Bên cạnh việc đưa ra một số giải pháp, định hướng cơ bản cho phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của thị trường khách du lịch Bắc Âu, rõ ràng vai trò của công tác xúc tiến quảng bá, các hoạt động tiếp thị chiếm một vị trí vô cùng quan trọng. Đây chính là phương tiện hữu hiệu nhất để thực hiện mục tiêu thu hút thêm nhiều khách du lịch Bắc Âu đến Việt Nam.
Rõ ràng, một trong những mục tiêu đã đặt ra là tối đa hóa lượng khách du lịch các nước Bắc Âu tới Việt Nam tập trung vào các phân đoạn thị trường mục tiêu là khách du lịch trẻ tuổi, các hộ gia đình độc thân và khách du lịch cao tuổi “năng
động”. Loại hình sản phẩm, dịch vụ du lịch cần đẩy mạnh quảng bá là tham quan nghỉ dưỡng, tìm hiểu văn hóa và du lịch MICE.
Để thực hiện được mục tiêu này, công tác xúc tiến, quảng bá cần được triển khai thống nhất ở 2 cấp độ quản lý nhà nước và cấp doanh nghiệp. Trong phạm vi nghiên cứu của Luận văn này, tác giả xin nêu ra một số khuyến nghị nhằm định hướng cho công tác xúc tiến và quảng bá của du lịch Việt Nam tại thị trường Bắc Âu cụ thể như sau:
Đối với các cơ quan quản lý nhà nước:
* Đối tượng cần truyền tải thông điệp là cộng đồng du lịch, các hãng kinh doanh du lịch cũng như thông tấn báo chí của các nước Bắc Âu nhằm tạo dựng hình ảnh và sự chú ý đối với du lịch Việt Nam. Ngoài ra, cũng cần tiếp cận, tranh thủ các nhà hoạch định chính sách du lịch Bắc Âu để thông qua họđịnh hướng cho người dân Bắc Âu lựa chọn Việt Nam như một điểm đến chất lượng và có thể đi du lịch quanh năm.
* Nội dung các thông điệp cần truyền tải đến những đối tượng này phải được tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng để họ có sự ủng hộ cao nhất cho các mục tiêu cũng như hoạt động xúc tiến quảng bá của du lịch Việt Nam tại thị trường này.
* Phương tiện truyền tải thông tin, hình thức xúc tiến quảng bá cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, phù hợp với từng đối tượng để mang lại hiệu quả cao nhất. Các hoạt động xúc tiến quảng bá chính có thể cân nhắc áp dụng bao gồm:
- Tổ chức hội thảo tại các thị trường mục tiêu: Hội thảo loại này cần được tổ chức tại thủ đô hoặc các thành phố lớn của các nước Bắc Âu. Nhiệm vụ là giới thiệu về điểm đến du lịch Việt Nam với các nhà hoạch định chính sách, các hãng thông tấn báo chí ..., qua đó tác động để giành lấy thị phần cạnh tranh so với các điểm đến khác trong khu vực.
- Tổ chức họp báo gắn với các hội chợ du lịch: Hoạt động này nhằm mục tiêu cung cấp, cập nhật thông tin đến các đối tượng kinh doanh du lịch thị trường Việt Nam, các hãng thông tấn báo chí và có thể trực tiếp là khách du lịch. Một số hội chợ du lịch thường niên có thể cân nhắc tham gia là:
· Reiseliv tại Oslo (Na Uy),
· MATKA tại Helsinki (Phần Lan), · Ferie tại Copenhaghen (Đan Mạch), · TUR tại Gothenburg (Thụy Điển),
· Holidays for everyone, Herning (Đan Mạch), · Vagabond Luxuary tại Copenhagen (Đan Mạch).
· WTM tại Luân Đôn (Anh), nơi có nhiều hãng điều hành tour và đại lý lữ hành hàng đầu của các nước Bắc Âu tham dự.
- Tổ chức các chuyến tham quan khảo sát cho báo chí, cá nhân hoặc những người có tầm ảnh hưởng lớn: Đây là hoạt động thường đem lại hiệu quả quảng bá cao do chi phí không lớn, có thể huy động chia sẻ kinh phí từ các hãng hàng không, doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, vận chuyển. Các bài viết trên báo chí hoặc các chương trình truyền hình giới thiệu về du lịch Việt Nam thường có tầm ảnh hưởng rất cao và có tác dụng mạnh trong việc tạo nhu cầu hay quyết định đi du lịch Việt Nam của người dân Bắc Âu.
- Các chiến dịch kết hợp quảng bá thương hiệu: Người dân Bắc Âu rất ấn tượng với các nhãn hiệu nổi tiếng thế giới. Vì vậy, trong quá trình tiến hành các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam, chúng ta nên tranh thủ và phối hợp với các nhãn hiệu nổi tiếng. Điều đó vừa giảm chi phí cho hoạt động tiếp thị, vừa mang lại hiệu quả cao hơn đối với thị trường khách du lịch Bắc Âu. Các thương hiệu nổi tiếng đối với khu vực Bắc Âu có thể xem xét để hợp tác gồm:
· McDonald, · Viasat, · TV3, · TV5, · Miss Finland, · Magazine Clubs, · Aftonbladet.se, · SATS, · Club Metro, · Kodak, · Gothenburg Bisquit, · MSN.se,
· Travel Fever Webportal.
- Thực hiện các dự án tiếp thị và quảng bá thương hiệu du lịch Việt Nam: Việc có những dự án tiếp thị và quảng bá thương hiệu cụ thểđối với các thị trường trọng điểm ở khu vực Bắc Âu là rất cần thiết, đảm bảo những điểm nhấn và mang lại những cú hích trong việc thu hút khách du lịch đến Việt Nam.
- Tiến hành các hoạt động quan hệ công chúng (PR): Nhằm tạo ra nhận thức nhiều mặt về Việt Nam. Hoạt động PR có khả năng giới thiệu các giá trị nổi bật của du lịch Việt Nam một cách rộng rãi nhất và giúp cho du lịch Việt Nam hướng tới các phân đoạn thị trường mới. Có thể tiến hành hoạt động PR thông qua các mối quan hệđa dạng trong hoạt động tiếp thị cũng như khuyến mại chéo. Điều đó sẽ mang lại những lợi ích và hiệu quả cho cả 2 bên thông qua các chiến dịch truyền thông trên truyền hình, trên mạng Internet hay trên mạng thông tin di động. Ngoài ra, hàng tháng hoặc khi cần thiết, có thể sử dụng các bản Thông cáo Báo chí như một công cụ hiệu quả, ít tốn kém để tiếp thị và PR cho du lịch Việt Nam.
* Trong giai đoạn hiện nay, chúng ta cơ bản đã xác định được các phân đoạn thị trường mục tiêu từ các nước Bắc Âu đến du lịch Việt Nam và phân tích một số đặc điểm cơ bản của các phân đoạn thị trường này. Về lâu dài, để có thể đưa ra những chiến lược tiếp thị phù hợp, mang lại hiệu quả cao nhấ,t cần tiếp tục cập nhật thông tin và tiến hành nghiên cứu thị trường một cách bài bản, có chiến lược và hệ thống. Trên cơ sở đó, cần phải xác định được những cơ hội mới có thể mang lại lợi ích cho du lịch Việt Nam từ thị trường khách du lịch Bắc Âu và có phương án để nắm bắt và biến những cơ hội này thành hiện thực.
Đối với các doanh nghiệp du lịch:
* Duy trì các mối liên hệ với các hãng điều hành tour và lữ hành Bắc Âu: Việc duy trì các mối liên hệ này có thể thực hiện qua điện thoại, trao đổi thư điện tử, gửi thư và trao đổi ấn phẩm quảng bá ... Mục tiêu là để thường xuyên giới thiệu các sản phẩm trọn gói cũng như các chương trình du lịch khuyến mại của doanh nghiệp với các đối tác Bắc Âu và thông qua họ tới khách du lịch.
* Xây dựng và duy trì một cơ sở dữ liệu về khách du lịch Bắc Âu đã tới Việt Nam hoặc có tiềm năng đi du lịch Việt Nam: Cùng với sự trợ giúp của các hãng điều hành tour và lữ hành Bắc Âu, các doanh nghiệp du lịch Việt Nam nên chủ động và phối hợp để xây dựng, duy trì một cơ sở dữ liệu về khách du lịch Bắc Âu đã và có tiềm năng tới du lịch Việt Nam. Cơ sở dữ liệu này sẽ giúp cho các doanh nghiệp du lịch Việt Nam trong việc tiến hành các hoạt động tiếp thị trực tiếp cũng như giữ mối liên hệ thường xuyên với khách hàng. Không những vậy, đây sẽ là nguồn thông tin quan trọng giúp cho họ triển khai các hoạt động nghiên cứu thị trường và đưa ra các chiến lược kinh doanh phù hợp.
* Phối hợp với các hãng điều hành tour Bắc Âu để triển khai các hoạt động tiếp thị, PR: Triển khai các chương trình khuyến mại, tiếp thị trên cơ sở phối hợp và chia sẻ kinh phí với các hãng điều hành tour thông qua một số kênh truyền thông hoặc phương tiện truyền thông như:
· Các tạp chí về lối sống,
· Các tạp chí về những mối quan tâm đặc biệt, · Các tạp chí về du lịch.