịch đa dạng, mang tính đặc thù, chất lượng tốt, có sức hấp

dẫn và khả năng cạnh tranh trong khu vực để phục vụ du khách nói chung trong đó có khách du lịch Bắc Âu. Thương hiệu du lịch Việt Nam cần phải gắn liền với những lợi thế cạnh tranh của Việt Nam, ít nhất là trong khu vực. Lợi thế của chúng ta là cảnh quan biển và các hệ sinh thái đa dạng, nghệ thuật ẩm thực phong phú và độc đáo, con người Việt Nam với danh nhân thế giới Chủ tịch Hồ Chí Minh, giàu lòng nhân hậu, mến khách, anh dũng trong chiến đấu bảo vệ tổ quốc ... Nếu tập trung vào khai thác một vài đặc điểm mang tính nổi trội về sức hút và khả năng cạnh tranh để xây dựng, phát triển các sản phẩm của du lịch Việt Nam một cách có định hướng thống nhất thì chắc chắn sẽ tạo nên một thương hiệu cho điểm đến du lịch Việt Nam. Khi đó, rất có thể Việt Nam sẽ trở thành lựa chọn ưu tiên số một cho chuyến du lịch của người dân Bắc Âu nói riêng và khách du lịch quốc tế nói chung. Tất nhiên, đây là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn, mang tầm vĩ mô, cần có sựđầu tư về nhiều mặt và có sự tham gia rất nhiều các chủ thể, cả trực tiếp và gián tiếp trong hoạt động du lịch, với vai trò điều phối của cơ quan quản lý nhà nước về du lịch các cấp.

Phạm vi nghiên cứu của Luận văn này không đề cập sâu đến việc xây dựng một thương hiệu cho du lịch Việt Nam, tuy nhiên trên cơ sở những đặc điểm về nhu cầu và thị hiếu của khách du lịch Bắc Âu, cũng như khả năng cung cấp các sản phẩm, dịch vụ của du lịch Việt Nam hiện nay, Luận văn khuyến nghị các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch cũng như các doanh nghiệp du lịch nên xem xét xây dựng, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch phục vụ khách du lịch Bắc Âu theo định hướng như sau:

* Nhưđã phân tích trong chương 2, khách du lịch Bắc Âu đặc biệt quan tâm tới loại hình du lịch nghỉ dưỡng, tham quan kết hợp với tìm hiểu văn hóa. Vì vậy, loại hình, sản phẩm du lịch của Việt Nam phục vụ khách Bắc Âu phải đi theo hướng này thì mới đáp ứng được nhu cầu của họ.

* Việt Nam có tiềm năng và lợi thế to lớn về phát triển loại hình du lịch biển, đặc biệt là các khu vực từ miền Trung trở vào Nam. Du lịch biển cũng chính là một sản phẩm yêu thích đặc biệt của khách du lịch Bắc Âu. Chính vì vậy, cần tập trung phát triển các sản phẩm du lịch biển như một sản phẩm du lịch cạnh tranh của Việt Nam với các nước trong khu vực, đặc biệt là Thái Lan. Tuy nhiên, không nên phát triển các sản phẩm du lịch biển mang tính đại trà, theo lối cổ điển. Cần tập trung khai thác các yếu tố độc đáo của địa phương cả về cảnh quan, văn hóa, con người, để đưa ra các sản phẩm mới có sự kết hợp khéo léo giữa các yếu tố nghỉ dưỡng, cảnh quan, lễ hội, thể thao mạo hiểm, tìm hiểu văn hóa, lịch sử, con người, lối sống, phong cách và nghệ thuật ẩm thực, v.v...

* Bên cạnh các tour du lịch dài ngày như hiện nay, với lịch trình xuyên Việt hoặc tới các điểm tham quan du lịch nổi tiếng đang được khách du lịch Bắc Âu quan tâm, các doanh nghiệp lữ hành của Việt Nam phục vụ khách du lịch Bắc Âu cũng cần nghĩ đến việc xây dựng và phát triển một số sản phẩm du lịch ngắn ngày hơn, chuyên biệt hơn. Cần kết hợp chủ đề của các chương trình du lịch này với yếu tố mùa vụở Việt Nam để đa dạng hóa các sản phẩm du lịch và đón đầu một xu thế du lịch mới của thị trường khách du lịch Bắc Âu. Đó là xu thếđi du lịch ngắn ngày hơn nhưng nhiều lần trong một năm. Xu thế này đã hình thành nhưng chưa phổ biến tại Việt Nam. Mặc dù vậy, mục tiêu của du lịch Việt Nam là phải tiếp tục đưa ra các sản phẩm hấp dẫn khách du lịch Bắc Âu nói riêng và khách du lịch quốc tế nói chung để níu giữ họở lại lâu hơn tại Việt Nam.

* Cần ưu tiên đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch mang đậm dấu ấn địa phương, đặc biệt là yếu tố nông thôn và khả năng tương tác cao đối với người dân bản địa để phục vụ nhu cầu của khách du lịch Bắc Âu đến du lịch Việt Nam. Có thể phát triển một số loại hình du lịch sau:

- Du lịch làng quê,

- Du lịch làng nghề, - Du lịch miệt vườn,

- Du lịch sông nước đồng bằng sông Cửu long.

* Cần đặc biệt quan tâm đến việc phát triển các sản phẩm dịch vụ văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí, đặc biệt là dành cho nam giới để phục vụ khách du lịch Bắc Âu. Đây chính là một trong những yếu tố quan trọng nhất góp phần thực hiện 1 trong 3 mục tiêu đặt ra là tăng mức chi tiêu của khách du lịch quốc tế và đồng nghĩa với việc tăng doanh thu cho du lịch Việt Nam. Các chương trình du lịch cần có sự kết hợp hài hòa với các hoạt động thể thao mạo hiểm cũng như các môn thể thao truyền thống của Việt Nam hoặc khu vực châu Á. Đó là các hoạt động tìm hiểu, nghiên cứu về võ cổ truyền Việt Nam, Trung Hoa, Nhật Bản, Hàn Quốc hay Yoga, trong đó cần giới thiệu được với du khách triết lý của các môn võ này. Bên cạnh đó, cũng nên lồng ghép các yếu tố tâm linh, đạo Phật, Khổng giáo và các triết lý cuộc sống của những dòng tư tưởng này hay du lịch thiền (còn gọi là Zen tourism) và các liệu pháp phục hồi sức khỏe, chữa bệnh vào chương trình du lịch phục vụ khách du lịch Bắc Âu.

* Trong quá trình xây dựng, phát triển và khai thác các sản phẩm, dịch vụ du lịch phục vụ khách du lịch Bắc Âu cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề an ninh, an toàn, vệ sinh, bảo vệ môi trường. Các doanh nghiệp kinh doanh du lịch phục vụ khách du lịch Bắc Âu nói riêng và khách du lịch quốc tế nói chung nên thể hiện trách nhiệm của mình về những vấn đề này trong quá trình phục vụ du khách (ví dụ như trích một tỉ lệ nhất định trong doanh thu của công ty để hỗ trợ công tác bảo vệ môi trường tại điểm tham quan du lịch). Qua đó, ta có thể vừa làm khách du lịch hài lòng với dịch vụ, lại vừa mang lại những ấn tượng tốt đẹp về Việt Nam với tư cách là một điểm đến du lịch. Rất có thể những đối tượng khách này sẽ quay trở lại du lịch Việt Nam hoặc giới thiệu với người thân, bạn bềđi du lịch Việt Nam sau này.

* Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển loại hình du lịch MICE khi cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ cho loại hình du lịch này ngày càng được nâng cấp, đặc biệt là ở các trung tâm, thành phố lớn. Không những vậy, Việt Nam có môi trường chính trị ổn định, an ninh, an toàn được đảm bảo, nhiều cảnh quan đẹp để kết hợp đi tham quan du lịch. Khách du lịch Bắc Âu đi kết hợp mục đích thương mại hiện nay đang gia tăng, các tập đoàn lớn của Bắc Âu cũng có những chính sách thưởng cho nhân viên của mình bằng các chuyến du lịch đường dài tới châu Á. Vì vậy, Việt Nam cần quan tâm phát triển và tiếp thị cho sản phẩm này tới thị trường các nước Bắc Âu.

* Việc nâng cao chất lượng các sản phẩm, dịch vụ du lịch là rất cần thiết không chỉ ở cấp độ quản lý nhà nước mà cả đối với các doanh nghiệp du lịch. Cơ quan quản lý nhà nước cần khuyến khích, tăng cường đầu tư cải thiện môi trường du lịch, điều kiện hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, đầu tư phát triển nguồn nhân lực du lịch. Công tác kiểm tra, giám sát chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch cũng cần được thực hiện thường xuyên, nghiêm túc. Các doanh nghiệp du lịch phải nhận thức được tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ của mình, thể hiện ở các hoạt động tổ chức kinh doanh, yếu tố con người... Đó chính là những yếu tố quyết định tới sự thành công và phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu thị trường khách du lịch Bắc Âu đến Việt Nam (Trang 94 - 98)