Khái niệm “các nước Bắc Âu” (tiếng Anh là Nordic countries) được dùng chung để chỉ 5 quốc gia nằm ở phía Bắc châu Âu gồm Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan và Ai-xơ-len, với các vùng lãnh thổ bán tự trị (như quần đảo Pharoe hay Greenland...). Tên gọi Scandinavia, về mặt địa lý ám chỉ bán đảo bao gồm 2 quốc gia là Na Uy và Thụy Điển và phía Bắc của Phần Lan, trước đây thường bị hiểu nhầm là tên gọi cho toàn bộ các nước Bắc Âu, tuy nhiên nay ít được sử dụng để tránh nhầm lẫn. Ngoài việc có chung nguồn gốc lịch sử, từ thế kỷ 20 trở lại đây, cả 5 nước Bắc Âu này đều phát triển theo mô hình chính trị và kinh tế tương tự nhau, còn gọi là hệ thống phúc lợi xã hội Bắc Âu. Do Ai-xơ-len là một quốc gia chỉ có 300.000 dân, đồng thời cũng không nằm trong giới hạn phạm vi nghiên cứu nên khái niệm “các nước Bắc Âu” trong Luận văn này được hiểu là gồm 4 nước Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển và Phần Lan.
Hình 2.1. Bản đồ các nước Bắc Âu
Về kinh tế, các nước Bắc Âu đều là những nước công nghiệp hóa và nền kinh tế phát triển ở mức độ cao. Đây cũng là khu vực có sản lượng xuất khẩu thép, giấy và gỗ vào loại lớn nhất trên thế giới. Trong một thời gian dài, sự phát triển kinh tếở các nước Bắc Âu được duy trì một cách ổn định. Mặc dù trong vòng hơn 1 năm lại đây và đặc biệt là giai đoạn cuối năm 2008, do ảnh hưởng của khủng hoảng tín dụng, tài chính toàn cầu nên tăng trưởng kinh tế của khu vực này được dự báo sẽ chậm lại trong các năm 2008 và 2009, nhưng sẽ sớm phục hồi tăng trở lại từ năm 2010. Trong khi tỉ lệ lạm phát thời gian gần đây tăng mạnh trên phạm vi toàn cầu đòi hỏi các chính phủ phải áp dụng nhiều biện pháp cấp bách để kìm hãm lạm phát và thúc đẩy phát triển kinh tế thì ở khu vực Bắc Âu đây không phải là vấn đề đặc biệt nghiêm trọng và hoàn toàn trong tầm kiểm soát với mức lạm phát trung bình chỉ dưới 4%, trong khi tỉ lệ dự trữ ngoại hối của họ tiếp tục được duy trì ở mức thặng dư cao nên vẫn đảm bảo tâm lý lạc quan cho người tiêu dùng. Chính vì vậy, chỉ số tiêu dùng cá nhân trong năm 2008 tại các nước Bắc Âu vẫn gia tăng, khi người dân tiếp tục mua sắm xe hơi, các vật dụng gia đình, đồ điện tử và đầu tư vào bất động sản.
Về yếu tố lịch sử, các nước Bắc Âu nhìn chung có sự liên kết rất mật thiết. Ngoài Phần Lan, các nước còn lại đều có chung nguồn gốc tộc người và ngôn ngữ (người Phần Lan có nguồn gốc từ các bộ lạc châu Á tới vùng đất này xâm chiếm từ thời tiền sử). Lịch sử của họ cũng có những cuộc chiến tranh và mâu thuẫn, tuy nhiên hiện tại các nước Bắc Âu đang có quan hệ rất mật thiết với nhau. Một số nước thể hiện sự liên kết thông qua các thể chế, tổ chức như như Liên minh châu Âu (EU), Liên minh thuế quan hay khối NATO v.v...
Về mặt chính trị và xã hội, trong thời gian vừa qua, đặc biệt là giai đoạn 2007-2008, các nước Bắc Âu luôn duy trì được sựổn định của mỗi nước cũng như toàn khu vực. Trong suốt hơn 50 năm dưới chếđộ dân chủ xã hội, thách thức chính trị xã hội chủ yếu của khu vực này là khả năng đảm bảo sự cân bằng giữa một hệ thống phúc lợi xã hội mà mọi người đều tôn sùng và các chi phí kinh tế xã hội tốn
kém để duy trì hệ thống đó. Sự mất cân bằng này sẽ ảnh hưởng đến xu hướng tiêu dùng của người dân Bắc Âu và tất nhiên là ảnh hưởng dòng khách đi du lịch nước ngoài từ khu vực này. Một ví dụ điển hình là tại Thụy Điển vào các năm 2005 và 2006, do không đạt được sự cân bằng này mà lượng khách Thụy Điển đi du lịch nước ngoài đường dài đã giảm tới gần 20%, trong khi đó họ lại chi tiêu nhiều hơn đến 30% cho việc trang trí nội thất, nhà cửa.