Giải pháp về kinh phí và cơ chế chi tiêu của hoạt động xúc tiến du lịch

Một phần của tài liệu Hoạt động xúc tiến du lịch Việt Nam tại Trung Quốc (Trang 74)

Kinh phí hàng năm cho hoạt động xúc tiến, quảng bá hình ảnh du lịch quốc gia ở cấp trung ương hiện nay vào khoảng 20 tỷ đồng (khoảng hơn 1 triệu USD), một khoản kinh phí rất nhỏ so với các nước trong khu vực và trên thế giới (Thái Lan dành 110 – 130 triệu USD, Malaysia có 118 triệu USD, Singapore dành 70 triệu USD cho hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch quốc gia) [7, tr.124]. Do đó, để hoạt động xúc tiến du lịch của Tổng cục Du lịch đạt được hiệu quả cao, Tổng cục Du lịch cần kiến nghị với Bộ Tài Chính tăng tối thiểu 10 lần tổng kinh phí cho hoạt động xúc tiến du lịch.

Bên cạnh đó, cần đề xuất với Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung các nội dung và định mức chi tiêu cho các hoạt động xúc tiến, quảng bá để phù hợp với tình hình thực tế và tăng tính hiệu quả của hoạt động, cụ thể:

- Sửa đổi định mức chi tiêu cho các đoàn cán bộ tham gia các hoạt động xúc tiến du lịch tại nước ngoài cho phù hợp với tình hình thực tế như tiền ăn, ở, chi phí đi lại, liên lạc... Với các hoạt động xúc tiến diễn ra ở các thị trường nước ngoài, đặc biệt là châu Âu theo Thông tư số 91/2005/TT-BTC ngày 18/10/2005 của Bộ Tài chính về về quy định chế độ công tác phí cho cán bộ, công chức nhà nước đi công tác ngắn hạn ở nước ngoài do ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí thì định mức tiền ở là 65 USD/1 người, định mức tiền ăn và tiêu vặt là 60 USD/1 người mỗi ngày là quá thấp vì giá phòng khách sạn và thực phẩm ở các nước khu vực này cao hơn rất nhiều so với định mức. Chi phí đi lại trong quá trình diễn ra sự kiện tại mỗi nước chỉ được hưởng tối đa

không quá 50 USD/người luôn không đủ vì các sự kiện thường diễn ra trong 5 – 7 ngày hoặc hơn nữa, việc đi lại là thường xuyên hàng ngày và rất tốn kém. Cũng như vậy đối với định mức thông tin liên lạc (tối đa không quá 50 USD/1 đoàn công tác/1 nước), định mức chi tiêu không đủ đáp ứng nhu cầu liên lạc thực tế phát sinh (liên lạc tại nước ngoài và liên lạc với cơ quan tại Việt Nam). Riêng đối với các sự kiện xúc tiến, quảng bá được tổ chức tai thị trường Trung Quốc, với định mức tiền ở (60 USD/1 người) và tiền ăn (55 USD/1 người) mỗi ngày, các cán bộ tham gia tổ chức sự kiện chỉ có thể thuê các phòng khách sạn giá rẻ với cơ sở vật chất và chất lượng dịch vụ thấp, ở xa trung tâm diễn ra sự kiện để ở. Nhưng cũng vì thế mà chi phí đi lại và thông tin liên lạc hàng ngày bị đội lên rất cao, thường vượt định mức cho phép.

- Xây dựng định mức ăn ở riêng cho khách mời của các đoàn FAMTRIP, PRESSTRIP vào Việt Nam, bổ sung kinh phí mua vé máy bay cho khách mời nếu cần thiết. Các đoàn FAMTRIP, PRESSTRIP vào Việt Nam theo cơ chế: phía bạn tự lo tiền vé máy bay quốc tế, phía Việt Nam đài thọ các dịch vụ trong nước như ăn, ở, đi lại. Hiện nay, định mức ăn ở cho khách mời của các đoàn FAMTRIP, PRESSTRIP đang áp dụng theo Thông tư số 57/2007/TT-BTC ngày 11/6/2007 của Bộ Tài chính về quy định chế độ chi tiêu đón tiếp khách nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam, chi tiêu tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam và chi tiêu tiếp khách trong nước. Theo thông tư này, mỗi một khách mời được chi tiền ở là 200.000đ, tiền ăn là 200.000đ mỗi ngày, định mức này là quá thấp. Vì mục đích của việc mời các đoàn FAMTRIP, PRESSTRIP vào Việt Nam là để quảng bá cho hình ảnh du lịch quốc gia, nhưng với định mức chi tiêu cho khách mời thấp như vậy sẽ không thể cung cấp cho họ những dịch vụ tốt, chắc chắn đánh giá của họ về du lịch Việt Nam không cao và hiệu quả của hoạt động quảng bá là không có, thậm chí có thể nói là sẽ có tác dụng ngược lại. Hơn nữa, trong các trường hợp cần thiết, đặc biệt là đối với các đoàn PRESSTRIP, nên bổ sung kinh phí mua vé máy bay quốc tế cho khách mời. Việc đài

thọ tiền vé máy bay quốc tế sẽ là động lực cho các phóng viên báo chí, truyền hình đến, viết bài, đưa tin để quảng bá cho du lịch Việt Nam.

- Bổ sung thêm quy định hướng dẫn viên, cán bộ ngoại giao, cán bộ xúc tiến phía Việt Nam phải được hưởng một định mức, tiêu chuẩn nhất định để có thể đi cùng, ăn cùng, ở cùng các đoàn FAMTRIP, PRESSTRIP để có thể trao đổi thông tin, học hỏi kinh nghiệm một cách thuận lợi nhất. Hiện tại, các cán bộ đi cùng các đoàn FAMTRIP, PRESSTRIP chỉ được hưởng định mức tiền ăn, tiền ở theo chế độ công tác phí trong nước. Nhưng để có thể trao đổi thông tin, học hỏi kinh nghiệm một cách thuận lợi và có hiệu quả, các cán bộ này cần phải ăn, ở, đi cùng với đoàn.

Đối với các địa phương, cũng cần có những quy định về tỷ lệ đóng góp khi cùng tham gia các hoạt động xúc tiến tại thị trường nước ngoài.

Nên có cơ chế huy động các nguồn kinh phí khác cho hoạt động xúc tiến du lịch như: thành lập quỹ xúc tiến du lịch với nguồn đóng góp là của các doanh nghiệp kinh doanh du lịch hàng năm tính theo tỷ lệ doanh thu. Với quỹ này có thể chi cho việc đài thọ cho các doanh nghiệp khi tham gia các sự kiện để không phải sử dụng quá nhiều nguồn vốn ngân sách Nhà nước.

Đối với thị trường Trung Quốc, kinh phí xúc tiến du lịch hàng năm trung bình vào khoảng 1 tỷ đồng (tương đương với 60.000 USD). Với một thị trường lớn, đầy tiềm năng như Trung Quốc, mức kinh phí trên là quá ít, không tương xứng. Tùy theo tính chất quan trọng của từng thị trường, cần phải có kế hoạch phân bổ kinh phí cho phù hợp.

Một phần của tài liệu Hoạt động xúc tiến du lịch Việt Nam tại Trung Quốc (Trang 74)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(121 trang)