Quan hệ hợp tác kinh tế

Một phần của tài liệu Hoạt động xúc tiến du lịch Việt Nam tại Trung Quốc (Trang 32)

Về hợp tác thương mại, đầu tư, những năm gần đây, Trung Quốc luôn là một trong những đối tác quan trọng của Việt Nam trong giao dịch ngoại thương.

Để tạo hành lang pháp lý cho hoạt động thương mại phát triển, từ khi bình thường hoá quan hệ hai nước đến nay, chính phủ hai nước đã ký hơn 20 hiệp định về thương

mại như: Hiệp định Thương mại Việt Nam – Trung Quốc ký tháng 11/1991, Hiệp định mua bán vùng biên giới, Hiệp định về việc thành lập Uỷ ban hợp tác kinh tế và thương mại, Hiệp định hợp tác kinh tế, Hiệp định thanh toán, Hiệp định về giao thông đường sắt, đường bộ, đường hàng không... Cùng với sự ký kết các hiệp định nói trên, sự khai thông các cửa khẩu trên tuyến biên giới đã tạo điều kiện cho quan hệ thương mại hai nước phát triển nhanh chóng với nhiều hình thức buôn bán chính ngạch, hàng đổi hàng, chuyển khẩu vận tải quá cảnh, tạm nhập tái xuất.

Về kim ngạch xuất nhập khẩu: Từ năm 1991 đến nay, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc không ngừng tăng lên qua các năm (xem phụ lục 2.6).

Tính đến năm 2008, kim ngạch hai chiều giữa Việt Nam và Trung Quốc đã đạt gần 20,2 tỷ USD tăng hơn 27% so với năm 2007.

Theo dự kiến, kim ngạch hai chiều giữa hai nước sẽ đạt 25 tỷ USD vào năm 2010. Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc hơn 100 mặt hàng như: dầu thô, hải sản, hoa quả, cao su, hạt điều, hạt tiêu, than đá…

Trung Quốc xuất sang Việt Nam khoảng 200 mặt hàng như: phụ tùng, linh kiện xe máy, máy móc thiết bị, phụ tùng, xăng dầu, phân bón, sắt thép, linh kiện điện tử, phương tiện vận tải…

Ngoài ra, hoạt động xuất nhập khẩu tiểu ngạch ở các vùng biên giới diễn ra rất sôi động. Việt Nam có 6 tỉnh tiếp giáp với Trung Quốc là Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lai Châu, Cao Bằng, Hà Giang và Lào Cai với hơn 4 triệu dân. Tuy không có con số về xuất nhập khẩu tiểu ngạch tổng hợp của toàn tuyến biên giới, nhưng có thể thấy rằng qua buôn bán tiểu ngạch vùng biên giới đã có tác động rất lớn đến việc xoá đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của nhân dân các tỉnh, huyện, thị vùng biên giới.

Về đầu tư: Khác với quan hệ thương mại, khi nói đến quan hệ đầu tư thì chủ yếu là nói về dòng đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam. Vì tuy Việt Nam và Trung Quốc đều là 2 nước đang phát triển tuy nhiên, so với Việt Nam thì Trung Quốc là nước có tiềm lực kinh tế mạnh hơn nhiều lần.

Đến hết năm 2008, theo số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam,Trung Quốc có 711 dự án được cấp phép với tổng số vốn đầu tư là 2.188,3 tỷ USD đứng thứ 12 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.(Đầu tư và xây dựng, Đầu tư trực tiếp của nước ngoài được cấp giấy phép năm 1988 - 2008 phân theo đối tác đầu tư chủ yếu, http://www.gsogov.vn)

Nhìn chung các dự án đầu tư của Trung Quốc có quy mô nhỏ (trung bình khoảng 2 triệu USD mỗi dự án, trong khi quy mô trung bình của các dự án đầu tư trực tiếp vào Việt Nam là 16,5 triệu USD).

Các lĩnh vực đầu tư chủ yếu của Trung Quốc là: khách sạn; nhà hàng; sản xuất, lắp ráp đồ điện gia dụng; sản xuất phụ tùng và lắp ráp xe máy, sản xuất gạch men, gốm sứ vệ sinh phục vụ xây dựng dân dụng; sản xuất thức ăn gia súc;... Đó là những ngành công nghiệp nhẹ mà lợi thế so sánh của Trung Quốc là tương đối cao. Và đó cũng là những ngành sử dụng nhiều lao động, một nguồn lực vốn rất dồi dào của Việt Nam.

Đóng góp lớn vào những con số ấn tượng của kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước phải kể đến những lợi ích thiết thực từ việc mở rộng sáng kiến hợp tác “Hai hành lang, một vành đai kinh tế” . Đó là hai hành lang kinh tế “Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng”, hành lang “Nam Ninh - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng”.

Các lĩnh vực hợp tác bao gồm thương mại, công nghiệp, nông nghiệp, du lịch, khai thác tài nguyên, chế biến, điện lực. Lộ trình hợp tác từ 2005 đến 2010 sẽ bắt đầu từ giao thông vận tải, chế biến, điện lực, tiện lợi hoá đầu tư thương mại; từ 2010 đến 2020 sẽ triển khai toàn diện, thu hút sự tham gia của nhiều nước ASEAN, đẩy mạnh hợp tác kinh tế Trung Quốc - ASEAN.

Tiềm năng phát triển của mối quan hệ Việt - Trung là rất lớn, với sự cố gắng chung của cả hai bên, mối quan hệ đó sẽ không ngừng được củng cố và phát triển tốt đẹp hơn trong thế kỷ XXI, đáp ứng nguyện vọng và lợi ích của nhân dân hai nước, vì hoà bình, ổn định và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Một phần của tài liệu Hoạt động xúc tiến du lịch Việt Nam tại Trung Quốc (Trang 32)