Phá giá nhẹ đồng Việt Nam.

Một phần của tài liệu Khóa luận tốt nghiệp: Một số đề xuất hoàn thiện chính sách tỷ giá hối đoái nhằm thúc đẩy hoạt động xuất khẩu ở Việt Nam (Trang 80)

MỘT SỐ ĐỀ XUẤT HOÀN THIỆN CHÍNH SÁCH TỶ GIÁ NHẰM THÚC ĐẨY HOẠT ĐỘNG XUẤT KHẨU Ở VIỆT NAM

3.2.4 Phá giá nhẹ đồng Việt Nam.

Nền kinh tế Việt Nam hiện đang ở tình trạng vừa thâm hụt cán cân tài khoản vãng lai vừa có tình trạng thất nghiệp cao. Một chính sách giảm giá nhẹ đồng Việt Nam sẽ có tác dụng tích cực trong việc cải thiện đồng thời cả cân bằng bên trong và cân bằng bên ngoài: khuyến khích xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu, tăng việc làm, tăng sản lượng và thu nhập của nền kinh tế trong khi vẫn kiềm chế lạm phát ở mức thấp.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, việc phá giá mạnh đồng nội tệ là không thực tế. Mặc dù phá giá sẽ làm cho hàng hoá trong nước rẻ tương đối so với hàng ngoại, nghĩa là tăng sức cạnh tranh, nhưng nếu phá giá mạnh thì hậu quả để lại là khôn lường, cụ thể như sau:

Thứ nhất, hiện nay uy tín của đồng Việt Nam chưa được khẳng định vững chắc, do đó phá giá mạnh sẽ gây tâm lí hoang mang và tạo điều kiện cho tình trạng găm giữ, đầu cơ ngoại tệ phát triển, đồng thời làm cho tình trạng “ Đô la hóa” trở nên trầm trọng hơn, trong khi đó uy tín và khả năng của Chính Phủ trong điều hành chống lạm phát hiện nay chưa đủ sức để loại bỏ hết sự hoài nghi về khả năng khống chế lạm phát và làm chủ tình hình. Hệ quả tất yếu sẽ đẩy lạm phát lên cao, gây tâm lý e ngại cho các nhà đầu tư (nhất là đầu tư nước ngoài) và có thể dẫn đến gây mất ổn định nền kinh tế - xã hội.

Thứ hai, mặc dù chính sách tỷ giá thời gian qua có ảnh hưởng tích cực đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam, nhưng mức độ ảnh hưởng còn rất hạn chế. Lý do là, hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ lực chủ yếu là hàng nông sản,

dầu thô, các sản phẩm thô và nguyên liệu chỉ qua sơ chế, cộng với chất lượng và năng suất thấp. Những mặt hàng này có độ có giãn theo giá thấp, do vậy ít nhạy cảm với biến động của tỷ giá. Mặt khác, Việt Nam là quốc gia mà việc sản xuất phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu( trên 80% là tư liệu sản xuất; tỷ trọng bán thành phẩm nhập khẩu phục vụ tái chế, gia công hàng xuất khẩu lớn), cho nên khi phá giá mạnh sẽ ảnh hưởng nhiều tới nhập khẩu, tăng chi phí đầu vào của nền kinh tế, do đó sẽ thu hẹp sản xuất trong nước và cũng thu hẹp khu vực sản xuất hàng xuất khẩu, dẫn đến thu hẹp xuất khẩu.

Thứ ba, kinh nghiệm một số nước cho thấy, mặc dù đồng nội tệ ở trạng thái lên giá so với USD, như đồng Yên của Nhật năm 1995 tăng lên mức 89 Yên/1USD và Nhật Bản đã không phá giá nhưng vẫn là nước xuất siêu. Như vậy, tỷ giá không phải là yếu tố duy nhất tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu và việc tăng tỷ giá (nếu thực hiện) chỉ là một biện pháp tình huống chứ không phải lâu dài.

Thứ tư, phá giá mạnh sẽ làm trầm trọng thêm gánh nặng nợ nước ngoài của Việt Nam. Việc phá giá mạnh sẽ gây khó khăn thêm cho các doanh nghiệp Nhà nước vốn dĩ đang trong tình trạng tài chính yếu kém, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp mà việc sản xuất phụ thuộc nhiều vào việc nhập khẩu số lượng lớn nguyên liệu đầu vào. Hậu quả của việc tăng gánh nặng nợ nần là dẫn đến nhiều doanh nghiệp bị phá sản, gây thất nghiệp và phản ứng dây chuyền đến nhiều ngành kinh tế khác. Mặt khác, việc nợ nước ngoài quá nhiều trong ngân sách Nhà nước còn có thể mang lại nhiều ảnh hưởng bất ổn trong vấn đề chính trị của đất nước.

Do đó trong điều kiện hiện nay, chính sách phá giá nhẹ đồng Việt Nam hiện nay là thích hợp, không những kích thích tăng trưởng kinh tế mà còn không gây tổn thương cho bất cứ đơn vị kinh tế nào, hạn chế tình trạng đầu cơ trên thị trường ngoại hối, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

Một phần của tài liệu Khóa luận tốt nghiệp: Một số đề xuất hoàn thiện chính sách tỷ giá hối đoái nhằm thúc đẩy hoạt động xuất khẩu ở Việt Nam (Trang 80)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(96 trang)
w