Giải pháp về tổ chức bộ máy cơ quan xúc tiến du lịch

Một phần của tài liệu Hoạt động xúc tiến du lịch Việt Nam tại Trung Quốc (Trang 72 - 73)

Hiện nay, ở cấp trung ương, sau khi Tổng cục Du lịch sáp nhập với Bộ Văn hoá và Uỷ ban Thể dục Thể thao thành Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, cục Xúc tiến Du lịch thuộc Tổng cục Du lịch được đổi tên thành Vụ Thị trường Du lịch. Công tác xúc tiến du lịch quốc gia ngoài Vụ Thị trường Du lịch, còn được giao cho một số đơn vị khác như Vụ Lữ hành - Tổng cục Du lịch, Cục Hợp tác Quốc tế - Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch... Do đó, công tác xúc tiến du lịch quốc gia không được tập trung vào một đầu mối. Để tăng cường hiệu quả của các hoạt động xúc tiến du lịch nên thành lập lại cục Xúc tiến Du lịch thuộc Tổng cục Du lịch và cục Xúc tiến Du lịch là cơ quan chính thực hiện công tác xúc tiến hình ảnh du lịch quốc gia.

Cục Xúc tiến Du lịch sẽ thực hiện cả hai chức năng: quản lý nhà nước trong lĩnh vực du lịch và tổ chức thực hiện các hoạt động tác nghiệp. Cục Xúc tiến Du lịch nên có tài khoản và con dấu riêng.

Cơ quan xúc tiến ở địa phương cũng cần được hoàn thiện theo mô hình trên. Với một hệ thống xúc tiến du lịch thống nhất từ trung ương đến địa phương, việc chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ, phối kết hợp trong các hoạt động xúc tiến du lịch sẽ dễ dàng, thuận lợi và đem lại hiệu quả cao hơn.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục tuyển dụng, đào tạo và chọn lọc đội ngũ cán bộ làm công tác xúc tiến du lịch. Nguồn nhân lực xúc tiến du lịch hiện nay còn thiếu, trình độ chuyên môn, ngoại ngữ không đồng đều, tính chuyên nghiệp chưa cao. Đặc biệt đối với thị trường du lịch Trung Quốc, thiếu cán bộ biết ngoại ngữ tiếng Trung, am hiểu về đất nước và con người Trung Quốc, có nghiệp vụ và trình độ chuyên môn. Trình độ của cán bộ xúc tiến du lịch ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả của công tác xúc tiến. Vì vậy, việc tăng cường về số lượng, cải tiến về chất lượng của đội ngũ cán bộ làm công tác xúc tiến là rất cần thiết.

Một phần của tài liệu Hoạt động xúc tiến du lịch Việt Nam tại Trung Quốc (Trang 72 - 73)