Điều kiện kinh tế xã hội các xã vùng đệm

Một phần của tài liệu Đánh giá vai trò của cộng đồng trong công tác quản lý và bảo tồn đa dạng sinh học tại vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà (Trang 38)

VQG Bidoup – Núi Bà nằm trên địa bàn 5 xã của huyện Lạc Dương, gồm: thị trấn Lạc Dương, xã Lát, Đưng Knớ, Đạ Sar, Đạ Chais và Đạ Nhim và một phần nhỏ xã Đạ Tông, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng. Toàn bộ các xã đều nằm ở vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn, có diện tích lớn và dân cư thưa thớt. Tổng diện tích của 7 xã là 145.321 ha, tổng số hộ là 5.067 hộ với 26.028 nhân khẩu.

Hầu hết dân cư đều nằm ngoài vùng lõi của VQG (96,2 %). Tuy nhiên vẫn còn một số ít đang sống trong vùng lõi gồm 193 hộ với 942 nhân khẩu. Số hộ này tập trung tại 2 thôn là: thôn Klong Klanh (147 hộ với 677 nhân khẩu) và thôn Đưngksi (46 hộ với 265 nhân khẩu) của xã Đạ Chais. Ngoài ra, tại xã Đa Sar và xã Đa Nhim (khu vực Đưng Ja Giêng) vẫn còn có 27 hộ gia đình tuy không định cư cố định nhưng vẫn còn có các hoạt động canh tác nông nghiệp với diện tích khoảng 20 ha.

Trên địa bàn nghiên cứu thì dân tộc K’Ho (gồm bộ tộc người Cill chủ yếu sống ở các xã: Đạ Chais, Đa Nhim, Đa Sar, Đưng K’nớ và bộ tộc người Lạch chủ yếu ở xã Lát) là dân tộc bản địa lớn nhất với 3.421 hộ, chiếm 67,5 %, còn lại là 1.074 hộ dân tộc Kinh chiếm 21,2 % và M’nông với 572 hộ chiếm 11,3 %.

- Dân trí

Theo kết quả tổng điều tra dân số huyện Lạc Dương tháng 4 năm 2009 thì trên toàn huyện có 99,5 % dân số đã học đến cấp 1; 96,8 % đã học đến cấp 2 và 9,1 % học đến cấp 3. Tuy nhiên, trong quá trình phỏng vấn chúng tôi thấy rằng có rất nhiều người không biết đọc, biết viết thậm chí là không biết nói tiếng phổ thông

- Lao động

Nguồn lao động là khá lớn (có 8.900 lao động chiếm 62,49 % dân số đang trong tuổi lao động, trong đó, nam là 4.313 người và nữ là 4.587 người), số người ngoài độ tuổi lao động là 5.342 người chiếm 37,51 %. Tuy nhiên hầu hết lao động đều là lao động phổ thông chưa được đào tạo nghề, công việc chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, đánh bắt cá, tham gia tổ giao khoán quản lý bảo vệ rừng, làm thuê theo thời vụ.

- Giới

Phụ nữ chiếm 48,67 % tổng dân số của 5 xã. Phụ nữ người K’Ho thường sinh rất nhiều con và làm chủ gia đình (theo chế độ mẫu hệ). Họ có quyền kiểm soát các nguồn lực của gia đình như đất đai, vật nuôi, tiền bạc. Họ tham gia vào hầu hết các hoạt động kinh tế bao gồm cả các công việc nặng nhọc cần nhiều cơ bắp như làm rẫy, lấy củi và họ cũng là người chăm lo con cái, chăm lo bữa cơm trong gia đình. Trong gia đình, họ thường đóng vai trò là chủ hộ, nhưng trên thực tế việc quyết định sử dụng mua bán tài sản trong gia đình lại do người đàn ông quyết định. Ngoài ra, do trình độ dân trí thấp hơn, khả năng nói tiếng phổ thông kém, ít khi được đi chợ huyện, chợ tỉnh nên phụ nữ K’Ho thường ngại tiếp xúc với người ngoài. Do đó, họ hầu như không tham gia các chương trình tập huấn, khuyến nông, khuyến lâm để nắm bắt thông tin về sản xuất, thị trường, cuộc sống chính trị xã hội.

- Sinh kế

Nguồn thu nhập chính của các hộ trong vùng chủ yếu từ nông nghiệp (chiếm khoảng 87 % tổng thu nhập). Trong đó cà phê và bắp là 2 nguồn thu nhập chính. Song hầu hết các hộ có diện tích đất nông nghiệp rất ít, nhập lượng cho nông nghiệp thấp (phân bón, nước tưới, thuốc bảo vệ thực vật) kỹ thuật canh tác yếu, nguồn giống không đảm bảo nên năng suất cây trồng rất thấp, cộng với chi phí sản xuất cao nên tiền lãi hàng năm rất thấp, thậm chí còn bị lỗ.

Ngoài nguồn thu từ sản xuất nông nghiệp nguồn thu từ nhận khoán BVR cũng là nguồn thu quan trọng của các hộ. Đối với các hộ được chi trả dịch vụ môi trường với mức 290.000 đồng/ha/năm hàng quý có thể được nhận tới 3 triệu đồng, thậm chí còn cao hơn. Đối với các vùng không được chi trả dịch vụ môi trường thì hưởng theo chương trình 30a. Tổng kinh phí chi trả cho người dân để quản lý bảo vệ rừng của vườn quốc gia Bidoup Núi Bà lên đến 8 tỉ trong năm 2009.

- Sự phụ thuộc vào rừng

Với gần 30 % số hộ gia đình có thu nhập dưới 200.000 đồng/tháng, trong năm thường thiếu ăn 1 - 2 tháng, nguồn thu nhập chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp (83,4 %), gia đình thường đông con, trình độ dân trí rất thấp nên cuộc sống của hầu hết các hộ trong vùng là phụ thuộc vào rừng.

Các loại sản phẩm mà người dân có từ rừng là: Gỗ, củi, nấm, hạt dẻ, dớn, lan, măng, rau rừng và đốt than. Ngoài ra, họ còn săn bẫy chim thú để làm thực phẩm và bán lấy tiền. Trong đó được xếp quan trọng nhất là củi, kế đến là gỗ và thực phẩm như măng, rau rừng (Bộ NN & PTNT, 2009).

Một phần của tài liệu Đánh giá vai trò của cộng đồng trong công tác quản lý và bảo tồn đa dạng sinh học tại vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà (Trang 38)