Những kết quả đạt được và hạn chế của hoạt động xúc tiến du lịch Việt Nam tại Trung Quốc

Một phần của tài liệu Hoạt động xúc tiến du lịch Việt Nam tại Trung Quốc (Trang 59 - 63)

Nam tại Trung Quốc

* Những kết quả đạt được:

Một là quảng bá rộng rãi hình ảnh Việt Nam và du lịch Việt Nam đối với người dân Trung Quốc. Mặc dù Việt Nam – Trung Quốc “núi liền núi, sông liền sông” thế nhưng không phải người dân Trung Quốc nào cũng biết về Việt Nam, cũng từng đến Việt Nam. Thông qua các hoạt động xúc tiến du lịch của Việt Nam, người dân Trung Quốc đã hiểu hơn về Việt Nam, đã nhận ra được Việt Nam là một đất nước tuy nhỏ bé nhưng lại có một tài nguyên du lịch vô cùng phong phú.

Hai là phát triển thị trường khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam. Thông qua các hoạt động xúc tiến của du lịch Việt Nam, qua các ấn phẩm (tập gấp, sách mỏng, CD-ROM...) về du lịch Việt Nam, người dân Trung Quốc tìm thấy nhiều thông tin,

phát hiện ra nhiều điểm đến hấp dẫn tại Việt Nam, điều đó thúc đẩy họ đi du lịch Việt Nam.

Về phía các doanh nghiệp du lịch Trung Quốc, qua các hội chợ, triển lãm quốc tế và các roadshow, họ tìm được các cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp du lịch Việt Nam. Các doanh nghiệp du lịch lớn ở Việt Nam như Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn, Tổng Công ty Du lịch Hà Nội, Công ty Du lịch Dịch vụ Bến Thành, Công ty Tiếp thị Giao thông Vận tải (Viettravel), Công ty Du lịch Việt Nam tại Hà Nội... rất gắn bó với những hội chợ như thế này.

Mặc dù từ năm 2005 trở lại đây, chính phủ Trung Quốc thực thi các biện pháp hạn chế người dân Trung Quốc đi du lịch nước ngoài bằng giấy thông hành với nỗ lực kiểm soát nạn tham nhũng, khiến số lượng khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam có suy giảm nhưng vẫn duy trì ở mức cao. Trung Quốc vẫn luôn là thị trường gửi khách lớn nhất của Việt Nam. Đó cũng là một phần kết quả của những hoạt động xúc tiến của du lịch Việt Nam tại Trung Quốc.

Ba là tạo dựng hình ảnh hấp dẫn của du lịch Việt Nam đối với thị trường du lịch của các nước khác trên thế giới. Tham gia các hội chợ, triển lãm du lịch quốc tế tại Trung Quốc không có nghĩa là chỉ thực hiện hoạt động xúc tiến đối với thị trường du lịch Trung Quốc. Tại các hội chợ thường có rất nhiều các nước tham dự, điển hình như hội chợ du lịch quốc tế CITM thường có khoảng 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đăng ký tham dự với hơn 1.000 hãng du lịch quốc tế. Vì thế, hoạt động xúc tiến còn hướng tới cả thị trường các nước tham dự này.

Có thể nói, hoạt động xúc tiến du lịch Việt Nam tại Trung Quốc không những đạt được kết quả khả quan tại thị trường này mà còn làm cho thị trường du lịch thế giới biết đến Việt Nam. Thông qua các hội chợ du lịch quốc tế, hội nghị, hội thảo được tổ chức tại Trung Quốc, các cơ quan quản lý du lịch và các doanh nghiệp du lịch của các

nước tham dự hiểu về du lịch Việt Nam hơn, tạo cơ hội để họ tiếp xúc và hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam.

Bốn là góp phần đẩy mạnh hoạt động đầu tư của Trung Quốc và các nước trên thế giới vào lĩnh vực du lịch tại Việt Nam. Qua các hoạt động xúc tiến của du lịch Việt Nam như các hội chợ du lịch quốc tế tại Trung Quốc, đón các đoàn FAMTRIP, PRESSTRIP sang Việt Nam tìm hiểu, Việt Nam đã tranh thủ giới thiệu các dự án đầu tư trong lĩnh vực du lịch mà Việt Nam cần kêu gọi vốn, từ đó đã thu hút được các nhà đầu tư Trung Quốc và các nước khác đầu tư vào lĩnh vực du lịch của Việt Nam.

Kể từ sau khi bình thường hoá quan hệ giữa hai nước năm 1991, các nhà đầu tư Trung Quốc tiến hành đầu tư vào Việt Nam. Đến cuối năm 2008, Trung Quốc đứng hàng thứ 12 trong danh sách các nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Hiện nay, trong lĩnh vực du lịch Trung Quốc có 47 dự án đầu tư tại Việt Nam. Các nhà đầu tư Trung Quốc tập trung vào các lĩnh vực: khách sạn, nhà hàng, trung tâm vui chơi giải trí, trung tâm mua sắm. Các dự án này thường tập trung ở các tỉnh có biên giới giáp với Trung Quốc như Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai...

Năm là góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế - chính trị - văn hoá giữa hai nước. Có thể nói, du lịch là sứ giả của hoà bình, là chiếc cầu nối thúc đẩy mối quan hệ kinh tế, chính trị, văn hoá giữa hai nước. Thông qua du lịch, nhân dân và chính phủ hai nước có điều kiện giao lưu, trao đổi và hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Sự thúc đẩy hợp tác về văn hoá, kinh tế thông qua du lịch là yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy quan hệ chính trị giữa hai nước theo chiều hướng tốt đẹp.

* Những hạn chế:

Bên cạnh những kết quả đạt được trên, hoạt động xúc tiến du lịch Việt Nam tại thị trường Trung Quốc cũng bộc lộ một số hạn chế:

Một là kế hoạch triển khai các hoạt động xúc tiến chưa thực sự khoa học, việc tổ chức các hoạt động xúc tiến còn nhiều lúng túng, bị động.

Hai là quy mô các gian hàng của du lịch Việt Nam nhỏ, trang trí đơn điệu, trùng lặp, thiểu điểm nhấn, chưa thực sự tạo được ấn tượng sâu đậm trong lòng du khách cũng như các doanh nghiệp du lịch nước ngoài.

Ba là các hội thảo về du lịch trong khuôn khổ các roadshow mà Việt Nam tổ chức tại Trung Quốc chưa thật sự truyền tải được hết sự hấp dẫn của du lịch Việt Nam.

Bốn là việc tuyên truyền, quảng bá du lịch Việt Nam trên các phương tiện thông tin đại chúng của Trung Quốc hầu như không đáng kể vì du lịch Việt Nam chưa tiến hành quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng của Trung Quốc và mỗi năm Việt Nam chỉ tổ chức đón được 1 đoàn PRESSTRIP từ Trung Quốc đến Việt Nam khảo sát và viết bài về du lịch. Các đoàn PRESSTRIP này thường chỉ từ các tỉnh có biên giới tiếp giáp với Việt Nam như Vân Nam, Quảng Tây nên thông tin về du lịch Việt Nam mới chỉ đến được với những người dân Trung Quốc ở những tỉnh vùng biên này.

Năm là thông tin về du lịch Việt Nam trên mạng internet còn nhiều hạn chế. Phần lớn người dân Trung Quốc tìm hiểu thông tin qua internet song du lịch Việt Nam mới chỉ có một trang web có phiên bản tiếng Trung. Vì vậy, người dân Trung Quốc còn rất thiếu thông tin về du lịch Việt Nam.

Sáu là các ấn phẩm, vật phẩm xúc tiến du lịch còn thiếu tính chuyên nghiệp, số lượng ít, chất lượng chưa cao.

Bảy là việc chưa có văn phòng đại diện của du lịch Việt Nam tại Trung Quốc đã ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu quả của các hoạt động xúc tiến du lịch tại đây.

Một phần của tài liệu Hoạt động xúc tiến du lịch Việt Nam tại Trung Quốc (Trang 59 - 63)