Nếu thiếu đi vai trò của cộng đồng dân cư thì bảo tồn ĐDSH khó đạt hiệu quả. Thực tế cho thấy, kiểm lâm gặp nhiều khó khăn trong công tác bảo vệ rừng bởi lẽ rừng có nhiều cửa, không có rào chắn nên việc ngăn chặn hành vi vi phạm không hề dễ dàng. Mặt khác, theo quy định của Luật bảo vệ và phát triển rừng, tại các khu bảo tồn quốc gia, mỗi kiểm lâm sẽ có trách nhiệm bảo vệ tương đương với 500 ha rừng. Rõ ràng, việc một cán bộ kiểm lâm quán xuyến hết một diện tích lớn như vậy thực sự là thách thức đối với họ.
Hơn nữa, tất cả những khu vực có giá trị ĐDSH cao bao gồm các khu vực rừng nguyên sinh đều có dân cư sinh sống. Người dân nhờ có ĐDSH mà tồn tại và phát triển, do đó việc cộng đồng dân cư tham gia trực tiếp vào quản lý, kiểm tra bảo vệ rừng sẽ góp phần quan trọng phát hiện những hành vi vi phạm như khai thác gỗ lậu hay buôn bán trái phép động vật hoang dã.
Điều đó đòi hỏi phải gắn kết công tác bảo tồn với sinh kế của người dân để việc bảo tồn ĐDSH đạt hiệu quả và người dân vẫn duy trì được cuộc sống của mình. Trên thực tế, nỗ lực bảo tồn ĐDSH ở nước ta thời gian qua đã có những chuyển biến tích cực với những sáng kiến, mô hình dựa vào cộng đồng. Thậm chí có những mô hình được duy trì nhiều năm đơn cử như việc quản lý rừng thiêng của đồng bào dân tộc miền núi hay mô hình quản lý rừng ngập mặn của cộng đồng ven biển, sáng kiến xây dựng mô hình cộng đồng tham gia khu bảo tồn. Điều đáng nói là có những địa phương người dân tự đứng ra tổ chức mô hình thôn xóm bảo vệ rừng đơn cử như khu bảo tồn ở vườn quốc gia Xuân Sơn, tỉnh Phú Thọ.
Tại KBTTN Kon Ka Kinh và Kon Cha Răng, phần thu từ nhận khoán QLBVR đã góp phần tăng thêm thu nhập cho đời sống cộng đồng người dân địa phương sống gần rừng (Nhóm công tác tỉnh Gia Lai, 2002).
Các khu rừng đặc dụng tỉnh Thừa Thiên Huế, thông qua các hoạt động trồng rừng, nhận khoán BVR, hỗ trợ cây giống đã tạo công ăn việc làm, từ đó làm tăng thu nhập cho người dân, có 61 % số hộ tham gia đã cải thiện được đời sống vật chất. Thông qua định hướng của VQG Bạch Mã, người dân tại các xã cũng đã tham gia vào hoạt động DLST bằng cách khai thác, đầu tư và thực hiện các dịch vụ, điển hình là các khu DLST Nhị Hồ (xã Lộc Trì), Suối Tiên (xã Lộc Thủy), Suối Mơ (xã Lộc Hải), Thác Trượt (xã Hương Phú). Trong đó, khu DLST Nhị Hồ đã được người dân địa phương đầu tư và đưa vào hoạt động trong thời gian 2 năm tạo điều kiện tăng thu nhập cho hơn 30 hộ gia đình. Những hộ này trước đây chuyên sống dựa vào rừng bằng các hoạt động khai thác gỗ, củi, săn bẫy động vật rừng trái phép (Nhóm công tác tỉnh Thừa Thiên Huế, 2002).
Tại VQG Phong Nha – Kẻ Bàng, sự tham gia của cộng đồng địa phương chủ yếu là hoạt động thuyền. Vào mùa cao điểm khoảng hơn 600 người từ địa phương được hưởng lợi từ hoạt động vận chuyển du khách bằng thuyền riêng lẻ. Có khoảng 100 người bán thức ăn và kinh doanh đồ uống (Kennedy, 2011).
Tại VQG Hoàng Liên, tuyến đi bộ leo núi lên đỉnh Fansipan có hơn 100 người địa phương làm công việc khuân vác là 50 người là hướng dẫn viên địa phương, bao gồm cả nhân viên của vườn quốc gia. Cộng đồng được nhận khoảng 40 % doanh thu thu được từ lộ trình này thông qua nấu nướng, khuân vác và cung cấp tiện nghi (lều). Vườn quốc gia đã bồi dưỡng năng lực cho người dân địa phương thông qua 2 khóa tập huấn, bao gồm cho cả đồng bào dân tộc (Kennedy, 2011).
Xã Phú Lệ, xã Phú Thanh (KBTTN Pù Luông, Thanh Hóa), hoạt động du lịch đã góp phần cải thiện đời sống của cộng đồng và tăng thêm thu nhập cho người dân, góp phần giảm bớt đáng kể những tác động của cộng đồng tới rừng như săn bắn, chặt cây… 10 % thu nhập từ hoạt động du lịch được trích nộp vào “Quỹ thôn bản” để sử dụng cho các hoạt động bảo vệ môi trường thôn bản bao gồm cả chi trả thù lao cho nhóm cộng đồng tuần tra bảo vệ KBT (Kennedy, 2011).
Tại VQG Tràm Chim, dự án bảo tồn đất ngập nước có sự tham gia của cộng đồng phục vụ xoá đói giảm nghèo, bảo tồn đất ngập nước, quản trị tốt tài nguyên thiên nhiên và tránh mâu thuẫn cộng đồng đã được thực hiện từ năm 2008, dự án khuyến khích những người tham gia xây dựng kế hoạch quản lý sử dụng tài nguyên thiên nhiên theo hướng dẫn của Ban quản lý VQG, và vận dụng linh hoạt kiến thức bản địa. Việc tiếp cận hợp pháp tài nguyên thiên nhiên trong VQGTC đã tạo một nguồn thu nhập thiết yếu đối với người nghèo. Trong năm 2009, sau hai năm thử nghiệm đồng quản lý tại VQGTC, hộ tham gia nhận được từ 30.000 đến 50.000 đồng cho một ngày đánh cá (VQGTC 2010). Mỗi hộ tham gia thu nhập thêm được khoảng 1,3 triệu đồng/tháng. Việc công nhận vai trò của người dân trong tiếp cận với nguồn tài nguyên rừng nhằm mục tiêu xóa đói giảm nghèo và tạo điều kiện cho họ tham gia thảo luận, góp ý kiến cho các hoạt động quản lý đã giúp giảm căng thẳng giữa người dân địa phương và Ban quản lý vườn và giúp việc quản lý vườn được hiệu quả hơn (Lại Tùng Quân, 2011).
Thách thức
Bước đầu thuận lợi không có nghĩa là thiếu đi những khó khăn, thách thức trong công tác bảo tồn ĐDSH dựa vào cộng đồng. Cái khó nhất hiện nay là phải làm sao khuyến khích, huy động được người dân tham gia tích cực để họ thấy được những lợi ích thực sự từ hoạt động thiết thực đó. Chính phủ mới bắt đầu đi vào thử nghiệm chia sẻ lợi ích trong hoạt động quản lý bền vững các khu đặc dụng, các khu bảo tồn do đó việc huy động và bảo đảm sự tham gia rộng rãi của cộng đồng là không hề dễ dàng.
Lợi ích cộng đồng đã được hô hào từ rất lâu song nếu không chỉ ra được quyền lợi của họ thì việc huy động sức dân trong công tác bảo tồn thực sự là thách thức lớn. Điều đáng nói là cho tới nay vẫn còn nhiều người nhầm lẫn giữa trách nhiệm và quyền của người dân khi tham gia bảo vệ rừng cũng như bảo tồn ĐDSH. Vấn đề cốt lõi là những nhà quản lý cần có cách nhìn thoáng hơn, trao cho cộng đồng nhiều quyền hơn là quy trách nhiệm cần phải làm.