MỘT SỐ GIẢI PHÁP VÀ KHUYẾN NGHỊ NHẰM ĐẨY MẠNH HOẠT ĐỘNG XÚC TIẾN DU LỊCH VIỆT NAM TẠI TRUNG QUỐC

Một phần của tài liệu Hoạt động xúc tiến du lịch Việt Nam tại Trung Quốc (Trang 67)

HOẠT ĐỘNG XÚC TIẾN DU LỊCH VIỆT NAM TẠI TRUNG QUỐC 3.1. Cơ sở để đưa ra các giải pháp

* Định hướng, quan điểm chung của Việt Nam về công tác xúc tiến du lịch "Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn 2001 – 2010" được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 97/2002/QĐ-TTg ngày 22/7/2002, trong đó mục tiêu chung của phát triển du lịch Việt Nam là "Phát triển du lịch trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn trên cơ sở khai thác có hiệu quả lợi thế về điều kiện tự nhiên, sinh thái, truyền thống văn hoá - lịch sử, huy động tối đa nguồn lực trong nước và tranh thủ sự hợp tác, hỗ trợ quốc tế, góp phần thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Từng bước đưa nước ta trở thành một trung tâm du lịch có tầm cỡ khu vực, phấn đấu sau năm 2010, du lịch Việt Nam được xếp vào nhóm quốc gia có ngành du lịch phát triển trong khu vực" – chính là căn cứ pháp lý quan trọng thúc đẩy du lịch Việt Nam phát triển. [7, tr.113]

Theo định hướng về phát triển thị trường du lịch của Việt Nam, có 4 nhóm thị trường cần xúc tiến là: thị trường xa gồm các thị trường Anh, Mỹ, Pháp, Đức, Úc; thị trường gần gồm các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc; thị trường ASEAN gồm các quốc gia trong ASEAN; thị trường mới nổi gồm thị trường Nga, các nước Bắc Âu. Đối với mỗi thị trường, du lịch Việt Nam sẽ có những hình thức xúc tiến khác nhau. Đối với thị trường xa cần phải khôi phục lại nguồn khách, đầu tư quảng bá thu hút khách; đối với thị trường gần cần xúc tiến để tăng lượng khách đến, chi phí cho quảng bá không nhiều như thị trường xa; đối với thị trường mới thì tiếp cận, nghiên cứu và có chính sách thu hút khách một cách phù hợp. Việc xác định các nhóm thị trường như vậy sẽ giúp cho việc hoạc định kế hoạch xúc tiến du lịch Việt Nam được tiến hành một cách dễ dàng, thuận lợi hơn.

Công tác xúc tiến du lịch Việt Nam hiện nay bước đầu đạt được một số kết quả nhất định, song so với các nước trong khu vực thì hoạt động xúc tiến du lịch Việt Nam còn quá khiêm tốn về quy mô, mức kinh phí và đặc biệt là tính chuyên nghiệp. Trong thời gian tới, cần đẩy mạnh xúc tiến du lịch với các hình thức linh hoạt; phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành; tranh thủ hợp tác quốc tế trong hoạt động xúc tiến du lịch ở trong và ngoài nước, từng bước tạo dựng và nâng cao hình ảnh du lịch Việt Nam trên trường quốc tế; nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành và của nhân dân về vị trí, vai trò của du lịch trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Trong bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, môi trường cạnh tranh ngày càng gay gắt, để đạt được mục tiêu phát triển đã đề ra, du lịch Việt Nam phải tạo ra bước đột phá, thay đổi về chất trong hoạt động xây dựng sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ và xúc tiến.

Yêu cầu đặt ra đối với hoạt động xúc tiến du lịch Việt Nam trong thời gian tới là: - Tăng cường quy mô của các hoạt động xúc tiến du lịch: bao gồm tăng số lượng các hội chợ, triển lãm du lịch, roadshow, hội nghị, hội thảo chuyên đề du lịch mà Việt Nam tổ chức, tham gia tổ chức; tăng diện tích gian hàng, tăng cường các hoạt động bổ trợ tại hội chợ, triển lãm; tăng tần suất, diện tích quảng cáo trên báo chí, tryền hình; mở rộng tuyên truyền quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng. Yêu cầu mở rộng quy mô gắn liền với nguồn kinh phí, cơ chế tài chính và năng lực thực hiện của cơ quan xúc tiến du lịch.

- Nâng cao tính chuyên nghiệp trong các hoạt động xúc tiến du lịch bao gồm: + Xây dựng kế hoạch: việc xây dựng chiến lược, chương trình, kế hoạch xúc tiến dài hạn, ngắn hạn, xác định phân đoạn thị trường, định hướng sản phẩm phải được thực hiện trên cơ sở nghiên cứu thị trường một cách nghiêm túc, bài bản. Các chương trình, kế hoạch xúc tiến này cần được công bố sớm và công khai với các địa phương, các doanh nghiệp du lịch để có thể xây dựng kế hoạch phối hợp kịp thời.

+ Tổ chức các hoạt động xúc tiến du lịch: tính chuyên nghiệp được thể hiện qua cách thức tổ chức công việc và nội dung thông tin cung cấp trong các hoạt động xúc tiến du lịch. Ngôn ngữ quảng cáo là một ngôn ngữ đặc biệt, vì vậy, khi quảng cáo sản phẩm cho người nước ngoài thì cũng cần được nhìn nhận qua con mắt của người nước ngoài. Việc tổ chức tham gia hội chợ, hội thảo, roadshow du lịch phải được chuẩn bị kỹ lưỡng từ nội dung đến hình thức sao cho có thể chuyển tải được nhiều thông điệp nhất, gây ấn tượng nhất đến khách du lịch tiềm năng, tạo ra mong muốn đi du lịch Việt Nam và thúc đẩy mong muốn đó thành hành động cụ thể. Tính chuyên nghiệp còn thể hiện trong cả việc sử dụng âm thanh, hình ảnh, xử lý kỹ thuật trong các đoạn phim quảng bá. Ngôn ngữ, hình ảnh sử dụng trong các ấn phẩm, vật phẩm xúc tiến du lịch phải chuẩn xác, phù hợp với thị hiếu của khách du lịch tiềm năng muốn thu hút. Tính chuyên nghiệp còn thể hiện ở việc nghiên cứu, tổ chức liên hoàn các sự kiện, các hoạt động tại cùng một thị trường để tăng tính hiệu quả của hoạt động xúc tiến, tránh sự dàn trải trong việc tổ chức các hoạt động xúc tiến.

+ Điều phối, huy động các nguồn lực để thực hiện các hoạt động xúc tiến du lịch quốc gia: hoạt động xúc tiến du lịch quốc gia không thể đạt được hiệu quả cao nếu chỉ do Tổng cục Du lịch thực hiện và chỉ bằng nguồn ngân sách nhà nước mà phải huy động được sự tham gia của các ngành như giao thông, văn hoá, thương mại, ngoại giao, các địa phương, các tổ chức xã hội nghề nghiệp như Hiệp hội Du lịch và các doanh nghiệp du lịch và liên quan đến du lịch.

Bên cạnh đó, một vấn đề hết sức quan trọng, mang tính quyết định đối với việc nâng cao tính chuyên nghiệp trong các hoạt động xúc tiến du lịch, đó là yếu tố con người. Để có thể nâng cao tính chuyên nghiệp trong các hoạt động xúc tiến du lịch thì trước hết cần phải nâng cao trình độ và tính chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ làm công tác xúc tiến du lịch bao gồm cả trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, thái độ ứng xử... và kinh nghiệm tổ chức các hoạt động xúc tiến du lịch.

* Xu hướng phát triển của thị trường khách du lịch Trung Quốc

Kinh tế phát triển, người dân Trung Quốc sẽ ngày càng có thời gian nghỉ ngơi dành cho nhu cầu du lịch nhiều hơn. Tuy nhiên, hiện nay, chủ yếu người Trung Quốc khi đi du lịch vẫn chọn các tour du lịch ngắn ngày và thích đi du lịch theo nhóm, gia đình. Vì vậy, thời gian cho chuyến đi phụ thuộc vào những người trong gia đình hiện vẫn đang đi làm việc nên bị hạn chế về thời gian đi nghỉ.

Hiện nay, Chính phủ Trung Quốc đang áp dụng chế độ nghỉ phép trong năm: làm việc 20 năm được nghỉ 20 ngày/1 năm, làm việc 15 năm được nghỉ 15 ngày /1 năm. Đối với chính sách hưu trí, chính phủ Trung Quốc vẫn áp dụng chế độ nghỉ hưu trong đó quy định đối với nam giới là 60 tuổi, đối với nữ giới là 55 tuổi. Hiện nay, mỗi năm, Trung Quốc có 115 ngày nghỉ lễ bao gồm: 5 kỳ nghỉ lễ 3 ngày (Tết dương lịch – 01/01, Tết thanh minh, Quốc tế Lao động – 01/5, Lễ hội Thuyền rồng, Tết trung thu); 2 tuần lễ vàng (Tết nguyên đán cổ truyền và Ngày Quốc khánh – 01/10)...., trong đó đáng chú ý là kỳ nghỉ tết nguyên đán cổ truyền và nghỉ lễ quốc khánh Trung Quốc, đây là dịp để người dân đi du lịch.

Trung Quốc, với dân số hơn 1,3 tỷ người, là thị trường du lịch tiềm năng lớn đối với du lịch Việt Nam nói riêng và với du lịch các nước trên thế giới nói chung. Mặc dù đã có những cải thiện đáng kể về mức thu nhập bình quân đầu người nhưng đến nay, phần lớn người dân Trung Quốc vẫn có thu nhập không cao, nhu cầu đi du lịch còn hạn chế hoặc chỉ mới dừng lại ở nhu cầu đi du lịch trong nước. Những đối tượng có đủ điều kiện để thoả mãn nhu cầu đi du lịch nước ngoài với mức chi trả cao để đi tới những điểm du lịch xa xôi như Mỹ, Châu Âu, chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn, nơi có thu nhập bình quân cao hơn nhiều so với mặt bằng chung của cả nước. Vì vậy, trong thời gian tới, thị trường du lịch outbound Trung Quốc sẽ chỉ có tiềm năng đối với các nước láng giềng, những nước có thể cung cấp những tour ngắn ngày, giá cả phù hợp với nhiều người dân lao động có nhu cầu đi du lịch ra khỏi biên giới nhưng khả năng chi trả không cao, chỉ đi du lịch tới các điểm du lịch gần nằm trong khu vực. Điều này

cũng thể hiện trong chính sách du lịch của Trung Quốc với 134 nước trong danh mục điểm đến (tính đến hết tháng 12/2007) do chính phủ Trung Quốc quy định thì hầu hết các nước trong khu vực Đông Á – Thái Bình Dương có mặt.

Tháng 6 năm 2000, CNTA đã công bố một loạt các quy định pháp luật liên quan đến du lịch, trong đó có cân nhắc một số nước Tây Âu để đưa vào danh sách các nước là điểm du lịch của du khách Trung Quốc sau khi Trung Quốc trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Theo dự đoán của WTO, cùng với tốc độ phát triển chung của ngành du lịch, sẽ có ngày một nhiều hãng lữ hành hoạt động kinh doanh đưa người Trung Quốc đi du lịch nước ngoài để đáp ứng nhu cầu 100 triệu người Trung Quốc đi du lịch nước ngoài hàng năm vào những năm của thập kỷ 20 của thế kỷ XXI này. Đến hết tháng 12 năm 2007, số lượng các hãng lữ hành được phép đưa công dân Trung Quốc đi du lịch nước ngoài đã tăng lên tới 800 hãng.

Hiện nay có rất nhiều nước, đặc biệt là các nước trong khu vực đã nhận thấy tiềm năng của thị trường khách Trung Quốc nên đã từng bước thiết lập các quan hệ để khai thác khách du lịch Trung Quốc, đặc biệt là Thái Lan, Hàn Quốc và Nhật Bản. Với những chính sách xây dựng sản phẩm, tạo điều kiện đi lại, tạo điều kiện để các hãng du lịch nước mình thiết lập quan hệ kinh doanh với các hãng lữ hành Trung Quốc, đồng thời với việc thực hiện các chương trình xúc tiến, quảng bá, các nước này đã tiến hành từng bước tăng thị phần của mình trong thị trường đi du lịch nước ngoài của Trung Quốc.

Căn cứ vào thực trạng hoạt động xúc tiến du lịch Việt Nam tại Trung Quốc; định hướng, quan điểm chung của Việt Nam về công tác xúc tiến du lịch; xu hướng phát triển của thị trường khách du lịch Trung Quốc và các bài học kinh nghiệm trong công tác xúc tiến du lịch đối với thị trường Trung Quốc của một số nước trên thế giới, hoạt động xúc tiến du lịch Việt Nam tại Trung Quốc có thể được đẩy mạnh thông qua các giải pháp cụ thể sau:

Một phần của tài liệu Hoạt động xúc tiến du lịch Việt Nam tại Trung Quốc (Trang 67)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(121 trang)