Xâm lấn đất rừng canh tác

Một phần của tài liệu Đánh giá vai trò của cộng đồng trong công tác quản lý và bảo tồn đa dạng sinh học tại vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà (Trang 71)

KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN

3.1.5.3. Xâm lấn đất rừng canh tác

Truyền thống đốt rừng làm rẫy của người Cil cũng đa dạng. Sinh kế của họ là phát nương làm rẫy trồng bắp, lúa nhưng chỉ làm rẫy ở ven sông, suối chứ không phát rẫy ở rừng già. Hiện nay, tình trạng du canh du cư của cộng đồng thông qua các chương trình định canh định cư đã được kiểm soát nhưng người dân vẫn tiếp tục canh tác trên đất rẫy cũ của họ đã bị quy hoạch là đất lâm nghiệp. Tình trạng một số hộ lấn chiếm đất rừng sau đó bán lại cho người Kinh vẫn còn xảy ra. Phá rừng trồng cà phê là một trong các nguyên nhân chính làm diện tích rừng trong vùng bị suy giảm. Công tác phân định ranh giới đất giữa nông nghiệp và lâm nghiệp trên địa bàn cũng chưa hoàn thiện nên gây không ít khó khăn cho đơn vị chủ rừng trong công tác quản lý bảo vệ rừng. Theo nhận định của người dân ở các thôn cách thức quản lý của VQG Bidoup – Núi Bà và BQL rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim đều theo các quy định chung, nhưng hiệu quả quản lý của VQG tốt hơn. VQG kiên quyết giải tỏa đất lấn chiếm vào rừng bên phía vườn, người dân bị giải tỏa không còn tái phạm. Nhưng trong địa phận của BQL rừng phòng hộ Đa Nhim thì các diện tích lấn chiếm không giải tỏa được, hoặc có giải tỏa thì người dân lại lấn chiếm ở nơi khác.

Bảng 3.11. Hiện trạng đất nông nghiệp của ba thôn xã Đa Nhim, năm 2013

Loại đất Diện tích năm 2010 (ha) Diện tích năm 2013 (ha) Diện tích tăng thêm (ha) % tăng thêm so với năm 2010 1. Đất nông nghiệp 618,71 693,77 75,06 12,13

1.1. Ruộng lúa nước 9,36 16,01 6,65 71,05

1.2. Đất cây hàng niên 83,74 71,76 -11,98 -

1.3. Đất cây đa niên 337,93 402,16 64,23 19,01

1.4. Đất nương rẫy 187,68 203,84 16,16 8,61

2. Đất thổ cư 10,84 13,41 2,57 23,71

3. Đất chuyên dùng 34,48 43,11 8,63 25,03

Tổng diện tích 664,03 750,29 86,26 12,99

Số liệu ở Bảng 3.11 cho thấy tổng diện tích đất năm 2013 đã tăng thêm 86,26 ha (chiếm 12,99 %) so với diện tích đất năm 2010. Điều đáng lưu ý là diện tích ruộng lúa nước năm 2013 tăng 6,65 ha (tăng thêm 71,05 %) so với diện tích năm 2010, tiếp đến là đất trồng cây lâu năm (cà phê, hồng) năm 2013 tăng 64,23 ha (tăng

thêm 19,01 %) so với diện tích đất năm 2010 cho thấy diện tích đất khai phá thêm trong xã chủ yếu là ruộng lúa nước và đất trồng cây lâu năm.

Thảo luận:

- Truyền thống của người Cil chỉ làm rẫy ở ven sông, suối chứ không phát rẫy ở rừng già. Rừng già được cộng đồng cùng giữ gìn. Do đó, những cây gỗ lớn trong rừng vẫn được bảo tồn tốt, góp phần bảo vệ môi trường. Hiện nay, đất rẫy cũ của họ đã bị quy hoạch thành đất lâm nghiệp. Việc xem rừng không còn thuộc phạm vi quản lý của làng nữa khiến cho quy ước bảo vệ rừng của làng xưa kia bị mất đi.

- Người dân đang đứng trước thực trạng thiếu đất sản xuất nên họ lại phá rừng để trồng cà phê đã làm cho tài nguyên đa dạng sinh học của vườn quốc gia bị suy giảm. Đất canh tác ít là nguyên nhân chính của nghèo đói; nghèo đói là nguyên nhân chính của phá rừng. Theo các qui định về quản lý bảo vệ rừng thì đây là hoạt động trái pháp luật nên xảy ra xung đột giữa người dân và các chủ rừng. Đây cũng là mâu thuẫn cơ bản giữa bảo tồn và phát triển không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước trên thế giới.

Một phần của tài liệu Đánh giá vai trò của cộng đồng trong công tác quản lý và bảo tồn đa dạng sinh học tại vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà (Trang 71)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(167 trang)
w