Đánh giá những thuận lợi và khó khăn của hoạt động xúc tiến du lịch Việt Nam tại Trung Quốc

Một phần của tài liệu Hoạt động xúc tiến du lịch Việt Nam tại Trung Quốc (Trang 63 - 67)

Nam tại Trung Quốc

Hoạt động xúc tiến du lịch Việt Nam tại Trung Quốc có những thuận lợi sau:

Một là về chính sách, Chính phủ Việt Nam đã có những chính sách cụ thể, rõ ràng, đã dành sự quan tâm nhất định đến sự phát triển du lịch nói chung và hoạt động xúc tiến du lịch Việt Nam nói riêng. Điều này được thể hiện trong “Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn 2001 – 2010” được Chính phủ phê duyệt năm 2002. Ngoài ra, Luật Du lịch được Quốc hội thông qua năm 2005 đã có hẳn một chương dành cho hoạt động xúc tiến du lịch.

Hai là về kinh phí, kể từ khi có chương trình hành động quốc gia về du lịch năm 2000, kinh phí của hoạt động xúc tiến du lịch Việt Nam tại nước ngoài nói chung và tại Trung Quốc nói riêng đã được đảm bảo. Đến năm 2009, hoạt động xúc tiến du lịch Việt Nam còn được hỗ trợ bởi một nguồn kinh phí mới, nguồn kinh phí xúc tiến quốc gia với chương trình xúc tiến du lịch quốc gia. Hai chương trình này hoạt động song song đã khiến cho hoạt động xúc tiến du lịch Việt Nam tại Trung Quốc ngày càng mạnh mẽ.

Ba là về nhân lực và bộ máy tổ chức, kể từ khi Tổng cục Du lịch sáp nhập với Bộ Văn hoá và Uỷ ban Thể dục thể thao thành Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, ngoài Vụ Thị trường Du lịch - Tổng cục Du lịch, công tác xúc tiến du lịch còn có sự tham gia của Vụ Lữ hành - Tổng cục Du lịch và Cục Hợp tác Quốc tế - Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch. Như vậy, hoạt động xúc tiến du lịch đã tranh thủ được nguồn nhân lực đa dạng từ các bộ phận chức năng trên.

Bốn là sự mở rộng các hình thức xúc tiến du lịch, hiện nay, Việt Nam đang ngày càng đón nhiều đoàn FAMTRIP, PRESSTRIP từ Trung Quốc vào Việt Nam để khảo sát và viết bài về du lịch Việt Nam. Ngoài ra, với chương trình xúc tiến du lịch quốc gia, đầu năm 2010, du lịch Việt Nam bắt đầu thực hiện tuyên truyền, quảng bá về dulịch Việt Nam trên các phương tiện thông tin đại chúng của Trung Quốc. Đây là hoạt động xúc tiến du

lịch không kém phần quan trọng để khách du lịch Trung Quốc biết về đất nước, con người Việt Nam và lựa chọn Việt Nam là điểm đến du lịch của mình.

Năm là sự gần gũi về địa lý và sự tương đồng về văn hoá giữa Việt Nam và Trung Quốc đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức và thực hiện các hoạt động xúc tiến du lịch Việt Nam tại đây. Việt Nam và Trung Quốc là hai quốc gia láng giềng “Núi lền núi – Sông liền sông” do đó chi phí đi lại từ Việt Nam đến Trung Quốc và ngược lại khi tiến hành các hoạt động xúc tiến là thấp hơn nhiều so với các thị trường nước ngoài khác. Ngoài ra, sự tương đồng về văn hoá giữa hai dân tộc đã giúp người dân Trung Quốc dễ dàng tiếp cận, tìm hiểu thông tin về đất nước và con người Việt Nam hơn.

Bên cạnh những thuận lợi nêu trên, hoạt động xúc tiến du lịch Việt Nam tại Trung Quốc cũng gặp phải một số khó khăn sau:

Thứ nhất, việc cắm mốc biên giới trên đất liền và trên biển giữa hai quốc gia vẫn chưa hoàn thành. Việt Nam và Trung Quốc là hai quốc gia láng giềng có chung đường biên giới trên đất liền và trên biển. Cho đến nay, việc cắm mốc xác định biên giới trên đất liền giữa hai nước đã cơ bản hoàn thành. Tuy nhiên, đường biên giới trên biển giữa hai nước vẫn chưa được xác định rõ ràng. Điều này đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện các hoạt động xúc tiến du lịch Việt Nam tại Trung Quốc, đặc biệt là khi giới thiệu các tài nguyên du lịch và các sản phẩm du lịch của Việt Nam đến với người dân Trung Quốc.

Thứ hai, Chính phủ Trung Quốc vẫn chủ trương ưu tiên phát triển du lịch nội địa. Điều này thể hiện qua việc chính phủ Trung Quốc chỉ cho phép người dân đi du lịch nước ngoài đến những điểm đến được phép mà chính phủ đã lựa chọn. Cũng như vậy, chính phủ Trung Quốc chỉ cho phép một số lượng nhất định các hãng lữ hành quốc tế được phép đưa khách du lịch Trung Quốc ra nước ngoài. Đây là một trong những yếu tố hạn chế khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam.

Thứ ba, kinh phí dành cho công tác xúc tiến du lịch từ ngân sách nhà nước còn hạn hẹp. Hiện nay, tuy đã có thêm nguồn kinh phí của chương trình xúc tiến du lịch quốc gia

cấp cho Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch để đẩy mạnh hoạt động xúc tiến du lịch quốc gia nhưng so với các nước trong khu vực và trên thế giới, nguồn kinh phí này vẫn còn nhỏ bé, chưa đáp ứng được nhu cầu thực sự của hoạt động xúc tiến du lịch quốc gia tại nước ngoài nói chung và tại Trung Quốc nói riêng. Chế độ chính sách tài chính hiện nay của Việt Nam còn nhiều bất cập, các định mức chi tiêu thường thấp hơn so với yêu cầu và tình hình thực tế.

Thứ tư, đội ngũ cán bộ làm công tác xúc tiến du lịch còn thiếu và yếu. Tuy hiện nay, du lịch Việt Nam đang tận dụng được nguồn nhân lực đa dạng như đã trình bày ở phần những thuận lợi nêu trên, song đội ngũ cán bộ này chưa được đào tạo bài bản, thiếu kinh nghiệm thực tiễn, tính chuyên nghiệp chưa cao. Sở dĩ như vậy vì đội ngũ cán bộ này xuất phát từ các bộ phận chức năng khác nhau, có trình độ chuyên môn khác nhau và đa phần là không chuyên về xúc tiến du lịch. Với nguồn nhân lực không đồng đều về chất lượng như vậy sẽ gây khó khăn rất nhiều trong công tác xúc tiến du lịch.

Thứ năm, thiếu tính định hướng, chiến lược của hoạt động xúc tiến du lịch. Qua thực tế có thể thấy rằng công tác lập kế hoạch, hoạch định chiến lược ngắn hạn và dài hạn cho hoạt động xúc tiến du lịch tại Trung Quốc nói riêng và các thị trường du lịch trọng điểm nói chung của Việt Nam còn thiếu sự đầu tư nghiên cứu, thiếu những phân tích, đánh giá cụ thể và khoa học.

Thứ sáu, sự phối hợp giữa ngành du lịch và các bộ, ngành liên quan, với các địa phương và doanh nghiệp du lịch chưa tốt. Hiện nay, Việt Nam đã có chuyến bay thẳng từ Hà Nội đi Côn Minh, Thượng Hải, Bắc Kinh, Quảng Châu và từ thành phố Hồ Chí Minh đi Thượng Hải, Quảng Châu. Song việc cho phép hãng hàng không giá rẻ của Trung Quốc vào Việt Nam để kích cầu du lịch chưa được chấp thuận. Việt Nam mới thành lập được cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại Bắc Kinh, Côn Minh, Quảng Châu, Nam Ninh. Hiện nay, Bộ Ngoại giao Việt Nam đang xem xét việc đặt cơ quan đại diện ngoại giao tại Trùng Khánh. Do đó, trong một thời gian dài, người dân Trung Quốc rất thiếu thông tin về thủ tục xuất nhập cảnh vào Việt Nam.

Tiểu kết chương 2

Chương 2 đã tập trung phân tích thực trạng hoạt động xúc tiến du lịch Việt Nam tại Trung Quốc với những nội dung cơ bản sau:

Khái quát về tình hình hoạt động của du lịch Việt Nam và tình hình khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam với một số đặc điểm của thị trường khách này.

Thực trạng hoạt động xúc tiến du lịch Việt Nam tại Trung Quốc với các hoạt động xúc tiến cụ thể: tổ chức, tham gia các hội chợ, triển lãm du lịch quốc tế; tổ chức các chương trình phát động thị trường, giới thiệu điểm đến (roadshow); tổ chức đón các đoàn FAMTRIP, PRESSTRIP vào Việt Nam; xây dựng các kênh thông tin để tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam. Qua đó đưa ra những đánh giá về những kết quả đã đạt được, những hạn chế, những thuận lợi và khó khăn khi thực hiện hoạt động xúc tiến du lịch Việt Nam tại Trung Quốc.

Căn cứ vào tình hình và đặc điểm của khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam, thực trạng hoạt động xúc tiến du lịch Việt Nam tại Trung Quốc, để đẩy mạnh hoạt động xúc tiến tại thị trường này cần phải có những giải pháp thích hợp khắc phục những điểm hạn chế, phát huy hơn nữa các thế mạnh của du lịch Việt Nam.

Chương 3

Một phần của tài liệu Hoạt động xúc tiến du lịch Việt Nam tại Trung Quốc (Trang 63 - 67)